Facebook có thể theo dõi bạn nhờ vào... bụi trên ống kính smartphone
Facebook từ lâu đã khẳng định không sử dụng dữ liệu vị trí để đề xuất bạn bè cho bạn, nhưng điều đó không có nghĩa hãng không nghĩ về việc lợi dụng nó.
Vào năm 2014, Facebook đã đệ trình một đơn đăng ký bằng sáng chế đối với một kỹ thuật tận dụng dữ liệu smartphone để xác định liệu hai người có quen biết lẫn nhau hay không. Tác giả của nó, một quản lý kỹ thuật tại Facebook có tên là Ben Chen, đã viết rằng nó không thể phát hiện 2 chiếc smartphone ở cùng vị trí tại cùng một thời điểm, nhưng bằng cách so sánh các chỉ số gia tốc kế và con quay hồi chuyển của mỗi máy, dữ liệu có thể xác định liệu mọi người có đang đối mặt với nhau hay đang đi cùng nhau hay không. Bằng cách này, Facebook có thể đề xuất cho bạn kết bạn với người bạn đang nói chuyện tại quán bar vào tối hôm qua, và loại trừ mọi người khác cũng ở tại quán bar đó nhưng không nói chuyện với bạn.
Facebook cho biết hãng chưa từng ứng dụng kỹ thuật này vào thực tiễn.
"Chúng tôi hiện không sử dụng dữ liệu vị trí [đối với tính năng People You May Know]" - một người phát ngôn Facebook nói. Facebook trước đó đã nói rằng hãng chỉ sử dụng dữ liệu vị trí để đề xuất bạn bè một lần trong một bài thử nghiệm ngắn hồi năm 2015. Nhưng nhiều bằng sáng chế của hãng lại cho thấy Facebook thực sự nghĩ về việc sử dụng dữ liệu vị trí, cũng như đề xuất những người dùng kết bạn với nhau, ví dụ như trong trường hợp họ "check-in trên mạng xã hội từ cùng một địa điểm tại cùng một khoảng thời gian".
Chưa hết, Facebook còn nói rất nhiều thứ mà hãng không hề làm như một cách để trấn an người dùng về khả năng Facebook có thể do thám chính họ, ví dụ: hãng nói không sử dụng proxy để tìm vị trí - như mạng Wi-Fi hay địa chỉ IP, không sử dụng số lượt xem profile hay nhận diện khuôn mặt hay những người bạn thường nhắn tin trên WhatsApp. Hầu hết những lần Facebook dự đoán người bạn quen đều là kết quả của một lượng lớn người dùng chia sẻ danh bạ của họ cho gã khổng lồ mạng xã hội.
Nhưng điều đó không có nghĩa Facebook không hề nghĩ đến việc tận dụng các metadata của người dùng một cách chiến thuật để liên hệ họ với nhau. Các bằng sáng chế của Facebook có đề cập đến chức năng People You May Know cho thấy một số phương thức khá ma mãnh mà Facebook đã nghĩ ra để xác định liệu những người lạ trên mạng xã hội của họ có quen biết nhau hay không. Một bằng sáng chế hồi năm 2015 miêu tả một kỹ thuật giúp kết nối hai người từng biết nhau nếu những hình ảnh họ tải lên có tên tập tin dường như đến từ cùng một series ảnh, ví dụ IMG_4605739.jpg và IMG_4605742.img - hay nếu các vết xước hay bụi trên ống kính được phát hiện nằm cùng những vị trí trên các bức ảnh, cho thấy chúng được chụp bởi cùng một camera.
Với phương thức này, mọi người từng được bạn gửi ảnh, sau đó tải chúng lên Facebook, sẽ hiện ra trong danh sách People You May Know của bạn. Có vẻ như nó sẽ giúp bạn gặp gỡ với những người khác chụp ảnh cưới cùng một thợ với bạn đấy!
"Chúng tôi cũng không phân tích các hình ảnh chụp bởi cùng một máy ảnh để đề xuất kết bạn trong People You May Know" - người phát ngôn Facebook nói khi được hỏi về bằng sáng chế - "Chúng tôi thường đăng ký bằng sáng chế đối với những công nghệ chưa bao giờ được triển khai, và các bằng sáng chế không nên được xem là một chỉ báo của các kế hoạch trong tương lai".
Công nghệ phân tích trong một số bằng sáng chế của Facebook thực sự đáng kinh ngạc, nhưng đối với Facebook, nó cũng chỉ là một công nghệ bình thường mà thôi.
Vera Ranieri, một luật sư tại Tổ chức Biên giới Điện tử, người tập trung vào các tài sản trí tuệ, chưa đánh giá các bằng sáng chế cụ thể kia nhưng cho biết văn phòng bằng sáng chế Mỹ không đảm bảo một công nghệ thực sự hoạt động trước khi cấp bằng.
"Nhiều bằng sáng chế được đệ trình chỉ mới chỉ ở giai đoạn ý tưởng thay vì giai đoạn thử nghiệm thực tế" - Ranieri nói - "Một công ty công nghệ đăng ký bằng sáng chế ít nhất cũng nghĩ về cách làm sao để làm điều đó. Bạn hi vọng họ có thể triển khai nếu được hỏi, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ đã từng làm điều đó trước đây.
Kể từ khi ra đời vào năm 2004, Facebook đã đăng ký hàng nghìn bằng sáng chế nhằm bảo vệ tài sản trí tuệ của mình, và cũng như nhiều hãng khác, nhằm giảm bớt cạnh tranh. Trong một cuộc tìm kiếm các bằng sáng chế này, người ta đã phát hiện ra một tá các bằng sáng chế từ 2010 đến 2016 liên quan đến tính năng People You May Know, hay PYMK theo cách gọi nội bộ của Facebook. Chúng bao gồm các kỹ thuật Facebook có thể sử dụng một lúc nào đó để đề xuất bạn bè - hay những kỹ thuật mà hãng có thể khởi kiện nếu người khác sử dụng.
Về phần mình, Facebook nói với nhiều nguồn tin rằng hãng có thể tìm hiểu nhiều hơn về chúng ta và những mạng lưới xã hội đời thực của chúng ta, nhờ phần lớn vào các công cụ khảo sát tinh vi được tích hợp sẵn trong smartphone của chúng ta, như gia tốc kế, con quay hồi chuyển, microphone, camera và cuốn danh bạ vô tận ngày càng được mở rộng thêm.
Các nhân viên Facebook và các nhà thầu là tác giả của bằng sáng chế nhiều lần giải thích tại sao People You May Know là một phần rất cần thiết đối với mạng xã hội này: những người có nhiều bạn bè sẽ sử dụng mạng xã hội nhiều hơn và xem quảng cáo nhiều hơn. Nếu không có People You May Know, khoản doanh thu 500 tỷ USD đến từ quảng cáo mà Facebook kiếm được sẽ giảm đi nhiều. Đó có lẽ là lý do tại sao người dùng không được phép ngừng tính năng này, ngay cả khi nó mang đến cho họ những nguy cơ nhất định.
"Với những người có ít bạn bè - thường là những người mới dùng Facebook - chúng tôi nghe được rằng những gợi ý chúng tôi mang lại đã giúp họ cảm thấy được tương tác nhiều hơn, và chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng để những gợi ý đó liên quan nhiều hơn đến bản thân họ" - người phát ngôn của Facebook nói trong email - "Về việc People You May Know hoạt động ra sao; chúng tôi ưu tiên những gợi ý dựa trên bạn bè chung bởi có nhiều bạn chung là một dấu hiệu tốt cho thấy bạn có lẽ muốn làm bạn với ai đó trên Facebook".
Bằng sáng chế People You May Know của Facebook được đệ trình vào năm 2010, 2 năm sau khi Facebook tung ra tính năng này. Trong đó, các nhân viên từ Facebook giải thích tại sao gợi ý bạn bè lại quan trọng:
"Các hệ thống mạng xã hội đề cao mối liên kết giữa người dùng bởi những người dùng được kết nối với những bạn bè như ý thường dùng mạng xã hội nhiều hơn, từ đó tăng cường tương tác người dùng và mang lại một trải nghiệm người dùng tốt hơn".
Trong một bằng sáng chế đệ trình 2 năm sau đó, các nhân viên trong nhóm phát triển Facebook giải thích tại sao tăng cường tương tác người dùng lại quan trọng đến vậy. Nó dẫn đến "một sự tăng tương ứng trong các cơ hội quảng cáo".
Nói cách khác, People You May Know là một tính năng tối quan trọng đối với doanh thu của Facebook. Do đó, bằng sáng chế PYMK đầu tiên của họ có tác dụng mang tính năng đề xuất bạn bè đến những người không có nhiều bạn. Các bằng sáng chế khác có tác dụng tăng cường hiển thị People You May Know đến những người không dùng Facebook thường xuyên.
Bằng sáng chế thứ hai chính là thứ mà Facebook hiện không cho phép bạn làm: sắp xếp các đề xuất bạn bè và phân loại họ theo địa điểm hay số lượng bạn bè chung hay sở thích.
Một trong các bằng sáng chế của Facebook nhằm tìm hiểu xem ai là thành viên trong gia đình bạn và đề xuất họ làm bạn bè. Bằng sáng chế này có thể xác định điều đó dựa trên "các feed từ bên ngoài, các cơ sở dữ liệu bên thứ ba". Tuy nhiên, khi một số người phàn nàn rằng Facebook đề xuất cho họ những người họ hàng mà họ không hề biết, mạng xã hội này lại nói rằng họ không sử dụng thông tin từ các bên thứ ba hay những bên bán dữ liệu để phục vụ tính năng People You May Know.
Dù Facebook cho biết hãng thường đăng ký bằng sáng chế cho các công nghệ mà có lẽ chẳng bao giờ được ứng dụng, một điều Facebook đang làm - và là điều hãng đã đệ trình nhiều bằng sáng chế kể từ năm 2012 vì nó hoạt động quá tốt - là tạo nên các hồ sơ "ẩn" để kết nối người dùng. Facebook thu thập mọi thông tin liên hệ nó có thể tìm được cho bạn từ sổ địa chỉ của những người dùng khác và sau đó gán nó với tài khoản của bạn - tất nhiên đặt nó ở một nơi bạn không thể thấy hay xóa được. Sau đó hãng sẽ sử dụng thông tin đó để kết nối bạ với những người dùng khác - những người đã bị Facebook "chôm chỉa" danh bạ để mang sang cho bạn. Theo ngôn từ diễn đạt trong bằng sáng chế thì đây là hành động "liên kết thông tin liên hệ nhận được với những hồ sơ người dùng được lưu trữ bởi một hệ thống mạng xã hội".
Dưới đây là cách Facebook miêu tả quy trình phát hiện ra mọi người bạn đã từng gặp:
"Hồ sơ người dùng có thể bao gồm thông tin chưa hoàn thiện hoặc lỗi thời, giới hạn khả năng xác định những người dùng khác trong hệ thống mạng xã hội kết nối với một người dùng được nhập vào của hệ thống mạng xã hội đó. Để xác định người dùng chính xác hơn, hệ thống mạng xã hội lưu trữ danh sách liên hệ nhận được từ một người dùng được nhập vào và liên kết một liên hệ được lưu trữ với một hồ sơ người dùng bao gồm thông tin khớp với thông tin trong liên hệ đó. Các mục liên hệ nhận được sau này sẽ được so sánh với các hồ sơ người dùng và các liên hệ lưu trữ được liên kết với hồ sơ người dùng để xác định các thông tin ghép nối. Nếu thông tin trong một hồ sơ người dùng hay trong một mục liên hệ đã lưu trữ được liên kết với hồ sơ người dùng khớp với một mục liên hệ nhận được, một người dùng liên kết với hồ sơ người dùng sẽ được xác định để hình thành một liên kết. Liên kết các mục liên hệ nhận được với các hồ sơ người dùng sẽ bổ sung hồ sơ người dùng với các thông tin nội dung nhận được, cho phép việc xác định các mối liên kết tiềm năng đến mọi người dùng và tăng cường tương tác người dùng với hệ thống mạng xã hội".
Và tất nhiên, tương tác người dùng càng nhiều, cơ hội họ nhìn vào quảng cáo càng cao.
Facebook càng phát triển thông qua thâu tóm ứng dụng và có thêm người dùng đến từ các quốc gia và các đặc điểm nhân khẩu học mới, hãng sẽ làm mọi thứ để kết nối những người dùng mới đó với hơn một tỷ thành viên hiện tại trên hệ thống. Chúng ta không thể biết được khi nào, hoặc liệu Facebook có bao giờ thực sự quét những bức ảnh số để tìm các hạt bụi, hay truy xuất con quay hồi chuyển trên điện thoại của chúng ta để tìm ra mối liên hệ giữ mọi người trên thế giới một cách sâu rộng hơn hay không, nhưng lúc này, nhờ vào "hồng phúc" của Văn phòng Bằng sáng chế Mỹ, Facebook ít nhất cũng tin rằng những điều đó là khả thi.
Nếu trong nội bộ Facebook đã hình thành những tư tưởng như vậy, chúng ta không thề lờ đi mối nghi ngờ rằng phải chăng đây là một dịch vụ do thám hơn là một mạng xã hội. Nếu những kỹ thuật kia được áp dụng vào thực tiễn, đó sẽ là một mức độ xâm phạm và theo dõi đời tư chưa từng có tiền lệ trong một dịch vụ vốn dùng để đề xuất bạn kết nối với những người bạn có lẽ chẳng bao giờ muốn Facebook biết là bạn có quen biết!
Tham khảo: Gizmodo
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng