Giải mã 'cơn sốt' tai nghe không dây Padmate PaMu Scroll - Gọi vốn 3 triệu USD, vượt chỉ tiêu 15.361%, chất lượng thực tế ra sao?
Một cặp tai nghe đang được quảng cáo rầm rộ, và bán cũng rất chạy, nhưng chất lượng sử dụng thực tế thì có được như mong đợi?
Tầm 5 tháng trước mình đã được thử cặp tai nghe Padmate PaMu, một sản phẩm đã 'hoành hành' trên trang Indiegogo khi gọi vốn được tới gần 1 triệu USD, vượt chỉ tiêu tới 9.380%. Thừa thắng xông lên, Padmate tiếp tục phát triển một sản phẩm nữa để thỏa mãn sự mong chờ của người dùng, hứa hẹn rằng sẽ sửa chữa những lỗi của phiên bản đầu tiên, kèm theo đó là thêm những tính năng mới để trải nghiệm sử dụng trở nên hoàn hảo hơn.
Và chiếc Padmate PaMu Scroll BT 5.0 (tên thật là dài!) được ra đời. Sản phẩm này thậm chí còn thành công hơn cả phiên bản đầu tiên khi thu về 3.381.088 USD (tức gấp 3 lần PaMu), vượt chỉ tiêu gọi vốn tới 15.361% (153 lần)! Đây quả thực là những con số trong mơ của bất cứ nhà sản xuất nào khi đăng sản phẩm của mình lên Indiegogo.
Nhưng như đã đề cập ở bài đánh giá phiên bản đầu tiên thì sản phẩm công nghệ gọi vốn phải tuân thủ tiêu chí 'tốt gỗ hơn tốt nước sơn'. Một cặp tai nghe hoành tráng, quảng cáo rầm rộ, nhưng chất lượng âm thanh không như mong đợi thì không hề đáng số tiền bỏ ra một chút nào. Nhưng có những sản phẩm không quá nổi, nhưng lại vượt qua kì vọng của người dùng.
Vậy Padmate PaMu Scroll đã đẹp sơn, vậy gỗ thì tốt đến đâu?
Giống như phiên bản đầu tiên, PaMu Scroll có hộp đựng rất đơn giản, nhỏ nhắn và vuông vắn.
Mặt sau có giới thiệu một vài tính năng chính, bao gồm hộp sạc da, tự tắt để tiết kiệm pin, cảm ứng, thời lượng pin 3.5 tiếng và gọi được trợ lý ảo. Ta cũng có phần giới thiệu về các phiên bản khác nhau bao gồm Glory Edition, Graphene (vân carbon), Sakura (hoa anh đào) và phiên bản mình có là Rock n' Roll.
Đập hộp, ta nhìn thấy tai nghe và hộp sạc đầu tiên.
'Bới' sâu hơn nữa thì ta có thêm dây sạc micro USB và 2 cặp mút cỡ nhỏ và lớn (cỡ vừa đã gắn sẵn). Nói đi nói lại trở thành nhàm, nhưng mình mong các hãng làm tai nghe và loa di động chuyển sang sử dụng chuẩn sạc USB Type-C thì vẫn tốt hơn.
Yếu tố được đem ra quảng cáo nhiều nhất, và thậm chí trở thành tên của sản phẩm (Scroll) đó là phần hộp sạc. Hộp này được thiết kế như một cuốn sổ thời xưa vậy, có một phần 'cánh' bằng da giống với bìa sổ, có thể mở ra vào và chốt lại bằng nam châm. Đây chắc chắn là hộp sạc dành cho tai nghe true wireless đẹp nhất mà mình từng được trải nghiệm.
Cổng sạc micro USB được đặt cạnh cạnh bên, xung quanh là hệ thống 4 đèn LED để báo hiệu lượng pin còn lại trong hộp.
Hộp này có nam châm, nên người dùng để tai nghe vào gần thì nó sẽ 'hút' vào, tai nghe luôn được đặt đúng chỗ chứ không phải điều chỉnh nhiều.
Hộp đựng có 2 điểm mềm là nơi đặt tai nghe, có thể nhấn lún được bằng tay như thế này!
Thế nhưng cũng phải nói rằng hộp sạc này vẫn có nhược điểm. Do thiết kế dạng rỗng để đặt tai và phần 'cánh' được làm bằng da mềm nên có 2 lỗ trống nhỏ mà ta có thể nhấn lún xuống được. Mình sử dụng tai nghe trong vòng 1 tuần thì đây không phải là vấn đề gì to tát, nhưng cũng khó có thể đảm bảo được tính bền bỉ nếu như dùng lâu dài.
Hộp này cũng được hãng quảng cáo là có khả năng sạc không dây bằng chuẩn Qi, nhưng người dùng cũng phải đặt thêm một phụ kiện gắn ngoài nữa. Theo mình hãng tích hợp luôn vào hộp thì sẽ tiện hơn nhiều, đỡ làm người dùng tốn thời gian và tiền để mua một 'phụ kiện dành cho phụ kiện', rất lằng nhằng.
Tai nghe phải được tích hợp tất cả thành phần như màng rung, pin, bộ giải mã nên khá dày, nhưng theo hãng quảng cáo thì có thiết kế 'công thái học' nên cũng đeo thoải mái hơn các sản phẩm khác. Sử dụng trên thực tế thì độ thoải mái mình cho là 'ổn', vì cho cảm giác đeo nhẹ, nhưng do có phần ống âm dài nên tai nghe 'lòi' ra khỏi tai người dùng nhiều, không thể nằm nghe nhạc hay đội mũ bảo hiểm.
Có 2 tính năng chính của phần đeo tai đáng nói: điều khiển bằng cảm ứng và chống nước. Tai có chuẩn chống nước IPX6, tức không chỉ dừng lại ở mức nhúng nước mà có thể chống được nước phun áp suất mạnh. Mình chưa bao giờ thử dùng vòi phun để rửa tai nghe cả, nhưng một điều chắc chắn là những lúc đi mưa thì tai sẽ hoàn toàn chịu được, nên dùng ngoài đường cũng yên tâm hơn.
Mặt ngoài của tai nghe là 2 mặt cảm ứng, có thể dùng để dừng / chơi nhạc, gọi trợ lý ảo (Siri hoặc Google Assistant) và chuyển bài hát. Kiểu điều khiển bằng cảm ứng này đánh giá một cách khách quan thì tốt hơn hẳn so với nút bấm, đặc biệt là trên tai nghe nhét trong vì khi sử dụng, ta không phải nhấn tai nghe sâu hơn vào ống tai nên tạo cảm giác thoải mái hơn. Mặt trong của tai nghe thì không có công nghệ gì thêm, chỉ có chân tiếp xúc để nhận điện.
Tai nghe có thời lượng chơi độc lập là 3 tiếng 30 phút, còn khi sử dụng với hộp sạc sẽ tăng lên 10 tiếng 30 phút. So với các cặp tai nghe không dây hoàn toàn trên thị trường thì PaMu Scroll có thời lượng sử dụng dừng lại ở mức trung bình, thua AirPods và một vài các sản phẩm từ hãng khác.
Thông số kĩ thuật
- Màng loa Dynamic
- Dải đáp tuyến: 20 - 20.000Hz
- Độ nhạy: 97dB
- Trọng lượng: 5g
- Trở kháng: 16Ω
- Thời lượng pin: 3.5 - 10.5 tiếng
- Chống nước IPX6
Một trong những điểm nâng cấp lớn nhất của Scroll bên cạnh thiết kế nổi bật bên ngoài đó là việc nó sử dụng chuẩn Bluetooth 5.0 mới nhất, cho phép giảm độ trễ tới mức tối đa. Phiên bản Padmate PaMu đầu tiên cũng không trễ quá nhiều, song Scroll còn tiến thêm một bước nữa khi có độ trễ gần như bằng không khi dùng với smartphone hỗ trợ Bluetooth 5.0. Đây là một ưu điểm lớn, giúp cho người dùng có thể sử dụng tai nghe một cách đa dụng chứ không gò bó vào việc nghe nhạc.
Đọc đến đây, có thể các bạn nghĩ rằng đây là một sản phẩm hoàn hảo, rất ít điểm chê, và những điểm chê thì cũng không quá quan trọng. Thế nhưng điểm là tai nghe không đáng tiền theo ý kiến của mình lại nằm ở nhiệm vụ chính của nó: tái tạo âm thanh.
Tổng thể chất âm hơi ngả tối nhẹ, thiên về âm trầm theo đúng lời quảng cáo 'Deep bass' trên trang Indiegogo. Phần âm trầm cũng không quá tệ khi thể hiện được lượng dày dặn, mỗi nhát đập xuống đều có lực và tạo được ấn tượng ngay từ lúc nghe đầu tiên. Bài Can't sleep love - Pentatonix qua cách thể hiện của PaMu Scroll thực sự nổi bật, khi tai nghe tạo được nốt trầm của Avi Kaplan rất khỏe khoắn, có độ punchy tốt ở dải trầm trung (mid bass) và không bị mất lực quá nhanh ở đoạn siêu trầm (sub bass).
Nhưng mọi thứ trở nên tệ hơn khi ta đến với dải trung. Đa phần giọng ca sĩ (không thuộc dải trầm) đều rất mỏng, không có độ dày để tạo sự gần gũi khi nghe. Tai nghe gặp hiện tượng này vì có đoạn trung thấp (low-mid) khá yếu, gần như không nhận được hơi ấm từ dải trầm truyền lên. Càng lên cao thì giọng ca sĩ lại càng sắc, đỉnh điểm là phần trung cao (high-mid) gặp vấn đề về chói rít (sibalance) khi nghe âm lượng lớn.
Giọng Doris Day trong Dream a little dream of me bị lạnh, đặc biệt là mỗi khi lên giọng thì tạo ra một tiếng rung như của tấm kim loại đặt dưới mưa vậy! Thực sự từ trước tới nay mình đã thử nhiều tai nghe, và chưa có cặp tai nghe nào (kể cả cặp Padmate PaMu đầu tiên) gặp hiện tượng này, nên liệu rằng đây là lỗi do đợt hàng, hay tất cả các cặp Scroll khác đều vậy? Để xác minh thông tin khi làm bài trải nghiệm mình cũng đã tìm một vài đánh giá cũng với phần mô tả chất âm tương tự, nên ta có thể khẳng định rằng đây là chất âm chung chứ không phải mỗi cặp một kiểu.
Xu hướng âm thanh của dải trung vẫn tiếp tục tiếp diễn ở đoạn âm cao. Âm hi-hat trong Take Five - Dave Brubeck rất mỏng, không thực sự chói nhưng không hề có độ ngân, gần như nhả ra rồi ngắt ngay lập tức. Trên thị trường không thiếu những cặp tai nghe có âm cao mỏng, hoặc đơn giản là có lượng không nhiều để không trở nên nổi bật, nhưng riêng âm cao của PaMu Scroll thì có thể đánh giá là tệ, vì nó tràn vào các dải âm khác khiến tổng thể âm thanh cảm giác bị mất cân bằng.
Tổng kết
Đánh giá cặp tai nghe Padmate PaMu Scroll, mình cảm giác như bị gặp hiện tương Déjà Vu vậy, bài viết này có cấu trúc giống hệt với bài đánh giá cặp tai nghe Padmate PaMu tiền nhiệm. Cả 2 cặp tai nghe đều có thiết kế rất tuyệt vời, kèm theo đó là tính năng khó có thể chê được, nhưng cuối cùng lại làm mình không cảm thấy thuyết phục trong khả năng tái tạo âm thanh.
Nói một cách thật lòng, mình rất muốn cặp tai nghe này tốt, vì trước khi mượn một cặp để đánh giá mình cũng đã có ý định bỏ tiền ra mua để sử dụng, đơn giản vì tai quá đẹp, quá bắt mắt và hứa hẹn rất nhiều, nhưng sau khi trải nghiệm thực tế thì mình cảm thấy hơi thất vọng. Nếu như hãng PaMu chỉ thiết kế phần phôi bên ngoài, còn việc cân chỉnh âm thanh chuyển cho một hãng khác thì tốt biết mấy!
Ưu điểm
- Thiết kế tuyệt vời, vừa hiện đại vừa có nét cổ điển
- Chống nước IPX6 (chuẩn cao)
- Chuẩn Bluetooth 5.0 giúp giảm độ trễ
- Có điều khiển cảm ứng
- Âm trầm khỏe khoắn, hợp với các bass-head
Nhược điểm
- Thời lượng pin không mấy ấn tượng
- Được thiết kế hơi dày nên không hợp với những người tai nhỏ
- Âm trung thiếu cân bằng, có thể bị sibalance
- Âm cao rất mỏng và cũng làm hỏng kết cấu tổng thể của chất âm
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng