Lại một mạng xã hội Việt nữa buông súng trước Facebook.
Xây dựng Banbe.net thành một mạng xã hội dành cho doanh nghiệp đang là hướng mà FPT nghiên cứu, khi đây trở thành xu thế của thế giới.
74.000 nhân viên nội bộ của Công ty công nghệ Atos từ lâu đã không gửi e-mail, mà liên lạc với nhau thông qua tin nhắn trực tiếp dưới một giao diện theo kiểu Facebook. Đây là chủ trương của CEO Thierry Breton, khi cho rằng “chỉ 10% e-mail nhận trong ngày là thật sự cần thiết”.
Các nhân viên Atos liên lạc và cập nhật nội dung online lên mạng xã hội của công ty, bên cạnh một hệ thống chat cho phép họp qua video và chia sẻ file cùng các ứng dụng.
Atos không phải là công ty duy nhất sử dụng mạng xã hội thay cho e-mail. Mới đây, Notebook.com cho biết, họ đã dùng mạng xã hội Yammer làm phương tiện liên lạc mới.
Yammer hiện được 500.000 công ty trên khắp thế giới sử dụng, trong đó có đến 80% doanh nghiệp thuộc 500 công ty lớn nhất nước Mỹ do tạp chí Fortune bình chọn.
Thực tế, ngày càng có nhiều công ty sử dụng mạng xã hội nội bộ để khuyến khích giao tiếp và liên lạc tốt hơn giữa nhân viên. Bên cạnh những mạng xã hội có sẵn, một số công ty còn tự xây dựng mạng cộng đồng cho riêng mình như IBM với Beehive và Best Buy với Blue Shirt Nation.
Mạng xã hội đã mang về khá nhiều lợi ích cho các công ty. Cemex, công ty chuyên về vật liệu xây dựng lớn thứ ba thế giới, là một ví dụ. Cemex đã xây dựng một mạng xã hội riêng với tên gọi là Shift, để phục vụ kết nối với hàng chục nghìn nhân viên làm việc tại 50 quốc gia.
Trong một năm, hơn 20.000 nhân viên Cemex đã được kết nối, khoảng 500 diễn đàn nội bộ được thành lập để nhân viên trao đổi thông tin, ý tưởng, sáng kiến trong mọi lĩnh vực hoạt động và kinh doanh. Các công cụ như wikis, blogs và cộng đồng thông tin đã trở thành cầu nối giữa các bộ phận kinh doanh và giữa các văn phòng Cemex trên khắp thế giới.
Theo Cemex, nếu không có Shift và sử dụng các phương thức cũ, chi phí của công ty sẽ gia tăng từ 500.000 đến 1 triệu USD mỗi năm.
Mạng xã hội cho doanh nghiệp đang là xu thế phổ biến của thế giới. FPT cũng không nằm ngoài quy luật này. Giám đốc Công nghệ FPT Nguyễn Lâm Phương cho hay, FPT có ý định xây dựng Banbe.net thành mạng xã hội cho doanh nghiệp.
Mạng xã hội Banbe được ra mắt vào tháng 6/2011. Như hầu hết các mạng xã hội của Việt Nam, Banbe.net không thể vượt qua cái bóng khổng lồ của Facebook với 5,5 triệu người dùng.
Việc “đổi hướng” Banbe.net thành mạng xã hội cho doanh nghiệp sẽ là bước đi mới của FPT, khi mà mảng này chưa thực sự phát triển ở Việt Nam. “Mạng xã hội có thể thay thế các công cụ giao tiếp trong doanh nghiệp hiện nay như e-mail, Intranet, share point…”, anh Phương khẳng định.
Chuẩn bị cho bước đi này, FPT Online - đơn vị xây dựng Banbe.net - đã phối hợp với FPT Software để phát triển thêm các tính năng của Banbe. Theo đó, Banbe.net sẽ tập trung phát triển phần bảo mật hơn nữa, do yếu tố này quan trọng đối với người dùng doanh nghiệp.
Dự kiến, mạng xã hội Banbe.net dành cho doanh nghiệp sẽ được dùng thử nghiệm tại FPT Software trước. “Một công cụ tốt không quyết định sẽ triển khai thành công nếu không đi kèm với việc thay đổi quan niệm của người dùng”, anh phân tích.
Giám đốc Công nghệ FPT kỳ vọng, nếu việc thử nghiệm tại FPT Software thành công, mạng xã hội Banbe.net dành cho doanh nghiệp có thể sẽ được thương mại hóa.
Theo Lâm Thao/Chungta
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng