Giải đáp bí ẩn: Liệu loài người có bị tận diệt bởi sóng thần nếu thiên thạch lao vào Trái Đất?

    NPQM,  

    Thực tế chúng minh bởi khoa học không hề giống như những viễn cảnh của các bộ phim trước đó.

    15 năm trước, Galen Gisler từng đưa ra quan điểm của mình phản bác lại những cảnh kỹ xảo về hiện tượng thiên thạch đâm xuống lòng đại dương trên Trái Đất trong các bộ phim của Hollywood.

    "Những tựa phim như "Deep Impact" hay "Armageddon" đã khắc họa lại viễn cảnh về sự xuất hiện của những đợt sóng thần theo sau va chạm đó, dẫn đến sự tàn phá mọi thứ ở khu vực vùng cận bờ biển... nhưng tôi lại nghi ngờ điều đó và không cho là như vậy," nhận định bởi Gisler - vốn là một nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Los Alamos (New Mexico).

    Nhìn chung, bất cứ một tác động nào bởi thiên thạch xuống bề mặt cũng là một dấu hiệu không tốt ảnh hưởng đến Trái Đất, kể cả khi đó là những hiện tượng xảy ra một cách tự nhiên và hoàn toàn khả thi trong quá trình biến thiên của hệ Mặt Trời. Các mảnh vụn vũ trụ bay xung quanh khu vực giao thoa giữa các hành tinh và bị hấp dẫn bởi lực hút hoặc đâm vào là điều hoàn toàn có thể dự tính. Mức độ nghiêm trọng sẽ tùy thuộc vào kích cỡ và tốc độ va chạm của chúng.

    Tuy nhiên, còn một yếu tố nữa cũng cần được cân nhắc khi xét đến tác động của một thiên thạch, đó là điểm tiếp xúc của chúng với hành tinh. Nếu nó được dự đoán sẽ đâm vào một thành phố, ít nhất cảnh báo di tản sẽ được triển khai ngay lập tức để giảm thiểu thương vong tối đa, với nhiều chương trình tập huấn công phu đã được lên kế hoạch (tất nhiên là không thể làm gì khác cho số phận của những cơ sở hạ tầng cùng tình trạng kinh tế giảm sút theo sau của thành phố đó). Dù vậy, nếu thiên thạch đâm vào lòng đại dương - nơi cấu tạo nên 70% diện tích bao phủ bề mặt Trái Đất (và nhiều xác suất sẽ xảy ra hơn là đâm vào một thành phố) - thì lại chưa có nhiều tính toán đúng đắn đến hậu quả diễn biến theo sau.

    Gisler đã tiến hành nhiều nghiên cứu công phu về tác động có khả năng xảy ra nếu sự việc trên trở thành sự thật, và đã công bố công trình của nhóm đến Hội nghị Mùa thu của Hiệp hội Địa vật lý Hoa Kỳ diễn ra vào tuần trước tại San Francisco. Cụ thể, ông đã giới thiệu bằng phương pháp minh họa qua mẫu vật 3D về những hậu quả kéo theo một vụ thiên thạch tiếp xúc với đại dương. Được biết, chưa từng có một nghiên cứu nào đưa ra nhiều bằng chứng và diễn biến cụ thể đến như vậy về vấn đề này, từ đó chứng minh cho lập luận trước đó của Gisler: Những cảnh thảm họa trong phim chỉ mang tính giả lập, hư cấu và không thực sự sát với thực tế.

    "Hiện tượng thiên thạch đâm xuống lòng đại dương chỉ diễn ra tại một điểm nhất định, tác động đến duy nhất khu vực xung quanh điểm tiếp xúc. Hơn nữa, nếu muốn hình thành nên một cơn sóng thần thực sự, cần phải có những lực ảnh hưởng đến cả một diện tích nước lớn theo hàng dài," trích lời Gisler.

    Ông cũng ví việc thiên thạch tác động như một hòn đá ném xuống mặt hồ vậy. Chắc chắn là chúng sẽ tạo ra những sóng xung động lan tỏa, nhưng lực gây ra đó lại bị phân tản nhanh chóng. Nói cách khác, năng lượng chúng tạo ra bị hao mòn và phân tán rất nhanh, chỉ có tác dụng ở khu vực gần kề, và không đủ để tạo ra một cơn sóng thần.

    Cũng cần phải nói thêm, sóng thần hình thành khi một khối lượng nước khổng lồ dưới đáy biển bị xáo trộn, thường xảy ra khi có những trận động đất dưới lòng biển hoặc va chạm rìa các tầng đất nền. Một diện tích lớn của nước bị dịch chuyển và thay đổi vị trí cùng một lúc, từ đáy biển hướng lên bề mặt, từ đó tạo nên một làn sóng dài đến hàng trăm km. Độ phân tán của nó không nhiều nên sẽ ít bị giảm năng lượng tác động khi di chuyển ngoài khơi vào gần đất liền, đánh vào vùng vịnh với nhiều thiệt hại nghiêm trọng theo sau.

    Nhưng điều đó không có nghĩa rằng thiên thạch rơi ở lòng biển sẽ đồng nghĩa với một thảm họa xảy đến tiếp đó.

    "Khả năng có thiên thạch rơi xuống biển là không nằm ngoài dự đoán, nhưng chúng chỉ gây nên những đợt nước văng lên xung quanh khoảng vài km." Theo như bằng chứng minh họa, sau khi bắn ra phạm vi xung quanh đó, độ cao của các đợt sóng tỏa ra vành ngoài có thể lên đến 400m. "Đó là một con số khá nguy hiểm, nhưng chỉ khi nó xuất hiện ở gần vùng bờ biển mà thôi, còn không thì sẽ không có nhiều khía cạnh phải lo lắng về thiệt hại," Gisler phát biểu.

    Ngoài ra, theo video giải thích có căn cứ của nhóm nghiên cứu, năng lượng tác động bởi thiên thạch sẽ khiến cho một lượng nước vô cùng lớn bị bay hơi. Số hơi nước đó sẽ hoạt động như một loại khí nhà kính, lưu lại ở tầng bình lưu trong khí quyển đến hàng tháng hay hàng năm trời, làm thay đổi một phần đến khí hậu toàn cầu.

    Asteroid - Ocean Impacts

    Sóng xung động và các luồng gió tỏa ra cũng được cảnh báo là gây ảnh hưởng đến khu vực xung quanh, cho nên về cơ bản, khoảng cách đến đất liền hay vùng vịnh càng xa thì càng ít thiệt hại.

    Nhìn tổng thể, công trình của Gisler đã bổ sung cho cộng đồng thêm nhiều nhận thức đúng đắn và bổ ích về một thảm họa có khả năng xảy đến với Trái Đất trong tương lai. Với những tác nhân chứa nhiều rủi ro theo quy mô lớn như một thiên thạch có kích thước khoảng 300m thì có lẽ địa điểm tiếp xúc nên là đại dương hơn cả.

    "Chẳng hạn như khi phát hiện ra một vật thể tương tự đang hướng đến Trái Đất, nếu không thể làm chệch hướng của nó hoàn toàn khỏi quỹ đạo va chạm, thì ít nhất khiến nó rơi xuống lòng đại dương sẽ là phương án thay thế tiếp theo," Gisler khẳng định.

    Dù NASA và các cơ quan khác cũng luôn làm việc không ngừng để xác định và theo dõi các mối nguy tương tự đối với bề mặt hành tinh, xác suất về một sự cố bất ngờ sơ suất không được chuẩn bị kỹ vẫn là điều có thể xảy ra. Dù sao thì nay chúng ta đã biết thêm một điều rằng thiệt hại theo sau có thể được giảm thiểu đáng kể nếu tính toán kỹ lưỡng và chi tiết đến các phương án khắc phục.

    Tham khảo: Seeker

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày