Elon Musk - Vị tỷ phú ngập trong nợ nần
Dù đang nắm trong tay số cổ phiếu Tesla trị giá đến 39 tỷ USD, Elon Musk vẫn đang phải sống và đầu tư kinh doanh bằng tiền vay mượn.
Chỉ ít lâu sau khi nhận được khoản thưởng bằng cổ phiếu với trị giá lên tới 1 tỷ USD, ông Elon Musk, CEO của Tesla, đã ra một thông báo bất ngờ.
"Tôi sẽ bán hết gần như toàn bộ tài sản vật chất của mình." Dòng tweet của ông Musk cho biết vào ngày 1/5 vừa qua. "Sẽ không còn sở hữu căn nhà nào nữa."
Và rồi ông Musk bán nhà thật. Ông rao bán 3 trong số các căn biệt thự của mình tại California với tổng mức giá lên đến 75 triệu USD. Trong email gửi đến tạp chí Wall Street Journal sau đó, ông còn lên kế hoạch bán cả 4 căn nhà khác của mình tại Los Angeles. Cho dù vậy, khi chúng được bán hết, ông cũng "không chắc mình sẽ ở đâu, nhưng có thể sẽ thuê một căn nhà nhỏ ở đâu đó."
Một căn nhà của Elon Musk tại khu Bel-Air, Los Angeles với một phần mái nhà lợp tấm pin mặt trời.
Đối với nhiều người hâm mộ Elon Musk, các tuyên bố hay hành động có vẻ kỳ quặc này của ông lại quá đỗi bình thường so với những tuyên bố thường được vị chủ tịch này đưa ra trên Twitter trong thời gian gần đây. Cho dù nhiều năm trước, ông từng tuyên bố rằng mình là người thiếu thốn tiền mặt, nhưng chẳng ai tin điều đó có thể xảy ra đối với một tỷ phú – người hiện đang nắm giữ trong tay số tài sản trị giá 39 tỷ USD từ các công ty Tesla và SpaceX.
Nhưng trên thực tế con số hàng chục tỷ USD nói trên chỉ là giá trị trên giấy tờ, còn theo hồ sơ từ tòa án cho thấy, Elon Musk đã phải vay mượn - đôi khi rất nhiều - để chi trả cho lối sống cũng như các khoản đầu tư kinh doanh của mình.
Tỷ phú nợ nần
Thay vì bán cổ phiếu lấy tiền, Elon Musk lại cầm cố số cổ phiếu mình đang có để đổi lấy các khoản vay cá nhân. Cho dù từng tuyên bố số cổ phiếu đem cầm cố chỉ chiếm một phần nhỏ trong số tài sản của ông, nhưng trên thực tế, "một phần nhỏ" này lại nhiều đến mức đáng kinh ngạc.
Dù là tỷ phú nhưng ông Musk đang sống bằng tiền vay mượn.
Báo cáo tài chính ngày 28/4 vừa qua cho thấy, tính đến cuối năm 2019, khoảng 54% số cổ phiếu Tesla của Elon Musk đã bị đem cầm cố cho các khoản vay. Tính theo mức giá của Tesla vào ngày 8/5/2020, số cổ phiếu này trị giá đến 15 tỷ USD. Tuy nhiên không rõ số cổ phiếu của Tesla khi bị cầm cố có mức giá bao nhiêu. Đáng chú ý hơn, tỷ lệ cổ phiếu bị đem cầm cố đã tăng lên so với con số 40% của năm trước đó.
Hồ sơ tòa án cho thấy, vào tháng Hai vừa qua, Elon Musk từng vay một khoản tiền khổng lồ lên đến 548 triệu USD từ các ngân hàng bao gồm Morgan Stanley, Goldman Sachs Group và Bank of American Corp. Tuy vậy không rõ mục đích cho khoản vay khổng lồ này là gì.
Tình hình thiếu thốn tiền mặt của Elon Musk còn tồi tệ đến mức vào năm ngoái, ông từng phải vay một khoản tiền khác để theo đuổi vụ kiện phỉ báng liên quan đến lời bình luận của mình về người thợ lặn trong vụ giải cứu các em nhỏ bị kẹt trong hang động ở Thái Lan vào năm 2018. Khi đó, Musk đã nói với luật sư của vụ kiện rằng mình là người "thiếu thanh khoản về tài chính."
Những lời bình luận không hay của ông Musk về người thợ lặn giải cứu trẻ em tại Thái Lan đã kéo theo các tranh chấp pháp lý tốn kém
Ngay cả đối với khoản thưởng bằng cổ phiếu ưu đãi mới nhận được vào đầu tháng 5, ông Musk cũng phải bỏ ra khoảng 592 triệu USD để mua được 1,69 triệu cổ phiếu với giá ưu đãi 350 USD/cổ phiếu và nắm giữ chúng ít nhất 5 năm trước khi đem bán. Với tình hình tài chính hiện tại của ông Musk, nhiều khả năng ông lại phải tiếp tục vay mượn để có được khoản thưởng của mình.
Hàng chục tỷ USD trên giấy tờ
Trong quá khứ không ít lần Elon Musk phải công khai thừa nhận tình hình thiếu thốn tiền bạc của mình. Trước khi Tesla niêm yết công khai vào năm 2010, ông dính vào một vụ kiện ly dị với người vợ đầu. Lúc đó ông nói với tòa án rằng, ông đã hết sạch tiền mặt và phải vay mượn khẩn cấp từ bạn bè để hỗ trợ cho gia đình và chi tiêu hàng ngày. "Vị thế tiền mặt của tôi hiện tại rất giới hạn. Chỉ khoảng 4 tháng nữa, tôi sẽ hết sạch tiền mặt", ông nói khi đó.
Năm 2016, khi Musk cố gắng thuyết phục các nhà đầu tư của Tesla chấp thuận kế hoạch mua lại công ty pin mặt trời SolarCity của ông em họ, Kimbal Musk, vốn gặp khó khăn và đứng bên bờ vực phá sản. Ông em Kimbal lúc đó đã hỏi vay tiền của Elon Musk để mở rộng hoạt động kinh doanh nhà hàng và bị từ chối thẳng thừng. "Cậu không biết rằng tôi hiện không còn tiền nữa à?" Elon Musk nói với ông em. "Tôi còn đang phải mượn tiền đây."
Trong khi đang phải vay mượn nhiều như vậy, Elon Musk lại không nhận lương ở Tesla. Và điều đó càng làm cho tình hình vay mượn của ông chủ công ty này càng trở nên trầm trọng hơn. Điều đó có thể được giải quyết nếu Elon Musk chấp nhận bán cổ phiếu nhiều hơn là rao bán nhà cửa.
Dù sở hữu đến hàng chục tỷ USD tiền cổ phiếu Tesla, ông Musk lại không muốn hoặc rất miễn cưỡng khi bán chúng. Vì điều đó sẽ làm giảm quyền sở hữu của ông đối với nhà sản xuất ô tô đang có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới này. Ông mới chỉ có một lần bán cổ phiếu Tesla để... trả tiền thuế cho mình.
Không giống như những nhà sáng lập Facebook hay Google, Elon Musk không sở hữu các cổ phiếu hai tầng (dual class stock) để mang lại cho ông quyền biểu quyết cao hơn các cổ đông thường. Loại cổ phiếu này chưa xuất hiện khi Tesla niêm yết vào năm 2010. Do vậy, với mỗi cổ phiếu Tesla mà Musk bán đi, quyền kiểm soát của ông đối với hãng xe điện lại giảm đi một chút. Không sai khi nói ông Musk chỉ là một tỷ phú trên giấy tờ.
Liệu đây có phải lý do Musk rao bán hết nhà cửa?
Tuy vậy, trong email trao đối với WSJ, lý do của ông Musk khi rao bán hết lại nhà cửa nói trên lại không phải là vì tiền bạc. "Tôi chỉ đang cố làm cuộc sống của mình càng đơn giản càng tốt, vì vậy sẽ chỉ giữ lại những thứ có giá trị tình cảm."
Elon Musk tuyên bố không bán nhà vì tiền, mà để dành hết tâm trí cho việc theo đuổi giấc mơ chinh phục Sao Hỏa.
Tuy nhiên, tình hình tài chính cá nhân của ông Musk lại làm các nhà đầu tư của Tesla lo ngại khi việc vay mượn cổ phiếu của ông có thể tạo ra rủi ro khó định lượng. Nếu đến một lúc nào đó, giá cổ phiếu Tesla rớt xuống dưới một mức nhất định – ví dụ mức định giá khi Musk đem cầm cố chúng – các tổ chức tài chính có thể thu hồi khoản vay, trừ khi ông Musk bù lại mức chênh lệch giá.
Điều đó có thể buộc Elon Musk phải bán một lượng lớn cổ phiếu Tesla khác để lấy tiền mặt bù vào khoản vay đó. Nếu làm vậy, áp lực giảm giá cổ phiếu Tesla sẽ rất lớn ngay cả khi hoạt động kinh doanh của nó đang ổn định.
Khả năng này không phải không thể xảy ra. Chính Tesla cũng đã đưa ra cảnh báo về khả năng này cho các nhà đầu tư trong hồ sơ pháp lý của mình. Trong đó viết: "Nếu giá cổ phiếu phổ thông của chúng tôi bị sụt giảm đáng kể và ông Elon Musk không thể tránh khỏi việc bán các cổ phiếu cầm cố, ông Musk có thể bị một hoặc nhiều tổ chức tài chính buộc phải bán cổ phiếu phổ thông của Tesla theo các điều khoản của khoản vay. Bất kỳ lời chào bán nào như vậy có thể làm giảm giá cổ phiếu phổ thông của chúng tôi."
Tại thời điểm này, điều lo lắng đó dường như không có cơ sở. Cổ phiếu Tesla đã tăng như hơn 100% từ đầu năm đến nay, bất chấp thị trường chao đảo do các lo ngại về cuộc suy thoái toàn cầu do ảnh hưởng từ Covid-19. Các nhà phân tích vẫn kỳ vọng rằng năm 2020 sẽ là năm đầu tiên Tesla sinh lợi nhuận.
Tham khảo Wall Street Journal
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng