Dragon Age 2,
The Elder Scrolls V: Skyrim và
The Witcher 2 đều thuộc về trường phái game RPG phương Tây với phần lớn các yếu tố hệ thống được bắt nguồn từ
Dungeons & Dragons. Tuy nhiên, mỗi nhà phát triển của ba trò chơi này lại gần như thuộc về một trường phái thiết kế khác hẳn nhau - vì thế thật khó mà so sách chi tiết từng yếu tố. Để cho an toàn, chúng ta sẽ tiến hành phép thử choiwhai yếu tố cơ bản nhất của mọi trò chơi: cốt truyện và gameplay.
Phần 1: Cốt truyện
Dragon Age 2: Trong tựa game mới nhất của BioWare, chúng ta sẽ vào vai một nhân vật duy nhất: Hawke. Chàng trai này rời quê hương Lothering của mình và dần dần trở thành một chiến binh được xưng tụng là "Champion of Kirkwall".
Cả câu chuyện sẽ được dẫn dắt bởi một người lùn có tên là Varric, một nhân vật được thiết kế theo mẫu các người kể chuyện rong - thường xuyên phóng đại các tình tiết của mỗi trường đoạn bằng lời thoại dưới giọng văn cổ. Đây là một câu chuyện kéo dài đến 10 năm - nghĩa là có đủ tiềm năng cho mọi kiểu phát triển nhân vật.
Cách thiết kế cốt truyện này có rất nhiều ưu điểm và nhược điểm - chúng ta sẽ tìm hiểu rõ hơn ở phần 3.
Skyrim: Cốt truyện của
The Elder Scrolls V bám sát vào hệ thống gốc của series và không phải là câu chuyện tiếp theo của
Oblivion. Nếu đã chơi phần 4, chắc các bạn đều biết Skyrim là tên của một cuộc nội chiến diễn sẽ diễn ra cuối các chuỗi sự kiện báo hiệu sự trở về của Nordic Alduin, vì thần hủy diệt.
Alduin là một con rồng khổng lồ, đủ sức và sẽ phá hủy toàn bộ thế giới - theo như lời tiên đoán được ghi trong các Elder scroll. Người chơi lần này sẽ vào vai Dovahkiin, một thợ săn rồng được ban phước bởi các vị thần - thực hiện một cuộc phiêu lưu dài khoảng 20 giờ chơi và đối mặt với Alduin ở cuối trò chơi.
The Witcher 2: tiếp nối đoạn kết của phần 1, hội Flaming robe đã bị tiêu diệt hoàn toàn - chỉ còn pháo đài của nữ Nam tước La Valetta là còn đứng vững. Nhà vua yêu cầu sự giúp đỡ của Geralt trong việc bảo đảm trật tự của khu vực này. Cùng lúc đó, Geralt có một cuộc đụng độ ngắn với một nhóm sát thủ đang tìm cách hạ sát nhà vua.
Cốt truyện này được dẫn với phong cách u ám truyền thống từ phần 1, cộng với một lượng nội dung và chi tiết dồi dào từ tiểu thuyết nguyên bản.
Phần 2: Gameplay
Dragon Age 2: Cũng giống như với Mass Effect 2, hệ thống của Dragon Age 2 được giản lược rất nhiều so với phần 1: Số lượng phép thuật giảm, số lớp nhân vật được rút gọn - rất tiện dụng cho người mới làm quen với RPG.
Hê thống chiến đấu được chuyển thể thành hành động nhiều hơn là nhập vai. Các trận đánh diễn ra với nhịp độ nhanh hơn, các kĩ năng không phát sinh tác dụng thừa và về cơ bản được thiết kế lại hiệu quả hơn. Bạn vẫn có thể dừng và thay đổi nhân vật giống như phần trước.
Skyrim: Trong Skyrim, nhân vật không được phân chia theo lớp ngay từ đầu. Cũng giống như mọi Elder Scrolls khác, các kĩ năng bạn học được sẽ được tăng cường dần tùy vào cường độ bạn sử dụng chúng - đây là một hệ thống cũ và không còn gì nhiều để phân tích thêm.
Hệ thống chiến đấu của trò chơi, mặt khác, có thêm một bổ sung nhỏ với hệ thống song thủ. Không chặt chẽ như các trò chơi hiện đại, hệ thống này cho phép bạn trang bị vũ khí chuyên vật lý hoặc vũ khí chuyên pháp thuật ở bất cứ tay nào. Điều này cho phép bạn có được một lượng nội dung khá nhiều và đáng để tìm hiểu, đồng thời ít nhiều tạo ra cảm giác tự do mà RPG truyền thống từng có.
The Witcher 2: Bạn chỉ có thể phát triển Geralt the ba hướng: Kiếm sư, Pháp sư hay nhà Giả Kim. Mỗi hướng phát triển này đều đem lại các kĩ năng và lợi thế chiến đấu khác nhau. Lần đầu tiên trong series, các phép thuật phòng hộ được giới thiệu, thêm vào đó, lượng máu và khả năng phòng thủ cũng không còn phụ thuộc vào khả năng võ thuật của nhân vật nữa.
Với những khả năng mới được mở ra, người chơi sẽ có thêm nhiều hướng để chiến đấu hơn. Hi vọng nhà phát triển có đủ khả năng để thiết kế một hệ thống cho phép các lối xây nhân vật hybrid cân bằng về mặt hiệu quả so với các cách truyền thống.
Phần 3: Kết
Dragon Age 2: BioWare một lần nữa muốn mở rộng thị trường của mình. Bằng cách tập trung vào một nhân vật duy nhất, họ đạt được hai mục đích: giảm thiểu lượng lựa chọn - cơn ác mộng của dân mới chơi RPG và dễ tạo ra một hình tương được yêu thích hơn - mục đích của mọi công ty lớn.
Tuy nhiên, với một cốt truyện dài, khả năng phân nhánh của Dragon Age 2 là không cao, nhất là khi trò chơi được thiết kế để phục vụ thế hệ game thủ trẻ hơn hẳn khách hàng truyền thống của thể loại này. Ngay từ phần 1, hệ thống quan hệ giữa các nhân vật đã tỏ ra non nớt và thiếu chiều sâu hơn hẳn những tựa game có cùng tính năng (Star Wars: Knights of the Old Republic 2), vì thế có thể nói chúng ta không có nhiều lý do để hi vọng vào các "yếu tố RPG" của Dragon Age 2.
Tuy nhiên, trò chơi được thực hiện bởi một nhà phát triển tên tuổi, dày dặn cả về sức phát triển, tài chính và kinh nghiệm, hãy mong chờ một tựa game giải trí tốt, chất lượng cao và các bản mở rộng hấp dẫn.
Skyrim: Oblivion là một tựa game vô cùng thành công, nhưng thành công của nó chủ yếu đến từ thời điểm ra đời gần như "hoàng đạo" và sức mạnh marketing kinh khủng của Bethesda. Có quá nhiều yếu tố trong trò chơi cần phải chỉnh sửa, chưa kể đến việc thị trường và tiêu chuẩn game đã khác hăn so với thời điểm nó ra đời. Nếu như Skyrim vẫn được thiết kế theo công thức của phần 4, thành công của trò chơi sẽ không được ngọt ngào như người tiền nhiệm.
The Witcher 2: CD Projeckt vẫn là một nhà phát triển trẻ - họ cần ít nhất 3 dự án như The Witcher để có thể thực sự so sánh được với các đại gia - nhất là BioWare và Bethesda. Tuy nhiên, The Witcher 2 vẫn mang "mùi vị" của một tựa game được phát triển dựa trên sự say mê và sáng tạo. Trong 3 tựa game RPG lớn của năm nay, có lẽ đây là trò chơi có cốt truyện và nội dung trau truốt và đầy đặn hơn cả. Nếu như CD thành công trong việc tạo ra một hệ thống gameplay ít nhất là hay bằng phần 1, có lẽ The Witcher 2 sẽ là RPG chính thống đáng chơi nhất của năm nay.