Giảng viên Đại học Monash giải thích vì sao những thiết bị điện tử cứ dùng lâu sẽ bị chậm đi

    Kuroe,  

    Không, không phải là âm mưu của các hãng sản xuất buộc bạn phải vứt những món đồ cũ của mình đi để mua máy mới đâu.

    Bài viết dưới đây là câu trả lời của ông Robert Merkel, giảng viên bộ môn Kỹ sư phần mềm tại trường Đại học Monash, cho câu hỏi: "Tại sao tôi luôn có cảm giác các thiết bị điện tử của mình chậm hẳn đi theo thời gian, trong khi vẫn ngần ấy phần mềm và ứng dụng, khi được backup lại và chuyển sang một chiếc máy khác với cấu hình tương tự thì lại chạy phà phà không vấn đề gì?"

    Chuyện về những cỗ máy chúng ta mua về sau một thời gian dài sử dụng thì trở nên ì ạch chậm chạp có lẽ là điều ai cũng đã từng gặp phải. Có rất nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh vấn đề này, trong số đó cũng không thiếu những điều ngộ nhận, hay "thuyết âm mưu" rằng các nhà sản xuất tung ra những bản cập nhật làm giảm hiệu năng của máy để kích thích người dùng đổi máy mới mỗi khi những chiếc điện thoại mới được ra mắt. Cứ mỗi kỳ ra mắt iPhone mới thì từ khóa 'iPhone slow' lại được tìm kiếm rất nhiều trên mạng internet.

    Sự thực là nếu không có vấn đề hỏng hóc gì thì những thiết bị phần cứng sẽ không bị chậm đi kể cả sau một thời gian dài sử dụng. Thay vào đó, có khá nhiều nguyên nhân khác khiến cho những cỗ máy của chúng ta chậm dần theo năm tháng. May mắn là chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục những nguyên nhân này.

    Tràn bộ nhớ

    Cứ mỗi khi các nhà sản xuất ứng dụng tung ra những bản cập nhật ứng dụng mới, dung lượng bộ nhớ mà chúng chiếm dụng cũng ngày một tăng cao. Những bản cập nhật này cung cấp nhiều tính năng mới hơn, có thể có nhiều hiệu ứng đẹp mắt hơn, và đồng thời cũng khiến những cỗ máy mà bạn sở hữu phải tính toán và xử lý nhiều hơn.

    Ứng dụng thì cứ ngày một nặng hơn, cả về dụng lượng lẫn các tác vụ tính toán mà chúng yêu cầu thiết bị phải thực hiện, nhưng RAM nếu không được nâng cấp cùng thì chỉ có hữu hạn mà thôi. Vậy nên sau một thời gian dài sử dụng, những chiếc máy điện thoại di động đời cũ thường sẽ dễ rơi vào tình trạng bị "tràn RAM", khi bộ nhớ không đủ để chứa dữ liệu ứng dụng. Tràn RAM khiên cho các ứng dụng đang được chạy trở nên cực kỳ ì ạch, thậm chí là đơ và ngưng hoạt động luôn.

    Quản lý cache không tốt

    Bộ nhớ đệm (cache) là thứ được tất cả các ứng dụng sử dụng, với mục đích lưu trữ tạm thời những lệnh mà CPU thường xuyên phải xử lý khi chạy ứng dụng. Nhờ có bộ nhớ đệm mà các ứng dụng sẽ nhanh hơn ở những lần chạy tiếp theo.

    Về mặt lý thuyết, caching giúp cho ứng dụng chạy nhanh hơn - tuy nhiên điều đó chỉ đúng khi bộ nhớ trong của máy vẫn chưa đầy. Caching chỉ hiệu quả khi bộ nhớ đệm được quản lý một cách chính xác và hiệu quả bởi ứng dụng và hệ điều hành.

    Tuy nhiên không phải nhà sản xuất ứng dụng nào cũng chú tâm đến điều này, vậy nên có rất nhiều ứng dụng mà bộ nhớ cache chúng chiếm dụng càng ngày càng nhiều, kéo theo cả hệ thống cũng ì ạch cùng với chúng.

    Ứng dụng rác ngày càng nhiều

    Trong số các ứng dụng hay tệp tin mà bạn tải về từ mạng internet, có rất nhiều "ứng dụng rác" ẩn trong đó mà nếu bạn không chú ý trong quá trình cài đặt, bạn sẽ cài cả chúng vào trong hệ thống của mình. Chúng có thể là những toolbar vô dụng trên trình duyệt web, hay những ứng dụng mang tên dọn dẹp máy tính, điện thoại nhưng chỉ khiến thiết bị của bạn ngày một rác hơn.

    Những ứng dụng rác này có thể khiến cho những chiếc máy cũ của bạn trở nên ì ạch, khi mà chúng chiếm dụng ổ cứng, chiếm chỗ trong bộ nhớ RAM, hay sử dụng CPU của bạn cho những tác vụ ngầm (chẳng hạn như đào bitcoin) mà bạn không hề hay biết.

    Vậy bạn có thể làm gì?

    Đương nhiên xét về một mặt nào đó thì nhanh hay chậm cũng đến từ yếu tố cảm giác của người sử dụng. Chẳng hạn nếu như bạn vừa mới có cơ hội được trải nghiệm một chiếc điện thoại siêu phẩm vừa mới được ra mắt, thì khi quay về với chiếc điện thoại cũ của mình bạn sẽ cảm thấy nó thật là chậm chạp.

    Vậy nên bạn không thể yêu cầu những thiết bị điện tử cũ của mình phải chạy nhanh như những siêu phẩm trên thị trường hay những thiết bị có cấu hình cao hơn được. Tuy nhiên nếu loại trừ những yếu tố về mặt cảm giác thì bạn vẫn có thể bỏ chút thời gian và công sức để dọn dẹp; từ đó giúp cho thiết bị của mình có thể hoạt động được tốt nhất. Hãy thường xuyên dọn dẹp ổ cứng, xóa bỏ những ứng dụng hay phần mềm mà mình không bao giờ dùng đến, cũng như đều đặn dọn dẹp bộ nhớ cache hay giải phóng RAM bằng cách tắt bớt những tác vụ ngầm.

    Hy vọng là sau bài viết này, các bạn sẽ không còn cảm thấy những thiết bị cũ của mình "chậm rề rề tới mức không thể chịu nổi" nữa.

    Tham khảo Conversation

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày