Elon Musk cập nhật tính năng “gái anime” cho Grok, cho phép chat nhạy cảm

    Kim,  

    Tính năng Companions mới chắc chắn sẽ thu hút người dùng, đặc biệt là fan của loại hình anime.

    Bên cạnh giao kèo trị giá 200 triệu USD với Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, chatbot Grok do công ty của Elon Musk phát triển tiếp tục gây chú ý với tính năng mới mang tên “Companions”, tạm dịch là “Bạn đồng hành”.

    Thông tin chính thức cho hay những người dùng đăng ký gói Super Grok (giá 30 USD/tháng) đã có thể trò chuyện cùng các nhân vật AI hoạt hình, bao gồm Ani - một cô nàng được thiết kế theo phong cách anime và ăn mặc theo trường phái gothic, và Rudy - một sinh vật cáo 3D ngộ nghĩnh.

    Elon Musk cập nhật tính năng “gái anime” cho Grok, cho phép chat nhạy cảm- Ảnh 1.

    Tính năng mới của Grok: tạo ra bạn đồng hành ảo cho người dùng - Ảnh chụp màn hình.

    Ani thậm chí còn được tích hợp chế độ “nhạy cảm”, trong đó nhân vật xuất hiện với trang phục nội y; người dùng sẽ phải kích hoạt thủ công chế độ này trong phần cài đặt. Musk cho biết nó sẽ sớm được triển khai rộng rãi hơn, tuy nhiên một số người dùng miễn phí vẫn có thể trò chuyện với các nhân vật này, cho thấy tính năng đang được phủ sóng rộng hơn dự kiến.

    Đáng chú ý, các cây bút của TestingCatalog phát hiện ra rằng các nhân vật không chỉ thay đổi bối cảnh mà còn “lên cấp” theo thời gian, khi người dùng tương tác thường xuyên hơn. Ví dụ, để mở khóa các tùy chọn “nhạy cảm” với Ani, người dùng cần đạt đến một mức độ quan hệ cao hơn; trong khi đó, các biến đổi về tính cách của Rudy có thể được kích hoạt tùy theo tiến trình hội thoại, hay nói cách khác là phụ thuộc vào prompt do người dùng nhập vào.

    Elon Musk cập nhật tính năng “gái anime” cho Grok, cho phép chat nhạy cảm- Ảnh 2.

    Thông qua Grok, người dùng có thể tâm tình với AI - Ảnh chụp màn hình.

    Những gợi ý về các bổ sung sắp tới cho thấy nhiều AI Companion khác đang được phát triển, trong đó có một nhân vật anime nam tên là Chad và một nhân vật nữ chưa được đặt tên. Sự xuất hiện của các avatar với nhãn “Coming Soon” cùng các bản cập nhật thường xuyên cho thấy Grok đang đầu tư mạnh vào việc mở rộng tính năng này.

    Đáng chú ý, các nhân vật số này được quảng bá thông qua các tài khoản chính thức riêng trên nền tảng X và có vẻ như được liên kết với một công ty mang tên Animation Inc. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu xAI đã mua lại công ty này hay tính năng Companions chỉ là màn hợp tác đơn thuần.

    Elon Musk cập nhật tính năng “gái anime” cho Grok, cho phép chat nhạy cảm- Ảnh 3.

    Nội dung "Coming soon" cho thấy tính năng sẽ còn được cập nhật thêm nhiều nhân vật nữa - Ảnh chụp màn hình.

    Tuy nhiên, sự xuất hiện của các người bạn ảo trong thời điểm nhạy cảm khiến nhiều người đặt câu hỏi: đây là bước tiến trong trải nghiệm AI tương tác, hay một con dao hai lưỡi? Mô hình AI làm “bạn đồng hành lãng mạn” từng được một số công ty theo đuổi, nhưng cũng kéo theo không ít hệ lụy. Điển hình là Character.AI, nền tảng đang bị kiện sau khi chatbot của họ bị cáo buộc hướng dẫn trẻ em thực hiện hành vi bạo lực.

    Ngay cả với người trưởng thành, các nghiên cứu mới cũng cảnh báo việc coi chatbot là bạn tâm giao hay trị liệu viên có thể làm gia tăng nguy cơ tâm lý tiêu cực, dẫn đến phụ thuộc cảm xúc nguy hiểm.

    Trong bối cảnh đó, sự “người hóa” các chatbot như Grok có thể mang lại trải nghiệm thú vị, nhưng nếu thiếu các rào chắn đạo đức và kiểm soát chặt chẽ, tương lai “AI tình cảm” có thể sẽ mở ra một hành lang nguy hiểm, nơi con người cô đơn tìm kiếm kết nối ảo, nhưng lại đánh mất sự thật, sự an toàn và cả chính bản ngã của mình.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ