Giao diện One UI là phần mềm tốt nhất Samsung từng mang lên smartphone của mình
Nhưng liệu nó có được hãng cập nhật thường xuyên hay không?
Đó chính là nhận định của phóng viên Dieter Bohn thuộc trang tin công nghệ uy tín TheVerge. Hãy cùng tìm hiểu tại sao họ lại nói như vậy. Chúng tôi cũng từng có bài so sánh OneUI với giao diện Samsung Experience cũ tại đây.
Dù bạn tin hay không, thì Samsung đã làm được một việc mà nhiều người trong số chúng ta chưa bao giờ nghĩ sẽ xảy ra: họ làm được một phần mềm tuyệt vời. Rạng sáng 21/2 (theo giờ Việt Nam), Samsung sẽ công bố một loạt điện thoại mới - trong đó có dòng flagship Galaxy S10 đã bị rò rỉ khá nhiều thời gian qua - và tất cả số này sẽ chạy phần mềm mới mang tên "One UI", được Samsung phát triển trên nền Android 9 Pie.
Tôi đã được thử nghiệm One UI trên chiếc Galaxy S9 trong tuần vừa rồi, và tôi thực sự thích nó. Theo một khía cạnh nào đó, tôi thích nó hơn cả giao diện gốc mà Google trang bị cho Pixel 3. Nếu không vì ác cảm cá nhân, rằng Samsung chẳng bao giờ tung ra những bản cập nhật phần mềm lớn một cách nhanh chóng cả, thì tôi sẽ chẳng ngại ngùng gì mà không đưa One UI lên tận mây xanh. Tôi chỉ muốn nói rằng đã đến lúc chúng ta nên ngừng chỉ trích phiên bản Android của Samsung theo bản năng rồi.
Vẫn có những phần trong giao diện One UI có thể khiến bạn khó chịu, nhưng chúng không thể phá hỏng cuộc vui được.
Nếu bạn không chú ý nhiều đến thế giới Android trong vài năm trở lại đây, có lẽ bạn đã bỏ lỡ một điều: chúng ta không nói về "giao diện" nhiều nữa. Chúng ta từng cho rằng có một thứ gọi là Android "thuần", và rồi sau đó nó bị các nhà sản xuất phá hoại bằng cách áp lên vô số những lớp phần mềm không cần thiết và phiền nhiễu.
Ngày nay, Android "thuần" không còn ý nghĩa như xưa nữa. Phiên bản AOSP (Android Open Source Project) không phải là thứ bạn sẽ muốn sử dụng, bởi có quá nhiều những thành phần quan trọng đã bị "tháo gỡ" và không còn là "mã nguồn mở" nữa, mà nay được phân phối bởi Google hoặc các nhà sản xuất khác.
Do đó, nếu nói về Android "thuần" và "giao diện", chúng ta sẽ lạc đề mất. Hầu hết các điện thoại chạy Android đều có phần mềm tùy biến phức tạp và ăn sâu vào hệ thống hơn nhiều so với "giao diện" đơn thuần, dù chúng được sản xuất bởi Samsung, Xiaomi, hay thậm chí là Google.
Trước đây, những tùy biến trong phần mềm của Samsung nổi tiếng đầy lỗi, lòe loẹt, và chứa đầy những thứ vô dụng mang tính chất quảng cáo là chính. Chúng ta đang nói đến TouchWiz. Giao diện này là cần thiết trong những ngày đầu khi Android (và Windows Mobile, nơi TouchWiz được khai sinh) chưa thực sự đủ tốt đối với người dùng thông thường. Nhưng Samsung không thể làm gì được, họ kết hợp các tính năng bổ sung với nỗ lực làm giao diện người dùng (UI) trông giống iPhone hơn, cho ra một thứ rắc rối và làm trì trệ cả hệ thống.
Giao diện TouchWiz
Trên tất cả, TouchWiz đơn giản là... nhạt toẹt. Có một phiên bản TouchWiz buồn cười tới mức mà khi bạn chạm vào điện thoại, tiếng động như giọt nước nhỏ xuống lại phát ra. Cuối cùng, Samsung nhận thấy TouchWiz đã nhận quá nhiều gạch đá và quyết định đổi tên nó thành "Samsung Experience". Lúc này, Samsung có lẽ đã bắt đầu thực sự cải thiện trải nghiệm phần mềm của mình. Nhưng họ chưa tiến đủ xa - họ cần phải tái thiết kế hệ thống sâu hơn nữa.
Thế là chúng ta có One UI.
Không phải mọi thứ đều đã thay đổi. Vẫn có một số ứng dụng trùng lặp trong hệ thống, khi mà cả Google lẫn Samsung đều muốn phần mềm của họ hiện diện trong hệ điều hành. Các điện thoại Samsung còn nổi tiếng vì chậm dần theo thời gian, và tôi không rõ One UI và Android 9 liệu có chịu chung số phận đó không. Nhưng tôi biết sau một tuần thử nghiệm rằng hệ điều hành này quả thực mang lại cảm giác được chăm chút và chú tâm thiết kế thay vì chỉ chắp vá một loạt các tính năng lại với nhau.
Chúng ta từng nghĩ tất cả các tùy biến đều là những phần phụ trợ không cần thiết. Nhưng lúc này, điều đó không đúng nữa - việc tùy biến AOSP là điều cần thiết. Chúng ta nên đánh giá một chiếc điện thoại Samsung theo những tiêu chí của riêng nó với tư cách một chiếc điện thoại, không phải là những thành phần rời rạc gắn lên một phiên bản "thuần" lý tưởng nào đó vốn không thực sự tồn tại nữa.
One UI chứa 4 phần quan trọng. Thứ nhất là phần Android 9 Pie cơ bản, tức bạn sẽ có hàng tá tính năng nhỏ miễn phí. Thứ hai là phần giao diện phủ lên trên - mọi thứ trông gọn gàng và thú vị hơn trước đây đôi chút. Samsung đã nhận ra rằng không phải cái gì nhiều cũng tốt.
Thứ ba, vì đây là Samsung, nên có hàng triệu tính năng ẩn mình trong mọi ngóc ngách của hệ điều hành. Một vài trong số chúng - như chế độ giao diện tối chẳng hạn - cực kỳ hữu dụng. Một số khác sẽ khiến bạn nhớ về những ngày tồi tệ khi TouchWiz còn tồn tại. Nhưng nhìn chung, Samsung đã làm tốt hơn trước, khi không giấu những tính năng này dưới hàng tá những màn hình cài đặt rối rắm với từ ngữ mơ hồ mà phải mất 15 phút đầu sử dụng máy bạn mới phát hiện ra được.
Tiêu đề lớn trong giao diện One UI
Tính năng lớn cuối cùng đáng để nói về One UI lại là điều đầu tiên hầu hết mọi người sẽ chú ý: phần tiêu đề lớn bên trong các ứng dụng. Khi bạn mở một ứng dụng như Messages hay Settings, bạn sẽ thấy tên của ứng dụng nằm trong một trường màu trắng (hoặc đen, nếu đang dùng giao diện tối) chiếm trọn nửa trên màn hình. Khi bạn cuộn xuống, phần tiêu đề lớn này sẽ thu nhỏ lại và nội dung sẽ hiển thị toàn màn hình.
Ý tưởng đằng sau tính năng này là ngón tay của bạn sẽ có thể chạm đến những thứ bạn muốn dễ dàng hơn, bởi tiêu đồ lớn này đã đẩy nội dung xuống nửa dưới màn hình. Samsung cho rằng điện thoại ngày nay đã quá lớn, nên tốt nhất là dành ra một nửa màn hình cho phần tiêu đề và giúp chúng ta tiếp cận những thứ khác nhanh hơn.
Có sự khác biệt giữa mánh lới quảng cáo và tính năng. Và khi bạn thấy tít bài tôi đặt, đầu tiên trông nó sẽ y hệt một mánh lới quảng cáo. Nhưng qua quá trình sử dụng, nó mang lại cảm giác tự nhiên và bình thường. Đó là sự khác biệt. Một mánh lới quảng cáo sẽ nói rằng "Ê, nhìn đây, nhìn đây này!". Còn một tính năng sẽ làm điện thoại bạn tốt hơn mà bạn chẳng cần phải nghĩ về nó (Bixby, phần mềm trợ lý của Samsung, đáng tiếc thay vẫn mang lại cảm giác như một mánh lới quảng cáo).
Nhưng One UI vẫn có một vấn đề lớn: cập nhật phần mềm. Samsung mất đến 4-5 tháng để đưa Android 9 Pie lên S9. Quá tệ.
Hệ thống Project Treble mới của Google lẽ ra phải mô-đun hóa hệ điều hành nhằm giúp các nhà sản xuất như Samsung dễ dàng hơn trong việc cập nhật nhanh hệ thống. Nhưng vì lý do nào đó, hệ thống này chẳng giúp Samsung cập nhật phần mềm nhanh hơn. Và tôi không biết liệu có bao giờ họ làm được điều đó hay không.
Tôi không nghĩ đó nhất thiết là một vấn đề lớn đối với bảo mật, miễn là hãng cung cấp các bản vá bảo mật đều đặn hàng tháng. Nhưng khi phiên bản Android tiếp theo xuất hiện, bạn sẽ không thể trải nghiệm nó trên S10 nhanh như trên điện thoại Pixel của Google được.
Đó cũng không nhất thiết là lý do khiến bạn bỏ qua S10 hay One UI. Nhiều định kiến về phần mềm của Samsung nay không còn đúng nữa. One UI tốt hơn nhiều so với những gì hầu hết mọi người sẽ nghĩ khi nói về Samsung. Chỉ hi vọng rằng Samsung khắc phục được vấn đề cập nhật phần mềm nhanh và rốt ráo như những gì họ đã làm để khắc phục TouchWiz.
Tham khảo: TheVerge
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng