Quét 3D là tính năng của Xperia XZ1 mà bạn sẽ dùng một lần cho biết và không bao giờ có lần thứ hai.
Thời gian qua, vụ việc BKAV vượt mặt Face ID bằng một chiếc mặt nạ đã thu hút được sự quan tâm lớn của dư luận trong nước và quốc tế. Có một chi tiết được BKAV nhấn mạnh qua thử nghiệm này, đó là lỗ hổng này có thể bị lợi dụng bởi bất kỳ ai, trong đó bao gồm việc tạo một khung mặt nạ 3D. Sở dĩ BKAV nói như vậy là do công nghệ quét và in 3D đang dần trở nên phổ biến, thậm chí người dùng có thể tự mình tạo ra một bản vẽ 3D mà không cần đến các thiết bị đắt tiền mà chỉ cần một chiếc điện thoại. Và chiếc điện thoại được BKAV nói đến là Sony Xperia XZ1.
Xperia XZ1 (màu xanh bên trái) - chiếc smartphone có khả năng quét 3D từng được BKAV giới thiệu trong buổi họp báo qua mặt Face ID của iPhone X
Xperia XZ1 được Sony ra mắt hồi tháng 9 năm nay tại triển lãm IFA (Berlin, Đức). Bên cạnh những nâng cấp về thiết kế và cấu hình, Xperia XZ1 còn đem đến một tính năng độc đáo là quét 3D. Vậy thực tế thì tính năng này hoạt động ra sao và có đáng để người dùng đầu tư cho chiếc máy?
Quét 3D như thế nào?
Để sử dụng tính năng này, người dùng sẽ tìm đến ứng dụng 3D Creator trên danh sách ứng dụng. Lúc này, danh sách các khuôn mặt/đồ vật mà trước đây người dùng đã từng quét sẽ hiện ra. Để có thể quét thêm một khuôn mặt/đồ vật mới, người dùng sẽ bấm vào nút "3D" màu cam ở góc. Lúc này, chúng ta sẽ có bốn lựa chọn để quét là quét khuôn mặt, quét phần đầu, quét món ăn và quét tự do.
Giao diện ứng dụng 3D Creator
Hai chế độ mà có lẽ người dùng sẽ sử dụng nhiều nhất là quét khuôn mặt và quét phần đầu. Để có thể quét khuôn mặt, người dùng sẽ cầm máy và di chuyển xung quanh vật thể theo một vòng tròn, dựa trên hướng dẫn của ứng dụng để kết nối các điểm lại với nhau. Ở chế độ quét phần đầu, người dùng sẽ cần phải quét thêm cả đỉnh đầu và phần dưới cằm.
Quá trình quét khuôn mặt
Sau khi đã quét một vòng xung quanh vật thể, người dùng sẽ tiếp tục được yêu cầu di chuyển máy xung quanh đối tượng để có thể bổ sung các phần thông tin còn thiếu về khuôn mặt.
Sau khi quét xong, người dùng sẽ cần di chuyển smartphone xung quanh khuôn mặt một lần nữa để tạo thêm chi tiết cho bản quét
Nếu như quá trình quét có thể được mô tả chỉ qua 3 câu văn ở trên - nghe có vẻ khá đơn giản, thì thực tế, nó gian nan hơn khá nhiều. Người dùng sẽ khó có thể quét thành công ngay trong lần đầu tiên mà sẽ cần phải làm quen trước. Và, trong quá trình làm quen này, chỉ cần người dùng quét lệch hay làm sai chỉ dẫn một chút thì máy sẽ yêu cầu quét lại từ đầu - khá tốn thời gian và "nản".
Kết quả cho ra cũng không phải lúc nào cũng hoàn hảo mà nó phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố. Đầu tiên, người quét phải có "tay nghề" vững và không được quét lệch so với yêu cầu của máy, dù là chỉ một chút. Người được quét cũng phải cố định vị trí của mình, không được nhúc nhích trong suốt quá trình quét. Điều kiện ánh sáng cũng gây ảnh hưởng đến chất lượng của bản quét.
Kết quả cuối cùng không phải lúc nào cũng hoàn hảo
Một tác phẩm "tạm chấp nhận được"
Chế độ quét đồ ăn/đồ vật cũng có cách thức quét tương tự như khuôn mặt, khi người dùng sẽ đặt đồ ăn/đồ vật lên một mặt phẳng cố định và di chuyển máy xung quanh và lên trên đỉnh.
Cách thức quét vật thể cũng tương tự như khuôn mặt, và kết quả cho ra không phải lúc nào cũng như y muốn
Quét xong rồi... nhưng để làm gì?
Điều quan trọng nhất là những bản quét này sau đó sẽ để làm gì, hay nói theo một cách khác là ứng dụng của tính năng này thiết thực đến đâu. Người dùng sẽ có một số tùy chọn là chia sẻ lên mạng xã hội, tải lên Sketchfab (website chia sẻ bản vẽ 3D), xuất ra file, đặt làm hình nền động (Live Wallpaper), đặt in 3D qua dịch vụ của Sony và in 3D bằng chính máy in của bạn.
Những tác vụ mà người dùng có thể làm sau khi có được bản quét
Mỗi người có một ý kiến riêng, nhưng cá nhân tôi cảm thấy không thuyết phục bởi những gì tính năng này đem lại. Thực tế, tôi cũng đã hỏi rất nhiều người khác và họ cảm thấy kết quả quét 3D trông quá "kinh" để có thể đặt làm hình nền hay chia sẻ lên mạng xã hội. Họ cũng không có nhu cầu in 3D khuôn mặt của mình ra để làm gì, khi nó tốn tiền, thời gian và công sức. Vì lý do riêng tư, cũng chẳng ai muốn chia sẻ bản quét khuôn mặt của mình lên một website công cộng - đặc biệt là sau những quan ngại về bảo mật liên quan đến Face ID vừa qua.
Tính năng xuất file của ứng dụng 3D Creator sẽ tạo ra một file zip với nội dung như thế này... và tôi cũng không biết phải làm gì với nó
Ứng dụng duy nhất mà người dùng có thể tận dụng được thực chất lại không nằm trong danh sách trên mà là bên trong phần mềm camera, cụ thể là tính năng AR Effect. Người dùng có thể ghép khuôn mặt được quét vào các nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh, đưa chúng vào khung cảnh thực tế thông qua hiệu ứng AR, và chụp ảnh/quay video lại.
Ghép mặt vừa được quét vào ứng dụng AR Effect để chụp ảnh/quay phim
Video vui nhộn sử dụng khuôn mặt của người được quét 3D
Trong khi công nghệ nhận dạng khuôn mặt đang có nhiều bước phát triển mạnh mẽ và đã có nhiều ứng dụng đã có thể làm việc này trong thời gian thực (real-time), thì toàn bộ quá trình quét của 3D Creator là quá đỗi phức tạp với người dùng thông thường, và hơn thế nữa, nó làm mất đi tính "vui vẻ" mà một ứng dụng như thế này cần phải có.
Đương nhiên rồi, những hình ảnh hay đoạn video ở trên trông rất vui nhộn. Nhưng, khi xét đến công sức mà cả người quét lẫn người bị quét phải bỏ ra trước đó để có được video này, thì liệu kết quả đạt được có xứng đáng? Tôi nghĩ là không.
3D Creator: Tính năng dùng một lần cho biết nhưng sẽ không có lần thứ hai
Rõ ràng, quét 3D của Xperia XZ1 (và cả Xperia XZ Premium sau khi nâng cấp lên Android 8.0 Oreo) là một tính năng rất độc đáo mà bạn sẽ không thể tìm được ở các dòng máy khác. Tuy nhiên, khó có thể coi đây là một ưu thế.
Có thể, đối với một số người, tính năng 3D Creator sẽ rất hữu ích. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa thể hình dung được rằng liệu đối tượng người dùng ấy sẽ là ai? Ngoài BKAV, ai sẽ có nhu cầu thường xuyên quét 3D khuôn mặt và những thứ xung quanh mình, đặc biệt khi kết quả cho ra gần như không để làm gì?
Chính vì vậy, bạn có thể mua Xperia XZ1 vì thiết kế nhôm nguyên khối, vì camera với khả năng quay slow-motion 960fps, vì cấu hình mạnh, vì thương hiệu Sony mà bạn yêu thích... hay vì bất kỳ lý do nào khác. Nhưng đừng mua Xperia XZ1 chỉ vì khả năng quét 3D của nó.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng