Giải ngố về USB Type-C - cổng kết nối "tất-cả-trong-một" trên các thiết bị

    Kuroe,  

    Cùng là cổng USB Type-C, tại sao cắm vào cổng này thì sạc được Laptop, còn cổng kia thì không? Tại sao bảo cổng USB-C có hỗ trợ xuất hình mà tôi làm mãi không được? Bài viết này sẽ giúp bạn có thể phần nào giải đáp những thắc mắc kể trên.

    USB Type-C, hay còn được gọi tắt là USB-C, về mặt lý thuyết là một kết nối "thay thế cho tất cả", khi chỉ cần một cổng kết nối để sạc, truyền dẫn dữ liệu, xuất hình ảnh, âm thanh, v...v... Đã vậy, kết nối này lại không yêu cầu phải cắm dây vào thiết bị theo một chiều cố định, mà cả hai mặt cắm đều có tác dụng như nhau. Sau ba năm kể từ thời điểm USB-C chính thức được giới thiệu với cộng đồng, giờ đây cổng kết nối này xuất hiện trên hầu hết các thiết bị thông minh và máy tính bảng. Thế nhưng, đơn giản hơn liệu có thực sự tốt hơn? Và có điều gì ở USB-C mà chúng ta vẫn còn bỏ lỡ?

    Giải ngố về USB Type-C - cổng kết nối tất-cả-trong-một trên các thiết bị - Ảnh 1.

    USB-C là gì?

    Mục đích mà người ta sáng tạo ra cổng USB là để chuẩn hóa các loại kết nối và cổng kết nối, từ đó cho phép các thiết bị khác dạng vẫn có thể kết nối được với nhau. Bởi vậy, USB mới được gọi là USB (Universal Serial Bus - Kết nối tuần tự đa chức năng). USB Type-C là dạng thức vật lý mới nhất của cổng USB (để phân biệt với chuẩn USB như 2.0, 3.0 hay 3.1), được tạo ra để làm đơn giản hóa việc kết nối thiết bị hơn nữa, giúp mang lại sự thuận tiện cho cả người dùng và nhà sản xuất thiết bị.

    Như đã nói ở trên, USB-C chỉ là tên gọi của cổng kết nối, bao gồm cả đầu cắm của dây và cổng USB của thiết bị, chứ không phải là tên gọi của chuẩn USB được dây cắm hay cổng cắm hỗ trợ. Vậy nên, mặc dù về lý thuyết USB-C có thể đảm nhận rất nhiều chức năng như truyền dẫn dữ liệu, sạc, xuất hình ảnh, âm thanh, v...v..., thì trên thực tế khả năng của cổng USB-C sẽ bị giới hạn bởi chuẩn USB của thiết bị, với chuẩn USB mới nhất hiện tại là 3.2 (hiện vẫn chưa được sử dụng cho bất kỳ thiết bị nào). Nói cách khác, cùng là cổng USB-C, nhưng hỗ trợ USB 2.0, 3.1, hay thậm chí là Thunderbolt thì vẫn phụ thuộc vào nhà sản xuất, chứ không phải là "cổng nhà ai cũng vậy".

    Giải ngố về USB Type-C - cổng kết nối tất-cả-trong-một trên các thiết bị - Ảnh 2.

    Tóm lại, USB-C chỉ đơn thuần là tên của cổng kết nối, và phải khi kết hợp với thông tin về chuẩn USB của thiết bị, chúng ta mới có thể biết kết nối này trên điện thoại hay laptop của chúng ta có thể và không thể làm được những gì.

    Chuẩn kết nối

    Ở thời điểm hiện tại, chuẩn kết nổi USB cao cấp nhất là 3.2, với tốc độ truyền tải dữ liệu tối đa trên lý thuyết là 20 Gbps, gấp đôi so với tốc độ 10 Gbps của USB 3.1. Tuy nhiên, đây chỉ là tốc độ lý thuyết, còn về mặt thực tế thì các thiết bị phổ thông mà chúng ta sử dụng hàng ngày sẽ không thể nào vươn tới tốc độ khủng khiếp này. Ngoài việc nâng cấp "trần" tốc độ thì 3.2 chẳng có gì khác biệt so với 3.1 cả, cho nên cái tên cũng chỉ tăng thêm 0.1 là vì thế. Các thiết bị sử dụng chuẩn USB 3.2 cũng còn rất lâu mới ra mắt, sớm nhất là trong năm 2019.

    Trong khi ấy, cổng kết nối USB-C thì vẫn chẳng có gì thay đổi so với 3 năm trước, lúc nó mới được giới thiệu tới với người dùng. Tuy nhiên, có một sự thật mà không nhiều người nhận ra, đó là các nhà sản xuất thiết bị và dây cắm USB hoàn toàn có lựa chọn tích hợp cổng USB-C vào thiết bị như thế nào, và cho phép chúng làm những gì, vậy nên mới có chuyện Laptop có tới tận 4 cổng USB-C nhưng chỉ sạc được bằng 1 cổng.

    Giải ngố về USB Type-C - cổng kết nối tất-cả-trong-một trên các thiết bị - Ảnh 3.

    Thế nên, đối với USB-C, hướng dẫn sử dụng lại là một thứ vô cùng quan trọng mà người dùng cần phải lưu ý đến. Chẳng hạn như khi bạn muốn tìm một sợi cáp USB-C sở hữu một chức năng đặc thù gì đấy, bạn sẽ phải đọc, thậm chí hỏi kỹ trước khi mua, thay vì chỉ ra tiệm và dõng dạc hô: "Bán cho mình sợi cáp USB Type-C." Bởi như đã nói ở trên, chỉ đơn thuần có cổng USB Type-C vẫn là chưa đủ, sợi cáp Type-C này có thể xuất hình, trong kia sợi kia thì không.

    Nếu bạn nhìn vào thông số kỹ thuật của chiếc Pixel 2, bạn sẽ thấy USB-C được liệt kê bên cạnh chuẩn USB (3.1), và cùng với đó, chuẩn Power Delivery 2.0 dùng cho sạc nhanh lại được liệt kê thêm ở một mục khác. Vậy Pixel 2 không có gì? Câu trả lời là khả năng xuất hình qua cổng USB-C, một tính năng mà chẳng mấy người dùng điện thoại thông minh cần đến.

    Vấn đề của USB-C

    Với những gì chúng ta đã nói ở phía trên về việc USB-C chỉ đơn thuần là một loại cổng kết nối, rõ ràng là cổng USB-C trên điện thoại chưa chắc đã giống với cổng USB-C mà chúng ta thấy trên Laptop. Vậy nên, những gì chúng ta có thể làm với cổng kết nối này đã được quy định từ trước bởi các nhà sản xuất thiết bị, cũng như bị giới hạn bởi sợi cáp mà chúng ta đang dùng.

    Giải ngố về USB Type-C - cổng kết nối tất-cả-trong-một trên các thiết bị - Ảnh 4.

    Nói cách khác, USB-C vẫn chưa thể thực sự trở thành "một kết nối giải quyết mọi vấn đề" của chúng ta được. Chính sự đa dụng của cổng kết nối này đã khiến cho việc tích hợp chúng vào trong thiết bị trở nên đắt đỏ và phức tạp hơn - khiến cho nhiều nhà sản xuất thiết bị và dây cắm quyết định cắt bớt một số tính năng cao cấp của cổng kết nối để giảm thiểu giá thành. Bên cạnh đó, điều kiện về công nghệ của hãng sản xuất (chẳng hạn như công nghệ sạc nhanh) cũng sẽ giới hạn khả năng của cổng kết nối này.

    Tương tự với tính năng xuất hình ảnh: sự đa dụng của USB-C đôi khi trở thành rào cản không cho dữ liệu truyền đi đạt được tốc độ cao nhất, và để giảm thiểu tình trạng này, những sợi dây cáp USB-C dùng cho xuát hình sẽ được trang bị thêm công nghệ chống nhiễu tín hiệu - đặc biệt với những sợi dây dài hơn 1m. Vậy nên, khi lựa cáp cho thiết bị, bạn sẽ buộc phải chủ động tìm kiếm những tính năng được sợi cáp đó hỗ trợ.

    USB-C, hiện tại và tương lai

    Dẫu sao cũng không thể phủ nhận việc USB-C chính là tương lai của kết nối, và là một tiến bộ vượt trội so với những gì chúng ta đã có từ trước đây. Bên cạnh đó, các chuẩn USB cũng sẽ tiếp tục tiến bộ và phát triển song hành với cổng kết nối, với việc USB 3.2 sẽ xuất hiện vào năm 2019.

    Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn nên đọc kỹ và cẩn thận trước khi mua thiết bị có cổng USB-C, hay quan trọng hơn, là mua một thứ gì đó hoạt động cùng với thiết bị qua cổng USB-C. Thông số đi kèm thiết bị thường sẽ ghi rõ những thông tin quan trọng này cho bạn, tuy nhiên vẫn có một vài nhà sản xuất làm hướng dẫn khá qua loa, sơ sài, nên nhiều khi trong trường hợp xấu nhất, bạn sẽ phải tự mình tìm hiểu thêm, hoặc tự mình liên hệ với nhà sản xuất.

    Giải ngố về USB Type-C - cổng kết nối tất-cả-trong-một trên các thiết bị - Ảnh 5.

    Tình trạng kể trên sẽ dần kết thúc trong tương lai, khi những thiết bị phần cứng mới xuất hiện. Nếu như bạn mua các thiết bị mới có cổng USB-C, bạn sẽ bớt phải lo lắng với việc chúng không tương thích với nhau. Và trong tương lai, khi giá thành sản xuất hạ, chất lượng linh kiện tăng, sẽ có ngày một nhiều những chiếc cổng kết nối USB-C đảm nhận được đầy đủ chức năng mà nó vốn phải có.

    Tham khảo Gizmodo

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày