Giới thiệu cấu hình Ryzen RGB với giá 40 triệu: đẹp mắt, hợp thời và tất nhiên là đủ mạnh
Cấu hình với mức giá vừa phải mà vẫn làm hay chơi giỏi.
Từ khi ra mắt hồi đầu tháng 3, AMD Ryzen 7 vẫn đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm của giới đam mê công nghệ. Hơn một nửa thập kỉ ngụp lặn, có lúc người ta đã quên mất sự tồn tại của AMD trên thị trường CPU thì năm nay họ đã có một sự trở lại mạnh mẽ, đã "ryzen". Cái tên Ryzen có lẽ là cách chơi chữ, viết lái đi của "risen", ý muốn nói đến sự trỗi dậy của AMD.
Trong khi Intel đang độc bá thị trường đến mức dần đang ngủ quên trên chiến thắng, Ryzen 7 bỗng xuất hiện liên tục phả hơi nóng vào gáy đối thủ. Dù hiệu năng game vẫn còn đôi chút thua thiệt, bộ 3 CPU Ryzen bỗng dưng trở thành một lựa chọn vẹn toàn phù hợp với mọi nhu cầu của người dùng. Từ chơi game, render đồ hoạ 3D, dựng video hay mã hoá dữ liệu, CPU này đều xử lý tốt, thậm chí đôi lúc còn nhỉnh hơn các CPU HEDT của Intel vốn có mức giá không hề dễ chịu.
Với Ryzen quá hấp dẫn như vậy, để bỏ lỡ chúng đôi khi là một tội ác. Để hỗ trợ cho mọi người được làm "người lương thiện", tôi xin giới thiệu một cấu hình Ryzen 7 văn võ song toàn, vừa chơi game tốt lại vừa xử lý được công việc một cách mạnh mẽ. Không những thế, nó hứa hẹn sẽ còn đẹp và hợp thời với đèn LED RGB trang bị trên hầu hết các linh kiện.
1. CPU: AMD Ryzen 7 1700
R7 1700 là CPU rẻ nhất của dòng Ryzen 7. Mức giá 8,4 triệu VNĐ của CPU này cạnh tranh trực tiếp với Intel Core i7-7700K bên kia chiến tuyến. 8 nhân 16 luồng của R7 1700 khiến nó trở thành một lựa chọn vẹn toàn hơn cho người dùng nhờ hiệu năng phuc vụ công việc cực kì ấn tượng.
Đây cũng là lựa chọn ưa thích của những người dùng thích hí hoáy bởi khả năng ép xung cực kì cao của CPU này. Dù xung nhịp có xung nhịp gốc 3,0 GHz và boost là 3,7 GHz, R7 1700 có thể dễ dàng được kéo lên mức xung 4,0 GHz chỉ với tản nhiệt khí Wraith Spire đi kèm, cho hiệu năng ngang ngửa R7 1700X và R7 1800X dù giá cao hơn khá nhiều. Tản nhiệt stock này của AMD được đánh giá rất cao cả về hiệu năng lẫn tính thẩm mỹ.
Khả năng thoát nhiệt của Wraith Spire lên tới 95W trong khi thiết kế tiêu chuẩn của R7 1700 chỉ là 65W. Bởi vậy người dùng vẫn còn nhiều khoảng trống để ép xung cao chỉ với tản nhiệt stock. Chưa kể, chiếc tản nhiệt này còn được trang bị vòng LED RGB thời thượng có thể điều chỉnh được khi kết nối dây tín hiệu màu với bo mạch chủ.
Hiệu ứng LED RGB của tản nhiệt Wraith Spire
Tản nhiệt stock cũng là một yếu tố quyết định khi lựa chọn R7 1700. Trong khi hầu hết các tản nhiệt trên thị trường chưa tương thích với socket mới AM4, R7 1700X và R7 1800X lại không được trang bị tản nhiệt stock cho CPU, gây khá nhiều khó khăn khi xây dựng cấu hình.
Giá bán: 8,390,000 VNĐ.
2. Bo mạch chủ: ASUS Prime X370-Pro
Prime X370-Pro là một chiếc bo mạch chủ tầm trung-cao cấp của ASUS được trang bị hầu hết các tính năng cao cấp của hãng. Với một R7 1700 có thể ép xung ở mức khá cao, các bo mạch chủ X370 là lựa chọn có phần tối ưu hơn nhờ được trang bị hệ thống cấp nguồn VRM nhiều pha hơn hẳn các bo mạch chủ sử dụng chipset cấp thấp hơn. Với các linh kiện cao cấp, Prime X370-Pro hứa hẹn sẽ giúp R7 1700 hoạt động ổn định hơn, kéo dài tuổi thọ hơn dù chạy ở mức xung nhịp 4 GHz trên cả 8 nhân CPU.
Là dòng bo mạch chủ gần cao cấp nhất cho chipset X370 ở thời điểm hiện tại của ASUS, Prime X370-Pro được hãng ưu ái trang bị nhiều phụ kiện. Số lượng cổng kết nối cũng khá đầy đủ từ USB 3.0 tới USB-C cùng phần âm thanh sử dụng tụ sản xuất tại Nhật Bản cho chất lượng âm thanh trong trẻo hơn. 2 kênh trái phải của phần âm thanh cũng được tách riêng trên 2 lớp mạch in để tránh cản trở gây nhiễu sóng. Khe cắm PCIe cũng được gia cố để chịu sức nặng của những chiếc card đồ hoạ 2-3 slot.
Ngoài các tấm ốp tản nhiệt cho chipset, VRM và mofset khá bắt mắt, ASUS Prime X370-Pro còn tăng tính thẩm mỹ của toàn bộ máy khi trang bị LED RGB theo các đường chạy ở cạnh trước và sau mạch. Ngoài ra, để bắt kịp xu hướng RGB, ASUS còn trang bị cho bo mạch chủ của mình một chân cắm LED RGB hỗ trợ AURA Sync độc quyền của hãng. Nhờ thế, người dùng có thể đồng bộ màu sắc của toàn bộ các linh kiện trên dàn máy của mình.
Giá bán: 4.290.000 VNĐ
3. RAM: G.Skill Trident Z RGB DDR4 16GB (8x2) 3200 MHz
G.Skill cùng dòng RAM TridentZ của mình vẫn luôn được ưa chuộng trên khắp thế giới nhờ hiệu năng mạnh mẽ, thiết kế phá cách cùng giá thành khá hợp lý. Cuối năm ngoái, công ty này đã nâng tầm dòng RAM con cưng của mình bằng việc trang bị thêm đèn LED RGB để bắt kịp xu hướng. Nhờ hỗ trợ ASUS AURA Sync, màu sắc của các thanh RAM này có thể được điều chỉnh dễ dàng thông qua ứng dụng AURA cũng như đồng bộ với đèn trên bo mạch chủ và các linh kiện khác.
Về xung nhịp, tôi cực kì khuyến cáo các bạn nên sử dụng RAM đã được thử nghiệm ở xung nhịp cao bởi các CPU Ryzen được hưởng lợi rất lớn từ xung nhịp của RAM. Như đã biết, tốc độ trao đổi dữ liệu giữa các cụm nhân CCX của các CPU R7 sẽ phụ thuộc vào xung nhịp của RAM. Hiệu năng chơi game với RAM chạy ở xung nhịp gốc 2133 MHz so với RAM chạy ở xung nhịp 2993 MHz có thể lên tới 20% số FPS. 2993 MHz theo tôi có thể được coi là "sweet spot" cho Ryzen.
Với việc BIOS của các bo mạch chủ đã được cập nhật để hỗ trợ xung nhịp cao của RAM, chẳng tội gì mà không lựa chọn cho mình một kit RAM với nhãn mác xung nhịp cao để tận dụng hết hiệu năng của Ryzen. Dù giá thành có thể cao hơn đôi chút, bạn sẽ không phải hối tiếc khi chứng kiến hiệu năng vượt trội nhờ RAM của Ryzen. 16GB theo tôi cũng là dung lượng khá thoải mái cho hầu hết nhu cầu. Những người dùng với các tác vụ chuyên biệt hơn có thể xem xét nâng cấp RAM lên 32GB để đảm bảo hiệu năng làm việc.
Giá bán: 3.890.000 VNĐ
4. Card đồ hoạ: ASUS ROG STRIX GTX 1070 8GB Gaming
Từ trước tới nay, các GPU GTX x70 của Nvidia luôn rất được ưa chuộng bởi hiệu năng trên giá thành cực kì cao. Một dàn máy với CPU 8 nhân 16 luồng sẽ cần một chiếc GPU tương đối mạnh mẽ để xuất ra nhiều khung hình cho CPU có việc để làm. Mức giá còn tương đối cao của các dòng card đồ hoạ trang bị GPU cao cấp của Nvidia có thể khiến người mua chùn tay nhưng không thể phủ nhận được hiệu năng của chúng.
GTX 1070 Strix là một lựa chọn tuyệt vời về hiệu năng cũng như chất lượng linh kiện. Với dây chuyền sản xuất tự động 100%, sai số giữa các card đồ hoạ gần như bị xoá nhoà. Chưa kể, là dòng cao cấp, các GPU trên dòng Strix cũng được ASUS chọn lựa kĩ càng hơn đôi chút, hứa hẹn mức xung khi chơi game đạt mức khoảng hơn 2000 MHz và được làm mát bởi hệ thống tản nhiệt 3 quạt kích thước lớn. Nhờ đó, GTX 1070 Strix có thể dễ dàng chiến các tựa game AAA ở thiết lập rất cao cùng độ phân giải từ 2K trở xuống mà vẫn có số FPS ở mức khoảng 100.
Khi bo mạch chủ đã có RGB lại còn có AURA Sync, lựa chọn chuẩn nhất cho VGA không gì khác ngoài các card đồ hoạ Strix của ASUS. Với ứng dụng AURA, người dùng có thể chỉnh màu của chiếc card đồ hoạ này theo nhịp hay theo màu của toàn bộ các linh kiện khác hỗ trợ ASUS AURA Sync. Không những dải màu quanh quạt tản nhiệt sáng đèn, cả phần backplate với logo ROG đặc trưng cũng có LED để đồng bộ với AURA Sync.
Ngoài ra, ASUS cũng đang đưa ra chính sách tặng thêm một năm bảo hành, nâng tổng thời gian bảo hành lên tới 4 năm cho các sản phẩm bo mạch chủ và card đồ hoạ của ASUS.
Giá bán: 12.980.000 VNĐ
5. SSD NVMe: Corsair Force MP500 240GB
SSD giờ đây đã trở nên phổ thông với hầu hết các dàn máy hiện đại với mức giá tương đối dễ chịu. Thế nhưng chuẩn kết nối SATA III 6Gbps đã hạn chế khả năng vươn xa về hiệu năng của các ổ cứng thể rắn. Bởi vậy, việc sử dụng kết nối NVMe trở thành giải pháp cho những người dùng đam mê tốc độ. Sử dụng giao thức PCIe 4x, băng thông của kết nối này có tốc độ có thể lên tới 32Gbps, tương đương với 4 GB/giây.
Corsair nói chung và dòng sản phẩm Force nói riêng của hãng vẫn luôn là lựa chọn ổ cứng thể rắn hàng đầu cho các cấu hình cao cấp. Với tốc độ đọc ghi tuần tự lên đến 3000 MB/giây và 2400 MB/giây, sức mạnh của Corsair Force MP500 240 GB là không phải bàn cãi, thừa sức thoả mãn bất cứ người dùng khó tính nào. Dù mức giá của các ổ NVMe vẫn còn hơi cao so với SSD chuẩn SATA, khác biệt về tốc độ về lý thuyết có thể lên tới 6 lần.
Trải nghiệm sử dụng thực tế của bản thân tôi cho thấy NVMe có tốc độ quá kinh khủng. Đôi khi PC của tôi còn chưa kịp hiện logo Windows thì đã vào đến màn hình đăng nhập. Các game khủng với thế giới mở rộng lớn như GTA V cũng hưởng lợi rất nhiều từ tốc độ tên lửa của các ổ NVMe. Nếu đã hướng mình tới một cấu hình trung-cao cấp, NVMe chắc chắn là một khoản đầu tư cực kì đáng tiền, tương tự như SSD so với HDD vào 5-6 năm trước.
Giá bán: 4.439.000 VNĐ
6. Nguồn Thermaltake Toughpower DPS G RGB 650W Gold
Theo khuyến cáo từ Nvidia, công suất khuyến nghị cho một cấu hình chạy GTX 1070 là 500W. Là một cấu hình "vươn tới những vì sao", việc đầu tư một chiếc nguồn chất lượng tốt với chứng chỉ 80 Plus Gold là một việc nên làm. Theo quan điểm của tôi, 80 Plus Gold mức vừa phải bởi khác biệt của 80 Plus Titanium không thực sự đáng để đầu tư thêm. Số tiền chênh lệch đó có thể được dùng để đắp vào các linh kiện khác.
Ngoài việc đảm bảo điện năng cung cấp luôn ổn định, 650W là mức công suất đảm bảo cho tương lai. Với phần cốt CPU cùng bo mạch chủ vẫn mạnh mẽ trong 4-5 năm tới, thứ sớm được nâng cấp nhất có lẽ là card đồ hoạ. Khoảng 3 năm nữa, bạn có thể sẽ có nhu cầu nâng cấp VGA và biết đâu đó sẽ là một chiếc GTX 3080 Ti hoặc đại loại thế. Chưa kể, việc ép xung R7 1700 khá nhiều cũng yêu cầu một bộ nguồn đảm bảo.
Ngoài hiệu năng mạnh mẽ, Toughpower DPS G RGB 650W Gold còn được trang bị quạt tản nhiệt LED RGB để tăng độ lung linh cho dàn máy. Bạn thậm chí còn có thể tải ứng dụng của Thermaltake trên smartphone để điều chỉnh màu sắc và hiệu ứng đèn của chiếc nguồn này. Một điểm cộng khác của chiếc quạt này là trục quay thuỷ lực, giúp tăng hiệu năng làm mát mà không gây ra tiếng ồn lớn như các loại quạt truyền thống.
Giá bán: 3.289.000 VNĐ
7. Vỏ case Phanteks P400 Tempered Glass
Ngoài xu hướng RGB, kính cường lực cũng là một xu hướng thiết kế của các vỏ case máy tính trong năm 2017. Kích thước mid tower cùng chiều ngang khá rộng, bạn có thể trang bị bất cứ card đồ hoạ nào cho cấu hình của mình dù là loại to nạc nhất. Các lỗ đi dây cũng được bố trí hợp lí với chất lượng của miếng cao su che khá cao, không bị rời ra khi bị lực tác động mạnh. Mảng nhựa che phần nguồn, dây nguồn và khay HDD cũng tăng vẻ gọn gàng cho dàn máy.
Ở mặt sau của chiếc vỏ case này là khoảng cắt khá rộng để người dùng thoải mái thay tản nhiệt CPU mà không gặp nhiều khó khăn. Phanteks cũng trang bị cho chiếc vỏ này một số dây dính cùng khoảng sáng lớn ở mặt sau để người dùng đi dây gọn gàng và dễ dàng hơn. Nhờ vậy, nếu được chăm chút một tí, dàn máy sẽ đạt hiệu quả thẩm mỹ cực kì cao. Các khe hở với thiết kế gắn quạt hút cũng được trang bị lớp lưới để ngăn bớt bụi lọt vào bên trong.
Các cổng kết nối ở phía trước của chiếc vỏ case này cũng ở mức vừa đủ dùng. Điểm được quan tâm nhất có lẽ là phần LED RGB ở viền của nút nguồn cũng như ở phía dưới của mặt trước case. Một dây nguồn SATA sẽ được sử dụng để cấp nguồn cho bộ LED này. Phanteks cũng trang bị một nút bấm riêng biệt được giấu khá khéo để người dùng điều chỉnh hiệu ứng LED của khu vực này. Không những thế, P400 TG còn đi kèm một dải LED RGB dài 0,5m có nam châm để gắn lên thành phía trong của case. Bạn có thể kết nối dải LED này với cụm LED của nút nguồn hoặc bo mạch chủ để đồng bộ qua AURA Sync.
Phần kính cường lực cũng là điểm nhấn của P400 TG khi có tông hơi đen một chút, giúp giảm độ chói của dàn LED RGB của các linh kiện bên trong, tăng độ huyền ảo. Phần viền xung quanh của tấm kính này cũng được sơn đen để dễ dàng hơn trong lắp đặt, tránh để lại vân tay ở mặt trong của kính. Tấm kính cường lực của P400 TG được cố định bằng 4 vít có đệm cao su ở bốn góc.
Giá bán: 1.990.000 VNĐ
HDD sẽ là tuỳ ý theo yêu cầu của người dùng. Vỏ case Phanteks P400 TG được trang bị sẵn 2 quạt, 1 hút ở mặt trước và 1 thổi ở mặt sau. Nếu muốn dàn máy của mình mát mẻ hơn, bạn có thể đầu tư thêm một vài chiếc quạt 120mm bởi P400 TG có thể gắn tới 6 quạt case tất cả. Ngoài ra màn hình, gear cũng tuỳ nhu cầu và ngân sách. Như vậy tổng chi phí cho dàn máy này là từ 39.300.000 VNĐ trở lên.
Có thể nhiều người sẽ đánh giá các linh kiện này đều là lựa chọn hơi đắt tiền, có thể là phí phạm nhưng một khi đã có ngân sách tầm này, việc đầu tư thêm chút ít để tăng tính thẩm mỹ cũng như bắt kịp xu hướng thiết kế cũng là một điều hợp lý. Giá các linh kiện được ghi nhận vào thời điểm viết bài và có thể sẽ chênh lệch chút ít ở mỗi cửa hàng hoặc sẽ phải thay đổi đôi chút tuỳ độ sẵn của hàng hoá. Tuy nhiên, tôi tin là các linh kiện này cũng không có gì quá kiếm khi đều là các sản phẩm được săn đón trên thị trường.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng