Giải mã Dark Mode: tại sao nó không giúp cải thiện thời lượng pin trên laptop của bạn?
Windows và MacOS nay đều có tùy chọn "Dark Mode" (chế độ giao diện tối). Nhưng nó có tuyệt diệu như những tin đồn?
Nếu bạn vẫn chưa biết Dark Mode là gì, thì xin hãy đọc tiếp. Về cơ bản, chế độ giao diện tối sẽ đảo màu giao diện người dùng trên hệ điều hành bạn đang sử dụng. Những thứ bình thường có màu trắng, hoặc gần với trắng, sẽ trở thành màu tối (đen/xám/xanh đen) và ngược lại. Thay vì các ký tự đen hiển thị trên một trang màu trắng, bạn sẽ thấy một trang màu đen với các ký tự trắng.
Lợi ích của Dark Mode là quá rõ ràng nếu bạn dùng máy tính hơn 10 phút trong một căn phòng tối. Nền sáng sẽ khiến màn hình sáng hơn, và qua đó khiến mắt bạn mỏi hơn vì màu sắc của màn hình quá khác biệt so với môi trường xung quanh bạn. Mắt bạn phải điều tiết nhiều hơn và thường xuyên hơn khi nó tìm cách thích ứng với màn hình.
Nhưng Dark Mode còn được cho là có những lợi ích khác, trong đó đáng chú ý là cải thiện thời lượng pin. Lý thuyết xoay quanh việc này khá đơn giản. Nếu mọi thứ khác đều như nhau, thì màn hình càng sáng, nó càng sử dụng nhiều năng lượng. Do đó, màn hình càng tối, mức năng lượng tiêu hao sẽ ít hơn so với màn hình sáng. Có nghĩa là Dark Mode sẽ giúp bạn tiết kiệm pin thiết bị.
Nhưng có đúng như vậy không? Hay đó chỉ là chuyện hoang đường? Hãy thử trên cả Windows và MacOS để xem!
Dark Mode không tạo ra sự khác biệt
Chúng ta sử dụng 2 hệ thống để thử khả năng tiết kiệm pin của Dark Mode. Máy chạy Windows là Asus ZenBook UX333FA, còn máy chạy MacOS là MacBook Air 2015 với vi xử lý Core i5. Hai thiết bị này được chọn vì chúng nổi tiếng về khả năng tiết kiệm điện. Nhờ đó sự khác biệt khi sử dụng Dark Mode sẽ rõ ràng hơn, bởi bản thân màn hình là thành phần tiêu thụ điện năng tương đối lớn. Một hệ thống với vi xử lý mạnh mẽ hoặc card đồ họa rời sẽ khiến sự khác biệt không thể hiện rõ.
Quá trình thử nghiệm bao gồm các bước: chạy lặp đi lặp lại một video 1080p, tiếp đó là chạy benchmark trên nền web bằng Basemark. Đoạn video 1080p không đòi hỏi nhiều sức mạnh xử lý lắm, còn Basemark thì khá nặng nề.
Kết quả thế nào? Đúng như dự đoán, Dark Mode không mang lại sự khác biệt đáng chú ý nào.
Kết quả trên MacBook Air
Và trên Zenbook
Tất nhiên sự khác biệt vẫn có, chỉ là không đáng kể mà thôi. Ba trong số bốn bài benchmark cho thấy thời lượng pin được cải thiện đôi chút, còn bài thứ tư cho kết quả hòa. Tuy nhiên sự cải thiện này không đáng kể. Thời gian phát video khi ở Dark Mode tăng nhẹ khoảng 16 phút, tức tăng 2,5% so với chế độ giao diện màu sáng thông thường.
Trên lý thuyết, sẽ có tình huống bạn cần tận dụng 16 phút tiết kiệm được để giải quyết những công việc khẩn cấp mà nếu không có Dark Mode, bạn sẽ không kịp thực hiện. Nhưng khả năng tình huống đó xảy ra là khá thấp. Một mức tăng nhỏ bé như vậy sẽ không thể thấy được trong quá trình sử dụng thường ngày. Hầu hết mọi người không sử dụng laptop cho đến khi nó cạn sạch pin, thay vào đó họ sẽ đóng máy khi pin sắp hết. Dark Mode sẽ không thay đổi được hành vi đó của bạn đâu.
Như vậy, bí mật đã được bật mí.
Nhưng tại sao nó không hiệu quả?
Kết quả dù đã rõ ràng, nhưng bạn vẫn sẽ tự hỏi tại sao Dark Mode không hiệu quả? Lý thuyết cơ bản nghe khá thú vị. Màn hình sáng hơn đòi hỏi nhiều năng lượng hơn nếu mọi thứ khác đều như nhau. Vấn đề nằm ở phần sau của mệnh đề.
Thực tế thì "mọi thứ khác" không như nhau. Một màn hình LCD không đưa ánh sáng trực tiếp đến bạn. Thay vào đó, nó lọc ánh sáng tạo ra bởi đèn nền để bạn thấy được hình ảnh như mong muốn. Đèn nền này luôn sáng khi màn hình được bật, và quá trình lọc ánh sáng phát ra từ đèn nền để tạo ra hình ảnh sẽ chặn bớt một phần ánh sáng.
Một màn hình LCD hoàn toàn đen không có nghĩa là đèn nền đã tắt, mà nó giống như bạn kéo rèm cửa sổ vậy. Đó là lý do tại sao màn hình LCD hiển thị các hình ảnh tối khá kém. Đèn nền luôn phát sáng trong mọi tình huống, và màn hình phải hướng ánh sáng đó sao cho phần lớn ánh sáng bị chặn lại.
Cách giải thích này quá đơn giản, bởi các hãng sản xuất laptop sử dụng đủ kiểu mánh khóe để giải quyết tình huống này. Một số laptop sẽ hạ độ sáng đèn nền nếu hệ thống phát hiện màn hình đang hiển thị một hình ảnh hầu như hoặc hoàn toàn đen. Nhờ đó mức tiêu thụ năng lượng sẽ giảm trong một số tình huống nhất định. Nhưng tất nhiên không thể bằng với mức giảm khi tắt đèn nền hoàn toàn.
Tại Android Dev Summit 2018, Google giải thích Dark Mode trên Android có thể giúp cải thiện thời lượng pin ra sao. Nhưng những số liệu họ đưa ra lại dựa trên những điện thoại với màn hình OLED. Không như màn hình LCD, các điểm ảnh trên màn hình AMOLED tự phát ra ánh sáng, và mỗi điểm ảnh đó có thể tắt đi nếu không sử dụng. Có nghĩa là Dark Mode sẽ giúp cải thiện thời lượng pin cực tốt trên các điện thoại với màn hình OLED.
Ở thời điểm hiện tại, rất hiếm laptop có màn hình AMOLED, nên những gì Google trình bày không thể áp dụng với hầu hết các PC. Trên thực tế, một slide trong bài thuyết trình của Google có phần so sánh điện thoại Pixel với iPhone 7, vốn sử dụng màn hình LCD. Các thử nghiệm của Google cho thấy điện thoại Pixel tiêu thụ năng lượng ít hơn nhiều khi ở Dark Mode (Night Mode), trong khi điện thoại của Apple không có sự khác biệt nào.
Với laptop cũng vậy: một chiếc laptop với màn hình LCD sẽ không cho kết quả khác biệt về thời lượng pin khi ở Dark Mode hay chế độ giao diện sáng thông thường.
Nói vậy không có nghĩa bạn không nên dùng Dark Mode. Nó có nhiều ưu điểm, như đẹp hơn giao diện sáng truyền thống trên cả Windows lẫn MacOS: nó huyền bí và hợp xu hướng hơn.
Tuy nhiên bạn đừng mong Dark Mode sẽ giúp thời lượng pin laptop được cải thiện vượt những giới hạn thông thường của nó. Đơn giản vì đó không phải là cách nó hoạt động, ít nhất là trên một laptop với màn hình LCD.
Tham khảo: DigitalTrends
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng