Dự báo 5 kịch bản thị trường công nghệ Việt năm 2014

    Phạm Văn Việt TrueBlue,  

    (GenK.vn) - Thị trường công nghệ năm 2014 dưới con mắt của một chuyên gia

    Năm 2013 sắp khép lại với nhiều dấu mốc đáng nhớ: Từ việc các doanh nghiệp và hiệp hội ICT đều thúc đẩy phát triển các xu hướng công nghệ Cloud, Big Data và Mobility đến việc tăng giá cước 3G làm ‘bỏng’ thị trường. Ngoài ra, sự giằng co giữa OTT và Nhà mạng có vẻ như chưa có dấu hiệu kết thúc sớm.

     Thiết bị bay giám sát đường chạy tại HCMCRun 2013 !

    Thiết bị bay giám sát đường chạy tại HCMCRun 2013 !

    Cước 3G tiếp tục tăng

    Đây có lẽ là việc dễ dự đoán nhất trong năm 2014, điều khó đoán ở đây là Nhà mạng sẽ tăng cước 3G thêm bao nhiêu lần nữa ? Đơn giản là người dùng 3G càng nhiều thì doanh thu thoại, tin và VAS của Nhà mạng càng giảm sâu, đồng thời Nhà mạng chưa kích kịp các nguồn doanh thu khác để bù vào, vì vậy cách hiệu quả nhất để bù đắp doanh thu hụt là tăng giá cước. Dự đoán cước 3G năm 2014 sẽ tăng với tỷ lệ không kém năm 2013.

    Ngoài ra, thông điệp của Cơ quan quản lý là “giá cước 3G vẫn đang dưới giá thành”, vì vậy cơ sở cho dự đoán này càng được củng cố hơn.

    Nhà mạng và Nhà nhà đều khó

    Dự kiến cấu trúc các Nhà mạng sẽ thay đổi trong năm 2014, theo hướng phân rã nguồn lực chuyên biệt hơn. Đây là cơ hội lớn nếu nhà mạng biết kích các "huyệt đạo" để khởi phát, nhưng cũng là nguy cơ không nhỏ nếu huyệt đạo không được khai thông kịp thời và đúng cách. Hơn khi nào hết, Nhà mạng cần rất nhiều tiềm lực để mở rộng đánh chiếm sang các mảng kinh doanh quan trọng khác càng nhanh càng tốt, từ dịch vụ di động cơ bản, đến truyền hình, truyền thông, thương mại điện tử, Công nghệ thông tin, thiết bị …

    Tích cực hơn, một số Nhà mạng trong năm đã liên tục phát đi các thông điệp đổi mới, từ chuyển hướng kinh doanh dịch vụ dữ liệu đến thành phố thông minh. Tuy nhiên, do OTT thâm nhập quá nhanh và Nhà mạng cần ít nhất 3 năm để khởi phát hướng mới. Vì vậy, năm 2014 vẫn chưa phải là thời điểm khởi phát hướng mới của Nhà mạng.

    Xu hướng hội tụ giữa Viễn thông, Công nghệ thông tin và sự xuất hiện nhanh của OTT, dẫn đến cuộc cạnh tranh khối liệt giữa tất cả các bên liên quan: Nhà mạng, "nhà OTT" và "Nhà dân" bị ảnh hưởng. Người dân cũng kém vui nếu cước 3G vẫn cứ tăng mãi.

    Truyền thông trực tuyến lên ngôi

    Việt Nam với khoảng 40 triệu người dùng Internet, địa hạt truyền thông trực tuyến hấp dẫn hơn bao giờ hết. Khả năng lan truyền thông điệp trên môi trường Internet hiện rất nhanh và rộng, hiệu quả hơn so với các phương thức quảng bá truyền thống dựa vào báo giấy hay tivi. Ví dụ trường hợp ‘hôi bia’ vừa qua: chỉ trong khoảng hơn 10 ngày, gần như người dân cả nước đều biết về sự việc này, khả năng lan truyền này chính là nhờ truyền thông trực tuyến mang lại.

    Đáng lưu ý thêm, là tại hội nghị ABU 50 vừa diễn ra tại Hà Nội, cảnh báo xu hướng giới trẻ xem tivi truyền thống ngày cảng giảm, mà thay vào đó là nhu cầu xem trên điện thoại, máy tính bảng đang tăng nhanh.

    Xu hướng dùng ứng dụng OTT xem phim miễn phí trên điện thoại ngày càng rõ nét, sẽ gây không ít trở ngại cho Nhà mạng và Nhà đài trong năm 2014.

    OTT nội bắt đầu ‘thu vào’

    Sau nhiều năm xây dựng nền tảng Internet, với phương châm miễn phí dịch vụ để thu hút và xây dựng cộng đồng. Nay các OTT bắt đầu phủ ‘sóng’ đủ rộng để khai thác doanh thu từ cộng đồng người dùng OTT của mình. Một số nguồn doanh thu có thể đến từ dịch vụ quảng cáo, bán buôn điện tử hoặc các dịch vụ gia tăng cải tiến …

    Trong địa hạt cộng đồng Internet, Nhà mạng đang mất ưu thế đáng kể so với các OTT nội, ngoại. Đây có thể là điểm ‘mù’ lớn nhất mà Nhà mạng đã vô tình bỏ phí trong nhiều năm qua.

    Thiết bị di động ‘đỉnh’ hơn với đeo và bay

    Từ các thiết bị di động đơn giản như bấm nút, đến chạm và kế tiếp sẽ là ra lệnh bằng ‘giọng nói’, bằng ‘chuyển động mắt’ dự kiến sẽ khiến cộng đồng yêu công nghệ lại có những phút giây nghẹt thở chờ đợi những sản phẩm đỉnh của đỉnh.

    Và cũng không còn xa lạ, thiết bị ‘có thể đeo’ như kính, đồng hồ hoặc ‘có thể bay’ … cũng sẽ đi vào đời sống trong năm 2014.

    Tác giả: Phạm Văn Việt TrueBlue, hiện là CEO công ty công nghệ VietPace

    Bạn có thể gửi bài viết về cho GenK theo địa chỉ info@genk.icu

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày