Facebook muốn sở hữu hình ảnh khuôn mặt bạn, và đó là một thảm họa đối với quyền riêng tư
Quét khuôn mặt để mở khóa chắc chắn dễ dàng hơn việc nhớ một mật khẩu dài dòng. Nhưng trong khi những công nghệ nhận diện như Face ID hay Windows Hello đã trở nên phổ biến, thì chúng ta lại bắt đầu lo lắng về an ninh mạng và quyền riêng tư.
Khuôn mặt của chúng ta ngày nay đã trở thành một loại dữ liệu mới, và Facebook hiện đang vận dụng nhiều phương thức gây tranh cãi để sử dụng dữ liệu này. Theresa Payton - cựu Giám đốc Thông tin Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Bush - hiện đang làm việc trên lĩnh vực an ninh mạng, đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về ý định này của Facebook.
Khuôn mặt của bạn thuộc về chính bạn, hoặc không
Công nghệ nhận diện khuôn mặt có tiềm năng rất lớn, ngay cả trên lĩnh vực an ninh mạng. Ví dụ, đối với trường hợp xác thực, công nghệ này giúp việc khóa thiết bị và tài khoản trở nên đơn giản hơn so với các phương thức chậm chạp khác như xác thực hai yêu tố. Nhưng, theo giải thích của Theresa Payton thì công nghệ này có một mặt tối rất đáng quan tâm.
Theresa Payton - Cựu Giám đốc Thông tin Nhà Trắng dưới thời Bush
"Tôi tin rằng có rất nhiều thứ hấp dẫn mà công nghệ này có thể mang lại, nhưng lịch sử gần đây nhắc nhở rằng chúng ta cần phải sẵn sàng trước các tình huống tồi tệ nhất. Chúng ta cần phải hiểu rằng công nghệ mới sẽ được tung ra mỗi một hoặc hai năm trước khi chúng ta thực sự hiểu được những ngọn ngành của việc bảo mật dữ liệu đó, cũng như các khía cạnh pháp lý của bảo vệ quyền riêng tư" - Payton nói.
Theo một bản tin mới đây của tờ Thời báo New York, việc Facebook sử dụng nhận diện khuôn mặt để tìm ra bạn giữa vô số các bức ảnh đã khiến nhiều tổ chức bảo về quyền con người lên tiếng phản đối. Sử dụng trí tuệ nhân tạo và thuật toán do chính mình tạo ra, Facebook hiện có thể biết bạn chính xác khuôn mặt của bạn lẫn những người bạn thân nhất của bạn.
Theo cách nói của Facebook, quét và nhận diện khuôn mặt bạn sẽ giúp "bảo vệ bạn khỏi việc bị người lạ sử dụng ảnh của bạn để mạo danh chính bạn". Ít nhất thì đó là những gì công ty từng nói khi lần đầu giới thiệu công nghệ gây tranh cãi này ở châu Âu sáu năm về trước. Facebook đã rút lại chúng khi các nhà quản lý châu Âu bắt đầu đặt ra những câu hỏi về bảo mật và quyền riêng tư - nhưng hiện nay, vấn đề đó đã trở lại.
Bạn sẽ nghĩ rằng Facebook đã "xếp xó" hoàn toàn ý tưởng đó vì những quan ngại trước đây, cùng với scandal dữ liệu Cambridge Analytica mới xảy ra gần đây. Thế nhưng sự thực là công ty không hề có ý định dừng lại.
"Họ nói 'Ok, chúng tôi đã học được nhiều điều', và cơ bản là 'Chúng tôi muốn việc xác thực dễ dàng hơn, để phân loại các hình ảnh và video của bạn" - Payton nói - "Họ nói bạn đừng nên lo lắng về điều này, bởi họ (Facebook) sẽ để cho người dùng kiểm soát việc nhận diện khuôn mặt".
Kế hoạch phân tích khuôn mặt bạn của Facebook không dừng lại với hình ảnh và xác thực. Theo thông tin từ WWD, gã khổng lồ mạng xã hội này muốn sinh lời từ nhận diện khuôn mặt thông qua thứ mà họ gọi là "thương mại tăng cường" - giúp các thương hiệu biến các quảng cáo đơn giản trên Facebook thành các trải nghiệm thực tại ảo tăng cường có tính tương tác. Vấn đề ở đây là gì? Không ai biết Facebook hay các đối tác quảng cáo của hãng sẽ làm gì với dữ liệu thu thập được thông qua quét khuôn mặt của bạn.
Và đó cũng chỉ là điểm khởi đầu. Facebook đang nắm giữ nhiều bằng sáng chế đáng lo ngại và đáng sợ liên quan công nghệ nhận diện khuôn mặt. Một bằng sáng chế trông như bước ra từ bộ phim khoa học viễn tưởng Minority Report miêu tả một phương thức thiết lập "mức độ tin tưởng" đối với mỗi cá nhân khi họ bước vào một cửa hàng. Bằng cách nhận diện khuôn mặt họ và kết nối nó với dữ liệu trên profile Facebook, hệ thống có thể nhận biết những vị khách mua sắm nào là "đáng tin cậy", hoặc có thể trao cho họ những khuyến mãi đặc biệt. Một số bằng sáng chế khá khó chịu bao gồm một hệ thống theo dõi cảm xúc của bạn bằng cách quét khuôn mặt và liên hệ kết quảarddos với những gì bạn đang theo dõi.
"Bạn không cần phải tìm một khuôn mặt mới" - Payton nói - "Đây là một loại công nghệ thú vị, nhưng tại sao chúng ta không ngừng lại một chút và nói về những ứng dụng của nó, đồng thời thảo luận về những quan ngại bảo mật và quyền riêng tư trong tương lai?"
Rõ ràng những gì bà nói là hợp lý. Không khó để hình dung một ngày khi sinh trắc học trở nên chính xác và được sử dụng mỗi ngày để truy xuất tài khoản ngân hàng của bạn. Nếu khuôn mặt bạn bị "đánh cắp", vấn đề sẽ vô cùng phức tạp. Nhưng điều đó hẳn sẽ không xảy ra đâu, bạn có nghĩ vậy không?
Sinh trắc học sẽ không cứu được chúng ta
Các công nghệ như nhận diện khuôn mặt và quét vân tay thường được xem là giải pháp an toàn hơn so với mật mã thông thường. Nhưng nếu dữ liệu này không được bảo mật, hậu quả sẽ vô cùng khốc liệt. Chúng ta đã thấy điều đó xảy ra trước đây. Vào năm 2015, Văn phòng Quản lý Nhân sự Mỹ đã bị xâm nhập và đánh cắp 5,6 triệu vân tay chưa được mã hóa.
"Tôi cực kỳ lo lắng về việc các dữ liệu sinh trắc học có thể bị dễ dàng đánh cắp và sử dụng cho các mục đích đen tối" - Payton nói.
Với cơ sở hạ tầng học máy khổng lồ để phục vụ cho việc quét sinh trắc học tại các công ty như Google, Facebook, Apple và Microsoft, chúng ta thường mặc định rằng những công ty đó sẽ giấu dữ liệu trong các "két sắt số" đã được khóa chặt. Payton nói rằng khả năng bảo vệ dữ liệu sinh trắc học hiện tại của chúng ta hiện nay là "yếu kém đến thảm thương".
Có vẻ như công nghệ này chỉ đáng được áp dụng nếu các công ty nói trên sẵn sàng làm việc nghiêm túc để bảo mật dữ liệu của bạn.
"Hãy cho chúng tôi biết rằng các bạn (những công ty công nghệ nói trên) đã nghĩ về mọi tình huống xấu có thể xảy ra" - Payton nói tiếp - "Hình dung trước những tình huống và đưa ra giải pháp đối phó. Nếu chúng ta có được những bảo đảm như vậy, thì sẽ giúp ích rất nhiều...".
Payton không kêu gọi chấm dứt quét công nghệ quét sinh trắc học và nhận diện khuôn mặt. Thay vào đó, bà đề xuất một phương thức có trách nhiệm hơn để sử dụng nó song hành với các công nghệ khác. Thay vì chỉ dựa vào một thứ duy nhất như cảm biến vân tay, lời khuyên của Payton là các công ty có thể kết hợp nó với các dữ liệu dựa trên hành vi có thể hoạt động như xác thực sinh trắc học hai yếu tố. Một hệ thống như vậy sẽ có thể biết những thứ như khi nào một cá nhân thường thực hiện các giao dịch, loại hệ điều hành họ sử dụng, hoặc tốc độ gõ phím của họ.
"Sẽ có rất nhiều thông tin sinh trắc học và thông tin dựa trên hành vi nếu bạn kết hợp hai yếu tố đó với nhau, lúc đó bạn sẽ chắc chắn được người đó là ai" - bà khẳng định.
Payton còn nói rằng vẫn chưa qua muộn. Chúng ta đã từng thấy những điều rất tồi tệ mà truyền thông xã hội mang đến trong nhiều năm qua, nhưng nếu vặn ngược đồng hồ và cảnh báo chính mình khi mọi thứ mới bắt đầu, thế giới của chúng ta có lẽ sẽ khác nhiều so với ngày nay.
"Nếu tình huống xấu nhất đó xảy ra vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, có lẽ mọi thứ trên các nền tảng truyền thông xã hội sẽ khác" - Payton nói - "Đừng lặp lại loại sai lầm đó với những công nghệ mới mà chúng ta đang giới thiệu hiện nay".
Tham khảo: DigitalTrends
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng