DRM, kẻ thù của giới dùng game lậu

    PV, Gia Khanh 

    Dưới đây là các khái niệm cơ bản về biện pháp bảo vệ bản quyền game, thứ luôn luôn bị người dùng căm ghét.

    Khái niệm DRM hiện đang là một trong những thứ rất hot trong làng game, đặc biệt là sau khi biện pháp “luôn luôn online” của Ubisoft đã gây cho giới cracker rất nhiều khó khăn khi được áp dụng Assassin’s Creed 2.
     
    DRM là từ viết tắt của Digital Rights Management (Biện pháp quản lý bản quyền nội dung số). Đúng như tên gọi, đó là biện pháp để các nhà phát triển kiểm soát cách mà khách hàng sử dụng các phần mềm máy tính, trong trường hợp này là game.
     
     
    DRM được tạo ra khi nhà phát triển muốn ngăn cản người dùng sử dụng sản phẩm của họ theo những cách “không phù hợp”. Những cách đó có thể là cho bạn mượn đĩa game về cài trên máy tính của anh ta hay sao chép và cài đặt game bất hợp pháp.
     
    DRM hoạt động bằng cách giới hạn những thứ mà game thủ có thể làm với đĩa game của họ. Chẳng hạn, nhà sản xuất sẽ giới hạn số lần mà khách hàng được phép cài đặt game hoặc giới hạn số máy tính mà một người có thể cài một đĩa game trên đó. Đó cũng có thể là yêu cầu người dùng kết nối Internet khi chơi để hãng game có thể xác nhận xem đó có phải là đĩa có bản quyền hay không.
     
     
    DRM có khá nhiều dạng. Loại được biết tới nhiều nhất được gọi là SecuROM và nó được các hãng lớn như Electronic Arts cũng như Take-Two áp dụng. SecuROM bị các game thủ rất căm ghét vì nó vẫn sẽ tồn tại trên PC sau khi game đã được cài đặt và nó giới hạn số lần người chơi có thể cài game.
     
    Giải pháp mới đây của Ubisoft cũng bị người chơi phản đối dữ dội. Nó yêu cầu khách hàng luôn luôn giữ kết nối Internet trong quá trình chơi game, ngay cả khi đó chỉ là phần chơi đơn. Các cracker đã mất khoảng gần 1 tháng trước khi vượt qua được biện pháp này và tạo thành công server ảo ngay trên máy tính của người dùng.
     
     
    Biện pháp DRM phổ biến nhất có thể tới từ dịch vụ Steam của Valve. Dịch vụ này yêu cầu tất cả các game đã download từ server của Valve phải được xác nhận là hợp pháp trước khi có thể chơi.
     
    Ngay cả biện pháp đang được Steam áp dụng cũng từng bị phản đối, thậm chí là bị kiện. Vào năm 2004, Valve đã phải ra tòa sau khi dùng loại DRM này cho tựa game Half-Life 2 của họ. Tuy nhiên giờ đây đa số người dùng đã chấp nhận cách kiểm soát này vì nó cũng không gây nhiều phiền phức cho họ.
     
     
    Về bản chất, DRM là điều tốt vì nó giúp chống lại nạn đĩa lậu, mối đe dọa lớn nhất của ngành công nghiệp game. Dù nhiều người gặp khó khăn khi chơi và phản đối DRM nhưng thực chất, họ nên kết tội các cracker và những người thích chơi game mà không phải bỏ tiền.
     
    Chính những người này mới là nguyên nhân dẫn tới các bất tiện, các phiền toái mà các khách hàng thực sự phải chịu đựng. Sự hạn chế về quyền sử dụng sản phẩm sau khi đã bỏ tiền ra mua, sự bực tức phải gánh lấy trong quá trình chơi vì những quy định ngặt nghèo, tất cả đều xuất phát từ các cracker và người dùng đĩa lậu.