Game thủ chuyên nghiệp: Từ những đứa trẻ bị ruồng bỏ đến triệu phú đô-la
Bạn có dám đánh đổi mọi thứ để theo đuổi đam mê của bản thân? Có rất nhiều game thủ đã làm được như vậy, kể cả khi gia đình và người thân sẵn sàng rời bỏ ngay khi họ bước chân vào con đường thể thao điện tử này.
Được trả tiền chỉ để chơi điện tử có vẻ như là công việc hấp dẫn nhất trên đời. Ra khỏi giường, ăn sáng, mở Steam và bắt đầu ngày mới với những trận đấu Dota 2. Thậm chí mấy game thủ chuyên nghiệp còn chẳng thèm tắm, bởi họ quá mải mê cho việc luyện tập trò chơi của mình.
Ăn, ngủ, chơi và giành hàng triệu USD tiền thưởng? Đó có phải công việc trong mơ không?
Đó là sự điển hình cho cả một nền công nghiệp thể thao điện tử đang phát triển mạnh mẽ. Nhìn vào những hình ảnh đó nhiều người sẽ thấy sự "lười biếng", tuy nhiên ẩn đằng sau đó là những tấm ngân phiếu hàng chục hàng trăm ngàn USD, thậm chí bắt đầu xuất hiện nhiều triệu phú tới từ môi trường này. Đó là những sự đánh đổi tuyệt vời, khi mà bạn chơi game bằng tay và mắt, kiếm tiền từ nó thì bạn sẵn sàng bỏ qua những yếu tố khác. Họ đang nuôi sống bản thân, trở nên giàu có và đặt những viên gạch vào đế chế của thể thao điện tử.
Để có được cái nhìn đúng đắn của những người trong cuộc, hãy cùng nghe Peter "PPD" Dager và Saahil "UNIVeRsE" Aroma của đội Evil Geniuses (EG) chia sẻ về cuộc sống của họ. Cho ai chưa biết, đây chính là 2 thành viên "cốt cán" của EG, team Dota 2 mới đây đã giành chức vô địch tại giải đấu triệu đô The International 5. Sau chức vô địch này, mỗi thành viên trong đội bỗng dưng trở thành triệu phú sau một trận đấu, họ đút túi khoảng 1,3 triệu USD mỗi người.
EG.ppd, đội trưởng của team vô địch The International 5.
Mặc dù còn khá trẻ, cả 2 đều đã có nhiều năm kinh nghiệm thi đấu chuyên nghiệp, là 2 thành viên quan trọng của một đội hình 5 người giành chức vô địch mới đây, bao gồm cả một cậu nhóc 16 tuổi. PPD cũng chính là đội trưởng của EG chia sẻ về thất bại năm ngoái của team, khi EG chỉ giành được vị trí thứ 3 với 1 triệu USD tiền thưởng, "Đó là thời điểm những đội tới từ Trung Quốc cực mạnh".
Cuộc sống của một game thủ chuyên nghiệp đòi hỏi những kĩ năng khác biệt và sự kiên trì, bởi những trở ngại để tới với thành công cũng không hề ít. Phụ huynh sẽ không ủng hộ bạn, người hâm mộ sẽ không tôn trọng bạn mỗi khi thất bại, và tiền chỉ tới với những đội thực sự mạnh. Tuy nhiên khó khăn đó không là gì với sự đam mê, tình bạn gắn kết và việc thể thao điện từ ngày càng được chấp nhận trong xã hội. Con đường phát triển của thể thao điện tử chuyên nghiệp đang rộng mở hơn bao giờ hết.
Giống như các môn thể thao truyền thống, hầu hết các game thủ chuyên nghiệp đều còn rất trẻ. Cả PPD và UNIVeRsE sẽ không còn thi đấu khi họ 30 tuổi, khi mà một đồng đội 26 tuổi của họ Clinton "Fear" Loomis đã bị gọi là "Old Man Dota" (Ông già chơi Dota).
Đã từng tham gia 3 giải The International đầu tiên, Fear từng phải ngồi ngoài trong giải đấu năm ngoái, khi mà anh gặp chấn thương ở tay và rất khó khăn để có những phản xạ nhanh. Ngoài ra, sự nhanh nhạy và tập trung cao độ của anh cũng đang mất dần theo tuổi tác, dù vậy, thành công ở The International 5 khẳng định Fear vẫn là một tượng đài của Dota 2.
"Một khi bạn đạt tới đỉnh cao, bạn sẽ nghĩ tớ việc biến sở thích của mình thành một cái gì đó chuyên nghiệp", PPD chia sẻ về con đường đi lên chuyên nghiệp của mình. Anh bắt đầu sự nghiệp e-sport với những game như DotA, Heroes of Newerth và nâng cao khả năng của mình sau 6 năm tôi luyện. UNIVeRsE cũng bắt đầu sự nghiệm cùng thời gian đó.
UNIVeRsE - Chủ nhân cú Echo Slam thần thánh trong trận chung kết TI5.
Để tiến một bước từ "chơi cho vui" lên tới đấu trường chuyên nghiệp còn cần tới một đơn vị chủ quản phát hiện và tìm ra tài năng của bạn. Họ luôn tìm những nhân có tiềm năng và ghép những nhân tố đó thành một đội mạnh. Các đơn vị chủ quản sẽ trả lương cho bạn và cũng nhận một phần tiền thường từ những giải đấu mà bạn chiến thắng.
Nếu không có sự hỗ trợ tài chính của những tổ chức hoặc đơn vị chủ quản chuyên nghiệp, bạn sẽ không thể phát huy tiềm năng của mình tới mức cao nhất. Việc sắp xếp luyện tập và thi đấu chuyên nghiệp với thời gian đi học đi làm là rất khó, khi mà những trận đấu lớn thường được tổ chức từ buổi sáng. Một là bạn toàn tâm toàn ý với nó, hai là không bỏ nó ra khỏi cuộc sống của mình, và với những game thủ chuyên nghiệp, họ chọn game là cuộc sống của mình.
Các đội game chuyên nghiệp luyện tập với nhau tối thiểu 6 tiếng mỗi ngày , và một khoảng thời gian dài khác họ sẽ chơi một mình, thường là vào tối muộn hoặc ban đêm. UNIVeRsE cho biết họ cũng cần những "kỳ nghỉ" để dừng chơi, tuy nhiên nếu thời gian đó quá dài, toàn bộ team sẽ mất đi tính kết dính cũng như bị thụt lại phía sau về các chiến thuật.
Thể thao điện tử thu hút hàng triệu con người.
Các team tới từ Trung quốc có những khóa huấn luyện cũng hết sức bài bản. Các thành viên trong đội sẽ sống chung dưới một mái nhà trong suốt một năm. Họ sẽ không bắt đầu luyện tập trừ khi cả team được ngồi chơi cùng nhau trong một phòng. Thành quả của việc này giúp cho các team Trung Quốc hiện đang giữ tới 2 chức vô địch The International và luôn đứng trong top 3 ở mỗi kì TI.
UNIVeRsE thừa nhận rằng mình sẽ không bị cuốn hút bởi trò chơi này đến thế nếu giải thưởng của giải đấu Dota 2 không ngày một lớn hơn. Valve, nhà phát hành Dota 2, thực sự đã tạo ra một cú sốc khi công bố giải đấu e-sport có tổng giải thưởng lên tới 1,6 triệu USD. Số tiền này tưởng chừng đã rất lớn, nhưng những năm sau đó, tổng giải thưởng liên tục tăng lên nhiều lần, 3 triệu USD ở năm thứ ba, 10 triệu năm thứ tư và cho tới The International 5, con số này lên tới 18 triệu, gấp 10 lần so với giải đấu đầu tiên.
Khoảng 12,500 người hâm mộ đã tham dự ngày hội này tại Seattle, và nhiều triệu người theo dõi qua mạng. "Ba năm trước, thật khó có thể nghĩ rằng quy mô của giải đấu sẽ phát triển nhanh tới vậy", UNIVeRsE chia sẻ. Nhưng sự phát triển của Dota 2 và cộng đồng người chơi đông đảo mang lại nhiều tiền hơn bao giờ hết, cả các thương hiệu lớn cũng bắt đầu quan tâm tới môn thể thao này, họ đã tài trợ rất nhiều cho những giải đấu. Các nhà tài trợ giúp các đội trang trải chi phí đi lại và ăn ở khi họ phải thi đấu xa nhà.
Ở một mặt trận khác, League of Legends(LoL) cũng đang phát triển nhanh chóng. Cả Valve lẫn Riot (đơn vị chủ quản của LoL) có những cách tiếp cận thị trường người chơi khác nhau, nhưng quy mô giải đấu thì cả 2 đều đang dần nâng tầm liên tục.
Giải vô địch League of Legends cũng có một quy mô rất lớn.
Tất cả những người được tham gia thi đấu chuyên nghiệm sẽ phải chập nhận những thỏa thuận với đơn vị quản lý họ. Việc phải chơi game về đêm và phát sóng game đấu của họ trên Twitch không thực sự là lựa chọn của PPD. EG và các team khác đều đang cố gắng thu hút người hâm mộ thông qua các thành viên của họ. Đó là một phần của truyền thông xã hội trong ngành công nghiệp này.
Người ta dễ bị tổn thương trên mạng hơn so với ngoài đời thực.
Bình luận viên Dota 2 Toby Dawson thường được gọi là "Tobiwan" cho biết "Việc bình luận trực tiếp cho phép người xem có thể tương tác thời gian thực với kênh họ đang xem, mà không hề có bất cứ sự chỉnh sửa hậu kì đáng kể nào, điều đó thật sự hấp dẫn". Nhưng khi khán giả không được thỏa mãn những gì họ muốn, "sự tương tác" kia có thể dẫn tới những hành động sai lệch. Những người trẻ tuổi vẫn thường có những cảm xúc thái quá, họ ít khi biết tha thứ và đôi khi tạo ra sự thù địch không đáng có.
"Ngành công nghiệp non trẻ này đang tăng trưởng quá nhanh. Do đó rất nhiều người, cả người xem lẫn người chơi đều đang bị lợi dụng bởi chính đam mê của họ" - Dan Chou, một bình luận viên nổi tiếng cho biết. Quản lý của các team vẫn còn những sự lỏng lẻo về chi tiết hợp đồng giữa game thủ và đơn vị chủ quản. Và những người chơi cũng cần cảm thấy biết ơn khi họ nhận được các khoản lương hay tài trợ, cho chính đam mê mà họ đang theo đuổi
Các game thủ chuyên nghiệp vẫn thường bị khán giả của mình xúc phạm bằng những lời nói khiếm nhã khi đang streaming.
Lí giải cho điều trên, chúng ta đều biết rằng những khoản tiền dễ dàng kiếm được có thể dẫn tới những ảnh hưởng về đạo đức hoặc thu hút những kẻ xấu. UNIVeRsE từng hai lần bị "gạ gẫm" bán độ. Một vài người tìm đến anh với những món tiền lớn, và yêu cầu anh thua trong những trận dấu quan trọng. Còn PPD thì chẳng thể đếm được những "kỷ niệm" kiểu như vậy. Vấn đề này tới từ những kẻ đổ rất nhiều tiền vào cá cược, họ sẵn sàng bỏ nhiều ngàn đô để đề nghị một game thủ bán độ, sau đó họ sẽ thắng lại gấp nhiều lần như vậy. Đây có lẽ là đặc điểm cho thấy e-sport có nhiều vấn đề tương đồng với thể thao truyền thống.
Ngay cả việc hợp thức hóa cho mỗi cá nhân thi đấu chuyên nghiệp cũng gặp phải khá nhiều vấn đề. Đó có thể là tên của các game thủ nổi tiếng, cho tới tên của các đội tuyển lớn. Một vấn đề khác tới từ các hợp đồng quảng cáo, tên của người chơi và các đội tuyển thường đi kèm với tên một nhãn hàng nào đó, được coi là nhà tài trợ chính cho các đội tuyển này. Người chơi đôi khi sẽ cảm thấy không thoải mái khi phải mặc một bộ đồ tràn ngập tên các nhãn hàng, và đôi khi phải cố tình nhắc tới nhãn hàng đó trong các đoạn video hay các cuộc phỏng vấn.
Hồi năm ngoái, bên lề giải đấu The International 4, Valve đã sản xuất bộ phim tài liệu có tên "Free to play", khắc họa rõ nét cuộc sống và những điều mà game thủ chuyên nghiệp phải đối mặt. Bộ phim xoay quanh 3 game thủ nổi tiếng góp mặt ngay từ giải đấu The International đầu tiên, Fear của EG, Dendi của Navi và Hyhy của team Scythe. Ở trong 3 hoàn cảnh khác nhau, nhưng nó thể hiện rõ những gì một game thủ chuyên nghiệp phải đối mặt. Fear và Hyhy nhận những áp lực rất lớn từ phía gia đình. Fear đã phải rời khỏi nhà theo đúng nghĩa đen, để đi theo đam mê của mình. Còn với Hyhy, mẹ anh không thể đặt niềm tin vào con trai mình, khi phụ huynh luôn nghĩ rằng trò chơi điện tử là một thứ gì đó không tốt. Tuy nhiên, sau cùng, cả Dendi, Fear hay Hyhy đều đã có mặt ở giải vô địch Dota 2 The International đầu tiên, họ đã đánh đổi nhiều thứ để đi theo đam mê của chính họ.
"Free to play" - bộ phim tài liệu về những game thủ Dota 2 chuyên nghiệp.
Cuộc đấu tranh của những game thủ chuyên nghiệp để được xã hội chấp nhận là vô cùng khó khăn. Đặc biệt là tại các nước Á Đông, nơi mà các bậc phụ huynh luôn muốn đặt việc học của con cái mình lên hàng đầu. Bai "rOtK" Fan, thành viên của EHOME tại TI5 cho biết, anh chỉ nối lại liên lạc với gia đình sau khi đã có những thành công với thể thao điện tử. Cha anh hiện tại đã trở thành fan hâm mộ của chính anh, tuy nhiên anh nói rằng để nhận được sự chấp nhận từ gia đình là một con đường vô cùng "khó khăn và không thể thành công trong một sớm một chiều".
Chưa dừng lại ở đó, dư luận còn đang rấy lên những vấn đề liên quan tới cân bằng giới tính trong nền công nghiệp này. Dù lượng người chơi nữ chỉ chiếm một phần rất nhỏ của Dota 2 hay LoL, tuy nhiên việc 2 nhà phát triển là Valve và Riot chưa có những sự quan tâm thực sự tới phái yếu đang khiến những cô gái cảm thấy đôi chút "tự ái".
Cuối cùng, như những gì mà Dan Chou đã nói, "đây vẫn chỉ là nền công nghiệp của sự đam mê", nó có thể mang lại sự giàu có và vinh quang cho một vài người, nhưng đa số những người theo đuổi nó như một đam mê. Trên con đường tới thành công thực sự, nhiều người đã không thể bước tiếp, chỉ một số ít được sống và thi đấu hết mình với đúng những gì họ coi là đam mê. PPD nhắn nhủ " Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, thể thao điện tử cũng sẽ ngày một phát triển mạnh mẽ hơn".
Thể thao điện tử chuyên nghiệp sẽ sớm được mọi người đón nhận với đúng ý nghĩa của 2 chữ "thể thao"!
Tham khảo TheVerge.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng