Những mô hình hỗ trợ giải quyết một phần của bài toán Thương mại điện tử vốn tốn kém và phức tạp bắt đầu phát triển
Có vẻ như những cuộc chiến khốc liệt trong các lĩnh vực như Group-on hay bán lẻ trực tuyến đã không còn được nhắc đến nhiều nữa. Nền kinh tế lâm vào khó khăn dường như đang kéo chìm những mô hình thương mại điện tử trên.
Tuy nhiên đây cũng là lúc nhen nhóm lên những cuộc chiến mới, cuộc chiến của các mô hình kinh doanh giúp việc vận hành thương mại điện tử (TMĐT) tốt hơn mà lại tiết kiệm được chi phí, thời gian cũng như công sức. Có thể kể đến là cuộc chiến của các đơn vị 3PL ( Third Party Logistic Provider – bên thứ ba cung cấp các dịch liên quan đến vận hành TMĐT), đáng chú ý nhất là cuộc chiến của các đơn vị trong lĩnh vực thuê ngoài COD (Cash on Delivery – giao hàng, thanh toán tận nơi).
COD: thị trường tiềm năng
Hiện nay, việc Internet phát triển mạnh cùng thói quen mua hàng qua mạng của người Việt Nam tăng cao, đã khiến cho không chỉ các công ty chuyên về Internet phát triển, mà còn khiến cho các đơn vị kinh doanh offline cũng nghĩ đến việc dịch chuyển mô hình của mình qua online nhiều hơn. Tuy nhiên, để phát triển được một mô hình TMĐT hoàn chỉnh các đơn vị này cần bỏ ra không ít tiền bạc, công sức lẫn thời gian. Đặc biệt là sự phức tạp trong vấn đề giao nhận, thanh toán tận nơi.
Logistic luôn là một bài toán phức tạp làm đau đầu những người làm thương mại điện tử Việt Nam
Xét về chi phí với các đơn vị kinh doanh vừa và nhỏ thì việc "nuôi" một đội ngũ chuyên trách về COD khá tốn kém. Bên cạnh tiền xăng xe, công vận chuyển thì đa phần đội ngũ này đều cần đảm bảo được một khoản thu nhập đủ sống hàng tháng. Điều này có thể khiến chi phí đầu vào tăng cao, một trong số những việc rất đáng lo ngại trong thời buổi kinh tế khó khăn.
Không còn sự lựa chọn nào khác, một số doanh nghiệp đã phải nhờ đến sự trợ giúp của những bên thứ 3 không chuyên ( xe ôm, chuyển phát nhanh v..v….) để giao hàng cho mình. Tuy nhiên với thói quen giao hàng trả tiền như hiện nay, các mô hình không chuyên này lại tỏ ra khá hạn chế. Ví dụ như: Mức độ tin cậy thấp, không tiện quản lý, kém linh động v...v....
Trong khi đó, các hãng vận chuyển, chuyển phát lớn lại coi trọng việc chuyển phát liên tỉnh có doanh thu cao nên không coi trọng lắm đến việc giao nhận của các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ, chuyển hàng nội thành. Chính vì thế mà tư duy phục vụ của các đơn vị này không được tốt, giá cả lại khá cao.
Cũng từ những bất cập trên mà nhu cầu về một bên thứ ba phụ trách các vấn đề liên quan đến COD là một nhu cầu có thực. Thậm chí, nhu cầu này còn rất lớn, hứa hẹn một thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn. Số liệu của Cục Thương mại điện tử và CNTT, Bộ Công Thương (VECITA) đã góp phần khẳng định thêm điều này, khi ước tính tổng giá trị thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2012 là 600 triệu USD và dự kiến sẽ đạt con số 1,3 tỷ USD vào năm 2013. Trong đó giao hàng thanh toán tận nơi chiếm khoảng xấp xỉ 80%.
Nhưng cũng đầy thách thức
Nều nhìn ở một góc độ khác, tuy cơ hội là khá rõ ràng, song thách thức và rủi ro ở thị trường này cũng không phải là nhỏ. Trao đổi với, chuyên gia vận hành của Giaohangtietkiem.vn ( eCom Service, JSC ), đơn vị chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ giao hàng thu tiền tận nơi cho biết những khó khăn của của mô hình này thường nằm ở các vấn đề sau:
Nhu cầu của các đơn vị kinh doanh vừa và nhỏ thường rất đa dạng, khách hàng không tập trung, thời gian lại không cố định. Vì thế đòi hỏi các đơn vị giao nhận phải khá linh hoạt cho phù hợp với nhu cầu đó. Tuy nhiên điều này lại mâu thuẫn với nguyên tắc vận hành cơ bản của COD, luôn yêu cầu cao về tính chặt chẽ trong quy trình, cũng như tính chính xác trong từng bước một.
Thêm vào đó, quá nửa số lượng đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ đều bắt đầu phát triển từ buôn bán offline, chính vì vậy họ luôn muốn tự quản lý các đội giao nhận, thanh toán của mình hoặc tìm đến những đơn vị không chuyên họ tin tưởng. Việc này giúp cho họ dễ kiểm soát hơn.
Đáng kể nhất là lợi nhuận trên từng đơn hàng của mô hình này cực kỳ thấp, trong khi rủi ro về mất mát về tiền lại rất cao. Sở dĩ có khó khăn trên là vì hình thức giao nhận và thanh toán tận nơi này thường cầm rất nhiều tiền của khách hàng, rất dễ làm rơi, mất hoặc tính nhầm v....v...
Việc nhận tiền của khách hàng thanh toán có rất nhiều rủi ro không lường trước được
Ngoài các yếu tố trên, còn có một yếu tố khác cũng góp phần cản trở việc phát triển của mô hình COD này là thói quen hợp tác và làm việc của các đơn vị kinh doanh tại Việt Nam. Tuy TMĐT đã có những bước tiến nhất định, xong thói quen phối hợp cùng nhau để vận hành tốt lại chưa được định hình. Cho nên dù các đơn vị giao nhận có cố gắng mà không có sự hợp tác, hoặc hợp tác thiếu tích cực của các bên còn lại thì cũng rất khó để thành công.
Những phát súng đầu tiên
Những đơn vị tiên phong bắt đầu tham gia khai phá thị trường này không thể không nhắc đến những cái tên như: Giaohangnhanh, giaohangso1, tochanh v...v...... Tất cả các doanh nghiệp trên đều khá giống nhau ở việc tập trung cạnh tranh về giá và chất lượng. Đơn cử như đơn vị Giaohangtietkiem.vn với phương châm lấy chất lượng dịch vụ làm trọng tâm, quy trình chuyên nghiệp làm công cụ, với ba yếu tố chính: phần mềm quản lý, tính linh hoạt và tư duy phục vụ.
Những đơn vị trên luôn cố gắng tối ưu hóa về các tuyến đường giao và nhận hàng. Điều này giúp cho trong cùng một tuyến đường giao hàng, người đưa hàng có thể giao và nhận nhiều gói hàng khác nhau. Từ đó giảm thiểu được chi phí xăng xe, đi lại để cạnh tranh về giá so với các đơn vị chuyển phát lớn.
Tiếp theo đó là cố gắng giảm thiểu các thủ tục, giấy tờ, đăng ký phát sinh. Chính nhờ điều này mà thời gian “chết” được giảm xuống tối đa, có thể đảm bảo được về thời gian giao và nhận hàng đúng hẹn.
Cuối cùng là tập trung vào chất lượng phục vụ. Yêu cầu của khách hàng luôn phải được giải quyết nhanh gọn, linh hoạt.Trong thời buổi cạnh tranh như hiện nay, yếu tố này luôn được đặt lên hàng đầu. có như thế mới cạnh tranh được các đơn vị giao nhận không chuyên khác.
Nhưng qua cả ba yếu tố trên ta có thể thấy được rằng đây là một thị trường tiềm năng, nhưng gần như chỉ thích hợp với những người có “máu khởi nghiệp” bởi lẽ lợi nhuận trên từng đơn hàng là cực kỳ thấp. Chỉ có những đơn vị “năng nhặt chặt bị” không ngừng cải tiến quy trình, công nghệ, mở rộng khách hàng mới có thể thành công được.
Đó là lý do tại sao vẫn chưa thấy bóng dáng các ông lớn nhảy vào. Một khi thị trường bắt đầu phát triển, nhiều đơn vị cùng kinh doanh thì có thể coi đây sẽ là một trong những thị trường khốc liệt. Bởi cả ba yếu tố “nóng” nhất là giá cả, chất lượng, thời gian sẽ là 3 yếu tố được quan tâm nhất. Tất cả các yếu tố này đều làm những đơn vị đã lãi ít, nay còn ít hơn, đã vất vả nay còn vất vả hơn.
Kết
Nếu vội kết luận đây là một thị trường tiềm năng và đầy cơ hội thì có lẽ còn quá sớm, bởi những thách thức và khó khăn của nó không hề nhỏ. Tuy nhiên vào lúc kinh tế khó khăn như hiện nay, những mô hình hỗ trợ các doanh nghiệp, khách hàng như mô hình giao nhận thanh toán tận nơi đang rất được chú ý. Bởi nó giúp tiết kiệm chi phí, giảm thiểu thời gian công sức của việc vận hành TMĐT rất nhiều. Có lẽ, năm nay và năm tới làn sóng khởi nghiệp trong các lĩnh vực như thế này sẽ lên ngôi và phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng