Elon Musk tỉnh mộng: Ấp ủ làm taxi tự lái nhưng 8 năm vẫn trên giấy, lặng nhìn đối thủ rót 30 tỷ USD đầu tư đội 700 xe, hiện chưa xin được giấy phép
Lời hứa của ông Musk, giống như nhiều bộ phim Hollywood, chỉ là sự khoa trương không thực tế.
Sau nhiều lần lỡ hẹn, sự kiện “We, Robot” của Tesla cuối cùng cũng đã diễn ra ở Mỹ hôm 10/10 tại Warner Bros Studios. Các hãng phim Hollywood, cũng giống như Tesla, là nhà máy sản xuất mơ ước. Tầm nhìn của vị tỷ phú, cùng tiếng reo hò thích thú từ những người hâm mộ cuồng nhiệt trong khán phòng, hướng về chiếc Cybercab tự hành giá rẻ đến mức được ví như “phương tiện giao thông công cộng cá nhân hóa”.
Tuy nhiên, những lời hứa của ông Musk, giống như nhiều bộ phim Hollywood khác, chỉ là sự khoa trương không thực tế. Con đường đến với xe taxi tự lái vẫn còn rất dài, còn Tesla tiếp tục phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt.
Theo ông Musk, Cybercab, chiếc xe hai chỗ ngồi không có vô lăng hoặc bàn đạp, sẽ được bán ra trước năm 2027. Ông trước đó cũng từng hứa sẽ có một đội xe taxi robot gồm 1 triệu chiếc vào năm 2020. Sản phẩm tên Robovan, có thể chở 20 hành khách, thậm chí được cam kết trở thành sản phẩm lớn nhất từ trước đến nay.
Trong những năm gần đây, dịch vụ taxi robot xuất hiện ở ngày càng nhiều thành phố. Waymo, thuộc Alphabet, dẫn đầu ở Mỹ. Sau 15 năm và có lẽ là 30 tỷ USD đầu tư, hiện công ty này đang sở hữu đội xe gồm 700 chiếc taxi tự lái hoạt động ở Los Angeles, San Francisco và Phoenix, sau đó sẽ sớm ra mắt tại Atlanta và Austin. Cruise, một cái tên đáng gờm khác, cũng đang hoạt động tại Phoenix và tiếp tục thử nghiệm tại San Francisco.
Đặt lên bàn cân, Trung Quốc cũng đã trở thành điểm nóng khi Apollo Go, đơn vị taxi robot của Baidu, ra mắt dịch vụ tại Vũ Hán vào năm 2022, sau đó mở rộng sang mười thành phố khác của Trung Quốc. Công ty đặt mục tiêu tăng gấp đôi đội xe tại Vũ Hán lên 1.000 taxi robot vào cuối năm nay. Các công ty Trung Quốc khác bao gồm Pony.ai, WeRide và Didi, công ty gọi xe lớn nhất nước này, cũng đang thử nghiệm taxi robot ở một số thành phố lớn.
Tuy nhiên, vẫn chưa có gì đảm bảo về khoản lợi nhuận trong tương lai gần. Cho đến nay, Waymo và các đối thủ cạnh tranh chủ yếu hoạt động ở những nơi có thời tiết đẹp và đường sá thẳng rộng. Việc mở rộng sang các thành phố có cơ sở hạ tầng phức tạp sẽ tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc. Để triển khai dịch vụ của mình tại một thành phố mới, Waymo phải đầu tư một khoản tiền lớn ngay từ đầu để biên soạn bản đồ 3D chi tiết và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Chi phí cho chính những chiếc xe tự lái—khoảng 150.000 USD/chiếc đối với Waymo—cũng là một vấn đề. Khoảng 2/3 con số ước tính trên được dùng để làm phần cứng. Để vận hành xe tự động, Waymo và các công ty khác đang phải dựa vào một loạt các cảm biến đắt tiền bao gồm camera, radar và lidar, sử dụng tia laser để tạo hình ảnh 3D. Rất nhiều sức mạnh tính toán cần được trang bị.
Hiện Waymo vẫn sử dụng "tài xế an toàn" từ xa để theo dõi các phương tiện của mình. Bernstein, một nhà môi giới, tính toán rằng sau khi xem xét tất cả các chi phí, giá cước taxi tự lái sẽ vẫn cao hơn giá cước taxi truyền thống trong một thời gian. Với chi phí hiện tại của một chiếc xe Waymo, điều đó có nghĩa khoản đầu tư phải rơi vào khoảng 60 tỷ USD.
Tesla đang đặt cược rằng họ có thể tạo ra một sự lựa chọn rẻ hơn. Hệ thống “Tự lái hoàn toàn” của hãng, công nghệ nền tảng cho xe taxi robot, chỉ dựa vào camera để thu thập thông tin. Dữ liệu từ những camera này sẽ được đưa vào “mạng lưới nơ-ron đầu cuối”—một hộp đen thuật toán được đào tạo trên 9 tỷ dặm dữ liệu từ 6 triệu chiếc Tesla hiện đang lưu thông. Taxi robot của Tesla theo đó sẽ chỉ có giá dưới 30.000 USD, đồng thời dễ dàng chuyển từ thành phố này sang thành phố khác.
Tuy nhiên, ngay cả khi Tesla có thể khiến công nghệ này hoạt động, hãng vẫn cần phải thuyết phục các cơ quan quản lý. Mạng lưới nơ-ron của hãng hiện kém minh bạch hơn nhiều so với các hệ thống mô-đun được Waymo và các công ty khác sử dụng. Phía cơ quan quản lý cũng không tin rằng chỉ dựa vào camera đã có thể giải quyết các “trường hợp ngoại lệ” hiếm gặp và bất thường.
Dẫu vậy, Musk vẫn tin rằng phương pháp tiếp cận của mình sẽ được các cơ quan quản lý chấp thuận, chỉ cần ông chứng minh được rằng chúng an toàn hơn so với tài xế là con người.
“Khi công ty bắt đầu nghiên cứu công nghệ tự lái, đã từng có người nhận định rằng kể cả khi chúng tôi cứu mạng sống của 90% người dùng, 10% còn lại vẫn sẽ kiện chúng tôi vì đã không cứu họ”, CEO của Tesla nói và không quên nhấn mạnh rằng hãng xe điện của ông luôn cải tiến những tính năng tự động hóa trên ô tô một cách cực kỳ cẩn trọng.
Musk khẳng định bản thân luôn nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của hệ thống Autopilot để quá trình lái xe diễn ra hiệu quả. Khi được kích hoạt, hệ thống tự lái này sẽ quan sát và theo dõi môi trường xung quanh, giữ cho xe luôn ở giữa làn đường và duy trì khoảng cách an toàn với những phương tiện khác.
“Tesla sẽ chi tiêu đến 10 tỷ USD cho việc đào tạo, phát triển công nghệ AI cho xe điện tự lái. Hãng nào không đầu tư được như thế một cách hiệu quả thì chẳng thể cạnh tranh được đâu”, Elon Musk đăng trên X.
Được biết, ý tưởng tạo ra một taxi điện tự lái đã được Tesla nghiên cứu ít nhất 8 năm, song vẫn chưa tạo được cơ sở hạ tầng cần thiết hay thậm chí nhận được sự chấp nhận của cơ quan chức năng. Quá chán nản, một số giám đốc lâu năm như ông Drew Baglino, người đứng đầu bộ phận kinh doanh năng lượng và kỹ thuật hệ thống truyền động của Tesla suốt 18 năm qua, đã từ chức.
Theo: The Economist, CNBC
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng