Galaxy Note Edge và câu chuyện về sự kỳ vọng
Người dùng không đặt kỳ vọng vào sản phẩm màn hình cong của Samsung, điều này đã giúp sản phẩm có sự xuất hiện đầy ấn tượng, thu hút mọi sự chú ý.
Sự kiện Samsung Unpacked 2 đã kết thúc tối qua (3/9), tôi tin rằng đây là sự kiện nhận được nhiều lời khen nhất từ trước đến nay của công ty Hàn Quốc này. Chỉ trong 10 phút lướt qua các mạng xã hội, thông tin về sự kiện được chia sẻ nhiều tới mức khiến ai cũng phải tò mò xem thử họ có gì hay, sản phẩm gì nổi bật mà thu hút tới vậy.
Dù liên tục xuất hiện nhiều hình ảnh rò rỉ và được coi là flagship đáng mong chờ nhất của Samsung, nhưng Galaxy Note 4 lại không phải là sản phẩm khiến sự kiện lần này của họ hấp dẫn mà là chiếc smartphone màn hình cong Galaxy Note Edge.
Galaxy Note Edge không phải là sản phẩm lạ, nó đã xuất hiện tại CES 2013 với tên gọi Youm nhưng khi được giới thiệu chính thức vẫn tạo ra tiếng vang lớn, thậm chí lấn át Note 4. Chúng ta sẽ nói nhiều hơn về chiếc điện thoại màn hình cong này ở phần dưới
Bài học từ Galaxy Round và LG G Flex
Samsung và LG là hai ông lớn tiên phong trong trào lưu sử dụng màn hình cong trên smartphone. Cả hai đều dùng màn cong dạng vòm tạo cảm giác nổi khi xem hình ảnh, video.
Còn nhớ thời điểm mới ra mắt, tôi và nhiều đồng nghiệp rất kỳ vọng vào một tương lai mới của smartphone sau khi màn hình cảm ứng bình thường đã quá phổ biến. Tuy nhiên khi trải nghiệm thực tế tôi thất vọng hoàn toàn vì độ phân giải màn hình thấp (G Flex), góc nhìn hạn chế và quan trọng nhất là tôi nhận ra "không phải cứ cong là tốt". Màn hình cong của GFlex và Round trên thực tế không đem lại được công dụng gì thực sự đáng kể cho người sử dụng ngoài việc nhìn hơi lạ mắt và rất vướng víu khi để trong túi quần.
G Flex và Galaxy Round là 2 sản phẩm thuần túy để phô diễn công nghệ của 2 ông lớn Nam Hàn. Nhưng 2 sản phẩm đó cũng đem lại được 1 bài học cho các sản phẩm màn hình cong sau này: Công nghệ dù hiện đại tới đâu cũng phải đem lại được giá trị gia tăng cho sản phẩm còn nếu chỉ để "nhìn cho đẹp" thì nó sẽ khó lòng thuyết phục được người tiêu dùng móc hầu bao.
Quan niệm: Samsung chỉ theo đuôi
Dù yêu hay ghét Apple, bạn cũng không thể phủ nhận việc "Táo Khuyết" luôn đi đầu trong sáng tạo. Apple đã làm rất tốt việc sáng tạo khi Steve Jobs còn sống, dần dần họ định hình trong suy nghĩ khách hàng rằng chỉ có mình mới có thể đi đầu, mới làm ra những sản phẩm có tính đột phá.
Đối với Samsung thì sao?
Sau khi sự kiện Unpacked 2 kết thúc, tôi có khen về sự sáng tạo của Samsung với một người bạn. Cậu bạn đó không theo dõi sự kiện nhưng đáp trả ngay tôi với giọng dè bỉu: "Samsung mà sáng tạo thì mai mặt trời mọc đằng Tây !".
Có thể thấy trong tiềm thức của nhiều người dùng, Samsung là một công ty luôn "theo đuôi", cách làm của Samsung là nghe ngóng thị trường, tìm hiểu xu thế rồi tung sản phẩm "thuận dòng" thường thượng. Dòng smartwatch Gear, chiếc kính Gear VR là điển hình cho lối làm ăn đó của Samsung. Samsung cũng có những "biến báo" của mình trong vấn đề sản phẩm, cụ thể như dòng Galaxy Note mở đầu cho xu hướng mới của Phablet, nhưng với 1 công ty đứng đầu thị trường, những cú đột phá như thế của Samsung ít đến mức đáng thương.
Chính suy nghĩ trên khiến khách hàng không đặt nhiều kỳ vọng vào "bom tấn" nào đó của công ty Nam Hàn xuất hiện tại Unpacked 2. Tuy nhiên họ đã khiến tất cả ngỡ ngàng với Galaxy Note Edge, một chiếc smartphone phá vỡ mọi chuẩn mực thiết kế, khác biệt hoàn toàn với những thiết bị trước đó. Cũng là màn hình cong, nhưng màn vát cong trên Edge thực sự đem lại 1 lớp tương tác khác hẳn so với các smartphone vốn bị giới hạn khả năng tương tác trên mặt phẳng cảm ứng.
Bên cạnh cú đột phá của dòng Galaxy Note khởi đầu cho xu hướng Phablet, Samsung lần đầu tiên tạo ra được 1 thứ thực sự mới mẻ, riêng có và mạnh dạn áp dụng đổi mới ấy trên 1 sản phẩm thương mại bán ra rộng rãi. Giữa 1 thị trường toàn các hãng muốn an toàn, bám theo lối mòn do iPhone tạo ra, Samsung là hãng lớn đầu tiên dám bước 1 chân ra khỏi cách tương tác cảm ứng trên 1 mặt phẳng do iPhone quy định. Chính sự táo bạo ấy là điều làm nên nhiều bất ngờ cho người xem Samsung Unpacked 2.
Galaxy Note Edge là 1 canh bạc mạo hiểm, trong tình hình kinh doanh đang xuống dốc, phải gánh thêm 1 sản phẩm thất bại khi bán ra đại chúng sẽ chất thêm gánh nặng cho 1 Samsung vốn đã ôm đồm quá nhiều thứ. Samsung hiểu điều đó, và rõ ràng hãng vẫn chừa cho mình 1 đường lui. Bằng cách ra mắt Note 4 và Note Edge bên cạnh nhau với cấu hình và các tính năng tương tự, Samsung muốn Edge có thể được "thơm lây" tí chút từ thương hiệu Note series đang rất được ưa chuộng, tạo sức bật cho Edge ngay sau khi ra mắt.
Kể cả khi Samsung không sợ Note Edge thất bại về mặt tài chính thì hãng vẫn sẽ phải đối mặt với những rủi ro từ việc giống như Galaxy Round, thất bại của Edge sẽ bào mòn dần hứng thú và sự kiên nhẫn của người dùng với công nghệ màn hình cong.
Tạm kết
Sự kỳ vọng của khách hàng là yếu tố quyết định lớn tới nhận định của người dùng về một sản phẩm. Với thành công ngoài sức tưởng tượng của iPhone đời đầu, người dùng đặt quá nhiều kỳ vọng vào các thế hệ tiếp theo của iPhone khiến sản phẩm của Apple vẫn tốt, vẫn đẹp nhưng vẫn bị chê tơi tả.
Điều này ngược lại với Samsung tại Unpacked 2 vừa qua. Người dùng không đặt nhiều kỳ vọng vào một sản phẩm đột phá từ ông trùm công nghệ Hàn Quốc dù thông tin Note 4 có phiên bản màn hình cong đã xuất hiện trước đó. Tuy vậy họ dám làm, dám thử và dám đưa công nghệ mới vào sản phẩm, đáp ứng nhu cầu sử dụng thực thay vì khoe màn cong như Galaxy Round. Đó là một sản phẩm hoàn toàn mới, đáp ứng được nhu cầu người dùng như màn hình lớn, khung viền kim loại và màn hình cong. Tôi tin rằng những điều trên đã khiến người dùng hào hứng với Galaxy Note Edge.
Chắc chắn Galaxy Note Edge sẽ còn thu hút truyền thông trong thời gian tới, bước đầu Edge đã thành công khi tạo được tiếng vang. Doanh số bán ra của sản phẩm có tốt hay không phụ thuộc vào trải nghiệm thực tế, vào việc phần viền cong có thật sự hữu ích hay chỉ là một nước đi sai lầm nữa của Samsung.
Và với sự xuất hiện đầy ấn tượng của Galaxy Note Edge, liệu sự kiện ngày 9/9 tới Apple sẽ làm gì để đáp trả khi kỳ vọng về sản phẩm đột phá từ nhà táo là rất lớn?
Bài: Tuấn Anh-Minh Lết
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng