Facebook Home là một trong những động thái mới nhất của Facebook về việc muốn nắm quyền điều khiển trực tiếp người dùng của mình, thay vì phụ thuộc vào ứng dụng trên Android. Nhờ tính linh hoạt, giao diện này có thể cài đặt trên nhiều thiết bị Android khác nhau, tạo cơ hội cho Facebook đưa các dịch vụ của mình vào nền tảng di động của Google để kiếm lời.
Tuy không rõ Facebook Home có thành công hay không, nhưng chắc chắn đây là một cuộc tấn công trực diện vào Google của mạng xã hội lớn nhất thế giới hiện nay. Không giống với chiến lược của Amazon, Facebook không ngần ngại tỏ rõ ý đồ cạnh tranh thẳng vào mảng kinh doanh chính của Google - tìm kiếm và quảng cáo - bằng việc chiếm hết home screen của các thiết bị Android. Bên cạnh đó, giao diện Home còn được tích hợp chặt chẽ với hàng loạt ứng dụng đặc biệt của Facebook, từng bước đẩy Google ra xa khỏi người dùng.
Google Search
Theo đánh giá của tạp chí TechCrunch, Home trực tiếp thay thế ứng dụng Google Search trên hầu hết các thiết bị Android. Trước đây, người dùng có thể sử dụng các trình duyệt rồi vào Google Search hoặc tìm kiếm ngay lập tức với widget Search tích hợp trên Android. Mặc dù HTC First vẫn còn Google Search thế nhưng tính năng này đã biến mất khỏi màn hình chính, mà thay vào đó là giao diện Home của Facebook.
Rõ ràng, với những gì mà Facebook đang thể hiện, không sớm thì muộn, Facebook sẽ sớm “tống cổ” Google Search và thay vào đó là Graph Search của mình. Đến lúc đó, liệu rằng người dùng Facebook có còn cần tới một công cụ tìm kiếm bên ngoài nữa hay không khi mà họ đã có sẵn một sản phẩm “cây nhà lá vườn”. Đến lúc đó, liệu doanh thu từ quảng cáo của Google có còn được như ngày hôm nay?
Quảng cáo trên di động
Mới đây nhất, trang tin TheVerge cho biết Facebook đã xác nhận rằng quảng cáo sẽ là mảng chính của mạng xã hội này trong tương lai. Mặc dù hiện tại, Home không đi kèm với quảng cáo nào thế nhưng, không sớm thì muộn Facebook cũng sẽ đưa nội dung này vào ứng dụng của họ.
Điều này cũng tương tự như cách làm của Amazon đối với phiên bản Android của họ, nhưng chỉ khác ở chỗ, khách hàng của Amazon nếu đồng ý giữ nguyên quảng cáo sẽ được giảm giá các thiết bị của hãng này. Còn với Facebook, hiện chúng ta chưa biết rõ chính sách quảng cáo của họ ra sao nhưng sẽ thật khó để có một discount nào đó cho bạn.
Amazon cũng tùy biến Android để đưa quảng cáo của mình vào.
Trong khi đó, Google tiếp cận quảng cáo trên Android theo một cách “nhã nhặn” hơn nhiều. Quảng cáo của Google không xuất hiện trực tiếp mà thông qua tính năng Search hay một ứng dụng của bên thứ 3 nào đó. Chính vì thế, sẽ chẳng có gì lạ khi mà doanh thu từ quảng cáo di động của Google sẽ đi xuống dần dần nếu Search bị thay thế bởi một ứng dụng tìm kiếm đến từ Facebook.
Các giao diện người dùng khác
Facebook Home không chỉ thay thế màn hình Home của Android mà còn ảnh hưởng tới những giao diện người dùng khác dành cho Android, chưa kể tới những widget được đưa ra sẵn trên màn hình Home.
Facebook cũng thông báo rằng rất nhiều các nhà phát hành thiết bị gốc Android (OEM) có thiện chí muốn hợp tác với mạng xã hội này để hỗ trợ tính năng Facebook’s Home. Nhưng liệu điều đó có đúng khi mà các OEM lại sẵn sàng từ bỏ các giao diện người dùng của họ để sử dụng giao diện của Facebook? Làm như vậy thì đâu sẽ là bản sắc riêng của họ, điều mà giúp người dùng phân biệt giữa các OEM với nhau. Hãy tưởng tượng tất cả các smartphone Android đều sử dụng Facebook Home, liệu chúng ta có còn phân biệt được đâu là HTC và đâu là SONY nữa hay không?
Và Google
Đối thủ lớn nhất của Facebook về mảng mạng xã hội đó chính là Google Plus. Vì thế, Facebook đã khá cao tay khi thổi bay kẻ thù của mình bằng cách đặt một môi trường đậm chất Facebook lên trên Android. Khi mà ai cũng sử dụng Facebook để tương tác với bạn bè, liệu có ai còn nhớ tới cái ứng dụng Google Plus “chìm nghỉm” bên trong.
Xét về số lượng, Facebook hiện có hơn 1 tỷ người dùng, hơn một nửa trong số họ thường xuyên kết nối qua di động. Trong khi đó, ở phía bên kia chiến tuyến, Google Plus chỉ có khoảng 500 triệu user với 235 triệu người truy cập hàng tháng. Hiện trên thế giới có khoảng trên 750 triệu thiết bị Android đang được sử dụng (con số này dự kiến sẽ lên tới 800 triệu vào cuối năm nay).
Đáng lẽ đây phải là một lợi thế “sân nhà” đối với Google Plus, nhưng có vẻ như Facebook đã nhanh chân hơn một bước khi đang biến lợi thế của đối thủ thành lợi thế của mình. Thay vì để khách hàng đồng nghĩa Android và Google Plus, Facebook đang tìm cách thay đổi biến Android và Facebook là một. Rõ ràng cả Google và Facebook đều kiếm tiền từ quảng cáo qua mạng xã hội, mạng xã hội nào phổ biến hơn, bên đó sẽ kiếm được nhiều lợi nhuận hơn và sẽ có ảnh hưởng lớn hơn.
Facebook vs Google
Hiện tại thì không phải mọi người dùng Android đều sẽ chuyển sang giao diện Home, đặc biệt là với những ai thích sử dụng bản ROM tùy biến của riêng mình hay ưa thích những trải nghiệm từ HĐH Android nguyên bản. Tuy nhiên, đó là đối với những người không thực sự mặn mà với mạng xã hội, còn thực tế thì sẽ vẫn có một số lượng lớn các tín đồ của Facebook thích sử dụng mạng XH này ngay từ màn hình Home.
Rõ ràng, Facebook đã khá khôn khéo khi đưa ra một lựa chọn hoàn hảo cho người dùng, giúp họ tiết kiệm thời gian hơn trên các nền tảng nguồn mở hiện nay. Nếu để ý, chúng ta có thể nhận ra rằng Facebook cũng chỉ có thể phát triển được Home trên Android mà thôi, còn đối với iOS và WindowPhones, Mark Zuckerberg cũng phải “chào thua”.
Các phát ngôn từ phía Facebook và Google cho thấy hai hãng này có những thái độ khác nhau về Home. Giới công nghệ dự đoán rằng do đã lỡ hứa sẽ giữ cho Android luôn là nền tảng mở nên Google mới không trực tiếp bày tỏ sự phản đối về sản phẩm mới của Facebook. Ngoài ra, việc không thấy Google nhắc tới Home trên siêu phẩm Nexus 5 sắp ra mắt trong năm nay chứng tỏ hãng này chẳng có chút hứng thú nào với Home. Xét một cách tổng quan, Facebook Home cũng không phải là hoàn toàn có hại đối với Android. Nếu sản phẩm này thực sự thành công, cộng đồng Android cũng sẽ được "thơm lây" vì hàng loạt người dùng iPhone quay đầu với Apple để tiến lại gần Google.
Từ trước tới nay, nền tảng Android thành công một phần cũng nhờ sự tương tác uyển chuyển của cả 5 yếu tố: Google Play, Gmail, Google Plus, Google Search và Google Maps trong hệ sinh thái này. Mặc dù có vẻ như Plus chưa thực sự thành công như Google mong đợi, nhưng dịch vụ này vẫn nhận được sự hỗ trợ từ 4 yếu tố còn lại, vốn là những sản phẩm gần như “bất khả chiến bại” của Google. Việc Facebook đưa ra tính năng Home chẳng khác nào đang cấy một con “ký sinh trùng” vào “vật chủ” Android. Bây giờ là Google Search và Google Plus, rồi sau này sẽ là cả HĐH Android. Chắc chắn Google sẽ không thể khoanh tay đứng nhìn “đứa con tinh thần” của mình bị tàn phá như vậy được. Ai thắng ai thua, thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời.