Dùng thử Xperia ZL2: Cho ai yêu Xperia Z2, và cũng yêu giá rẻ
(GenK.vn) - Smartphone dành riêng cho thị trường Nhật Bản được gọi với cái tên "Xperia Z2 phiên bản vỏ nhựa" đã được nhập về Việt Nam qua đường xách tay.
Thay vì bán ra chiếc Xperia Z2 tại thị trường Nhật Bản, đầu tháng 5 vừa qua Sony đã giới thiệu smartphone nội địa với tên Xperia ZL 2 (SOL25) thông qua nhà mạng Au KDDI của nước này. Hiện tại phiên bản nội địa ZL 2 đã được bán rộng rãi tại các cửa hàng điện thoại xách tay Việt Nam.
Được gọi với tên khác là "Xperia Z2 phiên bản vỏ nhựa" và có mức giá "dễ nuốt" hơn, liệu Xperia ZL 2 có thực sự đáng đồng tiền bát gạo?
Nói về thiết kế...
Nếu bạn đã từng dùng qua một trong hai đời Z của dòng Xperia, có thể nói ZL 2 không hề để lại dấu ấn nào về thiết kế, thậm chí nó còn mang tới cảm giác "thấp cấp" hơn khi sử dụng phần nắp lưng bằng nhựa thay vì kính. Nhưng dù bạn có phàn nàn thế nào cũng khó có thể phủ nhận các sản phẩm Xperia Z của Sony với ngôn ngữ thiết kế Omni Balane luôn mang tới cảm giác "đẹp và cứng cáp".
Giờ chúng ta đi cụ thể hơn về vỏ nhựa của ZL 2.
Dân thiết kế có hai khái niệm sử dụng phổ biến là UI (User interface) và UX (User experience). Hiểu đơn thế này: Khi bạn khen một cô gái xinh xắn, dáng đẹp và có những đường cong tuyệt mỹ, đó là bạn để ý đến UI. Khi bạn nói rằng cô ấy dễ gần, thân thiện và có duyên, đó là bạn để ý tới UX (trải nghiệm người dùng).
Với smartphone bạn cũng có thể tìm thấy hai khái niệm trên ở sản phẩm. Xperia ZL 2 tuy không làm tốt UI (không tạo cảm giác cao cấp với nắp lưng kính như của Z2) nhưng nó đã làm rất tốt vấn đề UX, mang tới trải nghiệm hoàn hảo khi cầm trên tay mặc dù trước đó tôi không có thiện cảm khi biết máy sử dụng vỏ nhựa.
Nếu như Xperia Z2 khiến bạn có cảm giác cầm nắm vướng víu và lo lắng sợ máy rơi khỏi tay vì mặt lưng phẳng, ít ma sát thì cảm giác đó đã biến mất hoàn toàn trên ZL 2. Mặt lưng của Xperia ZL 2 được phủ một lớp nhám không bám vân tay và các cạnh được vát cong sâu, vì vậy máy dễ dàng làm tôi 'thích ngay từ lần sờ đầu tiên'. Ngoài ra mặt sau được Sony sử dụng nhựa trong suốt khiến chữ in trên máy tạo cảm giác nổi lên trên khá thú vị.
Máy có thiết kế dày hơn nhiều so với Xperia Z2.
Đáng tiếc rằng để mang tới cảm giác sờ nắn thoải mái, Xperia ZL 2 có độ dày lên tới 1,08cm so với 0,82cm của Xperia Z2.
... đá một chút qua màn hình
Màn hình của Xperia ZL 2 có kích thước 5", nhỏ hơn một chút so với 5,2" của Xperia Z2. Cả hai máy đều có màn hình Full HD với nhiều công nghệ như Live Colour LED, Triluminos Display và X-Reality for mobile.
Tuy nhiên sau khi dùng thử thực tế, tôi đánh giá màn hình của Xperia Z2 cao hơn chiếc Xperia ZL 2. Màu sắc hiển thị trên màn hình Xperia ZL 2 nhợt nhạt hơn đàn anh, có cảm giác bị ám đỏ và góc nhìn khá hẹp. Điểm cộng cho màn hình của smartphone nội địa này là hiển thị ngoài trời tốt.
Màn hình hiển thị tốt ngoài trời, tuy nhiên có cảm giác bị ám đỏ.
Hiệu năng và cấu hình ra sao?
Dù sử dụng vật liệu nhựa kém cao cấp so với chiếc Xperia Z2 nhưng cấu hình máy không hề thua kém đàn anh. Máy sử dụng vi xử lý Qualcomm Snapdragon 801 MSM8974AB tốc độ 2,3 GHz, RAM 3GB, bộ nhớ trong 32GB thay vì 16 GB như Xperia Z2, có hỗ trợ thẻ nhớ mở rộng. Camera phía sau được bê nguyên từ chiếc Xperia Z2 với cảm biến Exmor RS độ phân giải 20,7 mpx, khả năng quay phim 4K, chống rung điện tử.
Bản ROM của Nhật nhưng có hỗ trợ ngôn ngữ Tiếng Việt.
Toàn bộ chức năng nổi bật trên Xperia Z2 như loa kép stereo công nghệ xLoud, công nghệ âm thanh chống ồn KTS Noise Cancelling, bộ ứng dụng giải trí,... đều được Sony mang lên Xperia ZL 2. Và đương nhiên, không thể thiếu khả năng chống bụi và nước theo tiêu chuẩn IPX5/IPX8.
Ảnh chụp thử từ camera của Xperia ZL 2:
Xperia ZL 2 có phù hợp với bạn không?
Những ngày đầu được xách tay về Việt Nam, Xperia ZL 2 được bán với giá khoảng 10 triệu đồng. Ở thời điểm viết bài, theo ghi nhận của PV giá bán Xperia ZL 2 tại cửa hàng CellphoneS - 19 Thái Hà chỉ còn ở mức 8,5 triệu đồng (thấp hơn nhiều so với mức giá xách tay 13 triệu đồng của Xperia Z2).
Máy bán tại Việt Nam đều là hàng bán ra của nhà mạng Au KDDI (Nhật Bản), vì vậy phụ kiện không có sạc và cable. Với những ưu và nhược điểm nêu ra phía dưới, hi vọng độc giả có thêm thông tin để lựa chọn smartphone phù hợp cho nhu cầu cá nhân của mình.
* Ưu điểm:
- Không có cảm giác gợn tay khi cầm máy lâu, mặt lưng nhám bám tay tốt.
- Đầy đủ tính năng nổi bật, cấu hình cao, tương đương Xperia Z2.
- Chất lượng gia công tốt.
* Nhược điểm:
- Không tạo cảm giác cao cấp như với mặt lưng bằng kính của Xperia Z2.
- Máy dày.
- Màn hình không tươi.
- Phụ kiện thiếu cục sạc và dây cable.
Một số hình ảnh khác của sản phẩm:
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng