Dùng thử ứng dụng scan ảnh cũ của Google: Nước ảnh đẹp, nhưng không chi tiết hơn chụp bằng camera điện thoại là mấy
Một công cụ hữu dụng cho những ai lười ra tiệm để scan ảnh.
Với sự phát triển của các mạng xã hội, người ta ngày càng chia sẻ nhiều hình ảnh của bản thân lên Internet. Đó là những hình ảnh selfie, ảnh khi đi du lịch hay một bức ảnh gia đình, và còn cả những tấm ảnh cũ được chụp từ trước khi công nghệ số phát triển.
Chắc chắn trong chúng ta, rất nhiều người còn giữ những bộ album ảnh thời thơ ấu, được chụp từ máy ảnh phim và in ra giấy ảnh để lưu giữ. Nếu muốn có một phiên bản kỹ thuật số của chúng, bạn sẽ cần tới các máy scan ảnh, hoặc đơn giản là dùng camera di động chụp lại.
Nhiều người không hề muốn mất thời gian cho việc ra tiệm scan những bức ảnh cũ, bạn chắc chắn cũng phải trả một khoản phí cho việc này. Tuy nhiên, sử dụng camera di động để chụp ảnh, sau đó crop và upload lên mạng cũng không thể mang lại một kết quả vừa ý. Hiểu được vấn đề này, Google đã giới thiệu PhotoScan, ứng dụng cho phép bạn sử dụng smartphone để scan ảnh cũ, biến chúng từ ảnh phim thành ảnh kỹ thuật số và chia sẻ lên mạng.
Ngay sau khi nhà phát triển cho tải về, tôi đã tiến hành dùng thử với một bức ảnh được in cách đây chưa lâu, thiết bị tôi sử dụng là Apple iPhone 6 Plus.
Để có thể đánh giá được hiệu quả sử dụng của Google PhotoScan, tôi sử dụng một bức ảnh được chụp bằng chính iPhone 6 Plus, in ra, sau đó chụp lại nó bằng ứng dụng Camera trên smartphone và tất nhiên là cả Google PhotoScan nữa.
Về cơ bản, phương thức hoạt động của PhotoScan khá giống với chế độ chụp ảnh HDR. Ứng dụng sẽ yêu cầu bạn xác định khung ảnh ban đầu, sau đó chụp chi tiết vào 4 góc của bức ảnh và xử lý ghép lại sau đó.
Kết quả như bức ảnh ở trên, có thể thấy được việc scan ảnh bằng ứng dụng của Google giúp loại bỏ các hiệu ứng tác động của ánh sáng, độ bóng của giấy in, thành phẩm sau cùng khá hoàn hảo, ngoại trừ màu sắc đã phần nào bị biến đổi, có thể do màu của đèn chiếu sáng. Tuy nhiên, nếu so các chi tiết, bức ảnh scan bằng PhotoScan giống hệt với ảnh gốc, còn ảnh chụp qua camera chưa đạt đến độ hoàn hảo đó.
Thử nghiệm với một bức ảnh có màu khác.
Với bức ảnh này, có thể thấy được màu sắc qua PhotoScan vẫn có phần rực hơn so với ảnh gốc ban đầu. Thật sự việc tái tạo một màu ảnh giống với ảnh gốc là khá khó khăn, bởi nó sẽ bị ảnh hưởng bởi giấy in, mực in cho tới đặc tính camera.
Cần phải nói lại, ảnh gốc được sử dụng là 1 ảnh kỹ thuật số đã qua chỉnh sửa, được in ra với công nghệ hiện nay, rất khó để sử dụng một thiết bị di động làm máy scan bất đắc dĩ mà tạo ra được thành phẩm ưng ý 100%. Nhưng trong trường hợp bạn chỉ có những bức ảnh cũ, không còn giữ được phim chụp gốc, màu sắc và hình ảnh chuyển thể từ PhotoScan là hoàn toàn có thể chấp nhận.
Nhưng như tiêu đề của bài viết, độ chi tiết khi sử dụng PhotoScan chưa thực sự tốt, không hề nét hơn so với chụp bằng ứng dụng camera thông thường, dù cho các thuật toán đã đè chồng nhiều lớp ảnh lên nhau.
Nhưng suy cho cùng, việc tạo ra một bức ảnh có kích thước trung bình, phục vụ chia sẻ lên mạng xã hội thì kích thước ảnh mà PhotoScan tạo ra là hoàn toàn có thể chấp nhận được. Trừ khi bạn muốn tạo ra một phiên bản digital, sau đó đem đi in ngược lại thì ứng dụng này chưa đủ tốt.
Trải nghiệm thực tế, bạn có thể tải về cho smartphone qua đường link sau. Android / iOS
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng