FDA: Một loại thực phẩm chức năng có nguồn gốc thảo dược liên quan tới 44 ca tử vong

    zknight,  

    Nó đã bị cấm ở Australia, Malaysia, Myanmar và Thái Lan.

    Kratom, một loại thực phẩm chức năng có nguồn gốc thảo dược vừa bị FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) cáo buộc liên quan đến cái chết của 44 người. Nó được chiết xuất từ cây Mitragyna speciosa, một loài cùng họ với cà phê.

    Mặc dù chưa được FDA chấp thuận, kratom vẫn đang được bán tràn lan tại Mỹ, trên mạng internet, trong các cửa hàng và thậm chí là máy bán hàng tự động. Các loại thực phẩm chức năng chứa kratom hấp dẫn người tiêu dùng vì được quảng cáo là có thể gây hưng phấn, tăng sức mạnh tập luyện, cải thiện sự tập trung, hiệu suất làm việc và giảm đau.

     FDA: Thực phẩm chức năng có nguồn gốc thảo dược kratom liên quan đến 44 ca tử vong

    FDA: Thực phẩm chức năng có nguồn gốc thảo dược kratom liên quan đến 44 ca tử vong

    FDA đưa ra cảnh báo, dựa trên những bằng chứng cho thấy kratom tác động đến các thụ thể opioid của não bộ. Điều này khiến nó có thể được coi như chất opioid, có tiềm năng gây nghiện, cùng nhóm với morphine và các chất chiết xuất từ cây anh túc, các loại thuốc phiện.

    "Dữ liệu khoa học và các sự kiện bất lợi được báo cáo đã tiết lộ một cách rõ ràng, các hợp chất trong kratom khiến nó không chỉ đơn giản là một loại thảo dược - nó là một opioid", Scott Gottlieb, ủy viên của FDA cho biết trong một tuyên bố.

    "Và đó là một loại opioid liên quan đến nhiều nguy cơ mới tiềm ẩn".

    Kratom được quảng cáo như một chất cải thiện sức mạnh trong tập luyện, giữa một rừng các sản phẩm thực phẩm chức năng chưa được kiểm soát chặt chẽ tại Mỹ. Ngoài ra, nhiều người coi nó như một chất thay thế cho thuốc giảm đau opioid. Đôi khi, kratom được tiếp thị như một cách để điều trị chứng nghiện opioid.

    Nghi ngờ về các tác dụng này, FDA đã nghiên cứu cấu trúc hóa học của 25 hợp chất có hàm lượng cao nhất trong kratom. Các chuyên gia của họ phát hiện, tất cả các hợp chất này có cấu trúc tương tự với các chất opioid.

    Họ cũng sử dụng một mô phỏng máy tính để phân tích cấu trúc hóa học của các hợp chất, dự đoán cách chúng được xử lý trong cơ thể.

    Mô hình khẳng định nghi ngờ của các nhà nghiên cứu: Hai trong số năm hợp chất phổ biến nhất trong kratom tác dụng lên thụ thể opioid, giống như các thuốc giảm đau opioid khác. Các loại thuốc giảm đau opioid thường được kiểm soát nghiêm ngặt, với cảnh báo gây nghiện cùng nhiều tác dụng phụ bao gồm gây suy hô hấp và tử vong.

    "Dữ liệu mới cung cấp bằng chứng mạnh mẽ hơn, về các thuộc tính opioid của hợp chất kratom", Gottlieb tuyên bố.

     Hợp chất opioid tác dụng đến não bộ có thể gây nghiện, có liên quan đến nhiều trường hợp tử vong

    Hợp chất opioid tác dụng đến não bộ có thể gây nghiện, có liên quan đến nhiều trường hợp tử vong

    Nghiên cứu khoa học về kratom vẫn còn hạn chế

    Giữa năm 2020 và 2015, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) cho biết số cuộc gọi liên quan đến kratom về trung tâm kiểm soát chất độc đã tăng gấp 10 lần, từ 26 lên 263. Lần đầu tiên FDA cảnh báo về kratom là năm 2012.

    Cho đến nay, FDA đã công bố các báo cáo chi tiết về 44 trường hợp tử vong có liên quan đến sử dụng kratom. Mặc dù vậy, mối liên quan được xác nhận ở mức chưa rõ ràng. Trong gần như hầu hết các trường hợp, nạn nhân tử vong do sử dụng nhiều loại thuốc kết hợp, bao gồm cả các loại opioid khác.

    Điều đó khiến FDA không thể khẳng định kratom là nguyên nhân chính của những ca tử vong này.

    Tuy nhiên, mối quan tâm về kratom thực sự đang gia tăng, đặc biệt là khi một số người sử dụng loại thực phẩm chức năng này như một cách để giảm bớt các loại thuốc giảm đau opioid như heroin và morphine.

    "Các bệnh nhân nghiện các chất opioid đang sử dụng kratom mà không có hướng dẫn sử dụng đáng tin cậy. Và quan trọng hơn, họ cũng không tham khảo ý kiến từ các cơ sở y tế được cấp phép, về những nguy cơ của sản phẩm, các phản ứng phụ tiềm ẩn hoặc tương tác với các loại thuốc khác", Gottlieb cho biết.

    Mặc dù các mối lo ngại này được công nhận, hiện nay không có cách nào để biết chính xác liệu kratom có lợi hoặc hại như thế nào. Các thí nghiệm khoa học nghiêm ngặt về kratom chưa hề được ai thực hiện.

    Kratom bị cấm ở Australia, Malaysia, Myanmar, Thái Lan và ở một số tiểu bang Hoa Kỳ: Alabama, Arkansas, Indiana, Tennessee và Wisconsin.

    Trên khắp nước Mỹ, một số báo cáo về trường hợp tử vong và nghiện liên quan đến kratom khiến Cục Quản lý Ma túy (DEA) liệt kratom trong danh sách "thuốc và hóa chất đáng lo ngại".

    Vào năm 2016, DEA đề xuất lệnh cấm kratom tại Mỹ nhưng đã bị bác bỏ bởi áp lực từ một số thành viên Quốc hội, và những người ủng hộ kratom nói rằng nó có thể giúp điều trị nghiện opioid.

    "Tôi muốn rõ ràng về một thực tế: hiện tại không có sự chấp thuận sử dụng kratom trong điều trị từ FDA”, Gottlieb nói.

    Tuy nhiên, kratom vẫn tiếp tục được bán dưới danh nghĩa thực phẩm chức năng, mặc những cảnh báo về sức khỏe của FDA về các loại thực phẩm chức năng chứa kratom.

     Kratom vẫn tiếp tục được bán dưới danh nghĩa thực phẩm chức năng

    Kratom vẫn tiếp tục được bán dưới danh nghĩa thực phẩm chức năng

    Từ trường hợp kratom nhìn ra cả thị trường thực phẩm chức năng

    Kratom không chỉ là thành phần nguy hiểm duy nhất, xuất hiện trong các loại thực phẩm chức năng. Tháng 11 năm ngoái, các nhà nghiên cứu tại Trường Y Harvard và công ty kiểm định sản phẩm độc lập NSF International đã xác định được 6 loại thực phẩm chức năng, chứa 4 chất kích thích chưa được chấp thuận và không được liệt kê trên bảng thành phần.

    Bằng chứng cho thấy các chất kích thích này tương tự như ephedrine, một hợp chất có nguồn gốc từ ephedra, loại thực phẩm chức năng giúp giảm cân nhưng cực kỳ nguy hiểm, đã bị FDA cấm vào năm 2004. Đây cũng không phải trường hợp duy nhất.

    Một nghiên cứu xuất bản vào năm 2013 trong Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cho thấy: Trong số 274 thực phẩm chức năng bị FDA thu hồi từ năm 2009 đến năm 2012, tất cả đều có chứa thuốc cấm.

    "Người tiêu dùng không nên mong đợi điều gì từ [thực phẩm chức năng] bởi vì chúng ta không có bằng chứng rõ ràng rằng chúng có lợi. Và người tiêu dùng nên thận trọng bởi họ có thể đang đặt mình vào tình trạng nguy hiểm",S. Bryn Austin, giáo sư về khoa học hành vi tại Trường Y tế Cộng đồng Harvard T.H. Chan, cho biết.

    "Cho dù chúng có được liệt kê trên bao bì hay không, [trong các sản phẩm thực phẩm chức năng] có thể có thành phần gây hại”.

    Tham khảo Businessinsider, Tonic

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày