Game hay cho PC ngày nay đều tốn trên 50GB ổ cứng, hơn nửa chỗ đó chúng ta chẳng đụng tới dù chơi hết game!
2016 có lẽ là năm của những tựa game "vừa to vừa nặng", khi mà hầu như bất cứ trò chơi mang mác AAA nào cũng chiếm từ 50 tới 60GB ổ cứng trở lên. Nhưng có phải ai cũng cần game phải nặng đến như vậy hay không?
Nhìn lại quá trình phát triển của máy tính, có lẽ chúng ta đã tiến những bước rất dài rồi, phải không? Từ cái thuở mà bộ nhớ RAM 48 KB đã là siêu khủng khiếp, hay như lúc mà toàn dân sử dụng bộ vi xử lý 450MHz, rồi khi mà 10 MB ổ cứng được cảm thấy là quá đủ dùng cho cả một đời người. Lúc đấy, tôi đâu có nghĩ rằng bây giờ mình sẽ sở hữu vài cái ổ cứng với dung lượng cả terabytes - mà lắm lúc vẫn còn cảm thấy không đủ mà dùng.
Tại sao tôi lại cảm thấy thiếu thốn ổ cứng như vậy? Có lẽ, một phần không nhỏ "lỗi lầm" nằm ở các trò chơi điện tử bây giờ.
Nhìn lại thị trường game năm 2016, đặc biệt, ở mảng game PC, các tựa game AAA (tên thường dùng để chỉ những tựa game "bom tấn") đa phần đều có chung một đặc điểm: "Vừa to vừa nặng".
Vượt qua "hàng rào 50GB"
Đối với tôi, kỷ nguyên kỹ thuật số đúng là thiên đường của ngành công nghiệp Game. Với sự phổ biến của Steam, thay thế cho các kênh phân phối Game truyền thống, mà những trò chơi tôi có thể tiếp cận tới cũng đa dạng hơn rất nhiều. Từ những tựa game có phần "nhẹ ký" như Sorcery!, cho đến những trò chơi "khủng khiếp" như Doom bản reboot, chỉ cần vài cú click chuột là tôi đã có thể mua chúng về mà không gặp bất cứ trở ngại gì (có chăng chỉ là vấn đề tài chính). Chính điều này góp phần không nhỏ tới sự hồi sinh của thể loại game nhập vai truyền thống (cRPG - Classic Role-Playing Games), như Wasteland 2, Divinity: Original Sin, hay Pillars of Eternity. Cùng với đó, những tựa game như Shadow Warrior 2, Obduction, v...v... - quá "lớn" để có thể gọi là Indie game, nhưng cũng không đủ "bom tấn" như những game AAA - cũng có nhiều cơ hội để "lên tiếng".
Muốn mua game gì thì cũng chỉ cần lên Steam là có hết
Đó là còn chưa kể đến việc, nhờ Steam, mà thư viện game của tôi giờ không còn chiếm quá nhiều chỗ trong phòng - tôi chỉ còn giữ lại duy nhất một chiếc tủ để đựng các tựa game console trên đó mà thôi. Chứ như trước đây, thì chắc tôi chết ngập trong đống vỏ đĩa mất.
Năm 2016 đánh dấu sự xuất hiện của hàng loạt các tựa game "nặng đô" và chiếm quá nhiều dung lượng ổ cứng. Trong đó, nặng nhất có lẽ phải kể đến bộ đôi Call of Duty: Infinite Warfare, cùng với CoD Modern Warfare Remastered.
2 tựa game kể trên, sẽ ngốn của bạn khoảng 120GB ổ cứng, trong đó, chỉ riêng Infinite Warfare đã chiếm tới hơn 75GB rồi. Giờ quay ngược thời gian một chút, nếu mà Infinite Warfare xuất hiện ở thời hoàng kim của Xbox 360, thì tựa game này sẽ cần tới khoảng 10 chiếc DVD9 để chứa hết toàn bộ dữ liệu. Còn nếu tựa game này phân phối thông qua định dạng đĩa Blu-ray, chúng ta sẽ cần tới 2 chiếc đĩa Blu-ray 2 lớp.
75GB cho vài giờ gameplay của CoD Infinite Warfare, nếu như chỉ chơi mỗi phần chơi đơn thì đúng là quá tội
Những tựa game bom tấn khác của năm 2016, so với CoD, cũng chẳng mấy kém cạnh. Gears of War 4? 73GB. Forza Horizon 3? 50GB. Doom Remastered? 65GB. Hitman? Đến giờ cũng chiếm tổng cộng khoảng 65GB rồi.
Về cơ bản, game AAA bây giờ hầu hết đều "nặng cân" như thế, và một phần lỗi không nhỏ nằm ở chính những game thủ chúng ta. Sự phát triển của công nghệ cũng kéo theo những "đòi hỏi" về mặt thẩm mỹ của game thủ cao hơn trước rất nhiều lần. Game bây giờ đồ họa phải hỗ trợ độ phân giải 2K, 4K; âm thanh, thì phải là âm thanh không nén - và những thứ này đều "đốt ổ cứng" vô cùng.
Vài năm trở về trước, những tựa game "nặng kinh khủng khiếp" cũng chỉ dừng lại ở 30GB là cùng, và số lượng game như vậy chỉ đếm trên đầu ngón tay. Năm 2014, khi Titanfall, với yêu cầu về dung lượng ổ cứng là 50GB ra mắt, tựa game này đã được lên mặt báo vô số lần với cùng một câu hỏi: "Tại sao lại nặng đến như vậy?"
Titanfall đã từng "lên báo" vì game quá nặng
Còn bây giờ, chúng ta cũng đã dần quen với những tựa game nặng tới cả vài chục GB, đến mức coi đó như "chuyện thường ngày ở huyện".
Tất nhiên, những chiếc ổ cứng thể rắn ở thời điểm hiện tại không còn là thứ gì đó quá xa xỉ nữa, nhưng chúng ta vẫn thường không nỡ vung tay quá trán với chúng. Hầu hết những người bạn của tôi chỉ sở hữu SSD với dung lượng 500GB là cao nhất, họa hoằn lắm mới có ông sử dụng SSD 1TB. Giờ trừ đi dung lượng của hệ điều hành, cùng với các phần mềm cơ bản khác; thì phần ổ cứng còn lại chỉ còn đủ để bạn chứa 6-7 tựa game AAA là cùng. Nghe cũng thấy điên đầu rồi phải không?
Ấy là chưa kể đến những lúc "cá mập cắn cáp" thì ôi thôi, download mấy tựa game nặng cỡ tầm vài chục GB là cả một cực hình. Lúc đấy, cắm máy cả ngày trời may ra mới chỉ tải được 1/5 game về máy.
Còn cứ thử tưởng tượng xem, nếu giờ mà không dùng Internet thuê bao trọn gói, mà dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu như ngày trước, chắc chả bao giờ dám mơ tới chuyện chơi game bom tấn luôn, tiền mạng lúc đấy phải mua được 2 game là ít.
Nhưng, việc game nặng như vậy, có thực sự là cần thiết đối với tất cả mọi người?
Theo như tôi nghĩ, là không. Trên thực tế, nếu bạn chỉ sở hữu một chiếc card đồ họa GeForce GTX 1060, thì bạn có cần sử dụng tới các model hay texture của độ phân giải 4K hay không? Hẳn là không. Và nếu bạn chỉ chơi game tiếng Anh, thì bạn cũng đâu cần trữ những file âm thanh không nén của các ngôn ngữ khác để làm gì đâu? Hay nếu mạng nhà bạn quá lag, thì chắc bạn chỉ chơi hết phần chơi đơn là thôi, chứ đâu có muốn chơi thêm phần chơi mạng làm gì?
Mặc dù chúng ta gần như đã hoàn thành việc chuyển giao từ hệ thống phân phối game truyền thống sang các cửa hàng điện tử; nhưng có vẻ như vẫn còn có chút ít gì đó của thuở xưa sót lại tới tận bây giờ - đó là chúng ta vẫn "đóng gói game cả cục" như hồi còn bán game qua đĩa.
Vậy thì phải làm sao?
Một trong những lời giải cho vấn đề này đã được các hãng cung cấp phần mềm đưa ra từ vài năm nay rồi - thông qua việc cho phép người sử dụng chọn giữa cài đặt hoặc không cài đặt những file dữ liệu mà họ có thể sẽ không dùng tới. Và thế là, ổ cứng của bạn đã trống được thêm một ít. Đơn giản vô cùng, phải không?
Trên thực tế, một số nhà phát triển game đã bắt đầu tìm đến giải pháp này. Chẳng hạn như tựa game Shadow of Mordor, cho phép người chơi có thể lựa chọn cài đặt gói "HD Content" nếu như cấu hình máy tính đủ trâu. Fallout 4 cũng làm điều tương tự, với gói texture độ phân giải cao nặng tới 58GB cho những ai thực sự cần chúng.
Ngay cả dòng Call of Duty, từ phiên bản Modern Warfare II, cũng đã bắt đầu tách biệt phần chơi đơn và chơi mạng thành hai game khác nhau. Chẳng hạn, nếu bạn sở hữu CoD: Black Ops II trên Steam, bạn sẽ để ý thấy, trong danh sách game của mình có tới 3 dòng khác nhau: CoD: Black Ops II, CoD: Black Ops II - Multiplayer, và CoD: Black Ops II: Zombies.
Còn đến phiên bản CoD: Black Ops III, hay Infinite Warfare, thì gói dữ liệu của phần chơi đơn và phần chơi mạng cũng được đưa vào danh sách DLC, và người chơi có thể lựa chọn cài hay xóa chúng bất cứ lúc nào.
Rõ ràng là, ngành công nghiệp game cũng nên chú ý đến nhu cầu của người chơi, trước khi tung ra những tựa game "siêu nặng" như vậy nữa. Với sự linh hoạt của nền tảng máy vi tính, hãy để người chơi chọn lựa giữa việc tải phiên bản game cực nét, cực đẹp; hoặc phiên bản bình thường, xấu hơn một chút cũng được, nhưng nhẹ nhàng cho ổ cứng hơn.
Nếu được như vậy, những chiếc ổ cứng cũng sẽ "biết ơn" chúng ta hơn rất nhiều.
Tham khảo PCWorld
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng