Tại sao Tesla lại phản đối gói hỗ trợ 7,5 tỷ USD từ chính phủ?
Theo hãng tin CNN, tỷ phú Elon Musk đã nói trong cuộc hội thảo CEO Summit tổ chức bởi tờ Wall Street Journal, rằng Tesla không cần khoản tiền hỗ trợ 7,5 tỷ USD từ Tổng thống Mỹ Joe Biden.
"Chúng tôi có cần hỗ trợ xây trạm sạc không ấy hả? Không nhé. Chẳng cần thiết phải hỗ trợ xây mạng lưới trạm sạc đâu. Nếu là tôi thì sẽ loại bỏ dự án này. Loại bỏ lập tức", nhà sáng lập Tesla nhận định về gói hỗ trợ của chính phủ.
Ngoài hỗ trợ về trạm sạc, mỗi người mua xe điện Mỹ cũng sẽ được giảm thuế đến 7.500 USD cho mỗi hóa đơn mua xe điện nhằm kích thích nhu cầu. Thế nhưng tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk cũng cho biết ông chẳng cần khoản viện trợ này.
Câu chuyện thành công Mỹ?
Hiện tại Mỹ có khoảng 45.000 trạm sạc xe điện tại Mỹ và khoản đầu tư 7,5 tỷ USD của Tổng thống Biden dự kiến sẽ tăng con số này lên 500.000 trạm nhằm chạy đua với Trung Quốc.
Những trạm sạc của Tesla hiện nay chỉ dùng được cho các xe điện của hãng như phía công ty cho biết chúng sẽ được nâng cấp để dành cho mọi ô tô điện, một động thái cho thấy quan điểm không cần đầu tư xây thêm trạm mới của tỷ phú Musk.
Các phát biểu trên của nhà sáng lập Tesla khác hoàn toàn so với quan điểm ủng hộ khoản đầu tư của chính phủ vào ngành này trước đây.
Vào tháng 1/2010, Tesla đã nhận 465 triệu USD tín dụng vay từ Bộ năng lượng Mỹ trước khi được phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng trong cùng năm. Bản thân hãng xe điện này cũng được hưởng lời từ quyền phát thải, nguồn thu lớn nhất cao hơn cả bán ô tô điện.
Đây vốn là chính sách nhằm kích thích người tiêu dùng chuyển sang xe điện nhưng đồng thời cũng là một cách gián tiếp giúp Tesla sống sót qua thời kỳ đầu khó khăn.
Theo trang CNN, 11 tiểu bang của Mỹ yêu cầu các hãng sản xuất ô tô đến năm phải đạt một tỷ lệ nhất định trong doanh số là xe có mức phát thải bằng 0. Nếu không làm được việc đó, các hãng xe sẽ phải mua tín dụng carbon (carbon credit) từ những hãng đáp ứng vượt mức quy định đề ra, chẳng hạn như Tesla, công ty vốn chỉ bán xe chạy điện.
Điều này mở ra một mảng kinh doanh béo bở cho Tesla. Hãng đã thu về 3,3 tỷ USD từ bán tín dụng carbon trong 5 năm qua, trong đó mức thu của riêng năm 2020 đạt gần một nửa. Số tiền 1,6 tỷ USD mà Tesla có được nhờ bán tín dụng carbon trong năm ngoái vượt xa khoản lãi ròng 721 triệu USD, đồng nghĩa nếu không bán tín dụng carbon, hãng đã có thêm một năm thua lỗ.
Tại bang Nevada, Tesla cũng được hỗ trợ tới 1,3 tỷ USD để xây nhà máy ắc quy thuộc hàng lớn nhất thế giới.
Nhờ hàng loạt những chính sách hỗ trợ mà Tesla đã vươn tầm từ một startup thành hãng kinh doanh khổng lồ với mức vốn hóa hàng nghìn tỷ USD trên sàn chứng khoán, qua đó biến Elon Musk thành đại gia giàu nhất thế giới với 267 tỷ USD.
Hiện nay, Tesla đã trở thành một trong những nhà sản xuất xe điện hàng đầu toàn cầu với hơn 30.000 trạm sạc khắp thế giới và thương hiệu được biết đến tại nhiều quốc gia.
Theo CNN, đáng lẽ ra Tesla đã phải trở thành câu chuyện thành công điển hình của một startup Mỹ, thế nhưng mối quan hệ giữa công ty với chính phủ lại rạn nứt thời gian gần đây.
Xung đột
Nhận được quá nhiều hỗ trợ và đã đến lúc Tesla phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Đây có lẽ là quan điểm của chính quyền Washington khi nhắm vào các khoản thuế của người giàu nhất thế giới Elon Musk, qua đó buộc ông phải mua đi bán lại cổ phiếu Tesla để kiếm tiền trả nợ thuế.
Nhận thức được tình hình, Elon Musk có lẽ không muốn dựa dẫm quá nhiều vào chính phủ nữa khi Tesla đã đủ lớn mạnh để sống sót cũng như cạnh tranh trên thị trường.
Ngoài xung đột quan điểm về hỗ trợ ngành xe diện, cả tỷ phú Musk và Tổng thống Biden cũng bất đồng ý kiến về công đoàn. Trong khi người lãnh đạo Nhà Trắng ủng hộ việc thành lập các công đoàn thì Tesla lại chẳng mặn mà với điều này. Theo Elon Musk, công nhân của ông hiện nhận mức lương bình quân còn cao hơn cả những lao động trong công đoàn của hãng xe General Motors.
Phía công đoàn cũng chỉ trích điều kiện an toàn lao động cho công nhân của Tesla là kém nhất trong số những hãng sản xuất xe hơi cả truyền thông lẫn ô tô điện. Thế nhưng Tesla phản bác rằng số vụ thương tật trên mỗi xe điện sản xuất của hãng đã giảm 50% từ năm 2019.
Rạn nứt giữa Tesla và chính phủ Mỹ đang ngày càng gia tăng khi với gói hỗ trợ xây dựng trạm sạc, nhiều hãng xe điện nhỏ sẽ được hưởng lợi trong khi thế độc quyền về độ phủ sóng trạm sạc của Tesla không còn.
Tồi tệ hơn, dự án "Buil Back Better" với khoản viện trợ 4.500 USD cho mỗi hóa đơn xe điện mới được Tổng thống Biden thông qua có liên quan đến tiêu chuẩn công đoàn và Tesla không nằm trong số đó.
"Quan điểm của Tesla là chúng ta nên loại bỏ mọi sự hỗ trợ của chính phủ, bao gồm cả hỗ trợ giá xăng dầu", tỷ phú Elon Musk đăng bài trên Twitter bày tỏ quan điểm vào tháng 11/2021.
Ý kiến của Elon Musk cũng dễ hiểu khi Tesla đã thống trị được thị trường xe điện và những hỗ trợ của chính phủ Mỹ gần đây lại nhắm đến các hãng xe điện nhỏ và người tiêu dùng, qua đó làm xói mòn thế độc quyền của công ty.
Việc loại bỏ trợ giá xăng dầu cũng được cho là làm giúp Tesla hưởng lợi khi giá xăng tăng sẽ kích thích người tiêu dùng mua xe điện hơn.
Theo CNN, thế giới đã chi tới 423 tỷ USD trợ giá xăng và con số này riêng tại Mỹ là 20 tỷ USD/năm.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng