Mark Zuckerberg thẳng tay cắt giảm 300 phó chủ tịch Facebook: Không có sản phẩm mới thì đuổi việc, công thức gây bất bình của một doanh nhân tư bản?
Khoảng 300 phó chủ tịch tại Facebook được tuyển dụng năm 2023 sẽ bị cắt giảm khi Mark Zuckerberg hầu như chẳng sáng tạo ra được sản phẩm gì đột phá ngoài đuổi việc người lao động.
- Mark Zuckerberg đang lên kế hoạch giúp Facebook 'ngầu' trở lại, thoát mác là mạng xã hội cho người già
- Mark Zuckerberg và các tỷ phú thung lũng Silicon đón sinh nhật thế nào?
- Bão sa thải lần 2 trong giới công nghệ bắt đầu: Học theo bẫy ăn xổi 1.000 tỷ USD của Mark Zuckerberg, các công ty không tập trung sáng tạo mà chỉ lo đuổi việc, hàng chục nghìn lao động sẽ sớm mất việc
- Giấc mơ AI xa vời thổi bay 200 tỷ USD vốn hóa Meta: Dự báo chi tiêu 2024 tăng lên 40 tỷ USD, Mark Zuckerberg hứa 'rồi sẽ kiếm được tiền' nhưng nhà đầu tư vẫn sợ
- Hơn 2 tỷ USD - Kế hoạch 1 mũi tên trúng 3 đích đen tối của Mark Zuckerberg: Vừa loại bỏ TikTok khi không mua lại hay sao chép được, vừa khiến Elon Musk và Tim Cook ‘khóc ròng’
Tờ Business Insider (BI) cho hay trong khi Apple vật lộn để tìm kiếm sản phẩm mới thay thế iPhone, hay Google cố gắng ra mắt công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) mới để đối đầu Microsoft, hoặc Tesla tập trung phát triển công nghệ xe điện tự lái thì Meta (Facebook) hầu như không có bất cứ sản phẩm nào tiêu biểu trên thị trường thời gian qua.
Nếu Apple bị nhiều người đánh giá là cạn dần ý tưởng, hay Google quá cầu toàn để đối thủ vượt mặt thì Meta của Mark Zuckerberg đang bị coi là không có bất kỳ sự đổi mới nào trong thời gian qua.
Việc không cho ra được bất kỳ sản phẩm nổi bật nào đang khiến Mark Zuckerberg phải thực hiện công thức thành công cũ của năm 2023 là cắt giảm nhân sự. Lần này đến lượt quản lý cấp cao của hãng trở thành đối tượng bị đuổi việc.
Nguồn tin thân cận cho biết Meta đã tuyển dụng 300 phó chủ tịch chia thành 5 cấp độ để thực hiện các dự án năm 2023, cao gấp đôi so với năm trước đó. Bởi vậy ông chủ Mark Zuckerberg đang có ý định cắt giảm số vị trí này xuống còn 250 người và sẽ tiếp tục sa thải nếu tình hình kinh doanh không tiến triển.
Ngoài ra, những quản lý cấp trung này sẽ bị so sánh về kết quả công việc và hạ bậc dần để rồi sa thải nếu không làm việc hiệu quả hơn so với nhóm khác.
Trước đó vào tháng 4/2024, giá cổ phiếu của Meta (Facebook) đã mất hơn 200 tỷ USD vốn hóa thị trường vì cổ đông bất bình việc Mark Zuckerberg đốt hàng tỷ USD cho trí thông minh nhân tạo (AI) mà không đưa ra nổi một sản phẩm thành công trên thị trường.
Đây là cảnh tượng trái ngược hoàn toàn với cuối năm 2023 khi nhà đầu tư hoan hỉ vì Meta chia cổ tức lần đầu tiên cho cổ đông và có một kết quả kinh doanh vượt dự đoán.
Như một hệ quả tất yếu, việc Meta sa thải lao động đã được các chuyên gia dự đoán trước khi suốt vài năm trở lại đây, nhà sáng lập Mark Zuckerberg hầu như không đem lại được ý tưởng đột phá thành công nào cho công ty.
"Mục tiêu cuối cùng là cắt giảm nhân sự quản lý cấp trung và cấp cao, gia tăng lao động cấp thấp", nguồn tin thân cận của BI cho biết.
20 năm tại vị
Động thái sa thải mới nhất này của Mark Zuckerberg càng khiến nhiều chuyên gia bất bình về khả năng của nhà sáng lập Facebook. Mặc cam kết tinh gọn bộ máy khiến công ty hoạt động hiệu quả hơn nhưng kể từ khi Meta thực hiện chiến lược sa thải hàng loạt, lên đến 20.000 lao động vào năm 2023 cho đến nay, hãng vẫn chưa thể dừng lại.
Nói cách khác, trước đây đà tăng trưởng 20-30%/năm của Facebook đã chấm dứt và Mark Zuckerberg chưa thể tìm thấy động lực tăng trưởng thay thế, dẫn đến việc chẳng còn cách nào ngoài sa thải bớt lao động và cắt giảm chi phí.
Câu chuyện của Meta chẳng khác gì Apple khi nhà táo khuyết cũng đang vật lộn để tìm nguồn thu mới thay thế iPhone sau khi doanh số sụt giảm. Thế nhưng trong khi Apple tích cực cho ra đời những sản phẩm mới, liên tục cải tiến công nghệ thay vì sa thải nhân lực thì Mark Zuckerberg lại đang làm điều ngược lại.
Trong khi nhiều người ca ngợi Mark Zuckerberg cho tăng trưởng năm 2023 thì rất nhiều chuyên gia lại nhận định đóng góp của nhà sáng lập này cho đà tăng cổ phiếu không thực sự xứng đáng. Việc Meta sa thải hàng loạt là động thái mà bất cứ CEO nào cũng có thể làm được.
Trái lại hàng loạt những dự án của Mark Zuckerberg đưa ra, từ vũ trụ ảo cho đến AI đều không đạt thành quả như mong đợi. Nguồn thu của hãng vẫn chủ yếu đến từ quảng cáo Facebook, vốn đang bị cạnh tranh khốc liệt từ đối thủ Tiktok.
Trong khi Bill Gates rời Microsoft để CEO Satya Nadella có điều kiện hướng tới mảng điện toán đám mây sau này và gần đây nhất là thành công của ChatGPT, hay Apple thời hậu Steve Jobs với CEO Tim Cook tăng trưởng nóng nhờ hệ sinh thái iPhone thì Facebook hầu như chẳng có gì mới kể từ khi ra đời đến nay.
Mặc dù có một số thay đổi về tính năng, giao diện nhưng chính bản thân Mark Zuckerberg cũng đã từng phải thừa nhận rằng giới trẻ ngày nay đang ngày càng ưa thích Tiktok hơn. Đó là chưa kể đến bê bối tin giả, phát tán các thông tin gây hiểu lầm hoặc ảnh hưởng xấu đến xã hội, bản quyền nội dung...
Bất chấp điều đó, Mark Zuckerberg vẫn sẽ ngồi lâu dài trên ghế CEO với các dự án tiền tỷ như vũ trụ ảo hay AI của mình, miễn là giá cổ phiếu vẫn tăng và cổ đông vui lòng.
Theo BI, nền tảng Facebook đã bước sang tuổi 20 khi nhà sáng lập Mark Zuckerberg vẫn nắm quyền điều hành.
Đây là một điều hiếm ở các tập đoàn trăm tỷ USD tại Thung lũng Silicon khi phần lớn các nhà sáng lập đều chuyển giao đế chế của mình cho người kế nhiệm nhằm nghỉ hưu hoặc hướng đến những dự án khác.
Ví dụ tiêu biểu nhất là Jeff Bezos của Amazon đã rời bỏ chức vụ CEO vào năm 2021 để tập trung cho mảng hàng không vũ trụ, hay Larry Page của Google đã ra đi để hưởng thụ và trở thành nhà đầu tư mạo hiểm cho các dự án khởi nghiệp.
Quan điểm của những nhà sáng lập này là vô cùng rõ ràng khi tạo điều kiện cho thế hệ kế cận tiếp bước trong đế chế của mình.
Dù vẫn nắm giữ cổ phần nhưng các nhà điều hành này hiểu rằng đứa con tinh thần của mình một ngày nào đó sẽ phải tự đứng trên đôi chân của mình mà không có họ, qua đó tạo điều kiện thăng tiến, thể hiện tài năng của lớp kế cận cũng như tìm kiếm những ý tưởng mới, làn gió mới cho sự phát triển.
Chính quan điểm này đã tạo điều kiện cho Microsoft thăng hoa thời hậu Bill Gates mà không còn bị phụ thuộc quá nhiều vào bản quyền hệ điều hành máy tính cá nhân nữa.
Tương tự, Apple thời hậu Steve Jobs dù vẫn có doanh thu chủ yếu từ bán iPhone nhưng tập đoàn đã đa dạng hóa sản phẩm (Apple Watch, tai nghe không dây...) cũng như phát triển phần mềm của mình như chợ ứng dụng, phí công cụ tìm kiếm độc quyền từ Google...để hình thành nên hệ sinh thái của riêng mình.
Trái lại với Mark Zuckerberg, 20 năm nắm quyền vẫn là quá ngắn và nhà sáng lập này thậm chí đề ra những dự án dài hơi như vũ trụ ảo hay trí thông minh nhân tạo (AI) nhưng chưa một cái nào thành công đột phá.
Các chuyên gia nhận định những công nghệ này sẽ tốn rất nhiều chi phí cùng thời gian dài đầu tư mà chưa chắc đã thành công, tác dụng duy nhất chúng hiện có thể mang lại là giữ Mark Zuckerberg trên ghế CEO lâu hơn nữa.
Trong buổi phỏng vấn với tờ The Verge, nhà sáng lập của Facebook tiết lộ rất ít về dự án phát triển AI của tập đoàn này trong bối cảnh vô số Big Tech đổ hàng tỷ USD vào đây chạy đua sau thành công của ChatGPT.
Sau giai đoạn hứng khởi cuối năm 2023, giờ đây các nhà đầu tư nhận ra Mark Zuckerberg chưa thực sự đóng góp gì cho tăng trưởng của Meta ngoài đuổi việc bớt nhân viên. Bởi vậy khi thông tin hãng tốn hàng tỷ USD cho AI và con số sẽ còn tăng lên nữa mà chưa có nổi một sản phẩm để cạnh tranh cùng Google hay Micrososft, giá cổ phiếu của hãng đã phải đi xuống.
Cái bẫy nghìn tỷ USD
Bài học của Meta là vô cùng rõ ràng nhưng chẳng ông chủ doanh nghiệp nào quan tâm.
Suy cho cùng, bài học Meta của Mark Zuckerberg tăng trưởng 200% giá cổ phiếu trong năm 2023 khi đuổi việc 20.000 lao động đã cho thấy các công ty sẽ được lợi gì khi chiều lòng cổ đông.
Năm 2023, tổng vốn hóa thị trường của Meta đã lên hơn 1 nghìn tỷ USD, khiến tổng tài sản nhà sáng lập Mark Zuckerberg vượt 142 tỷ USD.
Meta cũng thực hiện việc chia cổ tức lần đầu tiên với mức 50 cent/cổ phiếu, đồng thời thực hiện kế hoạch mua lại cổ phiếu với tổng trị giá 50 tỷ USD, qua đó giúp Mark Zuckerberg kiếm về khoảng 700 triệu USD mỗi năm.
Thành công của Facebook khi cắt giảm nhân sự năm 2023 đã kéo theo hàng loạt công ty như Google, Microsoft hay Tesla học tập. Hơn 250.000 lao động công nghệ đã bị đuổi việc trong năm ngoái trong sự tung hô của nhà đầu tư với các CEO.
"Mark Zuckerberg cuối cùng cũng là một doanh nhân tư bản chính hiệu", báo cáo của hãng phân tích MoffettNathanson khen ngợi.
Dẫu biết rằng nhân lực là tài sản quý giá nhất của công ty và là tiền đề phát triển sản phẩm mới, đột phá về công nghệ, qua đó đóng góp cho tăng trưởng dài hạn. Tuy nhiên với các CEO hay ông chủ doanh nghiệp, lợi nhuận và cổ đông vẫn là số 1, còn lao động thì có thể tuyển dụng bất cứ lúc nào.
Rõ ràng, trong khi Apple dù cạn ý tưởng vẫn cố đổi mới công nghệ, Google bị Microsoft vượt mặt vẫn cố chạy đua AI, Tesla bị BYD đe dọa vẫn kiên trì với công nghệ xe tự lái thì Meta (Facebook) dường như đang bỏ mặc cho số phận để chiều lòng cổ đông.
*Nguồn: Fortune
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng