Đừng "thần thánh hóa" Google nữa: Tìm kiếm trên này không hề đúng 100%, lừa đảo ngày càng nhiều
Nhiều người nghĩ rằng cứ tra mọi thứ trên Google sẽ nhận về kết quả. Nhưng hãy cẩn thận, không phải Google lúc nào cũng đúng.
- AI Genie, câu trả lời của Google cho Sora: AI tự tạo game 2D với lời nhắc chỉ bằng một hình ảnh duy nhất
- Đây là Galaxy Z Fold6 với thiết kế mới vuông vức hơn
- Galaxy S24 bán chạy, phá vỡ kỷ lục doanh số tại Hàn Quốc
- Ảnh thực tế điện thoại chuyên nghe nhạc: Thiết kế sặc sỡ, 2 jack tai nghe 3.5mm, loa siêu lớn, giá chưa tới 4 triệu đồng
- Sự cố Gemini tạo ra hình ảnh "bóp méo" lịch sử: Google lên tiếng giải thích
Kết quả tìm kiếm ra toàn nội dung AI
Gần đây bạn có nhận thấy việc tìm kiếm trên Google toàn ra kết quả không chính xác hay không? Có nhiều lý do đằng sau tình trạng khó chịu này.
Những kẻ spam đang sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo để tạo ra cả biển nội dung vô nghĩa và thuật toán của Google lại xếp hạng những trang đó trước thông tin bạn thực sự cần, theo Wall Street Journal.
Đây mới chỉ là một trong những chiêu trò làm hỏng trải nghiệm tìm kiếm của bạn, bao gồm các quảng cáo giả và các trang web chất lượng thấp được xây dựng để xuất hiện trên đầu trang kết quả.
Không chỉ mang đến sự khó chịu, điều tệ hơn cả là những trang web sai lệch này có thể dẫn bạn đến những trò lừa đảo nhằm lấy số thẻ tín dụng và thông tin cá nhân.
Trong một ví dụ gần đây, cây bút Nicole Nguyen của WSJ muốn chuyển đổi tài khoản Gmail, cô đã tìm kiếm cụm từ "cách thay đổi tài khoản Google mặc định". Kết quả hàng đầu dẫn đến một bài viết dài được đăng lên mạng xã hội việc làm uy tín LinkedIn.
Tác giả là Morgan Mitchell, quản lý nội dung tại công ty nổi tiếng Adobe. Mitchell có đến 150 bài viết, tất cả đều được viết ở định dạng Hỏi & Đáp thân thiện với thuật toán tìm kiếm của Google.
Rất nhiều bài viết trong số đó có cả số điện thoại dịch vụ khách hàng, giải pháp phù hợp cho các vấn đề phức tạp hơn và dành cho người dùng ít hiểu biết về công nghệ hơn.
Vấn đề là ở chỗ Mitchell không hề tồn tại. Và số điện thoại trong bài viết không phải của Google hay Adobe. Có khả năng, Mitchell chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng của một số AI và là một cách để đánh lừa những người dùng cả tin.
Có rất nhiều người sử dụng Google hàng ngày và công cụ này chiếm hơn 91% số lượt tìm kiếm trên toàn cầu. Mặc dù đáng tin cậy hơn các lựa chọn thay thế, nhưng vẫn còn những thứ "rác rưởi" ngoài kia và AI tạo sinh chỉ làm tăng thêm sự lộn xộn.
Để xếp hạng cao trong kết quả tìm kiếm, những kẻ spam thưởng đăng tải bài viết trên các trang web có uy tín mà Google có xu hướng ưa chuộng, chẳng hạn như LinkedIn, Reddit và Quora.
Mark Williams-Cook, chuyên gia công cụ tìm kiếm và giám đốc tại công ty tiếp thị Candour, cho biết các chatbot tạo văn bản giúp việc sản xuất nội dung "ký sinh" trở nên dễ dàng hơn.
Google cấm nội dung được sản xuất hàng loạt nhằm mục đích chiếm đoạt kết quả tìm kiếm. Công ty cảnh giác với những kẻ spam sử dụng phần mềm để tạo ra văn bản vô nghĩa hoặc văn bản có nội dung chứa từ khóa từ các trang web khác.
Tuy nhiên, nội dung do AI tạo ra không vi phạm các quy tắc spam của Google. Nếu nội dung của AI đủ tốt thì nó vẫn được phép xuất hiện trong tìm kiếm.
Nhưng thứ được coi là đủ tốt đối với hệ thống xếp hạng tìm kiếm của Google có thể không hữu ích với người dùng.
Trở lại với nhân vật Mitchell, người được cho là tác giả của 150 bài đăng trên LinkedIn: Adobe xác nhận rằng không có ai có tên đó trong công ty. Williams-Cook nghi ngờ hồ sơ và các bài đăng trên đó được tạo bằng AI. Hình ảnh hồ sơ của Mitchell cũng có thể do AI tạo ra.
Đoạn trích mập mờ
Khi tìm kiếm, bạn thường nhận được một "đoạn trích" nổi bật để bạn có thể dễ nhận biết trang web này có đúng thông tin mà mình mong muốn hay không. Đoạn trích đánh dấu ở đầu trang từ một nguồn mà thuật toán của Google cho là uy tín.
Nếu bạn tìm kiếm "triệu chứng cúm", thông tin sẽ xuất hiện từ trang web của các cơ quan y tế chính thống. Nhưng thuật toán đôi khi nhường vị trí này cho những nguồn không chuẩn.
Vào tháng 1, Luan Santos nhận ra tên vợ mình bị viết sai chính tả trong chuyến bay của hãng hàng không Delta Air Lines. Khi tìm kiếm nhanh trên Google, anh thấy số điện thoại dịch vụ khách hàng và gọi hỗ trợ.
Dấu hiệu đáng ngại đầu tiên: Một nhân viên bắt máy ngay lập tức. Anh ấy nghĩ thường sẽ phải có lời chào của tổng đài tự động và sau đó là nửa giờ chờ đợi. Nhưng lần này thì không. Điều đó khiến anh nghi ngờ. Anh cung cấp mã đặt chỗ và được hỏi về vấn đề của mình.
Vào thời điểm đó, anh nhận thấy địa chỉ web trong đoạn trích của Google không trỏ đến trang web của Delta. Lo sợ bị lừa, anh cúp máy. Sau chuyện này, Luan nói rằng anh ít tin tưởng hơn vào Google.
Người phát ngôn của Google cho biết những cụm từ tìm kiếm phổ biến có thể trỏ đến thông tin chính thức, trong khi những cụm từ ít phổ biến có thể chuyển đến những trang có chất lượng thấp hơn.
Quảng cáo xấu
Kết quả tìm kiếm của Google thường bắt đầu bằng một loạt quảng cáo, đôi khi nhiều đến mức bạn phải cuộn để đến các liên kết không được tài trợ. Trả tiền cho vị trí đặt quảng cáo là một cách khác mà kẻ xấu có thể lôi kéo khách hàng rời khỏi trang web mà họ muốn nhắm tới.
Thực hiện tìm kiếm "ChatGPT Plus". Đây là dịch vụ chatbot cao cấp trị giá 20 USD/tháng của OpenAI. Thật dễ dàng để đăng ký, đặc biệt nếu bạn đã có ứng dụng ChatGPT trên điện thoại của mình.
Nhưng khi tra trên Google, kết quả quảng cáo đầu tiên có nội dung "ChatGPT 4.0 có sẵn" và đưa bạn đến một trang web không do OpenAI điều hành. Dịch vụ này cũng tính phí 20 USD hàng tháng nhưng phục vụ phiên bản cũ hơn vốn không tính phí.
Người phát ngôn của Google cho biết công ty cấm các quảng cáo phát tán phần mềm độc hại hoặc tìm cách lừa đảo người dùng và xóa hàng tỷ quảng cáo vi phạm các điều khoản của Google mỗi năm.
Nhưng nỗ lực trên chỉ như muối bỏ biển, khi những kẻ spam bằng các công cụ mới ngày càng khiến cho các kết quả tìm kiếm của Google bị loãng và sai lệch.
Dù bạn đang tìm kiếm gì, hãy luôn cảnh giác. Kiểm tra xem liên kết có phải là đơn vị uy tín về chủ đề này hay không. Nếu bạn đang tìm kiếm thông tin về sản phẩm hoặc dịch vụ khách hàng, hãy luôn chọn trang web chính thức của công ty.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng