Đừng mắc một sai lầm nhiều lần!

    PV,  

    Giàu "tài nguyên" nhưng chưa kiếm được nhiều lợi nhuận.

    “Hãy cứ làm và trải nghiệm. Thất bại là điều đương nhiên, nhưng đó sẽ là những kinh nghiệm cực kỳ quý giá”, Phùng Tiến Công, Phó tổng giám đốc Tập đoàn MVCorp trải lòng.


    Đừng mắc một sai lầm nhiều lần! 1



    Tháng 3/2012, bài viết mang tựa đề “Vietnam technology pioneers - Những người tiên phong trong lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam” của Financial Times đã mô tả Phùng Tiến Công là một doanh nhân đầu tiên sáng lập các trang web âm nhạc, hẹn hò của Việt Nam. Nhân vật này đã chia sẻ tinh thần doanh nhân với Financial Times rằng, cần phải biết chấp nhận rủi ro khi thử nghiệm những ý tưởng mới.


    Năm 2012, việc thu phí bản quyền nhạc số là một trong 10 sự kiện công nghệ thông tin tiêu biểu. Đây là kết quả 7 năm miệt mài của Phùng Tiến Công. Nhưng MV Corp, nơi Công làm Phó tổng giám đốc, cầu nối hợp tác với Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) để thực hiện việc này, chỉ thu được hơn 20 triệu đồng trong 2 tháng thử nghiệm thu phí nhạc số.


    Bảy năm và 20 triệu đồng là một kết quả kinh doanh tồi, có thể xem là sự thất bại. Nhưng đối với Công, đây mới chỉ là giai đoạn thử nghiệm, là sự khởi đầu khá tích cực, bước đầu thay đổi tâm lý “xài chùa” được nuôi dưỡng quá lâu và còn rất phổ biến. Cũng có thể nói, đây là sự thành công khá quan trọng, được kỳ vọng sẽ mở lối cho kinh doanh nhạc số tại Việt Nam.


    Tại Việt Nam, cái tên Phùng Tiến Công không hề xa lạ. Nhưng dường như người ta chỉ biết đến một Phùng Tiến Công từng hai lần đoạt giải Trí tuệ Việt Nam, được mệnh danh là “ông trùm nhạc số” của các trang web nhạc (tiên phong là nhacso.net), với lượng khách hàng tính bằng 7 chữ số, gây dựng và điều hành những trang web rất “hot” như noi.vn, yeuamnhac.com, yan.vn, mimo.vn… Nhưng ít ai biết rằng, trên chặng đường đã đi qua, Công đã “để lại” 2 công ty phải giải thể, 2 công ty phải sáp nhập. Sau hơn 10 năm lăn lộn trong thế giới số, Phùng Tiến Công đã đúc rút được rằng: “Thất bại là điều đương nhiên, nhưng đó sẽ là những kinh nghiệm cực kỳ quý giá”.


    Triết lý “No pain no gain!”


    Công rất thích câu ngạn ngữ “No pain no gain”, nghĩa là phải có đau đớn thì mới tiến bộ. Thất bại cũng là một cơ hội tốt. Có chiến binh xuất sắc nào mà trên người không có sẹo đâu?


    Thực ra, đối với Công, thất bại của anh chỉ là vấn đề hiệu quả tài chính chưa đạt như kỳ vọng ban đầu.


    Trở lại với dự án đầu tay nhacso.net, năm 2005, sau khi đi du học về, Công làm Giám đốc FPT Music và bắt tay ngay vào dự án chuẩn bị cho sự ra đời của nhacso.net. Trang nhạc số này ra đời chỉ một năm sau đó và đạt hơn 1 triệu khách hàng.


    Khi ấy, thấy Công đi mua bản quyền âm nhạc, người ta nhìn anh như một sinh vật lạ làm một việc điên rồ: mua bản quyền, tung lên mạng những tác phẩm âm nhạc giữa cái thế giới mà một đĩa nhạc gốc không thể sống nổi với nạn sao chép lậu hoành hành.


    Đừng mắc một sai lầm nhiều lần! 2
    Buổi tọa đàm "Nhạc số Việt Nam - Thực trạng và giải pháp": Nơi phát đi thông báo thu phí tải nhạc ở Việt Nam.


    Nhưng rồi, Công lại chia tay nhacso.net khi trang web này đang ở thời kỳ đỉnh cao và chuyển sang làm Giám đốc sản phẩm của Cyworld tại Việt Nam. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, năm 2008, Công lại nói lời chia tay để làm dự án riêng: noi.vn - dự án được thực hiện với khát vọng trở thành cầu nối triệu con tim với nhau.


    Nếu như nhacso.net là dấu ấn, là sự thành công vang dội, thì noi.vn lại là một trải nghiệm có cả ngọt ngào và đắng cay. Dự án khởi động đúng vào thời điểm Việt Nam bắt đầu chịu tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Suốt 3 năm ròng rã bôn ba khắp các tỉnh, Công và đồng sự phải vạ vật, lăn lóc, vừa chạy công việc vừa chạy tài chính cho dự án.


    Khi ấy, có cậu nhân viên đã phải vay tiền mẹ mua mì tôm cho cả nhóm qua bữa. Không còn tiền đổ xăng, Công phải tắt điện thoại di động, mang quần áo lên ở văn phòng Công ty.


    Nhưng cạn tiền mà ý chí không cạn


    Lúc ấy, nếu làm tiếp, cần tới hàng tỷ đồng. Gọi vốn đầu tư ở nhiều quỹ, nhiều công ty, nơi nào cũng đánh giá cao dự án, nhưng lại chỉ đầu tư khi... đã có sản phẩm.


    Không sợ dự án thất bại, bị đổ vỡ, Công chỉ tiếc công sức của mình và đồng sự đã bỏ ra mà không được công nhận, không được ứng dụng.


    Nhưng cuối cùng, sự kiên định cũng mang lại chiến thắng. Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures đã nhìn thấu tiềm năng của dự án, tin tưởng vào đội ngũ phát triển của dự án và đã đầu tư vào dự án này. Đến nay, Công đã “xe tơ” thành công cho hơn 500 cặp vợ chồng và hàng chục ngàn đôi yêu nhau nhờ noi.vn.


    Đừng mắc một sai lầm nhiều lần! 3
    Phùng Tiến Công trong một đám cưới của cặp đôi Noi.vn.



    Những con người xa lạ của thế giới mạng mênh mông, cùng với thời gian, cùng với noi.vn đã gặp nhau, tạo lập một gia đình.


    Nhìn thẳng vào thất bại để bước tới


    Sau gần 8 năm gặp lại, trước mắt tôi vẫn là chàng trai nhỏ thó, đen nhẻm, nhưng nhiệt huyết chưa bao giờ tắt. Nói vậy là bởi ở thời điểm này, những anh tài dotcom, một thế hệ 8x tiên phong phát triển dotcom đã rơi rụng nhiều trong vòng quay khốc liệt của cơm - áo - gạo - tiền.


    Trẻ trung, tài năng, có tầm nhìn, dám làm, dám chịu, Công thực sự đã thành danh trong làng công nghệ thông tin suốt 10 năm nay. Nhưng dường như số phận vẫn chưa mỉm cười với anh chàng này.


    Đúng là Công đang rất “giàu”, nhưng cái sự giàu của Công là giàu về tài nguyên. Đó là những trang web, mạng xã hội đang trên đà phát triển, là những cộng đồng gắn bó với nhau, là hàng chục ngàn bản nhạc số trên Internet, là đội ngũ cộng sự đồng cam cộng khổ… Nhưng cái “cụ thể hóa” trong kinh doanh là lợi nhuận thì chưa nhiều. Hơn 10 năm qua, Công lao vào các dự án để hiện thực hóa các ý tưởng của mình, mà chưa thực sự bắt được các sản phẩm đó sinh lợi cho mình.


    Bên khói thuốc và ly cà phê đen trong chiều đông cuối năm, Phùng Tiến Công chỉ nói về những thất bại của mình, mà không hề đề cập vầng hào quang đến sớm. Sự thất bại của dotcom, đối với cá nhân Công, khách quan là vì thị trường Intenet Việt Nam gặp khó khăn về phương tiện thanh toán, thói quen xài chùa; còn chủ quan là do Công quá mải mê phát triển nội dung, triển khai ý tưởng, nên phần quản trị, kinh doanh chưa được đầu tư đúng mức. Đó chính là thất bại, hay nói đúng hơn là khiếm khuyết của anh. Nhưng bù đắp cho lỗ hổng này không dễ.


    Ở cương vị Phó tổng giám đốc của Tập đoàn MVCorp, Công đã yên tâm hơn với những dự án của mình. Hỗ trợ cho anh là cả một tập thể chuyên nghiệp để chuyên tâm phát triển những dự án, sản phẩm dịch vụ trên điện thoại di động. Đây cũng là mảnh đất mới mà Công đang bắt đầu cày xới, gieo những hạt giống đầu tiên. Những ý tưởng như mạch nước ngầm chưa bao giờ cạn trong đầu chàng trai này.


    Xin dùng lời mà Công chia sẻ với Financial Times và cũng chính là tinh thần doanh nhân mà Công mang theo khi gia nhập MVCorp, để kết thúc bài viết này: “Thông điệp quan trọng nhất khi tôi tới làm việc ở đây là chúng tôi sẽ tăng gấp đôi số sai lầm so với trước kia, bởi vì chúng tôi sẽ làm việc nhiều gấp đôi. Nhân viên của tôi có thể mắc lỗi, miễn là họ không lặp lại lỗi đó”.


    Doanh nhân Phùng Tiến Công

    Sinh ngày 02/11/1981 ở Sơn La

    Năm 2000: Nhận học bổng toàn phần của Chính phủ Australia (AUSAID), sang Queensland học ngành công nghệ sinh học.

    Năm 2001: Giải Ba Cuộc thi Trí tuệ Việt Nam với phần mềm nghe nhạc Vietkar, chuyển sang học ngành công nghệ - tin học.

    Năm 2003: Giải vàng Công nghệ Thông tin - Truyền thông châu Á - Thái Bình Dương, với bản

    phát triển của Vietkar thành Vietnam Audio, đồng thời giành Giải Ba Cuộc thi Trí tuệ Việt Nam.

    Năm 2005: Giám đốc FPT Music với trang web nhacso.net

    Năm 2006: Giám đốc Sản phẩm Cyworld.

    Năm 2008: Sáng lập và điều hành trang web NOI.vn

    Năm 2010: Giám đốc YAN Digital, phụ trách các website yan.vn, yeuamnhac.com, dienanh.net, mimo.vn...

    Năm 2012: Phó tổng giám đốc Tập đoàn MVCorp.


    Theo Báo đầu tư

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày