Gặp gỡ người đàn ông nhảy dù xuyên qua bão táp suốt hơn 40 phút từ độ cao 14km
Một chuyến bay thường lệ tới Carolina, trở thành chuyến bay đi vào lịch sử của người trung tá trong Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ.
Mùa hè năm 1959, hai chiếc máy bay chiến đấu F-8 Crusader do hai phi công - trung tá William Rankin và trung úy Herbert Nolan điều khiển, thực hiện một chuyến bay thường lệ tới Beaufort, phía bắc Carolina. Lúc bấy giờ, hai chiếc máy bay đang bay gần với tốc độ âm thanh ở độ cao 47.000 feet. Cả hai phi công đều không hề hay biết rằng, chuyến bay này lại trở thành chuyến bay lịch sử đối với họ.
Khi hai chiếc máy bay chỉ còn cách Beaufort vài phút bay, bất chợt William Rankin nghe thấy tiếng động cơ máy bay của mình đang tắt dần. Khung máy bay rung mạnh, và hầu như các kim đồng hồ chỉ thị trên khoang lái đều chỉ về vạch cam - báo hiệu có chuyện chẳng lành sắp xảy ra. Và sự thật là như vậy, động cơ máy bay của Rankin đã dừng hoạt động. Lập tức, ông thông báo qua radio tới người đồng đội của mình trên chiếc F-8 còn lại: "Động cơ ngừng hoạt động. Có thể sẽ phải nhảy ra khỏi máy bay".
Sau nhiều nỗ lực không thành để khởi động lại động cơ và giữ cho máy bay không lao đầu xuống đất, William Rankin bèn đưa ra quyết định liều mạng nhất cuộc đời mình - nhảy dù ra khỏi máy bay. Đây là việc làm hết sức nguy hiểm - không chỉ vì ông đang ở trên độ cao gần 47.000 feet, mà còn là bởi sự thay đổi đột ngột về áp suất trong không khí. Đó là còn chưa kể đến việc Rankin còn đang ở ngay trên một đám mây giông. Và, tới khoảng 6 giờ tối cùng ngày, William Rankin bấm nút đẩy mình ra khỏi máy bay. Trong suốt cuộc đời mình, ông đã tham ra rất, rất nhiều nhiệm vụ nhảy dù khác nhau, nhưng lần nhảy dù này có lẽ là "có một không hai" trong lịch sử.
Máy bay chiến đấu F-8 - điểm bắt đầu của cuộc nhảy dù lịch sử
Trong khi đang rơi tự do, Rankin không thể chú ý vào bất cứ thứ gì xung quanh mình, bởi điều kiện môi trường khắc nghiệt tác động trực tiếp đến cơ thể ông. Nhiệt độ trên cao khiến tay chân của ông lạnh cóng, việc áp suất thay đổi đột ngột làm ông chảy máu mũi và đau quặn bụng. Thậm chí, ông còn không chắc rằng mình có thể sống sót qua quá trình rơi tự do trong không trung.
Tuy nhiên, William Rankin vẫn phải cố gắng giữ bình tĩnh để không bung dù ra quá sớm, bởi lẽ nguồn cung cấp Oxy cho ông vô cùng hạn chế. Nếu mở dù sớm, ông sẽ mất nhiều thời gian để tiếp đất hơn, và có thể sẽ tử vong vì ngạt thở. Trong điều kiện bình thường, Rankin sẽ mất khoảng 3 phút rưỡi để rơi đến độ cao 10.000 feet - độ cao tối đa mà con người có thể hít thở được bình thường. Tuy nhiên, điều kiện xung quanh ông lúc này lại hoàn toàn không bình thường chút nào cả.
Sau khoảng 10 giây rơi tự do, lúc này ông đạt tới độ cao ngang với những đám mây giông. Nhiệt độ lúc này giảm rất nhanh, và chỉ chưa đầy một phút sau, tay chân của ông rơi vào tình trạng đông cứng. Tay trái ông chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, do Rankin đã bị mất găng tay trái trong quá trình văng ra khỏi máy bay. Vừa lạnh, vừa đau, lại không thể nhìn rõ, nhưng ông vẫn dồn hết tâm trí để giữ đôi tay mình tránh xa khỏi dây kéo dù.
Rơi, rơi mãi, mà vẫn không thấy dù của mình bung ra, Rankin bắt đầu nghi ngờ rằng cơ chế bung tự động của chiếc dù đã hỏng (Loại dù được Rankin sử dụng có kèm theo thiết bị đo khí áp để tự động bung ra khi đạt đến đúng độ cao). Tay trái nắm lấy dây dù, ông phân vân không biết có nên bung dù ra luôn hay không - bởi trong tình trạng rơi tự do, cảm nhận thời gian của con người sẽ bị thay đổi, và rất có thể mở dù ra lúc này là quá sớm. Cũng vào chính lúc này, ông bỗng cảm thấy có một cảm giác hết sức quen thuộc khi bị giật ngược lên không trung - dù của ông đã tự đông bung ra.
Vấn đề nằm ở chỗ, lúc này Rankin vẫn còn cách độ cao 10.000 foot rất, rất xa. Hóa ra, cơn bão đã khiến thiết bị đo khí áp của ông bị hỏng, khiến cho dù tự động bung ra sớm hơn rất nhiều.
"Tôi nhìn thấy sấm sét" - Rankin sau này kể lại như vậy. "Tôi vẫn còn nhớ như in. Không phải là nghe thấy sấm, mà là nhìn thấy, và cảm nhận thấy nó". Gió bão đẩy Rankin rơi xuống, cho đến khi ông gặp dòng khí áp đẩy ngược ông lên trên. Xuống, lên, xuống, lên - chu kì này cứ thế lặp đi lặp lại liên tục, khiến ông cảm thấy mình giống như đang bị say sóng vậy. Có lúc, ông bị đẩy lên sát với tấm dù ẩm ướt, nếu không cẩn thận, ông sẽ bị mắc kẹt và cuốn vào chiếc dù - và rơi tự do xuống mặt đất.
Vào thời điểm này, hơi nước trong không khí đã trở nên bão hòa, và cứ mỗi lần ông hít vào là ngay lập tức bị sặc nước. Lúc này, Rankin lo lắng tới trường hợp xấu nhất có thể xảy ra - ông sẽ có thể bị chết đuối giữa không trung. Mưa đá dần hình thành, kéo theo thêm một nỗi lo nữa - dù của ông có thể sẽ bị các mảnh băng đâm thủng.
Rankin tiếp tục chịu sự tra tấn của thời tiết một lúc lâu, cho đến khi ông nhận ra mọi thứ bắt đầu đỡ dần đi. Tay chân ông bắt đầu có lại cảm giác - điều này đồng nghĩa rằng nhiệt độ đang dần tăng lên. Còn cơn mưa, vốn "tấn công" ông từ mọi hướng - nay chỉ còn rơi lác đác trên đầu. Tức là, giai đoạn khó khăn nhất đã qua, và William Rankin vẫn còn sống.
Sau khi rơi xuyên qua đám mây vũ tầng, William Rankin được chào đón bằng một cơn mưa mùa hạ ấm áp. Phía dưới ông là khung cảnh Bắc Carolina. Dù của ông vẫn hoạt động bình thường, và ông chỉ còn cách đất khoảng vài trăm feet. Nhưng, cơn bão vẫn dành cho ông món quà cuối cùng: một gió lớn nổi lên khi ông gần chạm mặt đất, thổi Rankin bay tới cái cây gần đó. Dù ông bị mắc kẹt trên cành, và ông đập thẳng đầu vào thân cây. May thay, chiếc mũ bảo hiểm giúp ông không gặp phải chấn thương gì nghiêm trọng.
Rankin lúc này mới có thời gian để kiểm tra lại tình hình. Lúc này, đồng hồ chỉ 6 giờ 40 phút. Nói cách khác, ông đã ở trong không trung trong suốt 40 phút liền - giữa điều kiện thời tiết khắc nghiệt. May mắn thay, ông vẫn còn đủ sức lực để đi ra tới một con đường gần đó, và chờ đợi sự cứu trợ của những người qua đường. Cũng phải mất một lúc lâu sau đó, vị trung tá này mới nhờ được người đưa tới một cửa hàng nhỏ ở Ahoskie, Bắc Carolina, để gọi điện thoại cho bệnh viện.
William Rankin nằm trong bệnh viện vài tuần sau đó. Bất ngờ thay, cơ thể của ông không phải chịu quá nhiều chấn thương nghiêm trọng. Bình phục, Rankin lại trở về phục vụ quân ngũ, và vài năm sau, viết một cuốn tự truyện về cuộc hành trình "có một không hai" của mình, trong cuốn sách mang tên: "Người đàn ông cưỡi sấm".
Trung tá William Henry qua đời vào ngày mùng 6 tháng 7 năm 2009, 50 năm sau chuyến bay bão táp của mình. Và, ông trở thành người đàn ông đầu tiên, cũng là duy nhất, nhảy dù trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như vậy mà vẫn có thể sống sót trở về.
Tham khảo damninteresting
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng