Giải ngố về quá trình từng được quân đội Mỹ phát triển từ cách đây 100 năm, có khả năng tìm ra nguồn lây COVID-19
Công cụ này đã được phát triển từ khoảng 100 năm trước bởi quân đội Mỹ, để hạn chế sự lây lan của bệnh truyền qua đường tình dục.
Có thể bạn đã nghe về "theo dấu tiếp xúc", một quá trình cần thiết để tìm ra tất cả những người có nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Công tác này thường được thực hiện bởi ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia hoặc bộ y tế các nước.
Họ sẽ lập ra một số đội theo dấu, là những "thám tử" điều tra lịch sử đi lại và tiếp xúc của các ca bệnh dương tính với COVID-19. Cùng với giữ khoảng cách xã hội, theo dấu tiếp xúc đã chứng minh sự hiệu quả của nó trong việc kiểm soát dịch bệnh ở một số quốc gia.
Vậy, quá trình theo dấu tiếp xúc diễn ra như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Theo dấu tiếp xúc
Virus SARS-CoV-2 gây ra dịch COVID-19 tồn tại trong đường hô hấp và lây lan khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện, hoặc thậm chí là hít thở. Trong quá trình đó, họ phân tán các giọt bắn chứa virus ra không khí và rơi xuống các bề mặt môi trường xung quanh.
Do đó, một người có thể bị nhiễm COVID-19 khi nói chuyện với một người bệnh dương tính, đứng hoặc ngồi gần họ. COVID-19 cũng có thể lây gián tiếp qua các bề mặt và vật dụng bị nhiễm virus khi người bệnh cầm vào đó.
Điều này đặt ra những thách thức cho việc truy tìm tất cả những người có nguy cơ lây bệnh từ một người dương tính với COVID-19 đi lại ngoài xã hội.
Tại Singapore, ngay từ khi ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được xác nhận, Bộ Y tế nước này đã triển khai một bộ phận theo dấu tiếp xúc gồm 10 nhóm nhỏ để thực hiện công tác tìm kiếm những người có nguy cơ nhiễm bệnh tiếp theo.
Mục tiêu là phải tìm ra:
- Bệnh nhân dương tính đã gặp những ai, nói chuyện với những ai trong thời gian gần đây? Họ gặp nhau và nói chuyện ở bên trong hay bên ngoài một căn phòng?
- Họ có bắt tay hay tương tác như thế nào trong quá trình này?
- Nếu bệnh nhân từng ngồi trong một không gian kín như máy bay, giảng đường, hàng quán… ai là những người đã ngồi gần họ?
- Bệnh nhân dương tính đã từng đến một sự kiện tập trung đông người nào chưa, như một trận bóng đá chẳng hạn?
Tại Australia, Cơ quan Y tế Queensland đã tóm tắt ngắn gọn quy trình theo dấu tiếp xúc, theo hướng dẫn của Mạng lưới Quản lý Bệnh truyền nhiễm:
"Những người tiếp xúc gần là những người đã tiếp xúc trực tiếp với một trường hợp dương tính với COVID-19 trong khoảng thời gian dài hơn 15 phút, hoặc những người đã chia sẻ một không gian kín với một trường hợp dương tính với COVID-19 trong hơn 2 giờ.
Chúng tôi không tìm kiếm những người chỉ đi qua bệnh nhân trên đường hoặc trong một cửa hàng, vì rủi ro trong những tình huống này là cực kỳ thấp.
Nếu đã tiếp xúc gần với người đã được xác nhận nhiễm virus corona mới, bạn cần phải tự cách ly mình trong 14 ngày kể từ lần tiếp xúc cuối cùng với họ. Nếu bạn bắt đầu thấy không khỏe trong khoảng thời gian đó, hãy gặp bác sĩ ngay lập tức".
Tại Việt Nam, quá trình phân loại bệnh nhân theo dấu tiếp xúc được Bộ Y tế chia thành từng bậc. F0 là những người đã dương tính với COVID-19. Những người tiếp xúc gần với F0 là F1 (người nghi nhiễm). Những người tiếp xúc với F1 là F2; tương tự những người tiếp xúc với F2 là F3.
Mỗi F đều có những khuyến cáo khác nhau về cách ly về phòng dịch, đồng thời phải báo cho những F khác biết về tình trạng của mình.
Tại Singapore, đất nước đã có kinh nghiệm trong dịch SARS và H1N1 và đang quản lý tốt dịch COVID-19, quá trình theo dấu tiếp xúc cũng đã được Bộ Y tế thực hiện hiệu quả:
Quy trình theo dấu bệnh nhân COVID-19 của Sigapore
Mỗi bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Singapore khi nhập viện đều được phỏng vấn bởi các nhân viên y tế để truy lại lịch sử đi lại và tiếp xúc của họ. Quá trình vẽ ra một "bản đồ hoạt động", gồm tất cả những địa điểm họ từng đến, những người họ từng gặp.
Sau đó, các "thám tử" theo dấu sẽ tìm mọi cách liên lạc với tất cả các trường hợp "tiếp xúc gần" với bệnh nhân và hỏi thăm sức khỏe của họ. Nếu người đó còn khỏe, họ được yêu cầu tự cách ly ở nhà trong 14 ngày, hoặc đến cơ sở cách ly tập trung của chính phủ.
Nếu người tiếp xúc gần có triệu chứng COVID-19, họ ngay lập tức được nhập viện, cách ly tại phòng riêng và lấy mẫu xét nghiệm. Những "thám tử" theo dấu tiếp xúc cũng cần đặc biệt để ý đến những đối tượng có nguy cơ cao trong danh sách của mình, bao gồm người già và người mắc bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch.
Một vũ khí mạnh mẽ để chiến đấu với dịch bệnh
Trước đây, công tác theo dấu tiếp xúc đã được ứng dụng để quản lý nhiều bệnh truyền nhiễm, bao gồm HIV, viêm màng não và các bệnh khác. Nó là một công cụ mạnh mẽ được phát triển cách đây gần một thế kỷ, ban đầu để hạn chế sự lây lan của các bệnh đường tình dục trong quân đội Mỹ.
Khi quy trình theo dấu tiếp xúc được áp dụng cho mọi bệnh nhân COVID-19, nó sẽ giúp giảm (nhưng không hoàn toàn chấm dứt) sự lây lan của virus. Điều quan trọng cần nhớ là có thể có gần một nửa số người nhiễm bệnh không hề có triệu chứng.
Theo dấu tiếp xúc mục đích là để tìm thấy những người đó và yêu cầu họ tự cách ly để không vô tình lây bệnh cho người khác.
Tuy nhiên, hiệu quả của công tác này phụ thuộc nhiều vào kỹ năng, trình độ và năng lực của lực lượng theo dấu. Người tiếp xúc gần đã được gọi điện có thực hiện đúng khuyến cáo cách ly hay không cũng là một vấn đề nan giải.
Tuy nhiên, ở các quốc gia làm tốt công tác theo dấu tiếp xúc này, dịch COVID-19 đã được quản lý khá tốt. Cùng với giãn cách hay giữ khoảng cách xã hội, theo dấu là một công cụ quản lý dịch COVID-19, một thứ vũ khí rất hiệu quả mà chúng ta đang có để chiến đấu lại với virus.
Tham khảo Theconversation
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng