Giải ngố về Bloatware: Chúng có ngốn pin điện thoại của bạn không?
Nhìn vào số lượng ứng dụng được nhồi sẵn vào điện thoại của mình, hẳn bạn sẽ lo lắng cho dung lượng pin của bạn, nhưng liệu lo lắng đó có cần thiết.
Trong thế giới Android, nếu có từ nào để miêu tả tâm trạng chung của mọi người về các bloatware, đó thường là những từ ngữ cực đoan như “Tôi ghét chúng, chúng thật tồi tệ” hay “Sao trên đời này lại tồn tại những phần mềm như vậy được?” Vậy bloatware là gì? Chúng có thật sự tồi tệ như vậy không? Và quan trọng nhất, nó có làm tiêu tốn pin trên điện thoại của bạn không?
Bloatware là gì?
Điều đầu tiên chúng ta cần làm là định nghĩa bloatware. Mọi thiết bị Android đều có rất nhiều lớp ứng dụng khác nhau. Lớp thấp nhất là các ứng dụng mặc định như đồng hồ, máy tính, trình gọi điện, ứng dụng nhắn tin SMS, … Các ứng dụng này là chung cho mọi thiết bị Android, tuy nhiên, một số ứng dụng tiêu chuẩn AOSP trên thiết bị của bạn có thể sẽ bị thay thế bởi ứng dụng viết bởi các nhà sản xuất, các OEM. Lớp tiếp theo các ứng dụng của Google, như Play Store, YouTube, Maps, Gmail.
Tuy nhiên, với các nhà OEM của Android, nếu chỉ có các ứng dụng này, họ sẽ khó trở nên khác biệt trong mắt người tiêu dùng. Vì vậy, trong hầu hết các điện thoại Android, đặc biệt đối với những dòng flagship, các nhà sản xuất OEM luôn cài đặt sẵn các ứng dụng của riêng họ. Không những vậy, các nhà mạng và các đối tác phần mềm với các OEM đó cũng muốn để lại ấn tượng riêng của mình trên những thiết bị này.
Do vậy, bên cạnh lớp ứng dụng tiêu chuẩn của Android và lớp ứng dụng của Google, trên các thiết bị Android còn thường xuất hiện thêm các lớp ứng dụng của các OEM, các nhà mạng và các đối tác phần mềm được cài đặt sẵn trên thiết bị. Những ứng dụng được cài đặt sẵn này chính là các bloatware mà mọi người vẫn nhắc đến. Bên cạnh việc đem lại các “giá trị gia tăng” cho thiết bị, chúng cũng là cách để các OEM, các nhà mạng hay các đối tác của họ gây ấn tượng với người dùng.
Và để nhấn mạnh hơn ấn tượng với người dùng, các ứng dụng riêng của các OEM hay các nhà mạng không xuất hiện trên Play Store để có thể cài đặt trên các thiết bị khác. Ví dụ như ứng dụng S-Health và S-Voice trên các thiết bị của Samsung hay các ứng dụng My Verizon Mobile, VZ Navigator của nhà mạng Verizon. Trong khi đó, với các đối tác phần mềm của OEM hay nhà mạng, ứng dụng của họ dù được cài đặt sẵn trên thiết bị nhưng chúng vẫn xuất hiện trên Play Store. Ví dụ một số thiết bị sẽ cài đặt mặc định đọc sách Kindle của Amazon, hoặc các ứng dụng của Microsoft như Microsoft Word, Outlook hay Skype.
Tuy nhiên, không phải lúc nào những ứng dụng tự viết của các OEM hay các nhà mạng cũng làm việc một cách trơn tru hay chứng tỏ sự hữu ích của mình. Ngay cả những ứng dụng từ các đối tác phần mềm cũng vậy, dù được cài đặt mặc định, nhưng việc chúng đến từ các nhà phát triển ít tên tuổi ít khi làm người dùng thay đổi được thói quen dùng các ứng dụng quen thuộc với họ. Ví dụ, các ứng dụng như Polaris Office, OfficeSuite hay WPS Office khó có thể hài lòng người dùng như ứng dụng của Microsoft, vì vậy rất ít người muốn chúng được cài đặt sẵn trong máy của mình.
Điều tốt, việc xấu và thứ xấu xí
Có lẽ nhiều người cũng đồng ý rằng với các ứng dụng được cài đặt trước, ở lớp trên các dịch vụ của Google, việc sẽ được thích hay không thích phụ thuộc vào chất lượng và độ hữu dụng của chúng. Điều này có nghĩa là các ứng dụng không đáp ứng được yêu cầu trên hay làm việc kém sẽ bị xem là bloatware. Trong khi đó, các ứng dụng bổ sung thêm trải nghiệm tổng thể cho người dùng sẽ không được xem là bloatware.
Điều này dẫn chúng ta đến một kết luận đầu tiên: cho dù tác dụng của chúng là gì đi nữa và có tiêu tốn pin hay không, chúng chắc chắn là các phần mềm được viết một cách kém cỏi. Và nếu phần mềm kém cỏi đó được cài đặt trước trên thiết bị của bạn, nó chắc chắn sẽ gây ra vấn đề cho bạn.
Vậy điều gì làm nên các bloatware kém cỏi? Dưới đây là một số vấn đề thường xảy ra với các phần mềm này.
- Crashes (tắt đột ngột), ứng dụng bị đơ, và các hành vi không đoán trước: với bất kỳ ứng dụng nào, dù có phải bloatware hay không, việc bị crashes hay hoạt động không ổn định luôn làm người dùng thất vọng. Một chiếc điện thoại với các ứng dụng cài đặt trước không ổn định như vậy sẽ càng làm gia tăng nỗi thất vọng này. Nếu bạn cài đặt một ứng dụng không như kỳ vọng từ Play Store, bạn chỉ cần gỡ nó ra khỏi máy. Nhưng với các bloatware, điều này thường không dễ dàng như vậy.
- Quảng cáo và các nagware (các ứng dụng gây phiền toái): điều này vốn thường thấy hơn trên các máy tính cá nhân, nhưng việc bất kỳ ứng dụng cài đặt trước nào bổ sung thêm các quảng cáo và mời chào bạn mua một phiên bản “Pro” hay “Full” nào đó đều làm người dùng khó chịu.
- Spyware (phần mềm gián điệp) và thu thập dữ liệu: Ngày mà các nhà mạng như CarrierIQ cài đặt các spyware trong thiết bị của bạn đã qua, tuy nhiên không gì đảm bảo nó sẽ không quay lại. Thậm chí hiện tại, khi hệ sinh thái Android đã tương đối trưởng thành và mối lo ngại của người dùng về các spyware và bloatware là rất rõ ràng, những nhà mạng như Verizon vẫn đang thêm các dịch vụ như DT Ignite vào thiết bị của họ.
- Hao tốn pin: một ứng dụng viết kém sẽ hao tốn pin của bạn. Cho dù một ứng dụng đến từ Google, các OEM hay các nhà mạng của bạn đi nữa, nếu nó bị hỏng, nó có thể sẽ làm hao tốn pin của bạn. Điều này còn tồi tệ hơn nữa nếu ứng dụng được cài đặt như một dịch vụ chạy ngầm. Tuy nhiên, với các ứng dụng được viết tốt, được kiểm tra và tối ưu cẩn thận sẽ không làm hao pin của bạn, cho dù nó chạy ngầm đi nữa.
Hao tốn pin
Nói về vấn đề pin, có sự khác biệt giữa hai câu hỏi: “Bloatware có thể làm kiệt pin điện thoại của tôi không?” và “Bloatware có làm kiệt pin điện thoại của tôi không?” Câu trả lời với câu hỏi đầu tiên rõ ràng là có, tất nhiên là nó có thể. Như đã đề cập ở trên, một ứng dụng viết kém có thể gây ra những điều tồi tệ như gây hao tốn pin. Tuy nhiên, mọi người thường quan tâm đến “Có hay không” hơn là “Có thể hay không?”
Để kiểm tra tình trạng của bloatware, phóng viên Gary của trang AndroidAuthority đã dùng thử một chiếc Samsung Galaxy S7 do Verizon phân phối và phân tích tác động của các ứng dụng cài đặt trước lên pin điện thoại. Chiếc S7 của Verizon đi kèm với cả ba loại bloatware, gồm các ứng dụng từ Samsung (Samsung Gear, S-Health và S-Voice), ứng dụng từ Amazon (Kindle và Amazon Music) cũng như các ứng dụng của Verizon (Voice Mail, go90, Verizon Cloud và VZ Protect).
Chiếc Samsung Galaxy S7 còn được cài đặt vài ứng dụng theo dõi pin tinh vi. Truy cập vào phần quản lý ứng dụng Application Manager trong cài đặt, bạn sẽ thấy các ứng dụng đã sử dụng tổng bao nhiêu pin từ khi sạc đầy thiết bị. Phần tiêu tốn nhiều pin nhất thường là màn hình, các chế độ sóng radio (ví dụ chế độ cell standby) và bản thân hệ điều hành Android. Sau ba yếu tố đáng kể nhất ở trên, sẽ là hàng loạt các ứng dụng và dịch vụ ngốn pin khác. Ví dụ một game đồ họa 3D được chơi nhiều giờ liên tục chắc hẳn sẽ đứng ở vị trí cao trong danh sách này.
Mọi ứng dụng khi chạy đều tiêu tốn năng lượng pin, nhưng nếu một ứng dụng được tối ưu và không chạy quá thường xuyên, bạn gần như không biết đến sự hiện diện của nó. Vì vậy để trả lời câu hỏi “Bloatware có làm kiệt pin điện thoại của tôi hay không?” chúng ta cần nhìn vào thống kê sử dụng pin cho từng ứng dụng bloatware.
Để kiểm tra mức độ ngốn pin của các ứng dụng cài đặt trước trên chiếc S7 của Verizon, Gary đã thiết lập từng ứng dụng và dịch vụ để đảm bảo nó có thể chạy và chạy ngầm nếu muốn. Ví dụ, ông đã chạy ứng dụng NFL mobile và bật chế độ thông báo để nó có thể chạy ngầm.
Sau khi bật điện thoại hơn 24h và không cố tình chạy ứng dụng nào khác, đến khi pin điện thoại chỉ còn chưa tới 25%, Gary kiểm tra tất cả các ứng dụng cài đặt trước (các bloatware) trong phần quản lý ứng dụng để xem chúng đã tiêu tốn bao nhiêu pin. Thật ngạc nhiên khi đáp án chỉ là 0% cho mỗi ứng dụng.
Điều này có nghĩa là gì? Trước tiên 0% không có nghĩa là các ứng dụng này hoàn toàn không tiêu thụ pin, mà nó nghĩa là lượng pin tiêu thụ chưa đến 1% dung lượng pin. Với dung lượng pin của chiếc Galaxy S7 là 3.700 mAh, 1% dung lượng pin tương đương với 30 mAh. Nghĩa là về mặt lý thuyết, ngay cả với kịch bản tồi tệ nhất, 18 ứng dụng được cài đặt sẵn trên chiếc S7 (không kể các ứng dụng của Google và các ứng dụng mặc định), có thể chưa sử dụng đến 500 mAh, (giả sử mỗi ứng dụng tiêu tốn chưa đến 28 mAh).
Tuy nhiên, trên thực tế điều này thường không xảy ra. Thông thường, có lẽ chỉ có khoảng 4 - 5 ứng dụng trong số các ứng dụng cài đặt sẵn sẽ chạy ngầm. Và thường chúng sẽ tiêu tốn xấp xỉ khoảng 1% ứng dụng pin mỗi ứng dụng thay vì chưa đến 1% như bài kiểm tra vừa rồi. Vì vậy, về lý thuyết, tổng cộng chúng sẽ tiêu tốn khoảng 5% dung lượng pin.
Vậy liệu một bloatware kém cỏi có đủ khả năng làm cạn kiệt pin của bạn hay không? Tất nhiên là có. Vậy với các ứng dụng được viết tốt và kiểm tra hợp lệ, liệu chúng có làm cạn kiệt pin của bạn hay không? Không.
Về cơ bản, nếu bloatware chứa các ứng dụng từ một số công ty làm ứng dụng có tên tuổi như Amazon, Samsung hay Microsoft, bạn sẽ không có gì phải lo lắng về chúng. Ngay cả với ứng dụng đến từ một nhà mạng như Verizon, bạn cũng không cần phải lo ngại. Tuy nhiên, vì một số lý do nào đó, điện thoại của bạn có các ứng dụng cài đặt trước đến từ một số công ty bạn chưa nghe bao giờ, có thể sẽ có rủi ro nào đó.
Ngoài ra các ứng dụng luôn có rủi ro mắc lỗi nào đó. Khi các ứng dụng cài đặt sẵn đến từ các OEM danh tiếng bị mắc lỗi gây ngốn pin hơn bình thường, bạn có thể kỳ vọng rằng nhà mạng hay các OEM sẽ sớm sửa lại lỗi đó bằng một bản cập nhật OTA.
Gỡ bỏ các bloatware
Nếu bạn thực sự không muốn thấy một bloatware nào trong điện thoại của mình, có một số cách bạn có thể dùng để tắt (disable) chúng, chứ không phải gỡ bỏ chúng. Trên chiếc Galaxy S7, có một cách đơn giản để tắt các ứng dụng cài đặt trước. Bật màn hình App Drawer (danh sách ứng dụng) và tìm ứng dụng bạn muốn tắt đi.
Nhấn và giữ ứng dụng đó, sau đó kéo nó đến biểu tượng “Turn off” xuất hiện ở phía trên màn hình. Thao tác này sẽ tắt bất kỳ ứng dụng nào đang chạy và ngăn không cho nó tự động khởi chạy trở lại. Trên những chiếc Android khác, bạn có thể vào phần Settings, và chọn Apps hoặc Application Manager, để tắt các ứng dụng này.
Tổng kết
Vậy các bloatware có làm cạn kiệt pin của bạn không? Không, chúng không được phép … nhưng vẫn có những ngoại lệ xẩy ra! Ảnh hưởng của bloatware đến thời lượng pin của bạn phụ thuộc vào bản thân mỗi bloatware – đặc biệt, cách chúng được các nhà mạng, các công ty OEM phát triển và cập nhật như thế nào.
Tham khảo AndroidAuthority
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng