Đừng vội lo lắng và sợ hãi cho Apple mà hãy nhìn vào sự thật tươi sáng này
Doanh số iPhone có thể đã giảm tới 2 chữ số, nhưng bạn hãy nghĩ về câu hỏi này: bán giá rẻ lấy thị phần và chịu lỗ bền vững hơn, hay độc chiếm thị trường cao cấp bền vững hơn?
Quý tài chính vừa rồi có thể coi là thảm họa của Apple. Ngoại trừ mảng phần mềm & dịch vụ thì toàn bộ các mảng kinh doanh cốt lõi của Apple đều chứng kiến doanh số suy giảm so với năm trước. Đáng lo ngại nhất, nguồn sống của Apple là iPhone cũng suy giảm trầm trọng: con số 51,2 triệu iPhone bán ra trong quý vừa rồi giảm tới 10 triệu máy so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu quý tiếp theo được dự đoán là cũng tồi tệ không kém khi tiếp tục giảm khoảng 15%. Ngay sau khi tình hình tài chính được công bố, cổ phiếu Apple sụt giảm 8%. 40 tỷ USD tiền của các nhà đầu tư bốc hơi trong vài tiếng đồng hồ.
iPhone sắp chết? Apple sắp chết? Hãy nhìn mà xem, Nokia đã từng thống trị đến thế mà vẫn suy tàn. BlackBerry từng gắn với khái niệm "smartphone" nhưng rồi cũng phải bỏ con đẻ BB10 sang sản xuất Android, cuối cùng vẫn cứ hấp hối.
Hãy bình tĩnh nhìn lại, bạn sẽ thấy người ta đang bù lu bù loa quá mức về "cái chết" tiềm tàng của Apple.
Cái bóng quá lớn
Đầu tiên cần phải nhớ rằng át chủ bài của Apple trong năm ngoái là 2 chiếc iPhone trong mơ của nhiều người - 2 chiếc iPhone đầu tiên có màn hình lớn. Thế hệ S ra mắt sau một năm luôn luôn có sức hút kém cỏi hơn, tương tự như những gì đã từng xảy đến với iPhone 5s. 2 năm trước Apple đã từng đảo được xu thế này bằng cách khai tử iPhone 5, nhưng năm nay chiến lược đó không còn. Chẳng có gì ngạc nhiên khi iPhone 6s và 6s Plus không thể lập kỷ lục điên rồ như iPhone 6/6 Plus.
Tiếp đó, hãy nhớ rằng chiếc iPhone 6 và 6 Plus đã từng gặp nhiều vấn đề về chuỗi cung ứng. Rất nhiều người muốn mua chiếc iPhone vào quý cuối năm 2014 đã phải đợi sang khoảng đầu 2015 để nhận được chiếc iPhone trong mơ của mình. Ngay từ năm ngoái người ta đã nhận định doanh số iPhone 6/6 Plus trong quý 1/2015 có phần hơi "ảo", và đến 2016 thì Apple lĩnh đủ.
Cuối cùng là những con số thực tế. Apple vẫn đang thu được tới 50,6 tỷ USD trong quý vừa rồi. Trong cùng một quý, Google đạt 20,25 tỷ USD doanh thu, Microsoft đạt 20,5 tỷ USD, Facebook đạt 5 tỷ, Qualcomm đạt 5,5 tỷ. Apple ngang ngửa với tất cả các ông lớn này cộng lại.
Sang quý tài chính hiện tại, doanh thu Apple được dự đoán vào khoảng trên 41 tỷ USD, tức là bằng Google và Microsoft của quý vừa qua cộng lại. Con số này dĩ nhiên không nhằm nhò gì so với mức kỷ lục 75 tỷ USD của Apple, nhưng vẫn là... quá lớn so với mặt bằng.
iPhone thì sao? Mức 61,2 triệu iPhone bán ra trong quý vừa rồi không cách biệt quá xa với mức 70 triệu smartphone Xiaomi bán ra trong... cả năm 2015. Apple ăn lãi từ 30-40%, Xiaomi chưa chắc đã có lãi chứ đừng mơ tới biên lợi nhuận 2 chữ số.
Khó khăn chung của thị trường cao cấp
Thông tin đáng lo ngại nhất về tương lai là thị trường Trung Quốc từng giúp Apple lên đỉnh hiện tại đã bão hòa. Nền kinh tế tại quốc gia đông dân nhất thế giới trong năm qua thậm chí còn phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng. Các nền kinh tế đang phát triển khác, kể cả những thị trường đang được các hãng giá rẻ nhắm tới như Indonesia và Ấn Độ, cũng chưa đủ màu mỡ như Trung Quốc.
Nhiều người sẽ chỉ ra rằng sự trỗi dậy của những chiếc smartphone giá rẻ Trung Quốc là nguyên nhân khiến doanh số iPhone bị ảnh hưởng, nhưng nhận định như vậy là không hoàn toàn chính xác. Apple chưa bao giờ định giá sản phẩm cho người dùng hạn hẹp kinh phí hay chạy đua cấu hình. Đối tượng người mua tiềm năng nhất của Apple là tầng lớp trung lưu dư dả kinh phí, và trên phân khúc này Apple thực chất chỉ cạnh tranh cùng Samsung, HTC hay Sony. Apple chưa bao giờ thua các đối thủ này cả.
Những chiếc Mi 5 giá 350 USD đứng ngoài cuộc chơi của các ông lớn đi trước. Ngay cả Huawei dù đã có thương hiệu Honor để "chăn" doanh số nhưng vẫn phát triển độc lập thương hiệu mẹ (chữ "Huawei" không xuất hiện nổi bật trên smartphone Honor) để xây dựng hình ảnh cao cấp, sang trọng trong mắt tầng lớp trung lưu tại quê nhà.
Đó cũng là lý do vì sao Apple không thực sự đẩy mạnh kinh doanh tại Ấn Độ hay Indonesia, hoặc nếu có thì cũng chỉ là... hàng lướt. Điểm đặc biệt nhất của thị trường Trung Quốc không phải là mức sống cao (thực chất là không cao so với phương Tây) hay số lượng triệu phú đô la đang ngày một dày đặc, mà là bởi quốc gia này có tầng lớp trung lưu đông đảo. Đây mới là mỏ vàng của các thương hiệu cao cấp như iPhone, Galaxy S hay Galaxy Note, bởi cuối cùng thì dù có là triệu phú bạn cũng chẳng cần phải thay iPhone 2 lần trong một năm làm gì.
Bởi vậy nên Apple mới ăn đậm khi nghiêm túc bước chân tới Trung Quốc vào khoảng 2013, 2014. Thực ra, không có China Mobile thì iPhone 5s có lẽ đã là chiếc iPhone đầu tiên phải hứng chịu doanh thu sụt giảm. Đến khi kinh tế Trung Quốc gặp giông bão như trong năm nay, Apple hiển nhiên là mất mặt. Đây thực chất vẫn là vấn đề "cái bóng quá lớn", và cái bóng này là của Trung Quốc chứ không phải của Apple.
Trong cái khó, ló cái bền vững
Nhưng hãy nhìn ra xa và bạn sẽ thấy mô hình làm ăn của Apple thực chất là bền vững hơn các hãng giá rẻ rất nhiều! Nhờ tập trung vào đẳng cấp và trải nghiệm mà Apple sở hữu một lượng đông đảo người dùng chịu chi hơn, trung thành hơn. Samsung cũng đạt kết quả tương tự tại Mỹ. Không phải vô cớ mà Samfan tại đây có mức độ trung thành không kém gì iFan: gã khổng lồ Hàn Quốc chỉ tập trung bán các dòng Galaxy đầu bảng có giá từ 650 USD trở lên qua các nhà mạng Mỹ. Samsung có đủ lực để chạy đua giá rẻ, nhưng chạy đua như vậy để làm gì khi lợi nhuận chẳng có - mà đã không có lời là không thể bền lâu.
Trái lại, suốt từ năm ngoái tới nay, người ta đặt câu hỏi về tính bền vững của mô hình Xiaomi. Không một tỷ phú nào có thể cứ đốt tiền và tồn tại vĩnh viễn. Quan trọng hơn, Xiaomi có lẽ là không thể tạo ra một chiếc smartphone thực sự đẳng cấp đi kèm với mức giá 650 USD. Bất kể bạn có ưa iPhone hay không thì chiếc smartphone Táo vẫn gắn liền với 2 chữ "cao cấp", và thường khi nâng cấp điện thoại người ta sẽ đi từ cấp thấp lên cao cấp chứ chẳng mấy ai đi ngược.
Ví dụ, trong năm vừa qua, khi tốc độ tăng trưởng chậm lại và Xiaomi gặp khó thì giá bán trung bình của smartphone tại Trung Quốc lại tăng tới gần 25% (số liệu IDC). Có một xu hướng khá bất thường nhưng dễ hiểu là các công nghệ thoái trào luôn dịch chuyển về phân khúc cao cấp, điển hình là PC suy thoái đã lâu nhưng card màn hình đắt tiền, chip Core i7 vẫn bán chạy; laptop mỏng nhẹ bán cho "doanh nhân" xuất hiện ngày càng nhiều. Vậy thì khi smartphone thoái trào, ông lớn nào sẽ tồn tại lâu nhất?
Câu trả lời vẫn sẽ là Apple, và cả Samsung nữa. Đúng là doanh số Samsung đã liên tục lao dốc, nhưng cái quan trọng cần nhìn ra là 2 chiếc Galaxy S7 cùng S7 edge vẫn nhanh chóng chạm mốc 10 triệu chiếc trong vòng chưa đầy một tháng.
Không phải là Nokia thứ 2
Điều đó có nghĩa rằng so sánh vị thế của Apple hiện tại với Nokia vào thời kỳ iPhone mới ra mắt cũng là không chính xác. Nokia thống trị thị trường, nhưng là ở phân khúc giá rẻ. Tiếp đó, trải nghiệm smartphone cảm ứng hoàn toàn mới mẻ so với trải nghiệm Nokia. Gã khổng lồ Phần Lan bị thay thế khi chiếc điện thoại "ngu" bị thay thế. Ở thời điểm hiện tại, chưa có một thứ gì đe dọa thay thế được chiếc smartphone cả. Smartwatch thì mờ nhạt, smartglass thì thảm bại, tablet thì chìm vào dĩ vãng từ lâu.
Nói như vậy không có nghĩa rằng tình thế của Apple sẽ sớm được cải thiện. Nếu như iPhone 7 không có gì gây sốc (và nếu iPhone 7 Pro không ra mắt), chúng tôi cho rằng doanh số iPhone sẽ tiếp tục chìm vào suy thoái. Nhưng đến khi ổn định, tức là giảm kịch sàn và không thể giảm nữa thì Apple cũng sẽ không thua lỗ. Hàng chục triệu người dùng iPhone, dù có nâng cấp chậm đến mấy, cũng vẫn sẽ mua iPhone. Trong kịch bản này, Apple vẫn sẽ bán ra được hàng triệu chiếc smartphone có giá 650 USD và tỷ suất lợi nhuận tầm 40%. Như thế không thể gọi là "chết" hay "suy tàn" được.
Bởi bất kể quan điểm công nghệ của bạn như thế nào, thực tế là chiếc iPhone vẫn đang gắn liền với số phận của smartphone nói chung và smartphone cao cấp nói riêng. Chừng nào chiếc smartphone còn chưa bị thay thế thì Apple cũng chưa chết. Samsung cũng vậy. Bạn hãy chờ mà xem!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng