Giải ngố về deep link: Tại sao deep link lại có ý nghĩa quan trọng trong marketing các ứng dụng mobile?
Công nghệ deep link (liên kết sâu) đã thu hút rất nhiều sự chú ý trong những năm gần đây khi giúp các marketer tăng đáng kể độ tương tác của người dùng các ứng dụng mà họ quảng bá. Cụ thể deep link là gì và đang được sử dụng ra sao?
Deep link cung cấp một đường hướng rõ ràng để các nhà phát triển ứng dụng xác định và chuyển người dùng tới các nội dung cụ thể họ muốn xem trong ứng dụng, thậm chí trước cả khi download chúng. Điều này giúp các nhà phát triển tăng lượng download và tương tác của người dùng một cách tự nhiên chứ không cần phải bỏ quá nhiều tiền cho quảng cáo nữa.
Thế nhưng một khảo sát gần đây của BI Intelligence lại cho thấy tỷ lệ website có dùng deep link cho các app Android và iOS vẫn còn khá thấp, chỉ chiếm 25% với Android và 17% với iOS.
Tỷ lệ các website sử dụng deep link cho ứng dụng Android hoặc iOS trên toàn cầu năm 2015 (Phần màu xanh: không dùng deep link, Phần màu cam: có dùng deep link)
Bài viết này sẽ giải thích rõ từng loại deep link cũng như tại sao các nhà phát triển và các marketer nên sử dụng deep link cho các ứng dụng họ đang quảng bá.
Deep link là gì?
Deep link là các đường dẫn được chia sẻ trên nền tảng mobile, vận hành khá giống hyperlink nhưng thay vì dẫn người dùng đến ngay một địa chỉ web page nào đó, deep link dẫn họ tới một màn hình cụ thể ngay trong ứng dụng.
Nếu không có deep link, khi người dùng click vào một đường link quảng cáo sản phẩm nhìn thấy trên Facebook hay email, họ sẽ không được chuyển đến ngay phần cần xem mà chỉ được chuyển đến trang home của ứng dụng, đó là còn trong trường hợp họ đã có tải sẵn ứng dụng về máy rồi. Điều này có nghĩa là đường link không làm tròn chức năng của nó, và người dùng bị buộc phải lướt khắp ứng dụng để tìm cho ra nội dung họ muốn xem ban đầu. Hãy tưởng tượng đơn giản thế này: Giả sử ứng dụng đánh giá món ăn Lozi không dùng deep link để dẫn link các bộ sưu tập đồ ăn (trên thực tế họ có dùng) thì khi người dùng bấm vào các bộ sưu tập đồ ăn được Lozi giới thiệu trên Facebook, họ sẽ không được dẫn luôn đến màn hình bộ sưu tập trên app Lozi mà chỉ đến được màn hình home rồi lại phải tự đi mò tìm bộ sưu tập cần xem. Sự bất tiện này có thể khiến nhiều người không còn muốn sử dụng app nữa.
Deep link trên thực tế được chia làm 3 loại chính là basic deep link (deep link cơ bản), deferred deep link (deep link bị trì hoãn) và contextual deep link (deep link ngữ cảnh) mà chúng ta sẽ phân biệt dưới đây.
Basic deep link
Basic deep link có thể được đồng bộ và gửi qua một số kênh mobile như webpage, email, tin nhắn SMS hay các trang mạng xã hội. Chúng được sử dụng để chuyển người dùng đến hầu như tất cả các mục trong một ứng dụng.
Hãy xem sơ đồ giải thích qua ứng dụng Pinterest dưới đây.
Basic deep link có thể giảm mức độ “ma sát”, hay nói đúng hơn là độ khó chịu của người dùng khi sử dụng ứng dụng. Nó giúp giải quyết vấn đề này bằng cách chuyển người dùng thẳng đến nội dung họ muốn xem trong app nếu họ đã cài sẵn app đó trên điện thoại.
Tuy nhiên, điểm yếu của basic deep link là những người chưa cài app đó trên máy khi click vào sẽ được chuyển đến trang download app hoặc cửa hàng ứng dụng trên điện thoại. Sau khi người dùng cài xong ứng dụng, basic deep link sẽ chuyển họ tới màn hình home của app chứ không phải mục họ muốn xem khi click vào ban đầu.
Deferred deep link
Tiện ích hơn basic deep link, deferred deep link không yêu cầu người dùng phải có sẵn một app nào đó trên máy mới được chuyển đến nội dung cụ thể họ muốn xem trên app này.
Thay vào đó, deferred deep link chuyển người dùng đến kho ứng dụng để tải app về, sau khi app được cài xong sẽ chuyển thẳng họ đến nội dung đang muốn xem. Deferred deep link hoạt động qua một cơ chế gọi là “ghép nối thiết bị” hay “ghép nối vân tay” – người dùng được gán cho một dấu hiệu nhận biết (tạm gọi là fingerprint – vân tay) sau khi họ bấm vào một deferred deep link. Dấu hiệu này cho phép hệ thống nhận dạng và ghép nối được họ với trải nghiệm dang dở khi bấm vào link để chuyển họ tới thẳng địa chỉ cần xem trong app.
Contextual deep link
Loại deep link này hoạt động tương tự như hai loại trên chỉ khác là ngoài việc chuyển tiếp dữ liệu người dùng tới app qua quá trình cài đặt để chuyển lại họ về địa chỉ muốn xem, contextual deep link còn ghi lại các thông tin người dùng như họ là ai, đến từ đâu, được chuyển đến từ nguồn nào, ai đã giới thiệu (dẫn link) họ đến đây, thậm chí là cả mã khuyến mại họ đang muốn dùng.
Contextual deep link là thuật ngữ được Branch, một công ty chuyên về công nghệ deep link, sáng tạo ra. Nó có thể được các nhà phát triển sử dụng để dẫn người dùng về các tính năng/trang khác nhau trong app, ví dụ như dẫn họ thẳng đến trang điền mã giảm giá để kích thích họ sử dụng/mua luôn sản phẩm. Nó cũng giúp các marketer thu thập được nhiều thông tin người dùng hơn, đo lường tốt hơn hiệu quả các chiến dịch quảng cáo và so sánh giữa các kênh marketing khác nhau.
Tại sao deep link lại có ý nghĩa quan trọng trong marketing ứng dụng?
Deep link mang đến cho các marketer và các nhà phát triển ứng dụng hàng loạt lợi ích như tối ưu hóa các chiến dịch marketing, tăng tỷ lệ chuyển đổi cũng như mức độ tương tác và hứng thú của người dùng, cụ thể là:
- Tăng cường sự đồng bộ giữa các ứng dụng (ứng dụng của bạn với các ứng dụng email, mạng xã hội,…), mang đến trải nghiệm liền mạch tuyệt vời giúp giữ chân người dùng trên app
- Tăng lượng người dùng và độ phủ cho ứng dụng của bạn: Khi sử dụng deep link, các ứng dụng/website bên thứ ba có thể thoải mái dẫn link trực tiếp về app đồng thời tăng lưu lượng cho app của bạn
- Cho phép các marketer có cái nhìn toàn cảnh về từng lượt click, các nguồn dẫn đến link download ứng dụng và so sánh mức độ hiệu quả của các nguồn này
Tận dụng deep link và những hiệu quả nó mang lại, các startup về ứng dụng ngày nay có thể dùng ngay các nền tảng phổ biến như Facebook, Instagram, Twitter,… làm đòn bẩy dẫn nguồn trực tiếp về từng trang trên app cũng như thu thập được thông tin về người dùng tiềm năng một cách nhanh chóng.
Tham khảo BI, Applico
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng