[GenK tư vấn] Chọn mua linh kiện cũ để dựng case máy tính

    RED,  

    Những điều cần lưu ý khi mua linh kiện cũ.

    Ở thời điểm hiện tại, tuy đã bị lấn át bởi các thiết bị di động nhưng PC vẫn không thể bị thay thế hoàn toàn. Có những công việc mà bạn bắt buộc sẽ phải cần tới máy tính như soạn thảo văn bản, xử lý photoshop, lập trình phần mềm... PC luôn là thiết bị cần thiết trong cuộc sống hàng ngày với các công việc học hành.
     
    Mặc dù giá cả đã giảm nhiều, không còn quá cao như thời gian trước, tuy nhiên không phải ai cũng sẵn sàng bỏ tiền ra để sắm hẳn một chiếc máy tính mới. Đặc biệt là các bạn học sinh sinh viên – những người còn đang mài đũng quần trên ghế nhà trường, kinh tế còn phụ thuộc vào gia đình. Do đó việc mua lại những linh kiện cũ với giá thành phải chăng để xây dựng case PC ưng ý là giải pháp rất hợp lý.
     
    [GenK tư vấn] Chọn mua linh kiện cũ để dựng case máy tính 1
     
    Bạn có thể dễ dàng tìm được rất nhiều những topic bán lại linh kiện máy tính, thậm chí là cả case hoàn chỉnh trên các diễn đàn công nghệ. Tuy nhiên trong thời buổi “Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều” hiện nay, nếu không cẩn thận thì rất dễ mua phải hàng lỗi, mất tiền oan mà rước phải cục tức vào mình.
     
    Để giúp những bạn có nhu cầu tìm mua lại từng bộ phận máy tính cũ, sau đây GenK xin đưa ra tư vấn chọn và test thử các loại linh kiện cũ được rao bán trên mạng để mua được những sản phẩm tốt, tránh bị lừa mua phải hàng lỗi.
     
    Bước 1: Chọn khu vực mua hàng
     
    Trước hết, chúng ta sẽ tìm xem những topic nào đáng để bạn quan tâm, bỏ công đi xem hàng. Khi đi mua hàng là phải tìm mặt hàng mình cần nên điều hiển nhiên là bạn sẽ phải kiếm bằng được topic rao bán linh kiện muốn mua, tôi sẽ không nói về cách thức sử dụng công cụ search nữa.
     
    Vậy bạn cần chú ý gì đầu tiên ở các topic? Đó chính là khu vực – địa chỉ của người bán. Nên chọn các địa điểm gần mà bạn có thể đến tận nơi xem hoặc nhờ bạn bè hoặc người thân tới lấy được, nếu người bán chịu mang tới là tốt nhất. Tuyệt đối không ham hố mua theo hình thức trả tiền qua tài khoản ngân hàng rồi chờ ship nếu như bạn không biết người bán.
     
    Nếu muốn mua của những người ở xa, bạn nên nhờ người ở khu vực đó tới xem rồi lấy hàng hộ, không thì phải chắc chắn rằng người đó tin tưởng được. Như đã nói ở trên, thời buổi hiện nay “Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều”, có rất nhiều kẻ cơ hội giả bán hàng online để lừa đảo. Chúng sẽ đợi bạn chuyển tiền rồi biến mất hoặc chuyển cho người mua sản phẩm lỗi hay một đồ vật vớ vẩn gì đó, như vậy bạn sẽ mất trắng tiền mà không nhận được gì.
     
    Bước 2: Kiểm tra tình trạng bảo hành
     
    Tiếp đến, sau khi chọn được đối tượng bán hàng ở địa điểm ưng ý, điều tiếp theo bạn nên chú ý là thời gian bảo hành còn lại của sản phẩm. Thường thì linh kiện còn trong thời gian bảo hành sẽ đắt hơn những linh kiện hết bảo hành, tuy nhiên không nên tiết kiệm trong trường hợp này. Lý do là nếu sản phẩm còn bảo hành thì khi hỏng hóc xảy ra bạn vẫn có thể đem đến cửa hàng bán để sửa chữa miễn phí hoặc may mắn hơn là được đổi cái mới. Hơn nữa, còn hạn bảo hành đem lại sự an tâm hơn hẳn.
     
    [GenK tư vấn] Chọn mua linh kiện cũ để dựng case máy tính 2
    Còn bảo hành bao giờ cũng tốt hơn.
     
    Nếu như chọn được sản phẩm vẫn còn trong thời gian bảo hành, bạn vẫn phải kiểm tra xem linh kiện có bị dính các các lỗi vật lý như gãy, vỡ, trầy xước, cháy nổ, gỉ sét… hay không. Hãy cẩn thận soi kỹ từng chút một bởi một khi đã hỏng do rơi, chập điện, ngâm nước thì thiết bị sẽ không được bảo hành nữa.
     
    Sẽ có nhiều lúc bạn không thể tìm được linh kiện mình muốn còn trong thời gian bảo hành do loại đó đã quá cũ. Nếu không thể tìm được đồ thay thế, bạn sẽ phải rất tập trung vào việc kiểm tra xem sản phẩm có hoạt động tốt không.
     
    Bước 3: Kiểm tra xem sản phẩm có hoạt động tốt không
     
    Đây là bước quan trọng nhất trong quá trình đi mua linh kiện máy tính cũ, ngay cả khi bạn chọn được những thiết bị còn bảo hành cũng không nên làm qua loa công đoạn này (trừ khi bạn muốn tốn thêm thời gian dài đằng đẵng đợi bảo hành). Từng linh kiện có những các test khác nhau, sau đây sẽ là cách kiểm tra từng bộ phận:
     
    [GenK tư vấn] Chọn mua linh kiện cũ để dựng case máy tính 3
    Test kỹ từng bộ phận của máy.
     
    CPU: Có thể nói đây là linh kiện khó “chết” nhất trong máy tính nên cách kiểm tra cũng rất đơn giản, bạn chỉ cần yêu cầu người bán khởi động máy vào hệ điều hành bình thường là được. Nếu bộ vi xử lý có vấn đề thì PC sẽ không bao giờ boot được do đây là “bộ não” - thành phần quan trọng nhất của máy.
     
    Bo mạch chủ: Đây là bộ phận cực kỳ dễ dính lỗi trong case do kích thước to và có nhiều cổng giao tiếp với các linh kiện khác nên cần soi kỹ các góc, bề mặt bo mạch, các chân cắm xem có gì bất thường không. Tiếp đó cũng là bật thử máy xem có lên không, nhớ thay đổi RAM qua các khe cắm khác nhau đề phòng trường hợp chết một khe nào đó. Đối với cổng sata, usb, vga, PCI, quạt, LAN, audio... cũng tương tự như vậy, cắm qua từng cổng để thử.
     
    RAM: Đầu tiên chắc chắn là cắm vào bật lên vào hệ điều hành được, tiếp đến bạn nên dùng phần mềm CPUZ để kiểm tra xem các thông số có chính xác hay không, cuối cùng là dùng một phần mềm như Memtest86 để kiểm tra hoạt động. Tuy nhiên RAM là linh kiện khá bất thường, nó có thể vượt qua mọi bài test nhưng lại bất ngờ "tử ẹo" vào một ngày đẹp trời, vì thế tốt nhất bạn nên chọn theo thương hiệu và tốt nhất là còn bảo hành.
     
    VGA: Hãy bật máy, chơi thử một game 3D nào đó vừa tầm để xem có xuất hiện các sọc không, khung hình có ổn định không và nhiệt độ GPU có cao bất thường không. Tuyệt đối tránh xa những chiếc bị sọc màn hình và nhiệt độ khi chưa tải gì đã cao quá 70 độ.
     
    HDD: Cũng là xem có boot được không, nghe tiếng ổ cứng quay xem có tiếng cọc cạch ồn một cách lạ thường không, nếu có thì bỏ ngay lập tức bởi rất có thể là cơ đã bị lỗi và sắp sửa hỏng. Tiếp đó là kiểm tra xem ổ đĩa có bị bad không bằng phần mềm HDD tune hoặc phần mềm trong đĩa Hirenboot.
     
    Ổ đĩa quang: Khá đơn giản, chỉ cần kiểm tra các chức năng đọc, ghi đĩa (nếu có).
     
    PSU: Rất khó để test kỹ điện áp đầu ra của nguồn nên chỉ có thể kiểm tra xem có dùng được hay không bằng cách bật thử máy.
     
    Sound Card: Bước đầu cũng là bật thử máy, sau đó yêu cầu nghe thử âm thanh, nên bật thử các loại nhạc khác nhau với chất lượng cao, tăng âm lượng xem có bị rè hay xuất hiện tiếng lèo xèo không. Nếu có thì chắc chắn là thôi không mua. Đối với card âm thanh, bạn nên xin cop driver cho phiên bản hệ điều hành đang dùng bởi nó sẽ trở thành đồ bỏ khi không tương thích với OS.
     
    Trên đây là những bước kiểm tra cơ bản bạn nên nắm vững trước khi đi mua linh kiện máy tính cũ. Chúc các bạn may mắn và thành công trong việc chọn mua đồ để dựng case PC phục vụ cho học tập cũng như công việc.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày