Dùng thử móc khóa định vị thông minh giá 60k: Có thực sự giúp ích cho hội “dùng cả thanh xuân để tìm đồ”?
Được mô tả là thiết bị giúp những ai bị đãng trí không còn bị thất lạc đồ nữa, nhưng tác dụng thực sự của chiếc móc khóa này thì còn phải xem xét đã.
- Hơn 50 nghìn đã mua được pin dự phòng nhỏ bằng cái móc khóa nhưng liệu có đáng tin?
- Thiết bị tí hon dành riêng cho hội "dùng cả thanh xuân" để đi tìm đồ: Có khả năng theo dõi vị trí, chỉ nhỏ bằng móc chìa khóa
- Năm 1994, Intel đã từng thu hồi một số lượng lớn chip xử lý bị lỗi và biến chúng thành móc chìa khóa với lời nhắn của CEO để vượt qua khủng hoảng
Hiện trên thị trường đang có khá nhiều các mẫu móc khóa thông minh, được miêu tả có khả năng kết nối với smartphone để chống mất và định vị đồ đạc. Ví dụ khi tìm kiếm trên Google với các từ khóa “móc khóa thông minh” hay “thiết bị định vị”, các bạn sẽ tìm thấy ngay một loạt các sản phẩm có tính năng như trên và có giá khá rẻ, chỉ từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng.
Nhưng với mức giá này, liệu chúng có thực sự đem lại hiệu quả sử dụng hay không? Để trả lời cho câu hỏi, WeBuy đã quyết định tậu luôn một cái móc khóa có tên “iTag” và có được trải nghiệm sau.
Thiết kế
Sản phẩm khi mua về không có hộp đựng, chỉ được bọc bên trong một chiếc túi zip, đi kèm một tờ hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Có thể thấy vẻ ngoài của móc khóa khá nhỏ gọn, giống hình quả bơ, được làm hoàn toàn từ nhựa, trọng lượng siêu nhẹ.
Trên móc khóa không hề ghi logo hay ký hiệu nào về hãng sản xuất hay nơi xuất xứ, chỉ biết nó có tên “iTag” trong tiêu đề đặt hàng trên trang thương mại điện tử. Ở mặt giữa của móc khóa có một nút bấm duy nhất...
… Phía ngược lại có một nút vặn, có lẽ đây chính là vị trí đặt viên pin của thiết bị. Khả năng cao chiếc khóa này có xuất xứ từ Trung Quốc, vậy nên mới có giá rẻ đến vậy
Trải nghiệm sử dụng
Không cần lan man nhiều, chúng ta hãy cùng đi vào chi tiết trải nghiệm sử dụng của chiếc móc khóa này xem sao:
Dùng thử móc khóa định vị thông minh giá 60.000 đồng
Trong hướng dẫn sử dụng, nhà bán hàng yêu cầu người dùng tải ứng dụng “FindElfl” về cài đặt, tuy nhiên khi tìm kiếm trên mạng, WeBuy đã tìm ra thêm một hướng dẫn khác lại yêu cầu tải về ứng dụng “iTracing” hoặc “iSearching”, thử tải cả 3 ứng dụng này về thì hóa ra chúng đều có cách dùng và giao diện giống hệt nhau.
Cách sử dụng iTag khá đơn giản: Ấn giữ khoảng 2 giây cho đến khi kêu 2 tiếng “bíp bíp” để bật, nếu muốn tắt, ấn giữ 2 giây cho đến khi kêu 1 tiếng “bíp” dài.
Khi bật iTag lên, người dùng cần truy cập vào 1 trong 3 ứng dụng, sau đó tìm "iTag" và kết nối. Quá trình này diễn ra rất nhanh, không phải chờ đợi lâu.
Sau khi kết nối, trên ứng dụng sẽ hiện lên dòng chữ "Alarm". Nếu ấn sẽ kích hoạt tính năng báo động trên iTag, nó sẽ kêu "bíp bíp" liên tục cho đến khi chúng ta ấn dừng lại.
Màn hình ứng dụng khi chưa kết nối với iTag. Sau khi kết n ối với iTag, người dùng ấn vào "Alarm" để khiến thiết bị kêu lên
Khi đang kết nối, nếu bạn nhấn iTag 2 lần hoặc tắt nó đi, ứng dụng trên smartphone sẽ được báo động, hoặc khi bạn ấn ngắt kết nối trên ứng dụng smartphone, iTag cũng sẽ kêu "bíp bíp" để báo động.
Tag cũng sở hữu tính năng tự đánh dấu vị trí của nó trên bản đồ khi bị mất kết nối, giúp người dùng biết được, mình đã để rơi đồ vật quan trọng ở chỗ nào, lúc nào. Trong một số trường hợp, có thể tính năng này cũng sẽ giúp ích cho những ai đãng trí, biết được mình đã rơi đồ ở đâu, khi nào.
Khi tắt tắt iTag hoặc khoảng cách giữa thiết bị và smartphone quá xa, cả iTag và điện thoại sẽ kêu lên. Bản đồ và tính năng lịch sử vị trí giúp cho biết, iTag đã bị mất kết nối tại địa điểm nào
Đó là cách dùng cơ bản của chiếc móc khóa iTag. Nhưng cần lưu ý, nguyên lý hoạt động của nó chỉ dựa trên kết nối Bluetooth chứ không phải định vị GPS, và từ đây, một vài vấn đề của sản phẩm mới thực sự lộ diện.
Cụ thể, khi đã kết nối giữa smartphone và iTag, nếu khoảng cách giữa 2 thiết bị này trở nên quá xa (từ 10m - 15m), iTag sẽ bị mất kết nối do ngoài tầm phủ sóng của Bluetooth, trên ứng dụng của điện thoại cũng sẽ thông báo cho người dùng biết điều này.
Để kết nối lại, người dùng buộc phải rút ngắn khoảng cách và đi vào tầm phủ sóng. Phạm vi hoạt động của iTag là rất bé, nếu sử dụng ở môi trường rộng lớn như ngoài đường, đi du lịch, v.v... thì khó lòng mà phát huy tác dụng.
iTag có tầm hoạt động rất hẹp
Nhưng nếu dùng trong hộ gia đình, lớp học, nơi công sở, thì đây có lẽ sẽ là tính năng khá hữu ích. Giả sử nếu bạn là một người khi ra khỏi nhà thường để quên chìa khóa hoặc lúc rời khỏi quán ăn hay để quên túi xách, balo, v.v… iTag và smartphone sẽ kêu lên để nhắc nhở.
Trải nghiệm thực tế cũng cho thấy, tiếng kêu của iTag nếu để trong môi trường ồn ào là rất khó nghe, có âm lượng quá bé, đôi lúc không nghe thấy gì. Ứng dụng đôi khi cũng phản hồi rất chậm trễ khi đi quá tầm phủ sóng.
Một ví dụ cụ thể hơn: Định vị chỗ để xe khi đi vào các khu thương mại rộng lớn. WeBuy đã để iTag bên trong cốp xe. Tất nhiên khi đi xa, cả iTag và smartphone sẽ báo hiệu vì bị ngắt kết nối.
Đến đây, chúng tôi mới phát hiện ra, sau khi mất kết nối 2 phút, iTag sẽ không thể kết nối lại được với smartphone. Cách duy nhất để làm điều này là tìm ra nó và ấn nút bấm để khởi động lại, chẳng thà đi tìm chỗ để xe máy còn hơn? Như vậy, vô hình chung chiếc móc khóa đã trở nên vô dụng ở tính năng tìm vị trí đồ thất lạc.
Khả năng kết nối kém và kén người dùng
Cuối cùng, khi đã kết nối với iTag, nó còn có thể trở thành một công tắc cầm tay để chụp ảnh mỗi khi cần. Về thời lượng pin, theo như mô tả, pin của iTag có thể kéo dài từ 3 đến 6 tháng, tuy nhiên WeBuy vẫn chưa thể kiểm chứng được điều này, nhưng sau khi đọc một vài review của người dùng đã mua trên một số trang thương mại điện tử, có vẻ như chất lượng pin của iTag hầu hết đều khá kém và không đồng đều.
Vậy thiết bị này liệu có đáng mua?
Với giá tiền khá rẻ, chỉ 60.000 đồng, nếu chỉ sử dụng iTag trong phạm vi hẹp để tìm đồ ở nhà, hay dùng để báo hiệu khi không may để quên gì đó lúc bắt đầu ra khỏi cửa, bạn có thể tậu một chiếc để trải nghiệm.
Nhưng nếu bạn là một người đãng trí, luôn để quên đồ đạc hoặc không thể nhớ vị trí của chúng khi ra ngoài, có lẽ bạn không nên mua iTag. Vì thiết bị này có chất lượng kết nối kém, phạm vi hoạt động hẹp, âm thanh phát ra yếu ớt và cách sử dụng kén người dùng, khi cần sẽ không thể tìm được đồ thất lạc và mang lại nhiều rủi ro với những vật dụng quan trọng. Đó là còn chưa nói đến việc phải bật Bluetooth liên tục, khiến smartphone tốn nhiều pin.
Bởi vậy, Nếu thực sự muốn không còn bị thất lạc đồ, hãy sắm những thiết bị tương tự với chất lượng và mức giá cao hơn, hoặc tự luyện cho mình tính cảnh giác và sự thận trọng mỗi khi ra khỏi nhà.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng