FPT nhiều khả năng đã đạt được thỏa thuận bán FPT Trading đúng lúc kết quả kinh doanh của công ty phân phối này rơi xuống mức đáy của nhiều năm trở lại đây.
Hôm qua (12/6), một số báo dẫn nguồn tin từ nhiều đơn vị bán lẻ cho biết FPT đã hoàn tất việc bán lại công ty phân phối điện thoại và thiết bị công nghệ thông tin FPT Trading cho tập đoàn Mỹ Synnex. Synnex có quy mô kinh doanh toàn cầu và cũng hoạt động trong lĩnh vực phân phối. Hiện FPT chưa đưa ra bình luận chính thức nào về thông tin này.
Việc thoái vốn khỏi FPT Trading cũng như công ty bán lẻ FPT Retail (chủ quản hệ thống FPT Shop) đã được FPT xúc tiến từ nhiều năm nay và nhiều khả năng sẽ hoàn tất trong năm 2017.
“Con gà đẻ trứng vàng”
Phân phối là một trong những lĩnh vực lâu đời nhất và lớn nhất của FPT. Với doanh thu lên đến hơn chục nghìn tỷ mỗi năm, FPT Trading là công ty phân phối số 1 Việt Nam trên cả 2 phân khúc là điện thoại (21,4% thị phần – số liệu theo báo cáo thường niên năm 2015) và thiết bị công nghệ thông tin (27,4% thị phần).
Với doanh số lớn, FPT Trading thường xuyên chiếm 50-60% doanh thu toàn tập đoàn FPT. Ban lãnh đạo tập đoàn FPT từng nhiều lần rất “buồn” khi doanh nghiệp của họ bị phân loại vào nhóm ngành “bán buôn, bán lẻ” do tỷ trọng doanh thu từ hoạt động thương mại quá lớn.
Thực tế, trong những năm đầu mới lên sàn, mảng phối phối có thể coi là "con gà đẻ trứng vàng" của ông Trương Gia Bình khi không chỉ đứng đầu về doanh thu mà cũng là lĩnh vực đóng góp lớn nhất vào tổng lợi nhuận của tập đoàn. Thậm chí, vào năm 2007, mảng phân phối chiếm tới 45% lợi nhuận cả năm.
Những năm sau đó, khi vị trí dẫn đầu về lợi nhuận rơi vào tay mảng viễn thông cũng như sự sa sút của mảng tích hợp hệ thống thì FPT Trading vẫn luôn là 1 trong 3 lĩnh vực đóng góp lớn nhất vào tổng lợi nhuận.
Vài năm trước đây là thời kỳ ăn nên làm ra của FPT Trading khi mà nhu cầu điện thoại trong nước tăng đột biến với tốc độ tăng trưởng 30-40%/năm.
Công ty còn có được lợi thế vô cùng lớn khi trở thành nhà phân phối chính thức các sản phẩm iPhone, iPad… của Apple từ quý 2/2013. Hợp đồng này đã giúp cho lợi nhuận của FPT Trading tăng vọt trong năm 2014 và 2015.
FPT Trading chỉ đóng góp vỏn vẹn 9% tổng lợi nhuận 2016 của FPT dù chiếm tới 32% doanh thu
Khó khăn bủa vây
Tuy nhiên, bản chất của lĩnh vực phân phối các sản phẩm điện thoại, thiết bị công nghệ thông có rất nhiều tố không bền vững. Hôm nay có thể đang làm không hết việc nhưng ngày có thể không có gì để làm khi mà nhà cung cấp thay đổi chính sách bán hàng.
Đơn cử như một doanh nghiệp phân phối lớn khác Digiworld, nếu như năm 2014, doanh số điện thoại Nokia/Lumia đạt 2.400 tỷ thì sang năm 2015 chỉ còn 800 tỷ và đến năm 2016 thì dừng hẳn kinh doanh.
Quãng thời gian “hái quả ngọt” với iPhone của FPT Trading đã kết thúc từ quý 4/2015 khi Apple thay đổi chính sách phân phối. Từ thời điểm này, các nhà bán lẻ lớn như Thế giới Di động cũng như “người anh em” FPT Retail có thể nhập trực tiếp từ Apple thay vì phải qua đơn vị trung gian như FPT Trading.
Kết quả kinh doanh của FPT Trading nói riêng cũng như FPT nói chung ngay lập tức bị tác động đáng kể.
Theo một báo cáo của VPBS, nhờ iPhone, lợi nhuận 8 tháng đầu năm 2015 của FPT Trading tăng 74% nhưng tính chung cả năm 2015 mức tăng trưởng bằng 0%.
Năm 2016 vừa qua là năm khó khăn nhất của FPT Trading khi phải chịu tác động kép từ việc vừa bị mất đi doanh thu từ iPhone vừa chịu lỗ do thanh lý lô hàng điện thoại Lumia do Microsoft đột ngột ngừng kinh doanh dòng sản phẩm này.
Những khó khăn trên khiến cho doanh thu năm 2016 của FPT Trading giảm tới 28% xuống còn 12.500 tỷ còn lợi nhuận giảm 48% xuống 284 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận của riêng mảng phân phối điện thoại giảm tới 90%, từ 311 tỷ xuống 34 tỷ đồng.
Lợi nhuận của mảng phân phối điện thoại giảm tới 90% trong năm 2016 do tác động kép từ thay đổi chính sách của Apple và Microsoft
Ở chiều ngược lại, mảng vẫn phối laptop và các thiết bị công nghệ thông tin vẫn tăng trưởng nhẹ. Mảng kinh doanh này sẽ đóng vai trò chủ lực trong kết quả kinh doanh của FPT Trading các năm tới khi mà các nhà bán lẻ ngày càng được nhập hàng trực tiếp nhiều hơn từ các hãng sản xuất.
Lợi nhuận quý 1 của FPT Trading tiếp tục giảm 40% trong quý 1/2017 xuống 56 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo nhận định của FPT cũng như các công ty chứng khoán, các nhân tố khó khăn của FPT Trading đã được phản ánh hết vào năm 2016 do đó triển vọng kinh doanh của mảng phân phối sẽ tích cực hơn trong năm 2017.
Công ty chứng khoán Bản Việt trong báo cáo phân tích phát hành tháng 4/2017 ước tính lợi nhuận 2017 của FPT Trading có thể tăng trưởng 29% lên 368 tỷ đồng trong khi công ty chứng khoán HSC đưa ra mức tăng trưởng thận trọng hơn, vào khoảng 20%.
Mặc dù triển vọng kinh doanh dài hạn không quá khả quan nhưng việc FPT Trading vẫn là một công ty phân phối hàng đầu với lợi nhuận 300-400 tỷ đồng thì mức giá mà phía đối tác phải trả để nắm quyền kiểm soát FPT Trading chắc chắn không hề thấp.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng