Đường: Một thứ nicotine trong thời đại mới và các chiêu trò "tẩy trắng" nó của ngành công nghiệp thực phẩm chế biến
Nếu nicotine có thể được bán theo những cách như vậy, tại sao đường lại không?
Có thể bạn không biết, những ông chủ bán thuốc lá Marlboro và bánh Oreo cho bạn đã từng là cùng một người.
Đó không phải là gã chủ tiệm trà đá quần đùi áo may ô sẽ tính nhẩm 5 ngàn cộng 10 ngàn cho bạn. Mà là những gã đàn ông Mỹ trung niên mặc vest bảnh bao, đi xe sang trên đường phố Virginia có người mở cửa cho khi bước vào phòng họp hội đồng cổ đông của Altria mỗi năm một lần.
Altria - tập đoàn này chính là công ty mẹ của Philip Morris, hãng thuốc lá khổng lồ đang bán ra hàng chục tỷ điếu Marlboro mỗi năm trên thế giới. Trước năm 2007, họ cũng sở hữu cả Nabisco, công ty sản xuất ra những gói bánh Oreo xanh lừ ngọt ngậy với doanh số bán ra gần 100 triệu chiếc mỗi ngày.
Và cũng thật kỳ lạ, nếu bạn để ý sẽ thấy mô hình này được sao chép gần như giống hệt ở Việt Nam. Những ông chủ bán thuốc lá Thăng Long cũng đã từng bán bánh trứng Tipo cho bạn. Nếu không thoái vốn vào năm 2017 thì Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam bây giờ vẫn nắm cổ phần sở hữu cả Thực phẩm Hữu Nghị và Bánh kẹo Hải Hà.
Vậy điều gì đã khiến các công ty thuốc lá thích thú và từng muốn lấn sân sang ngành thực phẩm chế biến đến vậy? Hóa ra, chúng có cùng một công thức kinh doanh khá đơn giản: Khiến mọi người nghiện thứ sản phẩm mà họ mua về.
Khi bạn cầm chiếc bật lửa và đốt một điếu Marlboro, 0,6 mg nicotine trong nó bắt đầu xếp hàng ngay ngắn trước vạch đầu lọc. Chúng giống như một đội kỵ binh tinh nhuệ sẵn sàng tràn vào đường hô hấp của bạn.
Nicotine cưỡi trên những hạt hắc-ín, chạy đua với nhau trong một đường ống dài hơn 20 cm của khí quản. Chúng ùa vào phổi bạn như những đội quân hắc mã chiếm đóng lấy hai bên quảng trường đường hô hấp. Oxy bị đẩy dạt sang bên, nicotine gõ cửa xông vào từng phế nang.
Từ đó mà chúng đi được vào máu, tiếp tục di chuyển tới mọi ngõ ngách trong hệ tuần hoàn của bạn. Nicotine có thể băng qua một hàng rào máu trên não bộ như những dũng sĩ công thành thiện chiến.
Tại đây, chúng chiếm đóng hệ Mesolimbic dopamine, một trong những "con đường tơ lụa" trong não bộ vận chuyển hooc-môn dopamine từ khu vực tegmental của não giữa, tới vùng amygdale, nhân acbens, sang vỏ não trung gian trước trán rồi đến khu vực hồi hải mã và hệ limbic.
Khi thứ hooc-môn hạnh phúc ấy được sản sinh và trôi nổi xung quanh não bộ, người hút thuốc sẽ được đắm chìm vào cảm giác khoan khoái, dễ chịu và thỏa mãn trước khi lại thèm muốn hút thêm một hơi thuốc nữa. Đáng nói là tất cả quá trình này diễn ra trong vỏn vẹn khoảng 8 giây.
Nicotine hít vào từ đường thở có thể khuynh đảo não bộ của bạn nhanh như cách thuốc tiêm được truyền thẳng vào tĩnh mạch.
Tốc độ kích thích não bộ là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá mức độ gây nghiện của nicotine. Một chất nào đó chạm được vào mạch Mesolimbic dopamine càng nhanh, tác động của nó sẽ càng mạnh.
Đó là lý do tại sao cocaine được tiêm vào tĩnh mạch tàn phá khủng khiếp hơn hít qua đường mũi. Và cùng một liều nicotine thì thuốc lá thì tạo ra khoái cảm cho người hút còn những miếng dán hấp thụ nicotine qua da thì không.
Bây giờ, chúng ta cùng xem xét đến những chiếc bánh Oreo. Mỗi một chiếc bánh Oreo chứa 3,67 gam đường và nó cũng kích hoạt một cuộc đua từ đầu lưỡi của bạn đến hệ Mesolimbic dopamine trong não bộ.
Vào khoảnh khắc bạn cắn miếng bánh đầu tiên, vị ngọt của đường chạm đến các nụ vị giác ở đầu lưỡi kích hoạt tín hiệu trên đầu dây thần kinh sọ não số VII. Dây thần kinh số VII chính là sợi dây nối phần lớn thụ thể trên lưỡi với thân não của bạn.
Trong khi bạn nhai bánh, dây thần kinh hầu họng số IX, nối từ phần sau lưỡi đến vùng medulla oblongata trong thân não, sẽ trở thành con đường thứ 2 bật sáng. Cho đến khi bạn nuốt 3,6 gam đường cùng những phụ gia khác làm nên chiếc bánh Oreo tiếp tục truyền các tín hiệu mới băng qua dây thần kinh số X nối gốc lưỡi với vùng medulla của thân não.
Ba dây thần kinh này gom thông tin vị giác về cùng một khu vực được gọi là vỏ vị giác chính. Đây chính là nơi 5 vị cơ bản gồm đắng, mặn, chua, ngọt và umami được phân tích và cân đo đong đếm giúp bạn cảm nhận được hương vị đặc trưng của từng loại thức ăn.
Một chiếc bánh Oreo dĩ nhiên được đặc trưng bởi vị ngọt của nó. Một khi vị của đường được nhận diện, vỏ vị giác chính lập tức bắn một luồng tín hiệu sang vùng não giữa dopaminergic. Và thế là một lần nữa, mạch Mesolimbic dopamine được khuấy đảo.
Tín hiệu bắt đầu chạy qua lại các trung tâm não bộ khác nhau như một quả bóng trong trò chơi Pinball, nó đi từ hạch hạnh nhân, sang nhân đuôi rồi sang vỏ não trước. Dopamine lại được xả ra giúp bạn thấy vui vẻ và thỏa mãn với miếng bánh của mình.
Điều thú vị ở đây là khác với nicotine, đường không cần phải chạy vào hệ tiêu hóa, sang hệ tuần hoàn rồi mới kích hoạt tín hiệu dopamine trong não của bạn. Nó sử dụng con đường tín hiệu thần kinh và do đó kích thích xảy ra ở một tốc độ nhanh hơn rất nhiều.
"Khói từ thuốc lá mất khoảng 10 giây để khuấy động não bộ, nhưng một chút đường chạm vào lưỡi sẽ khiến điều đó xảy ra trong vòng hơn một nửa giây, chính xác là hơn 600 mili giây", Michael Moss, nhà báo điều tra từng đoạt giải Pullitzer, tác giả cuốn sách "Mắc câu: Thực phẩm, ý chí tự do và cách những công ty khổng lồ khai thác cơn nghiện của chúng ta" cho biết.
"Đường tác động vào não bộ nhanh hơn thuốc lá 20 lần".
Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tác hại của đường như một chất gây nghiện. Các nhà khoa học cho biết đường có thể tác động đến hệ thống tưởng thưởng dopamine trong não bộ giống với các chất gây nghiện khác, từ nicotine, rượu cho đến cocaine.
Những người bị béo phì cũng thường bị rối loạn chức năng hệ thống tưởng thưởng dopamine trong não bộ của họ, khiến họ thèm ăn giống với cách những người nghiện ma túy thèm thuốc. Điều này đã được xác nhận bởi ảnh chụp PET não bộ trên người và trước đó là các thí nghiệm trên động vật.
Năm 2008, một nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Princeton, Hoa Kỳ đã thực hiện một thí nghiệm kinh điển trên chuột để chứng minh chúng có thể bị nghiện đường. Các nhà khoa học đã cho lũ chuột uống nước đường mỗi ngày để theo dõi mô hình hoạt động của dopamine trong não bộ cũng như hành vi thể hiện ra bên ngoài của chúng.
Kết quả cho thấy khi những con chuột uống nước đường, não bộ chúng tiết ra một lượng lớn dopamine. Lặp đi lặp lại điều này dẫn đến sự suy giảm thụ thể dopamine và opioid trong não bộ của chúng, giống với những gì xảy ra với những con chuột tiếp xúc với cocain và heroin.
Giảm thụ thể trong não khiến những con chuột bị nhờn với đường. Trong những bữa ăn tiếp theo, chúng cần nhiều đường hơn để đạt được nồng độ dopamine trước đó. Nếu không được thỏa mãn, lũ chuột sẽ có các biểu hiện của cơn nghiện, chúng trở nên lo âu, run rẩy, thèm khát và hung hăng giống với những hành vi của một người nghiện ma túy không được dùng thuốc.
Các thí nghiệm tương tự trên chuột liên tục được lặp lại và xác nhận kết quả của nhóm Princeton. Năm 2017, một nhóm các nhà khoa học đến từ Viện Sức Khỏe Tim mạch Trung Mỹ Saint Luke đã tổng hợp lại tất cả các bằng chứng này để đi đến kết luận rằng "có một sự tương đồng và trùng lặp đáng kể giữa chứng nghiện ma túy và nghiện đường".
"Tiêu thụ đường tạo ra các hiệu ứng tương tự như cocain, làm thay đổi tâm trạng thông qua hệ thống tưởng thưởng dopamin và tạo ra niềm vui trong não bộ. Điều này dẫn đến việc chúng ta liên tục tìm kiếm đường", các tác giả viết. "Có lẽ đó là chất gây nghiện được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới".
Mặc dù không hoàn toàn đồng ý với so sánh đường với cocain, nhưng một nghiên cứu năm 2018 đăng trên tạp chí Frontiers in Psychiatry cho rằng mức độ nghiện đường có thể được so sánh ngang với nicotine trong thuốc lá.
Các nhà khoa học đã đối chiếu hành vi tiêu thụ đường với 11 tiêu chí định nghĩa tình trạng nghiện của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ. Kết quả cho thấy sự trùng lặp ở 5/11 tiêu chí bao gồm: sử dụng một lượng lớn hơn trong thời gian dài hơn dự định, có sự thèm muốn, tiêu thụ bất chấp sự nguy hiểm, có quá trình dung nạp và triệu chứng cai nghiện.
Chính Steven C. Parrish, cựu giám đốc điều hành của Altria, trước đây là Philip Morris, cũng phải nhấn mạnh sự nguy hiểm của cơn khát đường. Ông cho biết mình có thể bỏ thuốc lá sau giờ làm việc nhưng những chiếc bánh Oreo của công ty thì không.
"Tôi cảm thấy bị đe dọa khi có một túi khoai tây chiên, Doritos hay Oreo trong tầm tay mình. Tôi thậm chí không dám bóc một túi Oreo, bởi thay vì ăn một hoặc hai cái, tôi sẽ ăn cả nửa gói", Parrish nói.
Giống với đường bây giờ, bản chất gây nghiện của nicotine đã được biết đến từ rất lâu. Năm 1963, trong một bản thú nhận, CEO của gã khổng lồ thuốc lá Brown & Williamson đã khẳng định công việc của họ là "kinh doanh nicotine, một loại thuốc gây nghiện".
Chưa đầy 10 năm sau đó, một quan chức trong bộ phận nghiên cứu của Philip Morris cũng thừa nhận "những điếu thuốc lá không nên được coi là một sản phẩm. Đúng hơn chúng chỉ là những cái bao bì. Sản phẩm thực sự là nicotine… Hãy coi bao thuốc lá giống như một cái hộp cung cấp nicotine trong ngày".
Và nếu nicotine có thể được bán theo cách như vậy, tại sao đường lại không?
Vào những năm 1980, Philip Morris mua lại Kraft và General Foods để chính thức trở thành nhà sản xuất thực phẩm chế biến lớn nhất nước Mỹ. Có thể bạn không biết những ông chủ đang bán bánh quy Kool-Aid, Cocoa Pebbles, nước giải khát Capri Sun và những gói Oreo cho bạn chính là những người đã từng sành sỏi trong việc bán thuốc lá Marlboro.
Ngành thực phẩm chế biến đang đem về một lượng lớn doanh thu cho Altria. Trong bối cảnh kinh doanh thuốc lá đang thoái trào, chuyển sang bán đường có lẽ là một lối thoát hợp lý cho những ông chủ của họ.
Chiến lược bán hàng chỉ đơn thuần là sự sao chép từ cuốn sổ tay bán thuốc lá. Vì vậy, không khó để nhận ra sự tương đồng của hai ngành hàng này.
Nguyễn Kim Hạnh, một nhà nghiên cứu chính sách y tế gốc Việt tại Đại học California đã theo dõi quá trình ngành thuốc lá mua lại và vận hành những công ty sản xuất thực phẩm chế biến. Cô cho biết đường bây giờ đang được bán và tẩy trắng giống hệt với nicotine một vài thập niên về trước. Cụ thể như thế nào, chúng ta hãy cùng điểm qua một lượt:
Cả hai ngành công nghiệp này đều thao túng khoa học để "tẩy trắng" sản phẩm của mình.
Tháng 12 năm 1952, sau khi một bài báo khoa học trên tạp chí Reader Digest lần đầu tiên chỉ ra mối liên hệ giữa thuốc lá và bệnh ung thư phổi, nó đã gây ra chấn động và làm doanh số bán hàng của các công ty thuốc lá sụt giảm.
Các bằng chứng tích lũy ngày càng nhiều khiến tháng 12 năm 1953, CEO của 5 gã khổng lồ trong ngành thuốc lá bao gồm r. J. Reynolds, Philip Moris, Benson & Hedges, U. S. Tobacco Company và Brown & Williamson đã phải bí mật gặp nhau tại khách sạn Plaza ở New York.
Họ đã thống nhất một chiến lược chung nhằm bóp méo khoa học và đánh lừa công chúng về sự nguy hại của thuốc lá. Ngành công nghiệp sau đó tổ chức một ủy ban nghiên cứu gọi là độc lập nhưng gồm toàn những nhà khoa học bị mua chuộc để nhấn mạnh rằng "không có bằng chứng nào cho thấy thuốc lá gây ung thư phổi". Nỗ lực này sau này đã bị lật tẩy và áp đảo bởi các bằng chứng khoa học thực sự.
Chiêu bài tương tự cũng đã được ngành công nghiệp thực phẩm ở Mỹ sử dụng để đối phó với các bằng chứng khoa học nói đường gây ra bệnh tim mạch. Năm 1965, thông qua một tổ chức được gọi là Quỹ Nghiên cứu đường, họ đã mua chuộc 3 nhà khoa học Harvard với giá 6.500 USD để "tẩy trắng" tác hại của đường bằng cách đổ lỗi cho chất béo bão hòa.
Kết quả là công chúng đã bị đánh lạc hướng, ngành công nghiệp thừa cơ tung ra các sản phẩm "giảm béo", "ít béo" nhưng vẫn chứa rất nhiều đường và duy trì được hoạt động kinh doanh của mình.
Cho tới tận bây giờ, cả ngành công nghiệp thuốc lá và thực phẩm vẫn duy trì việc trả tiền và cố gắng mời các nhà khoa học đầu ngành làm cố vấn cho mình. Họ tiếp tục tài trợ nhiều nghiên cứu, thậm chí lập ra ủy ban khoa học riêng nhằm đánh lạc hướng công chúng hoặc cố tình hạ thấp tác hại của đường và thuốc lá tới sức khỏe.
Họ đẩy trách nhiệm về phía cá nhân người tiêu dùng.
Trong một cuộc họp cổ đông năm 1996 của nhà sản xuất thuốc lá và thực phẩm RJR Nabisco, một phụ nữ đã hỏi chủ tịch công ty bấy giờ là Charles Harper rằng liệu ông ấy có muốn những người hút thuốc lá đứng xung quanh con hoặc cháu của mình hay không?
Câu trả lời của Harper khi đó nói lên thái độ điển hình của Nabisco và ngành công nghiệp thuốc lá khi đó: "Nếu bọn trẻ không thích ở trong một căn phòng có khói thuốc, chúng sẽ tự biết ra ngoài".
Người phụ nữ đáp lại: "Nhưng trẻ sơ sinh thì không tự ra khỏi phòng được". Harper lại nói: "Một ngày nào đó chúng sẽ học bò, đúng không? Rồi sau đó chúng bắt đầu đi ra ngoài được".
Tương tự, ngành công nghiệp thực phẩm luôn nói rằng béo phì không phải là lỗi của họ trong một loạt vụ kiện tại Mỹ năm 2004. Họ nhấn mạnh lỗi đó nằm ở phía khách hàng vì đã ăn quá nhiều và lười tập thể dục.
Ngành công nghiệp đường cũng luôn nhấn mạnh tập thể dục quan trọng hơn chế độ ăn uống trong việc giảm cân. Vì vậy, việc sản xuất và tiếp thị thực phẩm chế biến đến người tiêu dùng và cả trẻ em là hoàn toàn vô tội.
Những lời hứa một đằng làm một nẻo và chiếc mặt nạ trách nhiệm xã hội.
Sau khi nỗ lực tẩy trắng sản phẩm và chối bỏ trách nhiệm thất bại, ngành công nghiệp thuốc lá buộc phải cam kết điều chỉnh hoạt động kinh doanh và tiếp thị của mình. Năm 1954, họ lại một lần nữa họp lại và ra một "tuyên bố Frank" nói rằng từ nay trở đi các công ty thuốc lá có trách nhiệm trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên, các ông lớn trong ngành thuốc lá lại thực hiện điều ngược lại khi tiếp tục vận động hành lang để giảm nhẹ tác động của các chính sách áp đặt và hạn chế hút thuốc. Nhiều chiến dịch bảo vệ sức khỏa cộng đồng của họ đã thất bại, thậm chí phản tác dụng.
Chẳng hạn như hồi thập niên 1990, Philip Morris tài trợ một loạt các chương trình "phòng chống hút thuốc ở tuổi thanh niên". Nhưng đánh giá từ một số nghiên cứu cho thấy điều ngược lại, các chiến dịch này còn thúc đẩy thanh niên hút thuốc nhiều hơn.
Sao chép các lời hứa từ ngành thuốc lá, ngành công nghiệp thực phẩm thậm chí còn áp dụng chúng một cách sáng tạo hơn. Ví dụ như đầu những năm 2000, Hiệp hội Đồ uống Hoa Kỳ cam kết họ sẽ giảm doanh số bán nước ngọt có ga trong trường học.
Kết quả là mặc dù mảng kinh doanh này có giảm, nhưng ngành công nghiệp lại đẩy mạnh việc bán các loại đồ uống thể thao và nước tăng lực, thậm chí, còn chứa nhiều đường hơn cho học sinh sinh viên.
Ngoài ra, cả ngành công nghiệp thuốc lá và ngành công nghiệp thực phẩm đều tích cực tài trợ các hoạt động xã hội và cộng đồng với các mục đích riêng. Một mặt, họ dường như sẽ có được hình ảnh tốt hơn với công chúng, nhưng mặt khác, các hoạt động tài trợ này đều được chọn lọc để lái sự chú ý của xã hội sang các vấn đề khác.
Chẳng hạn, ngành công nghiệp thuốc lá sẽ tài trợ cho các tổ chức phụ nữ thực hiện các chương trình phòng chống ung thư vú, nhưng hoàn toàn im lặng trước nạn dịch ung thư phổi cũng đang leo thang.
Liên tục mở rộng thị trường, sang các nước đang phát triển và xuống đối tượng ngày càng trẻ.
Các nhà quan sát cho thấy trong một vài thập kỷ qua, khi nhận thức về tác hại của thuốc lá và thực phẩm chế biến tại các nước phát triển ngày càng tăng, hai ngành công nghiệp này đã nỗ lực việc mở rộng thị trường của họ sang các nước đang phát triển.
Họ gọi đây là các thị trường tiềm năng và công việc được triển khai bằng cách mở các chi nhánh, công ty liên doanh, tăng cường quảng cáo, tiếp thị và vận động chính sách. Kết quả là người dân ở các nước đang phát triển ngày càng tiêu thụ nhiều thuốc lá và thực phẩm chế biến hơn.
Ngoài ra, cả thuốc lá và thực phẩm chế biến đều đang được thiết kế lại để nhắm đến đối tượng sử dụng là người trẻ tuổi hơn. Trong khi ngành thuốc lá phát triển các sản phẩm chứa hương vị, một số đầu tư vào thuốc lá điện tử thì ngành công nghiệp thực phẩm liên tục quảng cáo sản phẩm tới trẻ em.
Họ cũng làm điều đó thông qua những bao bì sản phẩm bắt mắt. Và nếu để ý, bạn có thể thấy những mẫu sản phẩm như bánh Oreo mini ra đời chỉ để vừa vặn hơn với bàn ta y và khuôn miệng của những đứa trẻ nhỏ tuổi hơn.
Thoát xác bằng các sản phẩm thay thế "giảm tác hại" và "an toàn hơn".
Đây là một điểm tương đồng khác giữa các công ty thuốc lá và những gã khổng lồ trong ngành thực phẩm chế biến. Bằng cách tạo ra các sản phẩm thuốc lá đầu tiên có đầu lọc và được quảng cáo là "an toàn hơn", các công ty thuốc lá đã vượt qua được giai đoạn khủng hoảng trong thập niên 1950.
Doanh số bán thuốc lá đã tăng trở lại khi người tiêu dùng tin rằng đầu lọc có thể giúp lọc bỏ các chất gây hại. Kế đó, thuốc lá giảm hắc-ín và giảm nicotine tiếp tục được tạo ra với lời hứa giảm thiểu được tác hại của chúng. Tuy nhiên, việc giảm nicotine trong mỗi điếu thuốc rốt cuộc lại khiến nhiều người hút nhiều thuốc lá hơn.
Gần đây nhất, các công ty thuốc lá bắt đầu cho ra đời các sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá hóa hơi với tuyên bố chúng an toàn hơn thuốc lá truyền thống. Các nghiên cứu nói các loại thuốc lá này "an toàn hơn" tiếp tục là các nghiên cứu được tài trợ bởi các công ty thuốc lá.
Ngành công nghiệp thực phẩm cũng đã sử dụng một chiêu tương tự. Các sản phẩm "ít béo", "ít đường" và "không chất béo chuyển hóa" lần lượt được cho ra đời để xoa dịu người tiêu dùng. Họ cũng bổ sung thêm vitamin hoặc khoáng chất vào sản phẩm của mình để tăng cảm giác "lành mạnh" cho thực phẩm chế biến.
Quảng cáo và tiếp thị sản phẩm luôn tập trung vào các yếu tố này mà bỏ qua lượng đường trong sản phẩm vẫn được giữ ở mức cao.
Trong cuốn sách "Mắc câu: Thực phẩm, ý chí tự do và cách những công ty khổng lồ khai thác cơn nghiện của chúng ta", Michael Moss tiếp tục chỉ ra một động thái đáng nghi ngờ. Ông cho biết các gã khổng lồ thực phẩm từ lâu đã âm thầm mua lại một loạt các công ty sản xuất thực phẩm ăn kiêng lớn.
Heinz, gã khổng lồ thực phẩm chế biến, đã mua Weight Watchers vào năm 1978 với giá 72 triệu USD. Unilever, công ty bán thanh Klondike đã trả 2,3 tỷ USD cho SlimFast vào năm 2000.
Nestle đã mua Jenny Craig vào năm 2006 với giá 600 triệu USD. Và vào năm 2010, công ty cổ phần tư nhân sở hữu kem Cinnabon và Carvel đã mua Atkins Nutritionals, công ty bán các loại đồ uống có hàm lượng carb thấp, sữa lắc và đồ ăn nhẹ.
Hầu hết các nhãn hiệu sản xuất đồ ăn kiêng đã được bán cho các công ty mẹ khác. Moss cho biết điều này cho phép các gã khổng lồ thực phẩm kiếm lợi nhuận trên cả hai đầu. Một đầu, họ bán sản phẩm vỗ béo khách hàng, ở đầu còn lại, họ bán các sản phẩm hỗ trợ giảm cân.
Lợi nhuận khi đó sẽ không thể chạy đi đâu được và chỉ có thể chảy về túi của cùng một ông chủ.
"Tôi đã tìm hiểu rất sâu về ngành công nghiệp thực phẩm chế biến trong suốt 10 năm qua. Càng ngày tôi càng bị choáng váng khi thấy được sự ranh ma của họ", Moss nói. "Sâu thẳm trong chiến lược của những công ty này, họ không chỉ đang khai thác bản năng cơ bản của chúng ta để kiếm lời mà còn làm xói mòn quyền lựa chọn của chúng ta trong nỗ lực kiểm soát thói quen ăn uống của chính mình".
Sau tất cả, đó là cách mà đường đang được đóng gói và bán giống với nicotine. Thậm chí còn ranh ma hơn thế!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng