LG G Pro 2 là smartphone Android cao cấp được ra mắt cách đây 4 năm trước. Công nghệ đã thay đổi rất nhiều chỉ sau một khoảng thời gian ngắn - vậy sử dụng một chiếc máy như G Pro 2 trong năm 2018 ra sao?
Tháng 3/2014, tức là cách đây tròn 4 năm, LG đã chính thức ra mắt chiếc smartphone này. Đó là G Pro 2 - đại diện của LG ở phân khúc cao cấp, và là câu trả lời của hãng với sản phẩm của "người đồng hương" Samsung là Galaxy Note 3.
LG G Pro 2
Mặc cho những nỗ lực của LG, Galaxy Note 3 (với một số ưu thế về bút S-Pen, thiết kế và thương hiệu) vẫn là chiếc máy được người dùng đón nhận và đem lại nhiều thành công hơn. Nhưng, với vị thế của một flagship thời đó, LG G Pro 2 vẫn là một chiếc máy được vạn người mê.
Chiếc máy này tính đến nay đã 4 năm tuổi
Vào thời điểm đó, một người bạn của tôi do đã quá mê chiếc máy này nên đã quyết định "đập lợn" để sở hữu nó. Mặc dù điều kiện tài chính không khá giả gì, nhưng anh hy vọng với khoản đầu tư lớn của mình, chiếc máy này sẽ có thể phục vụ cho các nhu cầu của bản thân trong một khoảng thời gian dài.
Mới đây, tôi có dịp được gặp lại anh bạn này. Bất ngờ thay, anh ấy vẫn sử dụng chiếc LG G Pro 2 năm ấy. "Tại sao một người có thể dùng một chiếc điện thoại lâu đến vậy?", "Đây là một chiếc máy LG, tại sao nó có thể bền đến vậy?" là những suy nghĩ thoáng qua thoạt đầu.
Nhưng khi được cầm trên tay chiếc máy, tôi còn cảm thấy bất ngờ hơn - khi thấy rằng chỉ sau 4 năm, những chiếc smartphone Android đã thay đổi đến nhường nào.
Câu chuyện thời ấy - thời nay
Thời nay, nếu bạn tạo ra một chiếc smartphone cao cấp, bạn bắt buộc phải sử dụng các chất liệu cao cấp như kim loại hay kính. Nếu bạn sử dụng nhựa, thì sản phẩm của bạn không cần biết tốt đến đâu, mà nó chắc chắn sẽ thất bại.
Vậy mà thời ấy, một chiếc máy được làm hoàn toàn bằng nhựa như G Pro 2 là chuyện hết sức bình thường. Ngay cả đối thủ của G Pro 2 là Galaxy Note 3 cũng được làm bằng nhựa mà chẳng một ai phàn nàn.
G Pro 2 được làm hoàn toàn bằng nhựa
Thời nay, chẳng còn một ai làm một chiếc điện thoại có thể tháo được nắp lưng hay thay pin rời. Thậm chí, ngay cả khe cắm thẻ nhớ cũng đã bị một vài nhà sản xuất loại bỏ. Cũng phải thôi, khi mà vẻ ngoài cao cấp là thứ được người dùng coi trọng, cộng thêm sự có mặt của một số tính năng như chống nước hay sạc nhanh, tạo ra một chiếc điện thoại với nắp lưng có thể tháo rời là ý tưởng không thể tồi hơn.
Vậy mà thời ấy, nắp lưng và pin tháo rời là tính năng rất được người dùng ưa chuộng. Sạc nhanh không có, nhưng chúng ta còn có một giải pháp thậm chí còn tuyệt vời hơn: đó là tháo viên pin đã cạn để thay bằng một viên pin khác đã đầy. Đồng hành cùng anh bạn của tôi luôn là một viên pin phụ và chẳng bao giờ lo chuyện máy hết pin giữa chừng. Nó cũng nhẹ và gọn gàng hơn rất nhiều so với việc phải mang theo pin dự phòng và dây cáp sạc.
Máy có thể tháo rời nắp lưng...
... và viên pin cũng vậy
Dock sạc là một phụ kiện rất phổ biến với những chiếc máy Android thời đó
Người dùng có thể mua nhiều hơn một viên pin và sử dụng chiếc dock này để sạc, mang dự phòng theo người
Thời nay, nếu nói một chiếc điện thoại có anten rời và có thể kéo ra, chắc chắn bạn sẽ nghĩ đó là một ý tưởng điên rồ. Vẻ ngoài cao cấp, liền mạch là thứ quan trọng nhất - những cái khác có hay không, không quan trọng.
Vậy mà thời ấy, với những chiếc máy nội địa Hàn Quốc, đây là điều gần như bắt buộc. Đương nhiên, anten này không được dùng để bắt sóng nghe gọi hay Wi-Fi, mà để phục vụ cho tính năng xem TV tại xứ sở Kim Chi.
Ăng ten là một phần không thể thiếu với những chiếc máy đến từ Hàn Quốc. Tuy nhiên do không dùng được ở VN nên nó được tận dụng với một mục đích khác, đó là làm chân chống máy lên bàn để xem phim
Thời nay, smartphone nào cũng giống smartphone nào. Chính yêu cầu của người dùng về một thiết kế thời thượng, tương tự những thương hiệu lớn trên thị trường (trong đó điển hình là Apple iPhone và Samsung Galaxy) đã khiến cho các nhà sản xuất không còn có thể mạo hiểm với thiết kế của mình.
Vậy mà thời ấy, LG vẫn cố tạo ra những nét riêng trong sản phẩm. Với chiếc G Pro 2, bên cạnh viền màn hình mỏng (một điều hiếm hoi ở thời điểm năm 2014), thì LG còn đưa cụm phím nguồn và tăng giảm âm lượng ra mặt sau. Thiết kế này được đánh giá là tiện lợi, tuy nhiên tính thẩm mỹ lại không cao.
Một số dòng máy của LG như G2, G Pro 2 và sau này là G3, G4 đều có phím nguồn và tăng giảm âm lượng ở mặt lưng
Đây là một vị trí rất tự nhiên và dễ dàng để ngón tay chạm tới
Một tính năng, hay đúng hơn là phụ kiện khá hay ho của chiếc máy này là QuickWindow
Nó là một flip cover nhưng được khoét một lỗ trên màn hình
Người dùng có thể tương tác trực tiếp mà không cần mở nắp
Thời nay, camera là yếu tố được quan tâm hàng đầu trên một chiếc smartphone, chẳng kém gì thiết kế hay cấu hình. Ngay cả những smartphone giá rẻ từ 4 triệu đồng đã có camera kép, chụp ảnh xóa phông, còn những smartphone cao cấp thì có khẩu độ cực lớn (f/1.5), công nghệ thay đổi khẩu độ, 3 camera hay áp dụng AI để cho ra những bức ảnh đẹp hơn.
So sánh ảnh chụp của G Pro 2 và iPhone X
Vậy mà thời ấy, LG thực chất là một trong những nhà sản xuất đầu tiên trang bị OIS (chống rung quang học) cho smartphone của mình, trong đó có cả G Pro 2. Mặc dù vậy, vẫn có thể thấy chất lượng ảnh của G Pro 2 - một flagship của năm 2014, giờ đây chỉ ngang ngửa một chiếc máy tầm trung của năm 2018. Còn khi so sánh với một chiếc máy cao cấp, G Pro 2 thật sự "không có cửa", đặc biệt là khi chụp ảnh thiếu sáng.
G Pro 2 là một trong những smartphone đầu tiên được trang bị công nghệ chống rung quang học (OIS)
Thời nay, smartphone Android cao cấp được trang bị chip Snapdragon 845 (hay 835) với 8 nhân, RAM 6/8GB, bộ nhớ trong chuẩn UFS với dung lượng có thể lên đến 256GB.
Vậy mà thời ấy, một chiếc smartphone cao cấp như G Pro 2 với chip Snapdragon 800, RAM 3GB, bộ nhớ trong eMMC 32GB đã được coi là "quái vật phần cứng".
Snapdragon 800 là con chip mạnh nhất thế giới Android ở thời điểm của G Pro 2
Thời nay, mọi smartphone đều có các công nghệ bảo mật sinh trắc học tiên tiến như nhận dạng khuôn mặt, mống mắt hay vân tay.
Vậy mà thời ấy, mật khẩu là cách phổ biến nhất nếu như người dùng muốn bảo vệ dữ liệu trên chiếc điện thoại của mình. G Pro 2 sở hữu một tùy chọn bảo mật là Knock Code thông qua việc gõ lên màn hình, tuy nhiên nó không phải là bảo mật sinh trắc học như những gì chúng ta có bây giờ.
Tính năng bảo mật Knock Code
Thời nay, mức giá của một chiếc smartphone cao cấp như Apple iPhone X hay Samsung Galaxy S9 có thể lên đến 20-30 triệu đồng.
Vậy mà thời ấy, G Pro 2 chỉ có giá 14 triệu đồng. Ngay cả đối thủ chính của G Pro 2 là Galaxy Note3 cũng có giá chỉ 16.9 triệu đồng (để so sánh tương quan, Galaxy Note8 được bán với giá 22.49 triệu đồng).
Mặc dù là flagship, nhưng G Pro 2 có giá chỉ 14 triệu đồng ở thời điểm ra mắt. Nay, iPhone X và Galaxy Note8 đều có giá từ 20-25 triệu đồng
Chiếc flagship Android 4 năm tuổi ra sao?
Yếu tố mà người dùng rất quan tâm khi mua mua bất kỳ sản phẩm công nghệ nào là độ bền - chẳng ai muốn bỏ tiền ra cho một thứ mà sẽ hỏng sau "dăm bữa, nửa tháng". Và, chiếc LG G Pro 2 này vượt qua rất tốt thử thách về thời gian. Ngoại trừ màn hình bị hỏng phản quang ở nửa dưới, các tính năng còn lại đều hoạt động tốt. Đương nhiên, sau 4 năm thì chủ sở hữu của chiếc máy này đã phải nhiều lần thay pin.
Dù sao, G Pro 2 cũng là một chiếc máy được đánh giá là khá "lành bệnh" của LG, khi chúng ta khó có thể nói điều tương tự với một sản phẩm khác của hãng như G2 (loạn cảm ứng), G4/V10/G5 (đột tử) hay V20 (bóng mờ màn hình).
Ngoại trừ màn hình bị đốm, chiếc máy này vẫn hoạt động hoàn hảo
Về hiệu năng, khi so sánh Snapdragon 800 với một con chip tầm trung phổ biến là Snapdragon 625, chúng ta có thể thấy Snapdragon 800 cho điểm đơn nhân không hề tệ, nhưng đa nhân lại thấp hơn do chỉ có 4 nhân (625 là 8 nhân). GPU Adreno 330 của nó cũng giữ được phong độ, cho điểm cao hơn Adreno 506 trong bài benchmark 3DMark Sling Shot ES 3.0.
Sau 4 năm, một con chip thuộc phân khúc tầm trung là Snapdragon 625 đã có thể vượt mặt Snapdragon 8000
Chỉ tiếc rằng, do đã lỗi thời, vậy nên Adreno 330 sẽ không hỗ trợ thư viện đồ họa mới OpenGL ES 3.1 như Adreno 506. Điều này khiến cho điểm GPU của Snapdragon 800 thấp hơn hẳn so với Snapdragon 625 trên AnTuTu Benchmark, do G Pro 2 không thể thực hiện 1 trong 3 bài test yêu cầu OpenGL ES 3.1, từ đó không được tính điểm.
Do không hỗ trợ OpenGL ES 3.1, điểm AnTuTu 3D của Snapdragon 800 thấp hơn rất nhiều so với Snapdragon 625
Về trải nghiệm, G Pro 2 không chậm đến mức khó chịu, tuy nhiên nó cũng không thật sự nhanh. Bên cạnh con chip lỗi thời, một vài lý do dẫn đến điều này còn là phần mềm của LG khá nặng, phiên bản Android cũ và tốc độ bộ nhớ trong thấp.
Giao diện LG UX trên nền Android 5 Lollipop
Camera của G Pro 2 cho chất lượng tạm ổn, tuy nhiên sự vượt trội chỉ có thể nhận ra khi so sánh với các mẫu máy giá rẻ. Còn hiện nay, nhiều mẫu máy tầm trung đã có thể cho chất lượng ảnh tốt hơn G Pro 2, đặc biệt là trong điều kiện thiếu sáng.
Camera của G Pro 2 giờ đây chỉ ngang ngửa một chiếc máy giá rẻ như Honor 9 Lite
Phiên bản Android trên G Pro 2 là 5.0.1 Lollipop ra mắt từ cách đây hơn 3 năm trước. Mặc dù phiên bản đã lỗi thời, tuy nhiên G Pro 2 vẫn có thể cài đặt và chạy gần như tất cả các ứng dụng phổ biến trên Play Store mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.
Mặc dù phiên bản hệ điều hành đã cũ, nhưng người dùng vẫn có thể cài đặt và sử dụng gần như tất cả các ứng dụng phổ biến hiện nay
Người ta vẫn thường phàn nàn về sự phân mảnh của Android, về việc chúng thường xuyên bị các nhà sản xuất bỏ rơi chỉ sau một thời gian ngắn ra mắt. Nhưng nếu một chiếc máy 4 năm tuổi vẫn có thể cài đặt những ứng dụng mới nhất, thì tôi không cho đó là vấn đề quá to tát. Dẫu sao, mọi thứ cũng sẽ tốt hơn nếu như các nhà sản xuất chịu khó hỗ trợ cho các sản phẩm của mình, đặc biệt là ở phân khúc cao cấp.
Một chiếc máy như G Pro 2 vẫn đáp ứng đủ nhu cầu trong năm 2018, nhưng tại sao chẳng còn mấy ai sử dụng nó?
Sử dụng một chiếc điện thoại từ năm 2014 trong năm 2018 đem lại cho tôi nhiều cảm giác lẫn lộn.
Ở một phương diện, G Pro 2 vẫn là một chiếc máy rất tốt: nó có màn hình lớn, cấu hình ổn, camera chấp nhận được và có thể chạy được các ứng dụng cơ bản. Đó cũng là lý do anh bạn tôi vẫn sử dụng chiếc máy này cho đến ngày nay.
Nhưng ở một phương diện khác, nếu bạn như tôi và là một người đam mê công nghệ, bạn sẽ không bao giờ chịu sử dụng một chiếc máy như thế này ở thời điểm hiện tại. Vỏ nhựa, camera hạn chế trong điều kiện thiếu sáng, phiên bản Android cũ, thiếu vắng một số công nghệ như cảm biến vân tay, sạc nhanh, cổng USB-C... chắc chắn sẽ khiến chúng ta không khỏi cảm thấy "tù túng". Cảm giác này thậm chí còn trở nên sâu đậm hơn khi chúng ta nhìn vào thị trường và thấy không ít những chiếc máy tầm trung, thậm chí giá rẻ đã sở hữu một vài trong số những tính năng hiện đại kể trên.
Đó cũng chính là khuynh hướng của smartphone trong một vài năm trở lại đây. Khi một vài yếu tố cơ bản như cấu hình đã dần trở nên bão hòa, các nhà sản xuất sẽ cố bán điện thoại cho người dùng thông qua những thứ "gia vị", những thứ mà không phải ai cũng cần, nhưng khi thiếu vắng sẽ cảm thấy món ăn thật nhạt nhẽo.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng