Giải ngố về AirPlay 2 - giao thức truyền âm thanh đa thiết bị độc quyền của Apple

    Kuroe,  

    AirPlay 2 có những đặc điểm gì nổi trội hơn so với người tiền nhiệm? Giao thức mới này sẽ được những thiết bị nào hỗ trợ?

    AirPlay lần đầu tiên ra mắt vào năm 2010, là một giao thức truyền âm thanh và hình ảnh không dây độc quyền của Apple cho các thiết bị của mình. Đây có thể coi là một giải pháp không dây thay thế cho Bluetooth của Apple, nhằm khắc phục những điểm yếu về chất lượng âm thanh không dây do hạn chế về băng thông của Bluetooth.

    Sau hơn 7 năm, tới WWDC 2017 Apple mới chính thức giới thiệu về phiên bản cập nhật mới nhất của AirPlay mang tên AirPlay 2, được cập nhật cùng với hệ điều hành iOS 11.4 vào hồi tháng 5 vừa qua. Vậy AirPlay 2 có những đặc điểm gì nổi trội hơn so với người tiền nhiệm? Giao thức mới này sẽ được những thiết bị nào hỗ trợ?

    Apple AirPlay 2 là gì?

    AirPlay 2 là phiên bản cập nhật mới nhất cho giao thức truyền hình ảnh và âm thanh không dây độc quyền của Apple mang tên Apple AirPlay. Bên cạnh những cải tiến về độ ổn định và chất lượng truyền âm thanh, một trong những đặc điểm mới đáng chú ý nhất của AirPlay 2 là việc hỗ trợ điều khiển đa thiết bị chỉ từ một nguồn phát.

    Cơ chế hoạt động của AirPlay 2 bao gồm một nguồn phát và một (hoặc nhiều) thiết bị đích, kết nối với nhau trong cùng một mạng Wi-Fi. Nguồn phát có thể là iPhone, MacBook hoặc iPad, còn thiết bị đích có thể là Apple TV hoặc một thiết bị loa do bên thứ 3 sản xuất - miễn là thiết bị đó hỗ trợ giao thức AirPlay.

    Giải ngố về AirPlay 2 - giao thức truyền âm thanh đa thiết bị độc quyền của Apple - Ảnh 1.

    Vậy thiết bị nào của Apple sở hữu giao thức AirPlay 2?

    Dưới đây là danh sách những thiết bị của Apple sở hữu giao thức kể trên:

    Các mẫu iPhone bao gồm:

    - iPhone X
    - iPhone 8 Plus
    - iPhone 8
    - iPhone 7 Plus
    - iPhone 7
    - iPhone 6S
    - iPhone 6S Plus
    - iPhone 6
    - iPhone 6 Plus
    - iPhone SE
    - iPhone 5S

    Các mẫu iPad bao gồm:

    - iPad Pro 12,9 inch (Thế hệ 1)
    - iPad Pro 12,9 inch (Thế hệ 2)
    - iPad Pro 9,7 inch
    - iPad Pro 10,5 inch
    - iPad (2018)
    - iPad (Thế hệ thứ 5)
    - iPad Air 2
    - iPad Air
    - iPad mini 4
    - iPad mini 3
    - iPad mini 2

    iPod touch thế hệ thứ 6

    Apple TV thế hệ thứ 4

    Các mẫu MacBook bao gồm:

    - MacBook đời từ 2009 trở đi
    - iMac/iMac Pro đời từ 2009 trở đi
    - MacBook Air đời từ 2010 trở đi
    - MacBook Pro đời từ 2010 trở đi
    - Mac mini đời từ 2010 trở đi
    - Mac Pro đời từ 2010 trở đi

    Nói cách khác, các thiết bị của Apple xuất hiện từ hơn 7 năm trước đều sẽ không hỗ trợ AirPlay 2.

    AirPlay 2 hoạt động trong iOS như thế nào?

    Với AirPlay 2, người dùng có thể sử dụng iPhone để điều khiển tất cả những thiết bị hỗ trợ AirPlay bên trong hệ thống mạng nội bộ của mình. Mặc dù tính năng này đã xuất hiện trên MacBook thông qua phần mềm iTunes từ trước, tuy nhiên những người sử dụng iOS lại phải chờ đến tận bản cập nhật vừa rồi để tận hưởng những tiện nghi nói trên.

    Giải ngố về AirPlay 2 - giao thức truyền âm thanh đa thiết bị độc quyền của Apple - Ảnh 2.

    Bên cạnh đó, về bản chất thì điện thoại sẽ gửi các tín hiệu âm thanh đến với loa thông qua giao thức AirPlay, vậy nên bất kỳ ứng dụng phát nhạc nào trên iPhone cũng sẽ đều có thể hoạt động được với những chiếc loa AirPlay 2. Sau khi phát nhạc từ thiết bị nguồn, người dùng sẽ có thể lựa chọn đích đến là (những) chiếc loa nào, đồng thời tùy ý điều chỉnh âm lượng cho từng thiết bị riêng lẻ. Sau đó, những nút điều khiển sẽ có thể được truy cập dễ dàng thông qua thao tác vuốt từ dưới lên để gọi màn hình Control Centre.

    Một trong những tính năng mới được Apple đề cập đến, đó là khả năng phát các bài hát khác nhau cho những chiếc loa khác nhau, tuy nhiên chỉ hỗ trợ những người dùng đăng ký dịch vụ Apple Music mà thôi. Tính năng này có thể được thực thi một cách dễ dàng thông qua câu lệnh yêu cầu Siri.

    Cùng với đó, tất cả những người dùng Apple Music khác cùng kết nối trong hệ thống mạng có thể gửi bài hát mình muốn vào trong playlist phát nhạc của thiết bị nguồn, giúp việc chơi "nhạc theo yêu cầu" tại các buổi tiệc trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn mà không phải kết nối qua lại các thiết bị với nhau.

    Những chiếc loa nào sẽ hỗ trợ AirPlay 2?

    Đương nhiên, chiếc loa thông minh HomePod của Apple sẽ hỗ trợ giao thức mới này. Bên cạnh đó, còn rất nhiều hãng âm thanh có tiếng trên thế giới cũng đã xác nhận về việc sản phẩm của mình sẽ hỗ trợ giao thức AirPlay 2, mà chúng ta có thể thấy trong danh sách dưới đây:

    - Bang & Olufsen
    - Beats
    - Bluesound
    - Bose
    - Bowers & Wilkins
    - Definitive Technologies
    - Denon
    - Devialet
    - Dynaudio
    - Libratone
    - Marantz
    - McIntosh
    - Naim
    - Polk
    - Sonos

    Vậy còn những thiết bị đang hỗ trợ giao thức AirPlay đời đầu thì sao, liệu chúng có thể được nâng cấp lên AirPlay 2?

    Câu trả lời là "cái có, cái không". Một vài nhà sản xuất như Naim và Libratone đã xác nhận rằng, họ sẽ tung ra một bản cập nhật phần mềm cho những chiếc loa của mình để nâng cấp khả năng hỗ trợ AirPlay 2, tuy nhiên một số khác lại yêu cầu người dùng phải mua những chiếc loa đời mới hơn.

    Giải ngố về AirPlay 2 - giao thức truyền âm thanh đa thiết bị độc quyền của Apple - Ảnh 3.

    Theo công bố của Libratone, những chiếc loa Zipp và Zipp Mini thế hệ hiện tại có thể được cập nhật phần mềm để đạt chuẩn mà giao thức AirPlay 2 yêu cầu. Trong khi đó, những người đã mua loa AirPlay của Bowers & Wilkins thì lại không có được may mắn đó. "Lửng lơ" ở giữa là những chiếc loa A5, A7 và Zeppelin Air, khi vẫn có thể hoạt động cùng với AirPlay 2, tuy nhiên sẽ không thể tận dụng những tính năng ưu việt mới mà giao thức này đem lại.

    Còn Apple TV thì sao?

    Một chiếc Apple TV đã được cập nhật lên tvOS 11 cũng sẽ có thể được sử dụng để trở thành nguồn phát cho giao thức AirPlay 2 để truyền âm thanh tới các thiết bị khác trong nhà. Bên cạnh đó, bất cứ chiếc loa nào được cắm trực tiếp với Apple TV cũng sẽ trở thành một chiếc loa AirPlay 2 chính hiệu.

    Ứng dụng AirPlay 2 trong HomeKit

    AirPlay 2 cũng sẽ tương thích với các thiết bị HomeKit khác trong nhà để tùy chỉnh hệ thống nhà thông minh theo ý muốn người dùng. Thử tưởng tượng khi bạn đi làm về, không chỉ đèn trong nhà tự động bật sáng, mà còn cả những chiếc loa cũng lên tiếng phát nhạc chào mừng sự hiện diện của bạn. Điều đó thật thú vị, phải không nào?

    Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tùy chỉnh để biến những chiếc loa của mình thành một hệ thống chuông báo động khi có biến, hoặc lập trình để nhạc tự động bật lên vào một khung giờ nào đó trong ngày (chẳng hạn như giờ nấu ăn).

    AirPlay 2 và Siri

    Đối với sự xuất hiện của AirPlay 2, Siri trở thành một phần tương đối quan trọng của hệ thống âm thanh đa thiết bị trong gia đình. Bạn có thể yêu cầu Siri phát nhạc trên bất kỳ chiếc loa nào mình muốn trong hệ thống, cũng như yêu cầu chơi những bài nhạc khác nhau trên những chiếc loa khác nhau. Siri sẽ không bị giới hạn bởi việc chỉ hỗ trợ các thiết bị của Apple, mà sẽ tương thích với cả những chiếc loa do bên thứ ba sản xuất, miễn là chiếc loa đó hỗ trợ giao thức AirPlay 2.

    Vậy thì giao thức AirPlay sẽ chính thức bị khai tử?

    Không hề, những thiết bị AirPlay đời đầu vẫn sẽ có thể hoạt động bình thường.

    Tham khảo pocket-lint

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày