Trầm cảm không bắt nguồn từ yếu đuối cảm xúc hay tính cách cá nhân tiêu cực. Nó có những cơ chế sinh học rõ ràng phía sau.
Bạn đang có một ngày rất buồn và chán nản? Không vấn đề gì. Kết quả học tập không tốt, bế tắc trong công việc, các mối quan hệ tình cảm hay đơn giản một cơn mưa có thể khiến bất cứ ai cảm thấy buồn chán.
Đa phần thì muộn phiền và nỗi buồn ấy chợt đến và chợt đi. Tâm trạng bạn tốt trở lại sau khi vượt qua mọi chuyện không mong muốn. Nhưng đôi khi, buồn chán quấn chân bạn dài dài. Dài hơn 2 tuần, nó có thể “tiến hóa” thành trầm cảm.
Trầm cảm không phải sự yếu đuối cảm xúc, hay một tính cách cá nhân tiêu cực. Thay vào đó, nó có những cơ chế sinh học rõ ràng phía sau
Trầm cảm là gì?
Khi nỗi buồn trở thành trầm cảm, nó không phải là nỗi buồn “phóng to” lên. Muộn phiền, cô đơn, bất hạnh, chán nản, mất hứng, bất mãn… không một cảm giác tiêu cực nào mô tả được trầm cảm. Bởi trầm cảm không còn là tâm trạng, nó là một tình trạng sức khỏe, một rối loạn tâm thần, một bệnh lý.
Định nghĩa về trầm cảm gọi đó là một rối loạn tâm trạng ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc và cách bạn hành xử. Trầm cảm tạo ra những cảm xúc tiêu cực trong khoảng thời gian ít nhất hai tuần, dài hơn thì hàng tháng cho đến hàng năm.
Là một căn bệnh y khoa, trầm cảm được xác định bằng các triệu chứng:
- Buồn chán, lo lắng hoặc cảm thấy trống rỗng
- Cảm giác bi quan, tuyệt vọng
- Cảm thấy có lỗi, bản thân vô dụng, bất lực
- Mất hứng thú, niềm vui trong các sở thích và hoạt động hàng ngày
- Mệt mỏi, uể oải, không còn sức sống
- Khó tập trung, ghi nhớ, ra quyết định
- Trằn trọc, khó ngủ, chợt tỉnh giấc hoặc ngủ liên miên
- Giảm hoặc tăng cân, mất cảm giác ngon miệng
- Bồn chồn, khó chịu
- Suy nghĩ về sự sống/chết, ý định tự sát hoặc đã thử tự tử
Nếu có một trong số những triệu chứng kể trên và nó đã kéo dài quá 2 tuần, có thể bạn đang bị trầm cảm quấy rầy. Chỉ có khoảng 3% dân số thế giới mắc trầm cảm mỗi năm. Nhưng cứ mỗi 5 người lại có 1 người trải qua trầm cảm ít nhất một lần trong đời.
Trầm cảm có thể ghé thăm bất kỳ ai. Căn bệnh không phải sự yếu đuối cảm xúc, hay một tính cách cá nhân tiêu cực cần khắc phục. Thay vào đó, trầm cảm có những cơ chế sinh học rõ ràng đứng phía sau. Các nhà khoa học đang nghiên cứu nhằm hiểu thêm và phơi bày sự thật về căn bệnh này.
CÁC LOẠI TRẦM CẢM THƯỜNG GẶP
Trầm cảm điển hình
Là trầm cảm nói chung có các triệu chứng điển hình phía trên. Nó ảnh hưởng đến mọi mặt của cuộc sống: ăn uống, học tập, công việc, ngủ nghỉ... Trầm cảm điển hình có thể ghé thăm bạn một hoặc nhiều lần trong đời.
Trầm cảm dai dẳng
Là trầm cảm với các triệu chứng kéo dài hơn 2 năm. Một người mắc trầm cảm dai dẳng có thể có các triệu chứng ở mức độ nhẹ, ít nghiêm trọng. Nhưng thời gian kéo dài vẫn khiến chất lượng cuộc sống của họ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Trầm cảm tâm thần
Xảy ra khi một người mắc trầm cảm điển hình như kèm thêm một số hình thức rối loạn tâm thần như ảo tưởng và ảo giác. Họ có thể tưởng tượng ra những điều không có thật, nhìn thấy hoặc nghe thấy những gì mà người bình thường không cảm nhận được.
Trầm cảm sau sinh
Hooc-môn, những thay đổi về thể chất và tác động tinh thần có thể khiến một người mẹ sau sinh bị trầm cảm. Ước tính cho thấy có từ 10-15% số sản phụ bị trầm cảm sau sinh, thường xuất hiện từ tuần thứ 4-8 sau khi đứa bé chào đời.
Trầm cảm theo mùa
Thường xảy ra vào thời điểm tháng 11, bắt đầu của mùa đông khi ánh sáng mặt trời giảm. Đó là một “mùa buồn” với rất nhiều người. Tiếp xúc nhiều với ánh sáng là một mẹo nhỏ để vượt qua trầm cảm theo mùa.
Rối loạn lưỡng cực
Một người gặp rối loạn lưỡng cực sẽ trải nghiệm, khi thì là các triệu chứng buồn phiền của trầm cảm, có lúc lại là tâm trạng cao hứng và vui vẻ quá mức được gọi là hưng cảm.
Điều gì xảy ra với não bộ chúng ta khi trầm cảm?
Khi tự hỏi điều đã xảy ra trong não, chứ không phải tâm trí người trầm cảm, chúng ta xem xét nó dưới góc độ khoa học thần kinh thay vì tâm lý học. Giải thích cho các cảm xúc và triệu chứng của người trầm cảm, nhờ vậy cũng hiện hình hơn.
Trước đây, bệnh trầm cảm được coi đơn giản là sự mất cân bằng hóa học trong não. Cụ thể, các nhà khoa học tin rằng thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh serotonin (SE, 5-HT) đã dẫn đến trầm cảm.
Serotonin chính là chất hóa học tạo cho bạn cảm giác thoải mái và hạnh phúc. Mức serotonin hạ thấp đi đôi với nhiều cảm xúc tiêu cực như lo âu, buồn chán và trầm cảm. Dựa vào điều này, các nhà khoa học đã tạo ra được một số loại thuốc làm tăng serotonin trong cơ thể. Chúng thực sự giúp giảm bớt triệu chứng trầm cảm, nhưng căn bệnh không đơn giản vì thế mà biến mất.
Sau này, sự phát triển của các công nghệ chụp ảnh não, ví dụ như cắt lớp phát xạ positon (PET), phát xạ vi tính với photon đơn lẻ (SPECT), cộng hưởng từ chức năng (fMRI) đã cho phép các nhà khoa học đi tìm những câu trả lời mới.
Khi quét não của những bệnh nhân trầm cảm, họ nhận thấy có 3 khu vực bị ảnh hưởng: vùng hạch amygdala, đồi thị và vùng hồi hải mã.
Hạch amygdala là một phần trong hệ limbic, nhóm các cấu trúc nằm sâu trong não quản trị cảm xúc vui buồn, giận dữ, sợ hãi…. ở con người. Vùng não bộ này được kích hoạt mạnh khi bạn nhớ lại một ký ức từng gây cảm xúc dữ dội, chẳng hạn như một tình huống đáng sợ.
Ở người trầm cảm, hạch amygdala hoạt động ở nhịp độ rất cao. Sự gia tăng bất thường này tiếp tục được duy trì khi bệnh nhân hồi phục sau giai đoạn trầm cảm.
Đồi thị là 2 khối chất xám nằm ở trung khu não bộ. Nó thu nhận mọi cảm giác ngoại vi, và là chặng dừng của tất cả cảm giác từ 5 giác quan trước khi chúng đến được vỏ não để phân tích.
Nghiên cứu cho thấy người trầm cảm có những bất thường trong vùng đồi thị, chẳng hạn như sự gia tăng của số lượng tế bào thần kinh và tỷ lệ vắng mặt đặc biệt cao của một loại DNA ty thể.
Hồi hải mã là vùng não điều khiển cảm xúc và lưu trữ kí ức của con người. Ở người trầm cảm, vùng hồi hải mã có xu hướng bị teo nhỏ. Nghiên cứu cho thấy người bị trầm cảm càng lâu, vùng hồi hải mã càng trở nên nhỏ hơn. Các tế bào và hệ thống thần kinh ở đây bị suy giảm theo thời gian kéo dài của bệnh.
Các khu vực não bộ bị ảnh hưởng bởi trầm cảm
Căng thẳng trong trầm cảm có thể là nguyên nhân chủ yếu làm giảm các tế bào thần kinh mới ở vùng hồi hải mã. Thử nghiệm cho thấy khi khu vực này của não được tái tạo và tế bào thần kinh mới được kích thích, tâm trạng trầm cảm sẽ được cải thiện.
Như vậy, chính sự phát triển, kết nối và liên lạc của các tế bào thần kinh mới là nguyên nhân giải thích trầm cảm chính xác hơn, so với sự mất cân bằng các chất hóa học như serotonin trong não bộ. Trên thực tế, các loại thuốc chống trầm cảm ngày nay làm việc thông qua hiệu quả tăng lượng serotonin. Nhưng thực chất, serotonin lại ảnh hưởng gián tiếp đến sự phát triển của tế bào não.
Điều này giải thích lý do tại sao thuốc serotonin có thể giúp bệnh nhân vượt ra khỏi cơn trầm cảm, nhưng không phải thông qua hiệu ứng trực tiếp như trước đây chúng ta từng nghĩ. Thay vào đó, những loại thuốc này thúc đẩy các hóa chất khác trong cơ thể, tạo ra các tế bào thần kinh mới hoặc kích thích sự phát triển của chúng.
Biết được điều này, một số nhà khoa học tin rằng chúng ta nên tập trung tìm ra các loại thuốc tác động trực tiếp đến các tế bào thần kinh, tại 3 vùng não bị ảnh hưởng bởi trầm cảm. Nếu thuốc có thể làm đảo ngược các quá trình kể trên, nhiều khả năng trầm cảm sẽ được chữa trị tận gốc.
Giải ngố về trầm cảm: Điều gì đã xảy ra với não bộ khi muộn phiền quấn lấy bạn?
TRẦM CẢM Ở PHỤ NỮ, NAM GIỚI, VÀ CÁC GIAI ĐOẠN TRONG ĐỜI
Trầm cảm phổ biến với phụ nữ hơn ở nam giới. Đặc trưng sinh học, nội tiết tố và các yếu tố tâm lý xã hội ủng hộ trầm cảm tấn công phụ nữ nhiều hơn. Chẳng hạn, phụ nữ có một giai đoạn cực kỳ dễ trầm cảm, đó là sau kỳ sinh nở. Sự thay đổi hooc-môn và trách nhiệm mới của một người mẹ có thể khiến họ rơi vào nhiều cảm xúc tiêu cực.
Đàn ông trầm cảm khác so với phụ nữ. Trong khi những người phụ nữ thường có cảm giác buồn bã, vô dụng hoặc tội lỗi, đàn ông trầm cảm thể hiện triệu chứng mệt mỏi, dễ cáu kỉnh, mất hứng thú trong các hoạt động tiêu khiển và khó ngủ.
Đàn ông trầm cảm có thể nghiện rượu, ma túy hoặc các chất kích thích khác. Một số tự ném mình vào công việc để tránh các tác nhân trầm cảm của họ ở gia đình. Mặc dù phụ nữ trầm cảm có ý định tự tử nhiều hơn nam giới, những người đàn ông trầm cảm chết vì tự tử vẫn nhiều hơn.
Trầm cảm có thể tấn công bạn ngay từ trước tuổi dậy thì. Trẻ em trai và trẻ em gái đều có nguy cơ như nhau phát triển trầm cảm. Có nhiều biểu hiện trầm cảm tinh tế ở trẻ em ví dụ như giả vờ ốm để trốn học, quấn quít cha mẹ, lo lắng thái quá cho sự an toàn của họ.
Giáo viên nhiều khi là người đầu tiên nhận ra sự thay đổi trong cư xử của trẻ trầm cảm. Họ thường nói với các bậc phụ huynh rằng “Con anh chị dạo này có gì đó khác thường”. Đó là lúc cha mẹ phải bắt đầu để ý hơn. Bởi hầu hết các rối loạn trầm cảm mạn tính sau này có liên quan đến trầm cảm trong giai đoạn thời thơ ấu.
Đến những năm vị thành niên, sự hình thành tính cách, vấn đề giới tính và việc phải đối mặt với tuổi trưởng thành cũng khiến chúng ta dễ bị trầm cảm. Trẻ vị thành niên trầm cảm thường hay hờn dỗi, rơi vào nhiều rắc rối ở trường học, có xu hướng cáu kỉnh, bạo lực.
Chúng cũng thể hiện các rối loạn khác như lo âu, chán ăn. Trầm cảm ở vị thành niên bắt đầu làm tăng nguy cơ tự tử. Những đứa trẻ ở giai đoạn này rất cần nhận được sự quan tâm, chia sẻ. Nếu không, trầm cảm sẽ kéo dài và tái phát vào tuổi trưởng thành.
Một giai đoạn cuối cùng trầm cảm hay ghé thăm chúng ta, tuổi già. Cô đơn, vấn đề gia đình, xung đột thế hệ, các bệnh lý như tai biến, tim mạch, tiểu đường và tác dụng phụ của thuốc… có rất nhiều nguyên nhân có thể khiến người già bị trầm cảm.
Những người đã từng rơi vào trầm cảm khi còn trẻ cũng sẽ dễ mắc trầm cảm tái phát ở tuổi già, hơn là những người trước đây chưa từng bị căn bệnh quấy rầy.
Làm sao để đuổi những cơn phiền muộn của bạn đi?
Bây giờ, trong khi các nguyên nhân thực sự của trầm cảm vẫn chưa được khoa học làm sáng tỏ, hơn 300 triệu người trên toàn thế giới vẫn đang phải đối mặt với căn bệnh này. Chắc chắn một điều rằng một khi mắc trầm cảm, bạn sẽ muốn điều trị.
Bỏ mặc trầm cảm sẽ gây rối loạn không chỉ cảm xúc mà cả thể chất, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý. Căn bệnh có thể làm hỏng sự nghiệp, hoài bão, đam mê và các mối quan hệ của bạn. Những người mắc trầm cảm thường cảm thấy khó khăn để tập trung, khó ra quyết định. Họ quay lưng lại với mọi hoạt động từng cảm thấy thú vị, trong đó giảm cả ham muốn tình dục.
Trong trường hợp nặng, trầm cảm có thể đe dọa tính mạng. Theo Viện sức khỏe tâm thần Hoa Kỳ, hơn 90% số người tự tử bị trầm cảm và mắc thêm một rối loạn tâm thần khác. Người trầm cảm thường cảm thấy cuộc đời của họ là không đáng sống.
Điều trị trầm cảm bắt buộc bạn phải được chẩn đoán trước. Hãy đến gặp bác sĩ, họ sẽ khám, chẩn đoán và kê thuốc hoặc cho bạn sử dụng những liệu pháp tâm lý. Hầu hết mọi người được điều trị trầm cảm đều sẽ cảm thấy tốt hơn.
Hầu hết mọi người được điều trị trầm cảm đều sẽ cảm thấy tốt hơn.
Ngoài ra, để chống lại các triệu chứng và cảm xúc tiêu cực, có một số mẹo mà cả người trầm cảm và người muốn phòng tránh nó đều có thể áp dụng. Các mẹo này sẽ giúp đỡ và hỗ trợ đắc lực cho quá trình điều trị:
- Tập thể dục: Hãy cố gắng có ít nhất nửa giờ hoạt động thể chất tích cực mỗi ngày, ví dụ đơn giản nhất chỉ là đi bộ nhanh.
- Hãy cởi mở hơn: Đừng ở lỳ một chỗ, ngay cả khi bạn bị tâm trạng không tốt xâm chiếm. Ra ngoài với ai đó sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn.
- Đừng suy nghĩ nhiều nữa: Nghĩ quanh nghĩ quẩn sẽ khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn. Hãy tắt bộ não của bạn đi, một vài phút cũng được.
- Hãy nói chuyện: Tìm đến những người bạn có thể tin tưởng, những người quan tâm đến bạn. Chia sẻ cảm xúc với người khác giống như trút bỏ những tức tối trong cơ thể.
- Thư giãn: Hãy dành một khoảng thời gian cho chính mình mỗi ngày. Xem xét việc thử tập yoga, thiền hoặc đơn giản chỉ là thở.
- Ăn uống lành mạnh: Một chế độ ăn uống cân bằng sẽ cho bạn nhiên liệu cần thiết để chống lại căng thẳng. Đừng bỏ bữa và cũng đừng tìm đến đồ ăn vặt để giải quyết nỗi buồn của bạn.
- Tránh xa rượu, ma túy và chất kích thích: Tất cả sẽ chỉ cho bạn cảm giác tạm thời rồi sẽ làm trầm trọng hơn vấn đề rất nhiều.
- Cười: Xem một bộ phim hoặc một video hài. Nói chuyện với những người hài hước. Đưa bản thân vào những bối cảnh hạnh phúc là một phần quan trọng giúp bạn thấy khá hơn.
- Giải quyết các vấn đề: Các vấn đề của bạn không tự nhiên biến mất. Hãy có kế hoạch giải quyết chúng. Đừng ngại nhờ đến sự trợ giúp của bạn bè và đồng nghiệp. Và cũng đừng giải quyết quá nhiều việc một lúc.
- Lập kế hoạch cho ngày của bạn: Hãy tạo cho bản thân một thứ gì đó để làm, thậm chí những điều nhỏ nhặt. Ngay cả các hoạt động thường ngày như tắm, dắt thú cưng đi dạo, nấu ăn, trang trí nhà cửa có thể khiến bạn cảm thấy khá hơn. Một cuốn sổ nhật ký hoặc ghi chú sẽ giúp bạn.
- Ngủ đủ: Đừng quên cơ thể bạn cần nghỉ ngơi. Ngủ đủ giấc của bạn mỗi đêm. Có người cần ngủ ít, có người cần nhiều hơn, nhưng thông thường, đó là khoảng 7-9 giờ mỗi ngày.
Tổng hợp
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng