Galaxy S20 có thể sẽ đánh dấu lần thứ 3 Samsung dùng đúng chiến lược kinh doanh của "Tim Apple"
Về mặt công nghệ, Samsung thường xuyên đi trước. Nhưng nói về độ tinh quái thì "Tim Apple" vẫn là vua của thế giới smartphone.
Có thể nói rằng, trong cuộc chiến smartphone, nếu như Samsung gần như luôn đi trước Apple về mặt công nghệ thì nhà Tim lại luôn đi trước về mặt chiến lược kinh doanh. Ví dụ, năm 2017 Samsung mở màn cuộc chiến toàn màn hình cùng Galaxy S8 và Galaxy S8 , nâng tỷ lệ tiêu chuẩn của smartphone từ 16:9 lên 2:1. Cuối năm đó, Apple tham chiến bằng iPhone X. Vẫn tỷ lệ 2:1 (thậm chí là còn "khoét tai thỏ"), vẫn là công nghệ OLED do Samsung trực tiếp sản xuất, iPhone X liên tục chiếm vị trí smartphone bán chạy thế giới từ khi lên kệ cho đến khi được thay thế bởi XS.
Trong thành công ấy của iPhone X có một phần rất lớn nhờ chiến lược đặt tên và định giá của Tim Cook. Không dùng số thường, cái tên "X" của iPhone góp phần làm bật lên vai trò đặc biệt của mẫu smartphone này, tách hẳn ra khỏi những mẫu iPhone 16:9 như iPhone 7 hay iPhone 8. Một khi đã có cái tên đặc biệt rồi, iPhone X lại được định giá tới 1000 USD, vượt hẳn ra ngoài khung giá 600 – 800 USD vốn đã sử dụng cho cả iPhone, Galaxy S và Galaxy Note trước đó.
Chạy theo lần 1: "Làm giá" cho smartphone đầu bảng.
Thật trớ trêu, tăng giá lại càng làm cho sản phẩm "hot" hơn: vì ở khung giá mới, iPhone X ngay lập tức được coi là sản phẩm trên tầm iPhone và các mẫu Galaxy cao cấp, là ông vua tuyệt đối của phân khúc premium. Cùng lúc, Galaxy S8 và Galaxy Note8 chỉ được coi là đối thủ của iPhone 8/8 Plus (tình cờ mang cùng số trong năm). Kết thúc vòng đời, iPhone X bán được 60 triệu chiếc.
Không có cách nào khác, Samsung buộc phải nâng giá bán các dòng cao cấp của mình. Từ sau iPhone X, Galaxy S và Galaxy Note nhích dần đến khung nghìn đô. Muốn được coi là đối thủ cạnh tranh trực diện với iPhone – muốn chiếm lấy miếng bánh ở phân khúc cao cấp, Samsung trước tiên phải ở cùng tầm giá.
Hiển nhiên, chiêu trò của Tim Cook chưa dừng lại ở đây. Có vẻ như vị CEO của Apple đã nhận định ngay từ đầu rằng thành công của iPhone X không đồng nghĩa với tương lai lâu dài trên phân khúc nghìn đô, và Apple buộc phải trở lại khung 600 – 800 USD bình thường. Kết quả là trong năm iPhone tiếp theo, Apple ra mắt tới 3 sản phẩm kế nhiệm dòng X: iPhone XS, iPhone XS Max và iPhone XR. Nếu như iPhone XS và iPhone XS Max là những kẻ kế nhiệm "tự nhiên" thì XR lại là chiêu bài chưa từng có: một mẫu iPhone giá mềm hơn và kém cao cấp hơn (màn LCD, cam đơn…).
Chạy theo lần 2: Galaxy S10e và sắp tới đây là Galaxy Note 10 Lite sẽ sử dụng chiến lược từng được Tim Cook áp dụng cho iPhone XR và iPhone 11.
Lợi thế duy nhất của iPhone XR: giá bán chỉ 750 USD. Và lịch sử lại chứng minh Tim Cook đúng: giá ở khung "cao cấp thường", tính năng cao cấp vừa đủ, iPhone XR là mẫu smartphone bán chạy nhất thế giới trong suốt 1 năm vừa qua.
Phản ứng của Samsung? Dĩ nhiên là ra mắt một sản phẩm tương tự, một sản phẩm có thể đối đầu trực tiếp. Đầu năm 2019, Galaxy S10e ra đời ở khung giá chỉ 750 USD. Đây không phải là lần đầu tiên Samsung có "đầu bảng rút gọn", nhưng lại là lần đầu tiên Samsung áp dụng khung giá gần như giống hệt Apple: 2 mẫu đầu bảng siêu cấp tối ưu lợi nhuận đi kèm với 1 mẫu đầu bảng rút gọn để thu hút doanh thu.
Chiến lược này thậm chí còn áp dụng lên dòng Note. Lần đầu tiên trong lịch sử, Galaxy Note được tách ra làm 3 phiên bản khác nhau: một bản thường, một bản với cấu hình cao hơn và 1 bản Lite giá mềm. Theo các tin rò rỉ, Galaxy Note10 Lite sẽ sớm lên kệ trong tháng 1. Đối thủ của Note10 Lite chắc chắn không ai khác ngoài iPhone 11, mẫu smartphone giá mềm nhất và ít tính năng nhất trong bộ 3 iPhone 2019.
(Có thể) Chạy theo lần 3: Dùng tên không phụ tố để đặt cho model giá rẻ nhất.
Ấy thế mà Samsung vẫn lại chậm hơn Apple một nhịp. Hãy để ý rằng Apple đã loại bỏ phụ tố R, thay vào đó dùng tên "thường" iPhone 11 cho phiên bản giá 700 USD. Theo cách này, Apple loại bỏ được cảm giác kém cao cấp của phiên bản iPhone thấp nhất. Người mua iPhone sẽ luôn là mua sản phẩm cao cấp, và khi họ nâng cấp thêm "Pro", thêm "Max", họ sẽ chạm tay đến những trải nghiệm cao cấp hơn nữa. Công ty của Tim Cook luôn vậy: hơn ai hết, Apple biết cách để điều khiển cảm xúc của người mua.
Samsung làm thế nào để đối phó? Theo các tin rò rỉ, bộ ba Galaxy S đầu năm sẽ có tên gọi lần lượt là Galaxy S20, Galaxy S20 và Galaxy S20 Ultra. Phiên bản thấp nhất sẽ đầu bảng loại bỏ chữ cái "e" gây cảm giác kém sang: đã mua Galaxy S20 là chỉ mua trải nghiệm cao cấp. Và rồi, các phiên bản Plus và Ultra sẽ nâng người dùng lên những trải nghiệm cao cấp hơn nữa…
Cứ chờ xem, tên 3 sản phẩm Galaxy S20 sẽ là như thế, và đánh dấu 3 năm Samsung chạy theo chiến lược quái chiêu của Tim Cook.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng