Dù chỉ âm thầm phát triển nhưng Fintech hứa hẹn sẽ bùng nổ mạnh mẽ trong thời gian tới.
Với dân số hơn 90 triệu người, trong đó chủ yếu là thế hệ Millennials (những người sinh năm 1980 đến 2000, cuộc sống gắn liền với internet), nền kinh tế internet của Việt Nam đang nắm giữ tiềm năng phát triển rất lớn. Tuy vậy, fintech (startup làm về lĩnh vực kinh tế - tài chính) vẫn chưa được khai thác nhiều.
Ảnh: 2geeks1city.
Hệ sinh thái Fintech Việt Nam
Fintech tại Việt Nam vẫn còn đang trong giai đoạn trứng nước với khoảng 30 đại diện đi đầu, phần lớn trong đó tập trung vào mảng thanh toán.
Hiện có hai phần ba startup fintech Việt Nam đang cung cấp cho người tiêu dùng công cụ thanh toán trực tuyến như 1Pay, 123Pay, Payoo, VinaPay, OnePay, MoMo,... hoặc giải pháp thanh toán kỹ thuật số POS/MOS như iBox, Moca,... Việc nhiều startup fintech tập trung vào thanh toán trực tuyến không phải điều bất ngờ bởi ngành Thương mại điện tử Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam được dự đoán sẽ bùng nổ trong thập kỷ tới.
Bên cạnh những đại diện trên, Việt Nam còn có một số startup hoạt động ở mảng khác như gây quỹ cộng đồng (FundStart, Comicola, Betado hay Firststep); LoanVi với dịch vụ cho vay trực tuyến; quản lý dữ liệu tài chính cá nhân với BankGo, MoneyLover, Mobivi; ngân hàng kỹ thuật số đầu tiên của Việt Nam với Timo.
Cho tới thời điểm hiện tại, có thể nói rằng các startup và cả các doanh nghiệp lớn cùng nhà đầu tư nước ngoài đều bắt đầu nhận thấy nhiều cơ hội chưa được khai thác ở mảng fintech tiềm năng của Việt Nam. Vào tháng 3/2016 vừa qua, Quỹ đầu tư có tiếng 500 Startups đã tuyên bố rằng họ sẽ dành 10.000 USD để đầu tư vào khoảng 100-150 dự án startups trong nước, và lẽ dĩ nhiên, fintech là mảng khó có thể bỏ qua.
Bằng chứng dễ thấy tiếp theo là một startup có trụ sở tại Anh hoạt động trong lĩnh vực chuyển tiền kiều hối có tên WorldRemit, họ cho biết sẽ mở rộng dịch vụ của mình tới Việt Nam. Công ty này cho phép người dùng có thể gửi tiền ra nước ngoài từ một thiết bị di động hoặc máy tính, còn người ở đầu bên kia có thể nhận được tiền trong các tài khoản ngân hàng của họ, nhận bằng tiền mặt, nhận bằng một chiếc ví di động hoặc là một dịch vụ top-up qua điện thoại di động. Sở dĩ WorldRemit quyết định đặt chân tới Việt Nam vì đây được coi là thị trường "bận rộn" bậc nhất trong vấn đề chuyển tiền kiều hối ở Châu Á. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, tổng giá trị tiền kiều hối vào Việt Nam trong năm 2014 là 13,2 tỷ $, chiếm 6,4% tổng GDP của cả nước trong năm đó.
Không chỉ WorldRemit, startup Tapp Commerce cũng đánh mạnh vào mảng Fintech ở Việt Nam với sản phẩm của mình, giúp đỡ người dân ở khu vực "cận ngân hàng" có thể dễ dàng chuyển và nhận tiền thông qua doanh nghiệp địa phương hoặc thậm chí các cửa hàng bán lẻ trong khu họ sinh sống.
Nói về công ty trong nước, sự kiện gần đây nhất diễn ra tháng vừa qua đó là Tập đoàn FPT ra mắt ví điện tử FPT Wallet của riêng mình để hỗ trợ việc mua sắm trực tuyến, đi kèm với nó là một tính năng ký quỹ mua sắm. Trước mắt, FPT Wallet sẽ hợp tác với các đơn vị nội bộ như dịch vụ F-share hay sàn TMĐT Sendo.
Dân số trẻ và nhu cầu kết nối cao
Tỉ lệ người sở hữu tài khoản ngân hàng ở Việt Nam mới ở mức 20% và số người có thẻ tín dụng chỉ là 3%. Vì vậy Việt Nam vẫn là một thị trường rất hấp dẫn cho các công ty dịch vụ tài chính mới, nhất là khi dân số trong nước ở mức trẻ cùng nhu cầu kết nối cao. Những xu hướng này đại diện cho một cơ hội thực sự cho các công ty đang cung cấp mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng kỹ thuật số.
Dù rằng còn nhiều người dùng vẫn e ngại với việc giao dịch tài chính trên mạng khi họ không hiểu rõ công ty công nghệ đóng vai trò gì và làm gì với tài khoản của mình. Bằng chứng là chỉ chưa đến 5% người dùng internet Việt Nam dùng thời gian trên mạng để thực hiện giao dịch tài chính. Thế nhưng chắc chắn theo xu thế chung, tương tự như sự tiện lợi của smartphone, fintech sẽ sớm phát triển và lấy được lòng tin từ khách hàng.
Tổng hợp
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng