Facebook bỗng dưng lại muốn thành bạn tri kỷ của Microsoft, tại sao vậy?
Mối quan hệ nồng ấm giữa Facebook và Microsoft không nên chỉ dừng ở 3 ứng dụng mới được Zuckerberg đưa lên Windows 10, bởi 2 bên đang hoàn toàn có cơ sở để cùng thống trị thị trường điện toán và đón đầu cách mạng VR.
Vì sao Facebook lẩn tránh Windows Store?
Như vậy là sau… 4 năm trì hoãn và rất nhiều lần hứa hẹn, cuối cùng Facebook đã đưa 3 ứng dụng Facebook, Messenger và Instagram "chính chủ" lên Windows Store. Tại sao Facebook lại lựa chọn thời điểm này?
Câu trả lời nằm ở một câu hỏi khác:có mặt trên càng nhiều nền tảng càng tốt, nhưng vì sao Facebook không đưa app của mình lên Windows Store trong suốt 4 năm vừa qua? Lý do rất đơn giản: Windows Store ra mắt ban đầu với mục đích đẩy mạnh các ứng dụng cảm ứng trên 2 hệ điều hành không được lòng người dùng là Windows Phone và Windows 8. Windows Phone đến nay coi như đã chết, còn Windows 8 thì quá bất tiện với nhóm người dùng chính của Windows truyền thống (chuột, bàn phím). Ở tình thế này, Facebook thực chất chẳng bỏ lỡ bất cứ điều gì khi không ra mắt ứng dụng cho Windows 8.
Thành công của Windows 10 mang ý nghĩa quyết định với Facebook.
Đến năm 2016, mọi chuyện đã khác. Windows 10 Mobile và Windows Phone coi như đã chết, nhưng đến đầu năm nay Windows 10 thì đã nhận được 200 triệu lượt tải. Rõ ràng là nhiều người ưa thích sự kết hợp nhuần nhuyễn của Live Tile vào Start Menu, giao diện "cũ mà mới" tập trung cho người dùng chuột, bàn phím truyền thống và dĩ nhiên là cả mức giá miễn phí của Windows 10. Khi ra mắt ứng dụng Facebook và Messenger "chính chủ" cho hệ điều hành này, Facebook sẽ tìm thấy sợi dây trói buộc 200 triệu người dùng vào 2 nền tảng quan trọng nhất của mình qua các notification hiển thị trên Start Menu, vốn là giao diện được nhiều người truy cập nhất khi sử dụng Windows.
Nền desktop là vậy, còn ứng dụng Instagram trên Windows 10 Mobile có lẽ chỉ là để chữa thẹn cho ứng dụng Instagram "thảm họa" trên Windows Phone 8 trước đây. Song, cũng có thể Facebook đã nhìn ra hướng đi tất yếu của Microsoft trong tương lai là ra mắt Windows 10 thực thụ trên nền tảng di động (rất có thể là qua Surface Phone). Đón đầu trước bằng một ứng dụng đơn giản cũng sẽ không khiến Facebook mất quá nhiều công sức.
Dĩ nhiên, Facebook hoàn toàn có thể ra mắt các ứng dụng này từ rất lâu, nhưng việc đưa sản phẩm hoàn thiện lên một nền tảng mới chưa bao giờ là dễ dàng, kể cả với các công ty lớn như Facebook. Sự góp mặt của 2 ứng dụng Facebook và Messenger trên Windows 10 có thể coi là minh chứng cho thành công của Microsoft khi xây dựng nền tảng mới.
Facebook đã nhịn nhục Google quá lâu
Dĩ nhiên là sau bất cứ một quyết định nào của các ông lớn công nghệ cũng sẽ là những mưu toan lâu dài. Không phải cứ nền tảng nào có nhiều người dùng là thu hút được ứng dụng, đặc biệt là ứng dụng của các ông lớn hàng trăm tỷ đô.
Facebook có mưu toan gì?
Hãy nhìn vào vị thế hiện tại của Facebook. Ban đầu, mạng xã hội này phổ biến qua nền web. Đến khi cuộc cách mạng smartphone thực sự bùng nổ vào khoảng 2010, 2011 thì Facebook cũng khẳng định vị thế thống trị mảng mạng xã hội qua cơn nghiện notification của người dùng.
Vấn đề là ở chỗ cả 2 nền tảng web và di động đều có dấu chân quá rõ nét của "đại địch thủ" Google. Gã khổng lồ tìm kiếm đã dùng Chrome để chiếm ngôi trình duyệt desktop, dùng Android để áp đảo iOS về thị phần.Về bản chất, Google là một công ty quảng cáo quảng cáo giống như Facebook, cạnh tranh trực tiếp với Facebook về nguồn sống là thông tin cá nhân của người dùng. Sự trỗi dậy của một mạng xã hội luôn thu hút được những thông tin xác thực và gần gũi (bạn là ai, bạn bè bạn là ai, thích cái gì…) như Facebook đã luôn là cái gai trong mắt của Google.
Gã khổng lồ tìm kiếm đã không thể nhổ đi cái gai đó bằng Google nhưng vẫn có nhiều cách khống chế. Muốn tận dụng notification trên Android mà không thông qua nền tảng Cloud Messaging của Google? Chúc may mắn. Muốn tạo ra ứng dụng Facebook di động nhanh nhạy cho kết nối 2G rất phổ biến tại các quốc gia đang phát triển? Google chắc hẳn là có bán license dành cho những tính năng cải tiến ở mức cao hơn thông thường.
Loại bỏ cái gai trong mắt của cả Microsoft và Facebook
Trở lại với mối quan hệ mới nồng ấm giữa Facebook và Microsoft, vốn cũng rất ghét Google. Microsoft đã từ bỏ hoàn toàn mảng quảng cáo mạng vào năm 2015 mà do đó không còn là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Facebook nữa. Thực chất, ngoại trừ cuộc đua chatbot mới khởi tranh thì Microsoft và Facebook gần như không có mâu thuẫn. Ngay cả cuộc cách mạng chatbot-trợ lý ảo của 2 bên cũng không phải là không tương thích, bởi chatbot của Microsoft không chỉ hỗ trợ Skype mà còn tương thích với rất nhiều các nền tảng chatbot khác. Nếu Facebook không muốn kết hợp với Microsoft, các API siêu việt mà gã khổng lồ phần mềm cung cấp cũng sẽ giúp ích cho các sản phẩm của Mark Zuckerberg.
Microsoft còn có một vũ khí tiềm tàng là chiếc Surface Phone chưa ra mắt – chiếc điện thoại hứa hẹn sẽ hiện thực hóa tầm nhìn điện toán "tất cả trong một" khi có thể biến hình thành laptop và desktop. Không rõ Facebook có nắm biết điều này hay không, nhưng nếu chiếc smartphone đó thực sự ra mắt, vị thế của Google sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Thực chất, nếu xét riêng về mặt phần mềm thì trải nghiệm của bạn đang được chia làm 4 thị trường chính: hệ điều hành PC do Microsoft làm chủ; hệ điều hành di động và các dịch vụ số (tìm kiếm, bản đồ, email, trợ lý ảo) do Google làm chủ; và cuối cùng là mạng xã hội cùng dịch vụ nhắn tin do Facebook thống trị. Microsoft đang không chỉ ấp ủ Surface Phone mà còn có khả năng sẽ cùng đồng minh Oracle hất cẳng Google ra khỏi Android. Với phần đông người dùng phổ thông, dịch vụ Microsoft cũng có thể thay thế Google. Vậy nên những tên tuổi căm ghét Google như Facebook chẳng có lý do gì mà không tiến lại gần Facebook cả.
Kịch bản vẽ ra ở đây rất đẹp cho cả 2 bên: các ứng dụng Facebook sẽ được lựa chọn làm trọng tâm của Windows 10, hệ điều hành chắc chắn sẽ bao trùm thế giới PC và cả Internet of Things. Sự hỗ trợ mạnh mẽ của Facebook cũng sẽ giúp cho Windows 10 của ngày hôm nay và Surface Phone của ngày mai tăng tối đa sức hút với người dùng hơn. Sự thống trị này mang màu sắc của "Wintel" ngày trước, và rõ ràng là Google không có phần trong đó.
Đón đầu tương lai
Không chỉ góp phần loại bỏ một đối thủ mà cả Microsoft lẫn Facebook đều ghét cay ghét đắng, một mối quan hệ nồng ấm giữa hai bên sẽ còn giúp đón đầu một cuộc cách mạng quan trọng đang ngấp nghé: thực tại ảo.
Khi nhìn vào thị trường VR hiện tại, bạn sẽ thấy Microsoft và Facebook tương thích ở mức độ tối đa có thể. Facebook sở hữu công nghệ VR tiên phong nhờ mua lại Oculus, còn Microsoft hiện tại đang sở hữu nền tảng PC duy nhất tương thích với VR. Hãy nhớ rằng Mac OS không có phần cứng mạnh mẽ còn Linux thì thậm chí còn chưa có nhiều game "thường" chứ đừng nói tới game thực tại ảo. Với động thái ra mắt một số tựa game qua Windows Store, Microsoft cũng đang mang tham vọng hất cẳng nền tảng Steam của Valve, vốn hiện tại đã chọn HTC Vive làm mũi nhọn phần cứng VR chứ không thèm đoái hoài tới Oculus của Facebook.
Dĩ nhiên là chúng ta cũng không thể bỏ qua console. Sony thì đã tự phát triển phần cứng VR riêng cho PlayStation, Nintendo nếu còn sống được lâu dài chắc chắn cũng sẽ làm vậy. Chiếc Xbox của Microsoft hiện tại là đối thủ duy nhất cùng tầm vóc với PlayStation, nhưng lại chưa có giải pháp công nghệ phần cứng nào cả.
Nói cách khác, nền tảng của Microsoft đang sẵn sàng kết hợp cùng công nghệ VR của Facebook.
Chuyển sang một lĩnh vực rất gần với VR là AR (thực tại hỗ trợ, "chèn" thông tin và vật thể số vào khung cảnh thực). Trong khi VR rất phù hợp với game và video thì AR lại phù hợp hơn với công việc và giao tiếp liên lạc. Nhắc tới giao tiếp liên lạc là nhắc tới Facebook, còn nhắc tới AR là nhắc tới Microsoft. Ngoại trừ chiếc HoloLens của Microsoft, lĩnh vực AR đang tỏ ra hoàn toàn trống vắng sau thất bại đến muối mặt của Google. Một lần nữa, AR sẽ là chiếc giường nồng ấm cho Microsoft và Facebook kết đôi.
Microsoft có thể dễ dàng "chia" một góc của HoloLens cho Facebook.
Nói tóm lại, bạn sẽ không thể tìm ra một "bộ đôi khổng lồ" nào đẹp đôi hơn Microsoft và Facebook lúc này. Vậy thì, Satya Nadella và Mark Zuckerberg còn cần chờ đợi gì nữa nhỉ?
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng