Giáo sư chiến lược thị trường cho rằng Apple đang làm sai tôn chỉ của Steve Jobs và điều đó rất có hại

    tvd,  

    Liệu rằng Apple có quyết định sai lầm?

    “Quyết định không làm một việc cũng quan trọng như quyết định sẽ làm một việc nào đó”, Steve Jobs nói với ban giám đốc điều hành của Apple: “Đó là chân lý đối với các công ty và cũng là chân lý đối với sản phẩm”.

    Chiến lược mà Steve Jobs đề ra để giúp Apple thoát khỏi việc phá sản vào năm 1997, đó là bỏ qua tất cả các sản phẩm khác và chỉ tập trung toàn lực vào 4 sản phẩm chính. Trong đó có hai chiếc máy tính và hai thiết bị di động. Bốn thiết bị phần cứng tuyệt vời, hướng đến bốn đối tượng khách hàng khác nhau.

    Giáo sư chiến lược thị trường cho rằng Apple đang làm sai tôn chỉ của Steve Jobs và điều đó rất có hại - Ảnh 1.

    Apple vẫn tiếp tục cập nhật và ra mắt các thiết bị phần cứng mới. Cách đây không lâu, Apple đã ra mắt iPad Air và iPad Mini mới, cùng với đó là tai nghe AirPods thế hệ thứ hai và bản nâng cấp phần cứng của iMac.

    Hiện tại, Apple đang có hai phiên bản MacBook Air và ba phiên bản MacBook Pro khác nhau, đó là chưa kể đến các tùy chọn bộ vi xử lý và dung lượng lưu trữ. Có lẽ nếu Steve Jobs còn sống, ông sẽ đặt một câu hỏi cho đội ngũ bán hàng của Apple: “Tôi sẽ khuyên bạn của mình mua chiếc MacBook nào đây?”.

    Giống như tạp chí Wired đã từng có một bài viết với chủ đề “Chưa lúc nào khó khăn như hiện tại, để lựa chọn được một chiếc laptop Apple phù hợp”. Một công ty công nghệ hàng đầu thế giới trong việc sản xuất những thiết bị phần cứng tốt nhất, cũng không tránh khỏi việc biến mọi thứ trở nên thật hỗn loạn.

    Và theo Giáo sư phân tích chiến lược Howard Yu của IMD Business School, Apple đang lộ rõ những sai lầm của mình, đặc biệt là qua sự kiện ra mắt các dịch vụ mới vào đêm qua. Apple đã đi ngược lại với triết lý kinh doanh đơn giản của Steve Jobs, và càng làm cho mọi thứ trở nên phức tạp hơn.

    Apple lộ rõ sai lầm trong chiến lược kinh doanh của mình

    “Có ba loại hình của sự đổi mới và không có sự đổi mới nào được tạo ra bằng cách giống nhau”, Giáo sư Clayton Christensen tại trường Harvard Business School cho biết.

    Loại hình phổ biến nhất, đó là thực hiện đổi mới bằng cải cải tiến trên những sản phẩm hiện có, hướng tới mục tiêu của người tiêu dùng là muốn hiệu năng tốt hơn. Đó là sự đổi mới bền vững và truyền thống.

    Giáo sư chiến lược thị trường cho rằng Apple đang làm sai tôn chỉ của Steve Jobs và điều đó rất có hại - Ảnh 2.

    Giống như cách mà Apple thực hiện những nâng cấp và cải tiến trên iPhone X. Rất nhiều người dùng đã nâng cấp iPhone X, để được sở hữu những tính năng mới như nhận diện khuôn mặt, màn hình OLED hay bộ vi xử lý mạnh mẽ hơn.

    Tuy nhiên loại đổi mới này chỉ có thể giúp duy trì thị phần đang có, nó không giúp công ty có thể tăng trưởng và xâm chiếm những thị phần khác. Theo thời gian, loại đổi mới này không thể giúp công ty tăng trưởng mãi mãi. Đó cũng là lý do vì sao thời gian vừa qua Apple có doanh thu sụt giảm và lợi nhuận ngừng tăng trưởng.

    Ngược lại, chiếc iPhone đầu tiên chính là “sự đổi mới giúp tạo ra thị trường mới, một thị trường dành cho các thiết bị smartphone và ứng dụng hỗ trợ”. Đó là loại đổi mới thứ hai, làm tạo ra một nhóm người tiêu dùng mới mà chưa từng tồn tại trước đó.

    Ví dụ như mẹ tôi, một người ít khi tiếp xúc với công nghệ. Trước đây bà cũng chưa từng sử dụng máy vi tính hay bất kỳ thiết bị di động thông minh nào của Sony, Nokia hay Blackberry. Nhưng Apple đã khiến mẹ tôi biết tới iPhone và smartphone, biết tới các ứng dụng trên di động.

    Thách thức của Apple khi đổi mới để cạnh tranh với Netflix

    Các dịch vụ của Apple như Apple News Plus, Apple TV Plus đều là những đổi mới truyền thống, không tạo ra thị trường mới hay những đối tượng khách hàng mới. Bởi trước Apple, đã có rất nhiều những dịch vụ tương tự phát triển và định hình nên một thị trường truyền hình trực tuyến khá ổn định.

    Apple TV Plus tham gia vào thị trường này khi đã quá muộn. Những công ty như Netflix không chỉ xây dựng được thị phần, mà còn có một lượng lớn dữ liệu thu thập từ thói quen sử dụng của khách hàng từ nhiều năm nay. Đó cũng là lợi thế lớn mà Apple không có.

    Giáo sư chiến lược thị trường cho rằng Apple đang làm sai tôn chỉ của Steve Jobs và điều đó rất có hại - Ảnh 3.

    Netflix cũng đã liên tục đổi mới kể từ khi được thành lập vào năm 1997, khi vẫn còn là một startup cho thuê DVD. Netflix đã đổi mới theo cách chưa từng có, đó là giới thiệu đến người dùng những bộ phim không phải bom tấn hay mới ra mắt, mà chính là những bộ phim cũ và ít được biết đến, nhưng lại phù hợp với sở thích của họ.

    Chính chiến lược này đã giúp Netflix thành công, khi có thể kiếm được rất nhiều tiền từ những bộ phim ít tên tuổi, thay vì phải bỏ ra rất nhiều tiền để sở hữu những bộ phim bom tấn. Tiếp đó, Netflix vẫn không ngừng thử nghiệm những thứ mới mẻ.

    Netflix theo dõi sát sao thói quen xem phim của người dùng, xem vào thời điểm nào, xem những thể loại nào, xem bao nhiêu tập mỗi ngày. Từ đó mà có những thử nghiệm đổi mới, như việc ra mắt cùng lúc 13 tập của House of Card năm 2013, thay vì mỗi tuần ra một tập. Hay mới đây, Netflix cũng thử nghiệm những tập phim mà người xem có thể tương tác để quyết định hành động của nhân vật.

    Theo giáo sư Howard Yu, khi một kẻ mới bước chân vào thị trường giống như Apple muốn cạnh tranh với kẻ thống trị như Netflix, hơn 30 năm nghiên cứu của ông Yu cho thấy rằng người chiến thắng luôn là kẻ thống trị. Nếu một nhà đầu tư sẵn sàng bỏ 1 USD cho Apple, thì họ có thể sẵn sàng trả 8 USD cho Netflix, điều đó cho thấy niềm tin của các chuyên gia vào Netflix là lớn như thế nào.

    Tham khảo: Forbes

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày