Cuối tháng 8-2014, bà L, tiểu thương tại quận Hoàn Kiếm đã bị "sập bẫy" lừa đảo cước điện thoại qua điện thoại với số tiền lên tới hơn 500 triệu đồng.
Thông tin từ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50- Công an TP Hà Nội), cuối tháng 8-2014, bà L, tiểu thương tại quận Hoàn Kiếm đã bị "sập bẫy" lừa đảo cước điện thoại qua điện thoại với số tiền lên tới hơn 500 triệu đồng.
Cụ thể, có một phụ nữ gọi đến số điện thoại cố định của gia đình vị tiểu thương này thông báo phải thanh toán tiền cước 8,9 triệu đồng (do số CMTND bị kẻ khác đăng ký), nếu không số điện thoại sẽ bị khóa sau 2 giờ và chỉ dẫn nạn nhân cách làm.
Sợ điện thoại bị chặn, vị tiểu thương đã làm theo chỉ dẫn với một giọng phụ nữ nói tiếng miền Nam - người này nối máy để bà L nói chuyện với kẻ tự xưng là cán bộ cảnh sát phòng chống ma túy Công an TP Hồ Chí Minh yêu cầu bà L cung cấp số CMTND để kiểm tra trên hệ thống.
Trong quá trình này, kẻ gian đã cố tình để bà L nghe thấy giọng một người nói qua bộ đàm với nội dung: người này có liên quan đến đường dây ma túy xuyên quốc gia, đồng bọn đang tìm người có CMTND này để trả thù… khiến bà L hoảng loạn.
Tiếp theo, chúng yêu cầu bà L phải bay vào TP Hồ Chí Minh gấp. Thấy bà L nói không thể đi ngay được thì chúng hỏi về gia cảnh, rồi nói nếu vị tiểu thương này không vào được thì phải chuyển khoản 500 triệu đồng vào tài khoản của Ban chuyên án để bảo lãnh và sẽ hoàn trả nếu không vi phạm. Bà L đã làm theo và chuyển hơn 500 triệu đồng cho bọn chúng.
Trước đó, cuối tháng 6-2014, ông Đ là cán bộ hưu trí ở quận Hai Bà Trưng cũng bị lừa với thủ đoạn tương tự. Cụ thể, ông Đ nhận được điện thoại từ một phụ nữ giới thiệu là nhân viên VNPT thông báo số nợ cước điện thoại là 8,9 triệu đồng, đồng thời hướng dẫn ông bấm số làm theo hướng dẫn… Ông Đ gọi điện và cũng được một người đàn ông nói giọng miền Nam tự xưng là công an "tiếp chuyện" yêu cầu ông cung cấp số di động để gọi lại cho ông.
Để lấy lòng tin của ông Đ, người đàn ông kia hướng dẫn "khách hàng" của mình kiểm tra số máy gọi đến là 083. 92311xx qua tổng đài 1080 để biết mình đang làm việc với đại diện cơ quan công an tại TP Hồ Chí Minh...
Vị "công an tự xưng" cho biết đang điều tra một đường dây ma túy xuyên quốc gia và cho biết các tình tiết như kẻ cầm đầu đường dây ma túy đã sử dụng một số tài khoản tại ngân hàng vào các phi vụ mua bán hàng trăm bánh heroin, trong số những người liên quan đó có ông Đ… Kết quả, ông Đ bị hoảng loạn và để chứng minh mình vô can ông đã chuyển 720 triệu đồng tiết kiệm cho bọn xấu.
Cũng trong tháng 6, bà N trú tại quận Đống Đa cũng đã trình báo với cơ quan công an việc bị lừa 230 triệu đồng... Theo Phòng PC50, vẫn thủ đoạn cũ, bọn chúng tiếp tục giả danh là nhân viên của VNPT gọi điện thông báo bà N đang nợ 8,9 triệu đồng tiền cước điện thoại rồi hướng dẫn bà N gọi kiểm tra thông tin theo hướng dẫn.
Bà N cũng được tiếp chuyện với một "cán bộ công an" nói giọng miền Nam - tên này thông báo bà N đang đứng tên một tài khoản đang bị phong tỏa do một tên tội phạm ma túy xuyên quốc gia quản lý… Làm theo hướng dẫn của bọn chúng, bà thật thà khai báo thông tin cá nhân rồi chuyển tiền 230 triệu đồng vào tài khoản bọn chúng.
Đây là 3 vụ lừa đảo nổi cộm với số tiền lớn mà Công an TP Hà Nội tiếp nhận. Được biết, tại Hà Nội, còn khoảng 10 vụ lừa tương tự nhưng số tiền ít hơn, từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, theo đại diện của PC50, vẫn có một số trường hợp bị lừa nhưng ngại không đến trình báo.
Cuối tháng 6-2014 cơ quan điều tra Công an Hà Nội cũng đã bắt giữ hai đối tượng quốc tịch Đài Loan - Trung Quốc tạm trú tại Khu đô thị Trung Hòa -Nhân Chính khi chúng đang thực hiện rút tiền. Kết quả điều tra cho thấy các đối tượng này giữ hàng chục chiếc thẻ ATM do các ngân hàng Việt Nam phát hành dưới nhiều tên chủ thẻ.
Theo cơ quan công an, bọn chúng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số thành phần là người lao động phổ thông, xe ôm… để những người này cho "mượn" tên làm thẻ rồi thực hiện nhận tiền, rút tiền.
Theo đại diện PC50 hầu hết các băng nhóm lừa đảo này có kẻ cầm đầu mang quốc tịch Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaisia nhập cư trái phép vào Việt Nam để hoạt động tội phạm. Chúng còn sử dụng công nghệ cao để lập số điện thoại "ảo" giống y như số điện thoại của cơ quan công an (nên mới có chuyện bị hại hỏi tổng đài 1080 và nhận được trả lời đúng là số điện thoại của cơ quan công an).
Song, cũng từ những vụ này cho thấy, nhận thức và hiểu biết pháp luật của người dân (mặc dù sống ngay tại Thủ đô) còn hạn chế, do vậy các cơ quan chức năng có liên quan cần đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao cảnh giác cho người dân, thậm chí được nhắc nhở bằng các hình thức ngay trong tổ dân phố. Mặt khác, không thể không nhắc tới vai trò của VNPT và các nhà mạng khác nói chung cần phải chủ động hơn nữa trong việc cảnh báo khách hàng, như gửi tin nhắn tuyên truyền khách hàng cần cẩn trọng, hoặc nhắc nhở khách hàng khi đi thu cước. Đó cũng là cách thức để bảo vệ quyền lợi khách hàng của mình.
Theo Hà Nội mới
>> Giả danh nhân viên VNPT lừa đảo bằng chiêu "nợ cước điện thoại"
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng