Dự án tiêm kích 400 tỷ USD của Mỹ đối mặt nguy cơ thất bại

    PV,  

    Đặc tính kỹ chiến thuật kém, thường xuyên phát sinh lỗi, chậm tiến độ khiến chương trình máy bay chiến đấu F-35 trị giá 400 tỷ USD có thể trở thành dự án thất bại lịch sử của Mỹ.

    Chương trình Tiêm kích Tấn công Kết hợp (JSF) F-35 là dự án phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 5 lớn nhất thế giới cũng như của nước Mỹ. Gần 2.500 máy bay đã được lên kế hoạch sản xuất với tổng kinh phí lên đến 400 tỷ USD. Tuy nhiên, dự án này đang đối mặt với nguy cơ không có “bộ não” tốt nhất.

    Đó là nỗi sợ hãi của các nhà kiểm soát liên bang, những người nói rằng, vấn đề với hệ thống phần mềm hậu cần phức tạp của F-35 có thể ảnh hưởng đến hoạt động của toàn bộ lực lương, chưa kể đến việc chậm tiến độ và chi phí gia tăng.

    Tài liệu công bố về Hệ thống Hậu cần Tự động (ALIS) của F-35, mà các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ gọi là “bộ não” của máy bay chiến đấu thế hệ 5, cho thấy nhiều điểm rủi ro.

    Một báo cáo được công bố vào ngày 14/4 của Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Mỹ (GAO), cảnh báo nguy cơ thất bại với toàn bộ lực lượng F-35 do thiếu hệ thống sao lưu dữ liệu cần thiết.

    Với tổng kinh phí ước tính khoảng 400 tỷ USD cho 2.457 máy bay, chương trình F-35 đã trải qua hơn 5 năm thử nghiệm với những trục trặc thường xuyên về phần cứng cũng như phần mềm.

    Phần mềm tiềm ẩn nhiều rủi ro​

     Phiên bản F-35B thử nghiệm hạ cánh thẳng đứng trên tàu đổ bộ tấn công USS Wasp. Ảnh: CNN

    Phiên bản F-35B thử nghiệm hạ cánh thẳng đứng trên tàu đổ bộ tấn công USS Wasp. Ảnh: CNN

    Với chi phí duy trì hoạt động ước tính khoảng 16,7 tỷ USD/máy bay trong khoảng thời gian 56 năm tuổi thọ. Hệ thống phần mềm hậu cần được xem là một trong ba thành phần chính cấu thành nên F-35 cùng với khung máy bay và động cơ.

    Khi ở trạng thái hoạt động đầy đủ, ALIS được dự định là một chương trình có thể chẩn đoán các bộ phận hoạt động không đúng cách, nhằm đơn giản hóa quy trình bảo trì.

    ALIS là một phiên bản cao cấp, tương tự như phần mềm chẩn đoán cơ khí mà nhân viên bảo trì thường găm vào xe ô tô để kết nối với máy tính mỗi khi bạn đưa xe đến cửa hàng để bảo trì, theo CNN.

    Về mặt kỹ thuật, F-35, chiến đấu cơ một chỗ ngồi vẫn có thể bay mà không có hệ thống phần mềm hậu cần hoạt động hết công suất. Nhưng GAO và các quan chức quân đội đã đồng ý rằng, ALIS là rất quan trọng để đảm bảo sự thành công và tính lâu dài của chương trình F-35.

    Với tổng kinh phí duy trì hoạt động cho toàn bộ lực lượng F-35 trong suốt thời gian phục vụ khoảng hơn 1.000 tỷ USD. Lầu Năm Góc kỳ vọng rất lớn vào hệ thống phần mềm ALIS để giữ F-35 trên không trong nhiều thập kỷ.

    Nhưng theo GAO, Bộ Quốc phòng Mỹ thiếu kế hoạch cụ thể để đảm bảo phần mềm sẽ có đầy đủ các chức năng, khi chương trình chuyển sang giai đoạn sản xuất đầy đủ.

    GAO cho rằng, xu hướng của Lầu Năm Góc là đối phó với vấn đề trên cơ sở từng trường hợp cụ thể, chứ không phải là một cách tiếp cận toàn diện. Điều này có thể dẫn đến chậm tiến độ và phát sinh chi phí.

    “Nếu ALIS không hoạt động một cách đầy đủ, F-35 có thể không được vận hành thường xuyên như dự định. Các sự cố với hệ thống phần mềm này có thể dẫn đến từ 20-100 tỷ USD chi phí phát sinh bổ sung”, báo cáo của GAO cho biết.

    Ngoài ra, GAO còn phát hiện một vấn đề rất quan trọng rằng, toàn bộ dữ liệu của chương trình F-35 được chuyển đến một đơn vị hành chính duy nhất mà không có bất kỳ hệ thống sao lưu hoặc dự phòng. Nếu máy chủ của chương trình gặp trục trặc, toàn bộ lực lượng F-35 có thể mất khả năng hoạt động.

    Cam kết của nhà thầu​

     Phiên bản F-35C của hải quân đang thử nghiệm hạ cánh trên boong tàu sân bay USS Nimitz (CVN-68). Ảnh: Hải quân Mỹ

    Phiên bản F-35C của hải quân đang thử nghiệm hạ cánh trên boong tàu sân bay USS Nimitz (CVN-68). Ảnh: Hải quân Mỹ

    Trung tướng Chris Bogdon, người điều hành chương trình JSF F-35 nhấn mạnh rằng, phát hiện của GAO không phải là mới. Những vấn đề đó đang được Lầu Năm Góc phối hợp với nhà sản xuất để giải quyết.

    “F-35 vẫn đang trong quá trình phát triển, và đây là thời điểm thách thức kỹ thuật được mong đợi. Chúng tôi tin rằng, chính phủ kết hợp với nhóm ngành công nghiệp sẽ giải quyết ổn thỏa các vấn đề hiện tại và trong tương lai”, tướng Bogdon nói.

    Trong khi đó, Lockheed Martin, nhà thầu chính của chương trình nói rằng, sự phát triển của phần mềm hậu cần F-35 và các hệ thống khác vẫn đang được hoàn thiện để sẵn sàng khi chương trình đi vào sản xuất đầy đủ.

    Sharon Parsley, phát ngôn viên của Lockeed Martin nói: “Các khuyến nghị của GAO phù hợp với hành động đang được tiến hành để chuẩn bị cho quá trình sản xuất và duy trì hoạt động trên toàn thế giới”.

    Tuy nhiên, bất chấp sự đảm bảo từ các quan chức và nhà thầu, những người phê bình dự án F-35 vẫn cho rằng, chương trình này là một sự lãng phí lớn. Nghị sĩ Jackie Speier, thuộc Đảng Dân chủ và là thành viên Ủy ban Quân vụ Hạ viện, nhấn mạnh: “Báo cáo của GAO về phần mềm F-35 là một thất bại mới trong chương trình này”.

    Song bất chấp những tranh cãi và phản đối, những người ủng hộ vẫn tin rằng, F-35 là tiêm kích thế hệ 5 nguy hiểm và linh hoạt nhất kỷ nguyên hiện đại.

    Theo định nghĩa của tập đoàn Lockheed Martin, một máy bay được gọi là tiêm kích thế hệ 5 phải đáp ứng các tiêu chí sau: có khả năng tàng hình (tức khó bị phát hiện từ xa bởi các hệ thống radar trinh sát), được trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến theo công nghệ kỹ thuật số, radar quét mạng pha điện tử chủ động AESA, động cơ kiểm soát vector lực đẩy, khả năng bay ở tốc độ siêu âm mà không cần dùng đến buồng đốt 2 lần.

    Quốc Việt/Theo Zing

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày