Giải ngố: Tại sao chúng ta cứ vô thức chạm tay lên mặt mình, ngay cả khi biết cần phòng tránh Covid-19?

    zknight,  

    Những hành động vô thức và bản năng được tự động kích hoạt trong não bộ của bạn, bạn chỉ có vài phần nghìn giây để dùng ý chí đàn áp nó.

    Trong một cuộc họp với các CEO của ngành hàng không để đối phó với dịch Covid-19 đang lây lan, tổng thống Mỹ Donand Trump chia sẻ rằng ông đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa virus. "Mấy tuần nay tôi không chạm tay lên mặt mình rồi. Tôi nhớ nó quá".

    Tổng thống Trump từ lâu nổi tiếng là một người sạch sẽ. Tuy nhiên, một số người theo dõi ông đã ngay lập tức đăng tải các hình ảnh gần đây của ông lên mạng xã hội, chứng minh cho vị tổng thống thấy ông có chạm tay lên mặt mình mà không nhớ.

    Một tờ báo của Anh dẫn bức hình cho thấy trong cuộc họp với quan chức ngành dược hai ngày trước đó, ông đã tỳ tay lên cằm và chạm ngón trỏ vào má mình:

    Giải ngố: Tại sao chúng ta cứ vô thức chạm tay lên mặt mình, ngay cả khi biết cần phòng tránh Covid-19? - Ảnh 1.

    Không thể phủ nhận, tránh chạm tay lên mặt là một trong những biện pháp phòng ngừa Covid-19 tốt nhất mà mọi người có thể thực hiện. Nhưng thế nào là "có thể thực hiện"? Trên thực tế, không chạm tay lên mặt mình trong vài tiếng đồng hồ là một thử thách không phải ai cũng làm được. Bạn cứ thử mà xem.

    Đơn giản là tránh chạm tay lên mặt thôi mà cũng khó đến vậy

    Elizabeth Lopatto là một phóng viên sức khỏe của tờ The Verger. Hơn một ai hết, cô biết mọi biện pháp phòng ngừa virus corona trong mùa dịch. Đó là rửa tay thường xuyên, tránh chạm lên mặt, lau dọn và khử trùng các bề mặt và đồ vật hay chạm vào như điện thoại di động…

    "Rửa tay thì dễ dàng rồi, tôi yêu việc đó, tôi rửa tay rất nhiều lần trong ngày. Lau dọn thì không thích cho lắm, nhưng tôi cũng có thể làm được. Nhưng không chạm lên mặt mình là một thử thách thực sự", Elizabeth chia sẻ.

    "Virus corona sẽ xâm nhập qua mắt, mũi hoặc miệng của bạn. Khi bạn chạm vào một bề mặt chứa virus, và rồi bạn chạm lên mặt mình. Chúc mừng, bây giờ bạn đã trở thành một bệnh nhân". Biết là vậy, nhưng hãy xem nhật ký của cô phóng viên sức khỏe dưới đây.

    Elizabeth đã ghi lại toàn bộ các lần mà cô chạm tay lên mặt mình chỉ trong một buổi sáng:

    6h15: Khi chuông báo thức của tôi tắt, tôi dụi mắt thật lực. Đó không phải một khởi đầu tuyệt vời [cho thử thách ngày hôm nay].

    6h20: Tôi rửa tay, đeo lens mắt. Điều đó có nghĩa là tôi phải vành mí mắt mình ra để có thể trượt những chiếc đĩa nhựa nhỏ vào mắt mình. Đây là có lẽ là lần chạm mặt mạnh nhất mà tôi sẽ làm trong ngày – ít nhất là cho đến khi tôi tháo lens ra.

    6h34: Trong lúc vuốt mấy sợi tóc mái đang che mắt, tôi đã lại chạm vào trán mình rồi. Chạm vào tóc có tính là chạm vào mặt không nhỉ? Tôi quyết định buộc tóc đuôi ngựa ra đằng sau.

    6h35: Một bên cánh mũi của tôi bị ngứa, tôi vừa vô tình gãi nó trước khi nhận ra mình đã làm gì.

    Giải ngố: Tại sao chúng ta cứ vô thức chạm tay lên mặt mình, ngay cả khi biết cần phòng tránh Covid-19? - Ảnh 2.

    6h43: Tôi vừa kê mặt vào lòng bàn tay để đọc một thứ gì đó [trên màn hình máy tính], đó là thói quen, một sai lầm. Bây giờ, tôi phải làm gì khi đọc?

    6h45: Tôi vừa nắm tay trái thành nắm đấm và đặt nó lên môi. Điều gì đang xảy ra vậy, tôi thậm chí còn chưa rời khỏi nhà mình từ sáng đến giờ.

    6:47: Tôi vừa gãi má mình, cả cổ nữa.

    6h50: Chết tiệt.

    7h17: Tôi đã có gần 30 phút không chạm lên mặt mình rồi, để được vậy tôi phải vào bếp và làm món trứng trộn tỏi. Miễn là cả hai tay tôi đều bận rộn, tôi sẽ không thể chạm tay lên mặt mình. Nhưng ngay lúc dọn món trứng ra để ngồi ăn, tay tôi đột nhiên lại rảnh rỗi và tôi dụi mắt.

    7h19: Rồi đến mũi.

    7H23: Lại dụi mắt.

    7h29: Tôi tựa cằm lên tay, chẳng biết trong bao lâu.

    7h34: Tôi không biết đó là một sở thích của tôi đấy.

    7h37: Rõ ràng là tôi đã phải dành một nửa thanh xuân của mình với đôi tay chạm lên mặt, và tôi đã không nhận ra điều đó cho tới ngày hôm nay. Bây giờ, tôi mới để ý rằng mình không thể dừng làm điều này lại.

    7h41: Mặt tôi đang ở đâu nhỉ?

    7h44: Ý tôi là, tôi không thể nhìn thấy khuôn mặt của mình, vậy làm sao tôi biết được nó đang ở đâu nếu không chạm vào nó?

    Bạn không thể ngừng chạm tay lên mặt, vì đó là một bản năng của con người

    Thắc mắc của Elizabeth hóa ra chính xác là những gì khoa học trả lời cho việc tại sao chúng ta không thể ngừng chạm tay lên mặt mình. Kevin Chapman, một nhà tâm lý học đồng thời là giám đốc Trung tâm Rối loạn lo âu Kentucky cho biết: 

    Đối với con người, chạm tay lên mặt là một thói quen từ bé giúp chúng ta tự nhận thức về bản thân mình.

    Giải ngố: Tại sao chúng ta cứ vô thức chạm tay lên mặt mình, ngay cả khi biết cần phòng tránh Covid-19? - Ảnh 3.

    Điều đó có nghĩa là gì? Con người từ khi sinh ra đã rất nhạy cảm với những biểu hiện khuôn mặt của người khác xung quanh. Một đứa trẻ có thể cười theo người mẹ của mình, rồi đột nhiên sững lại khi cô ấy nghiêm mặt lại và nhíu mày.

    Bạn có thể biết khi nào bố mình bắt đầu tức giận chỉ bằng cách nhìn vào mặt ông ấy. Nếu chẳng may buông một lời bông đùa quá đáng khi đang nói chuyện với hội bạn, những ánh mắt và biểu hiện trên khuôn mặt của cả lũ sẽ đổ dồn về phía bạn.

    Và đừng quên, khi internet phát triển đến nỗi chúng ta có thể không cần trò chuyện mặt đối mặt nữa, các công cụ trò chuyện trực tuyến lập tức phải bổ sung những icon khuôn mặt vào hệ thống của họ, từ Yahoo, Facebook cho đến cả Gmail.

    Trong khi bạn để ý đến khuôn mặt của những người xung quanh. Chính bạn cũng để ý đến khuôn mặt của chính mình. Bạn sẽ luôn muốn biết mặt mình đang biểu hiện như thế nào khi nói chuyện với ai đó, nó có đang cười hay không, lông mày của bạn có đang nhíu lại hay không? Và cách tốt nhất để làm điều đó là chạm tay lên mặt.

    Hiệu ứng này xảy ra một cách tự nhiên từ khi bạn còn bé. Hãy để ý một đứa trẻ khi đang giao tiếp với người khác mà xem, chúng rất hay chạm tay lên mặt mình. "Đương nhiên, con người để ý đến khuôn mặt của những người khác và nhạy cảm với mọi dấu hiệu trên đó, và việc chạm tay lên mặt có thể liên quan một phần đến xu hướng tự nhiên nhạy cảm với khuôn mặt và nét mặt của chính mình", Chapman cho biết.

    Chạm lên mặt đem lại cho chúng ta sự tự nhận thức về bản thân, chúng ta muốn kiểm chứng lại những gì đang xảy ra trên mặt của mình, bằng xúc giác. Ngay cả khi soi gương, chúng ta cũng muốn chạm cả tay lên mặt mình.

    Giải ngố: Tại sao chúng ta cứ vô thức chạm tay lên mặt mình, ngay cả khi biết cần phòng tránh Covid-19? - Ảnh 4.

    "Điều này chắc chắn được kích hoạt trong các tương tác xã hội", Chapman nói. Vì chạm lên mặt trở thành một công cụ tự nhận thức bản thân, chúng ta bắt đầu chạm tay lên mặt từ khi còn nhỏ, và nó trở thành một khó quen khó bỏ, một bản năng, ngay cả trong dịch Covid-19, khi các khuyến cáo y tế đã luôn luôn đi kèm với một dòng chữ: "Hạn chế chạm tay lên mặt mình".

    Chapman cho biết vì hệ thống não bộ của bạn đã được đào tạo và lập trình từ bé rằng chạm tay lên mặt là một hành động bản năng và vô hại, rất khó để có thể thay đổi được điều đó khi lớn lên, ngay cả trong trường hợp sức khỏe của bạn bị đe dọa.

    "Về mặt tâm lý, hầu hết mọi người đều không cho rằng chạm tay lên mặt có thể là một hành động gây ô nhiễm hoặc đe dọa tới sức khỏe, và do đó, [tâm trí vô thức] không tạo ra bất kỳ liên kết nào giữa bệnh tật và việc chạm vào mặt", ông nói.

    Hầu hết chúng ta sẽ không để tâm đến những lời khuyên của CDC cho bản năng vô thức hàng ngày của chúng ta, dựa trên một "ảo tưởng kiểm soát", Chapman giải thích thêm. Ảo tưởng kiểm soát là xu hướng chúng ta quá tự tin và đánh giá cao khả năng kiểm soát của mình. Ví dụ, bạn nghĩ rằng không chạm tay lên mặt cũng dễ thôi, nhưng thực ra bạn chỉ đang ảo tưởng, nó cực kỳ khó.

    Tự nhủ bản thân có thể khiến bạn bạn càng chạm tay lên mặt mình nhiều hơn

    7h46: Có cách nào để khiến cho thử thách này trở nên dễ hàng hơn không, hay tôi phải lột mặt mình ra và cất nó vào một nơi an toàn xa tầm với, dưới gầm giường chẳng hạn.

    7h49: Tôi lên Google và tìm kiếm (Làm thế nào để tránh chạm lên mặt). Trong lúc đọc một vài lời khuyên, tôi dụi mắt.

    7h51: Nếu tôi cứ ghi lại các lần chạm tay lên mặt mình như thế này, tôi sẽ phải ghi chép cả ngày mất.

    7h51: Có vẻ là một ý tưởng hay đấy. Nếu không đi làm thì tôi sẽ còn chạm tay lên mặt mình nhiều nữa. Rõ ràng là tôi thích làm điều đó ở nhà.

    7h55: Google cách lột mặt nạ chăm sóc da mặt. Xoa mũi.

    7h59: Dụi mắt.

    8h02: Những quan chức y tế đang khuyên mọi người ngừng chạm vào mặt của mình, coi đó là một việc đơn giản và cứ thể như mũi của họ không bao giờ bị ngứa. Tôi cá là chính họ cũng liên tục chạm vào mặt mình.

    8h06: Tôi đang tựa mặt vào tay phải của mình. Chẳng nhớ tôi đã làm điều đó trong bao lâu.

    8h09: Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi cứ chạm tay lên mặt nhưng không ghi lại như thế này. Sẽ có bao nhiêu lần nếu tôi không đếm chúng?

    8h11: Tôi nhỏ thuốc mắt với hi vong nó sẽ giúp ích.

    8h14: Nếu tôi không phí thời gian chạm tay lên mặt mình, thì từng đó đủ để tôi làm ra tiền và mua được cơ số thứ.

    8h17: Tôi cậy môi mình.

    8h21: Tôi vừa dụi ra được một mẩu gỉ mắt khó chịu.

    8h25: Gãi tai có tính là chạm vào mặt không nhỉ. Tôi tính là có.

    8h27: Mũi tôi lại ngứa rồi.

    Chapman cho biết bạn hoàn toàn có thể không chạm tay lên mặt mình, chỉ có điều, nó cực kỳ khó. Chạm tay lên mặt là một thói quen từ bé, mà theo tâm lý học, khi bạn không thể kiềm chế những hành vi theo thói quen bằng cách kìm nén những suy nghĩ của mình.

    Hành vi chạm tay lên mặt hầu như đều xảy ra trong tâm trí vô thức của bạn, nghĩa là các phản xạ vô điều kiện. Bạn ngứa mũi, tay bạn sẽ ngay lập tức đưa lên gãi nó. Mắt bạn bị khô, bạn cũng sẽ đưa tay lên và dụi mắt.

    Cơ hội là tâm trí vô thức luôn luôn có một khoảng trễ so với những gì bạn nhận thức được. Nghiên cứu cho thấy khoảng trễ đó có giá trị khoảng vài phần nghìn giây. Nghĩa là từ khi các tín hiệu ngứa ở mũi đi về não, và một loạt các xung thần kinh bắn ra từ não tới tay của bạn cho đến khi bạn đưa tay lên và gãi mũi. Bạn có cơ hội vài phần nghìn giây để nghĩ lại và đặt tay xuống.

    Đáng tiếc là khoảng thời gian này quá nhanh và gần như không đủ nếu bạn đang tập trung làm một việc khác, gõ máy tính chẳng hạn. Còn nếu cả ngày bạn chỉ tập trung vào việc canh chừng hai bàn tay của mình, bạn có thể đàn áp được suy nghĩ vô thức đó.

    Điều đó có nghĩa là một suy nghĩ tự nhủ bản thân vào đầu ngày, kiểu như "Tôi sẽ không chạm vào mặt mình ở nơi công cộng trong ngày hôm nay", sẽ không giúp ích gì, Chapman nói. Thay vào đó, ông gợi ý rằng bạn nên nói với bản thân "Tôi cần nhận thức rõ ràng về việc chạm tay lên mặt của mình trong ngày hôm nay".

    Có nghĩa là bạn cần nhận thức được cả bộ não vô thức của mình. Và đừng quên nhắc đi nhắc lại nó trong não bộ. Tốt nhất là hãy đặt một lời nhắc trên điện thoại với nội dung như vậy, và để nó lặp đi lặp lại mỗi tiếng đồng hồ.

    "Đảo ngược thói quen là điều có thể làm được, nhưng sẽ đòi hỏi bạn phải rèn luyện với nhiều kỹ năng để lập trình lại xu hướng hành động của mình", Chapman nói.

    Bạn cũng có thể thử một vài mẹo nhỏ, chẳng hạn như khoanh hai tay trước ngực khi bạn đang rảnh rỗi với chúng, hoặc kiếm một quả bóng hoặc đồ chơi để khiến đôi bay bạn bận rộn, Denise Cummins, một nhà khoa học nhận thức cho biết.

    Có một số phương pháp can thiệp vào tâm lý khác có thể giúp bạn ngừng chạm tay lên mặt mình. Chẳng hạn như làm cho nó không thoải mái. Ví dụ, bạn có thói quen kê tay vào mặt khi đọc sách hoặc lướt web, hãy kiếm một chiếc găng tay hở ngón bằng len xù, để khi bạn tựa tay vào đó, bạn nhận biết được bề mặt của len gây khó chịu.

    Cummins cho biết nhiều tập thở và thiền cũng là một phương pháp giúp hạn chế chạm tay lên mặt của mình. Bạn cũng có thể áp dụng cơ chế tưởng thưởng và trừng phạt, hãy phạt mình một điều gì đó nếu cứ chạm tay lên mặt mình, và ngược lại thưởng cho bản thân nếu bạn đạt được mục tiêu đầu ngày.

    Giải ngố: Tại sao chúng ta cứ vô thức chạm tay lên mặt mình, ngay cả khi biết cần phòng tránh Covid-19? - Ảnh 7.

    Cuối cùng, việc tránh chạm tay lên mặt thực sự rất khó. Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy trung bình một người có thể chạm tay lên mặt mình 23 lần mỗi giờ, tương đương 368 lần trong ngày chỉ trừ lúc ngủ.

    Trong khi chưa kiềm chế được thói quen khó bỏ của mình, hãy nhớ rằng chạm một bàn tay sạch lên mặt thì sẽ tốt hơn là một bàn tay bẩn. Bạn vẫn có thể phòng ngừa virus corona mới bằng cách rửa tay thường xuyên.

    Hãy chà tay mình với xà phòng trong 20 giây, xả bằng nước sạch và lau khô trước khi có ý định làm gì đó với khuôn mặt mình. Trong trường hợp ra ngoài, hãy đem theo một chai nước rửa tay khô chứa cồn trên 60% để làm điều đó.

    *Tham khảo thêm các biện pháp tự phòng tránh virus corona mới tại đây.

    Nếu bạn còn tò mò về nhật ký của Elizabeth, hãy xem một buổi sáng cô ấy còn chạm tay lên mặt mình bao nhiêu lần nữa:

    8h31: Ước gì mặt tôi chỉ là một cái mặt phẳng đen gì và mịn màng. Tôi có thể xịt nước tẩy trùng lên và lau nó.

    8h32: Mấy người nghĩ rằng không chạm lên mặt có thể trở thành siêu nhân. Họ có thể thay cho tôi một khuôn mặt không biết ngứa được không. Tôi bực lắm rồi.

    8h38: Tôi là một kẻ thất bại.

    8h41: Lần này là đến trán.

    8h44: Tôi tìm kiếm một vài spa tẩy lông mặt.

    8h54: Tôi lại vừa ngả mặt lên tay phải để đọc. Chẳng biết đã làm thế trong bao lâu.

    Giải ngố: Tại sao chúng ta cứ vô thức chạm tay lên mặt mình, ngay cả khi biết cần phòng tránh Covid-19? - Ảnh 8.

    Elizabeth Lopatto là một phóng viên sức khỏe của tờ The Verger.

    8h58: Tôi rõ ràng là chỉ đang chạm vào mặt mình một cách vô thức, trong khi vẫn đang ghi lại những dòng nhật ký này. Ví dụ tôi vừa chạm vào mũi.

    9h00: Tôi có nên đeo một cái mặt nạ trượt tuyết để tránh chạm vào mặt hay không?

    9h07: Đây là cách dễ dàng nhất có thể thực hiện để ngăn ngừa virus corona hả?

    9h12: Dụi mắt.

    9h17: Tôi đi vào phòng vệ sinh và rửa mặt, tôi cảm thấy tốt hơn vì đó là lý do mà tôi có thể chạm vào mặt mình thật lực mà không phạm luật.

    9h21: Tôi phải tựa cằm vào đâu đây, nếu không phải là tay?

    9h23: Môi.

    9h29: Mũi.

    9h33: Mắt.

    9h34: Lại dụi mắt.

    9h35: Mắt.

    9h37: Tôi lên Amazon tìm mặt nạ trượt tuyết.

    9h40: Tôi tuyệt vọng.

    9h43: Lông mày.

    9h47: Con mèo của tôi có được phép chạm vào mặt tôi không? Cô bé ấy vừa hích mũi vào mũi tôi.

    Giải ngố: Tại sao chúng ta cứ vô thức chạm tay lên mặt mình, ngay cả khi biết cần phòng tránh Covid-19? - Ảnh 9.

    9h49: Tôi có thể làm một cái mặt nạ bằng giấy nhôm rồi buộc nó vào mặt?

    9h53: Tôi như bị tạm giam trong cái nhà tù với làn da ngứa ngáy này. Hi vọng duy nhất để thoát ra ngoài chỉ có thể là cái chết.

    9h57: Tôi gối đầu lên tay mình. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi để tay ở đây mãi nhỉ, dù gì thì như vậy cũng không nhặt thêm bất kể con virus nào. Đúng vậy, giải pháp là đây.

    9h58: Chà, tôi lại ngứa mắt, không thể tập trung nổi nếu cứ thế này.

    10h03: Tôi chính thức hủy bỏ thử thách của mình tại đây. Một số điều mà tôi khám phá ra từ thử thách này, đó là ý chí của con người trong trường hợp này chỉ là con số 0. Tôi chạm vào mặt mình mà không biết rằng tôi đã chạm vào nó. Việc tự nhủ với bản thân mình chỉ làm tôi thêm tuyệt vọng và lời khuyên đừng chạm tay lên mặt không phải là một điều đơn giản để thực hiện.

    Tổng số lần mà tôi chạm tay lên mặt mình: 57 (đó còn là số lần tôi nhận thức được)

    Số lần tôi chạm tay lên mặt mỗi giờ: 14 lần.

    Nếu cứ thế, cả ngày tôi sẽ chạm tay lên mặt mình: 196 lần là ít.

    Nếu tính cho cả năm, tôi sẽ chạm lên mặt mình: ít nhất 71.736 lần.

    Giải ngố: Tại sao chúng ta cứ vô thức chạm tay lên mặt mình, ngay cả khi biết cần phòng tránh Covid-19? - Ảnh 10.

    Tham khảo Businessinsider, Theverger

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày