Foxconn sắp mở nhà máy làm linh kiện xe điện ở Việt Nam: Xu thế đổ hàng tỷ USD làm 'iPhone 4 bánh' của các hãng điện thoại
Dù Apple từ bỏ dự án xe điện nhưng còn vô số khách hàng khác muốn tiếp cận khả năng sản xuất hợp đồng ô tô điện giá rẻ của Trung Quốc. Đó là chưa kể doanh số iPhone đang giảm tốc và Foxconn cần tìm kiếm đường lui.
Tờ New York Times (NYT) cho hay Foxconn đã đổ hàng trăm triệu USD mở các nhà máy ở Đông Nam Á. Hãng này có kế hoạch sản xuất ắc quy xe điện và các linh kiện ô tô khác ở Thái Lan và Việt Nam, đồng thời sản xuất Microchip cho xe hơi ở Malaysia .
Tập đoàn này cũng đang lên kế hoạch mở nhà máy ắc quy trị giá hàng tỷ USD ở Indonesia, đồng thời đang đàm phán với 2 hãng xe Nhật Bản để hợp tác làm ô tô điện.
Hàng loạt những động thái này của Foxconn khiến nhiều người bất ngờ bởi câu hỏi đặt ra là họ sẽ bán xe điện cho ai khi khách hàng lớn nhất Apple đã từ bỏ dự án này?
Giảm phụ thuộc Apple
Tháng 2/2024, Apple chính thức từ bỏ dự án làm xe điện sau nhiều năm phát triển và hơn 10 tỷ USD vốn đầu tư.
Bất chấp điều đó, Foxconn vẫn dự kiến xây dựng một nhà máy xe điện tại Zhengzhou, được mệnh danh là "thành phố iPhone", nơi đặt hầu hết cơ sở hạ tầng, nhà máy, chuỗi cung ứng cùng 250.000 nhân viên của hãng trong việc sản xuất iPhone cho Apple.
Mặc dù Apple không làm xe điện nữa nhưng thị trường Trung Quốc vẫn rất sôi động và Foxconn không muốn nằm ngoài cuộc chơi này.
Trong khi khách hàng lớn Apple từ bỏ thì vẫn còn vô số những khách hàng khác muốn chạy theo cuộc đua xe điện. Hiện nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tiếp cận khả năng sản xuất hợp đồng xe điện giá rẻ của Trung Quốc và Foxconn không muốn bỏ lỡ cơ hội này.
Tuy nhiên, một lý do cực kỳ quan trọng nữa là Foxconn muốn giảm sự phụ thuộc vào Apple.
Doanh số iPhone của Apple tại Trung Quốc đã suy giảm trước sự bành trướng của nhiều hàng điện thoại nội địa. Căng thẳng địa chính trị khiến Apple, một doanh nghiệp Mỹ, phải dịch chuyển dần nhà máy sang các nước khác và Foxconn đã nhận thấy rủi ro từ chiến lược này.
Bởi vậy tờ NYT cho rằng Foxconn đang muốn thiết kế, sản xuất và lắp ráp xe điện hợp đồng cho những thương hiệu ô tô khác, tương tự như những gì họ đang làm với iPhone của Apple.
Cho đến hiện tại, Foxconn đã giành được hợp đồng sản xuất xe điện cho Luxgen, một thương hiệu ô tô tại Đài Loan. Ngoài ra công ty cũng hợp tác với Yulon Motor để ra mắt dòng xe Foxtron của riêng mình. Hãng cho biết đã bàn giao 5.400 chiếc xe cho Yulon từ đầu năm đến nay.
"Họ cần tìm một đường lùi khỏi sự phụ thuộc vào Apple, nghĩa là phải có một khách hàng lớn trong mảng xe điện mới này", Chủ tịch Kirk Yang của Kirkland Capital nhận định.
Tuy nhiên, chiến lược của Foxconn không hề dễ dàng khi ngành xe điện Trung Quốc lẫn toàn cầu đang quá đông đúc, chưa kể đến những xung đột thương mại khiến mảng này trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết.
Ranh giới điện thoại-xe điện
Giám đốc Stephen Dyer của Asia Automotive thuộc AlixPartners cho biết năm 2023, Trung Quốc đã có hơn 130 doanh nghiệp bán xe điện. Tuy nhiên theo dự đoán, chỉ chưa đến 20 trong số này là có lợi nhuận cho đến cuối thập niên này.
Sự cạnh tranh khốc liệt ở thị trường Trung Quốc khiến vô số hãng xe điện đang lao vào cuộc chiến dìm giá đốt tiền. Ngay cả Tesla của nhà Elon Musk cũng không ngoại lệ.
Trên thị trường quốc tế, cả Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đều đang gia tăng hàng rào thuế quan với xe điện Trung Quốc vì lo sợ sẽ gây tổn thương nền công nghiệp nội địa.
Thế nhưng Foxconn vẫn tự tin vào kế hoạch của mình khi ranh giới giữa sản xuất xe điện và điện thoại đang ngày càng bị xóa nhòa.
Gần đây, hai hãng điện thoại nổi tiếng Trung Quốc là Huawei và Xiaomi, vốn vượt mặt Apple về doanh số bán hàng ở Trung Quốc, đã quyết định làm xe điện.
Động thái này không chỉ là cú tát với chính Apple khi để một hãng điện thoại Trung Quốc làm xe điện trước mà còn là minh chứng cho khả năng thành công của Foxconn trong việc gia công ô tô điện cho hãng khác.
Chỉ vài ngày sau khi Foxconn tuyên bố mở nhà máy xe điện ở Zhengzhou thì Xiaomi đã động thổ xây nhà máy ô tô điện thứ 2 của mình.
Ban lãnh đạo Foxconn tự tin tuyên bố những yếu tố khiến hãng sản xuất hợp đồng iPhone nhanh, rẻ hơn so với đối thủ sẽ được chuyển hóa sang mảng xe điện.
Điều này đồng nghĩa những yếu tố như sự hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng từ chính phủ như đường xá, trạm điện, ưu đãi thuế... đã từng diễn ra trong mảng smartphone sẽ được Foxconn tái diễn ở xe điện.
Tuy nhiên, những cố gắng của Foxconn cũng khiến nhiều người nghi ngờ bởi việc làm xe điện không chỉ là phần cứng mà còn liên quan đến phần mềm.
"Yếu tố khiến một hãng xe điện Trung Quốc nổi bật được lên trên thị trường không nhất thiết chỉ là mảng sản xuất phần cứng mà còn liên quan đến công nghệ phần mềm mà họ đưa ra phục vụ cho khách hàng", giám đốc Dyer của Asia Automotive, vốn từng là giám đốc Ford Motor tại Thượng Hải nhận định.
Đó là chưa kể đến chất lượng, độ an toàn, độ tin cậy của khách hàng bên cạnh câu chuyện giá rẻ.
"Nếu một thiết bị điện tử vỡ hỏng thì chẳng gây được nhiều vấn đề gì, nhưng một chiếc xe điện gặp tai nạn thì nó có thể gây thương vong tính mạng", giám đốc Dyer cảnh báo.
*Nguồn: NYT
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng