Google một lần nữa tìm cách giải quyết "mớ bòng bong" nhắn tin trên Android với Chat
Liệu kẻ kế tục của SMS có gì để đối chọi với iMessage?
Một chiếc điện thoại Android cao cấp có thể có giá lên đến 1.000 USD, và với số tiền khổng lồ đó, bạn sẽ có được nhiều tính năng thú vị. Chiếc điện thoại đó sẽ có một màn hình tuyệt đẹp, camera ảo diệu, bộ nhớ lưu trữ dư dả, và một trải nghiệm nhắn tin cực kỳ... tệ.
Đó chính là vấn đề. Trên thực tế, đó luôn là một vấn đề mà Google đã phải bỏ ra gần một thập kỷ cố gắng - và thất bại - để sửa, với hàng tá ứng dụng có chất lượng nghèo nàn. Trong khi người dùng iPhone được hưởng ứng dụng iMessage tích hợp sẵn trong iOS đơn giản và hiệu quả đến không ngờ, thì người dùng Android lại phải tự mình "vượt sóng dữ".
Google quyết định làm điều khác biệt. Thay vì lại tiếp tục tạo ra một ứng dụng mới tốt hơn, gã khổng lồ tìm kiếm cố gắng thay đổi luật của "trò chơi nhắn tin" trên quy mô toàn cầu, âm thầm "dụ dỗ" các nhà mạng di động lớn trên thế giới ứng dụng công nghệ mới nhằm thay thế SMS. Công nghệ mới này sẽ được gọi là "Chat", và được phát triển dựa trên một chuẩn gọi là "Universal Profile for Rich Communication Services" (Chuẩn toàn cầu về các dịch vụ liên lạc giàu tính chất). Người ta luôn quay về với SMS mỗi khi gặp sự cố với các hình thức tin nhắn khác, và do đó mục tiêu của Google là làm sao cho trải nghiệm nhắn tin mặc định này trên Android trở nên tốt ngang ngửa các ứng dụng nhắn tin hiện đại khác.
Để thực hiện được điều này, Google cho biết hãng sẽ "tạm ngưng" phát triển ứng dụng nhắn tin mới đây nhất của mình là Allo. "Tạm ngưng" ở đây là chuyển toàn bộ nhóm phát triển Allo và mọi tài nguyên của ứng dụng này sang một ứng dụng khác - Android Messages.
Google tất nhiên sẽ không phát triển một bản sao của iMessage như mọi Android fan hằng mong ước, thay vào đó họ "lừa phỉnh" để các nhà mạng thực hiện điều đó thay mình. Để có thể giành được chiến thắng trong cuộc chiến nhắn tin, Google trước hết phải thừa nhận thất bại.
"Chat" sẽ như thế nào
Chat không phải là một ứng dụng nhắn tin mới. Thay vào đó, nó có vẻ là một bộ các tính năng mới được tích hợp vào một ứng dụng vốn đã được cài đặt sẵn trên hầu hết các điện thoại Android. Chat là cách gọi dân dã của Rich Communication Services (Dịch vụ giao tiếp giàu tính chất - RCS), chuẩn mới thay thế cho SMS, và sẽ tự động được bật lên trong Android Messages - trình nhắn tin mặc định trên Android.
Khi mọi người bắt đầu sử dụng Chat, họ sẽ có rất nhiều tính năng vốn là "chuyện thường ngày ở huyện" trên bất kỳ ứng dụng nhắn tin nào khác, bao gồm cả báo cáo "đã xem", báo hiệu người kia đang gõ tin nhắn, hiển thị hình ảnh và video độ phân giải đầy đủ, và nhắn tin theo nhóm.
Nhưng hãy nhớ rằng, Chat là một dịch vụ dựa vào nhà mạng, không phải là dịch vụ của Google. Nó chỉ là "Chat", không phải "Google Chat". Google là công ty dẫn đầu trong phát triển chuẩn mới này, do đó mọi dịch vụ Chat của mọi nhà mạng đều sẽ tương thích với Android. Nhưng, cũng như SMS, Chat không hỗ trợ mã hóa hai chiều, và nó tuân theo mọi tiêu chuẩn pháp lý như SMS. Nói cách khác, Chat sẽ không bảo mật như iMessage hay Signal.
Dịch vụ Chat mới này sẽ được bật lên cho hầu hết mọi người trong tương lai gần, dù thời gian cụ thể sẽ được quyết định bởi từng nhà mạng riêng biệt. Google lạc quan rằng nhiều nhà mạng sẽ "bật công tắc" trong năm nay, nhưng sẽ có thể có một vài người chậm chân hơn. Các tin nhắn Chat sẽ được gởi đi bằng dữ liệu di động thay vì dữ liệu SMS, do đó bạn sẽ chỉ bị trừ dung lượng dữ liệu (rất ít) khi gởi một tin nhắn. Tất nhiên, điều này cũng sẽ tùy thuộc vào các nhà mạng.
Nếu bạn nhắn tin cho ai đó không có Chat (chưa được bật lên, hoặc không phải người dùng Android), các tin nhắn sẽ bị chuyển ngược lại thành SMS - giống như cách iMessage đang làm. Không ai trừ Apple biết khi nào iPhone mới hỗ trợ Chat (hay liệu có hỗ trợ hay không).
Thay vì cứ tiếp tục phát triển Allo - hay tạo ra một ứng dụng nhắn tin mới - Google sẽ giới thiệu nhiều tính năng mới cho ứng dụng Android Messages mặc định, như tìm hình GIF và trợ lý ảo Google Assistant. Android Messages sẽ được cài mặc định trên nhiều điện thoại Android. Điện thoại Samsung cũng sẽ hỗ trợ Chat thông qua ứng dụng của Samsung. Bạn sẽ vẫn có thể tải về ứng dụng nhắn tin của Google nếu bạn thích nó, bởi dù sao đi nữa, khả năng rất cao là các nhà phát triển bên thứ 3 (bao gồm cả Samsung) sẽ không thể tạo ra các ứng dụng hỗ trợ hoàn toàn RCS được!
Khởi động lại một lần nữa
Anil Sabharwal
Để thực hiện dự án vĩ đại này, Google đã bổ nhiệm một giám đốc mới: Anil Sabharwal. Ông đã từng lãnh đạo nhóm phát triển ứng dụng Google Photos - ứng dụng Google thành công nhất trong nhiều năm qua. Đó cũng là một ví dụ rõ ràng về việc Google đã lấy ý tưởng ban đầu được tích hợp trong Google và biến chúng thành một ứng dụng đa nền tảng tuyệt vời như thế nào.
Do đó, hoàn toàn hợp lý khi CEO Sundar Pichai giao cho Sabharwal nhiệm vụ sửa một trong những vấn đề lâu đời và đau đầu nhất của Google. Sabharwal phải tìm ra cách nào đó để biến trải nghiệm nhắn tin mặc định trên Android không chỉ tốt mà còn trở thành một phần trong một mạng lưới toàn cầu có khả năng cạnh tranh với các ứng dụng như WhatsApp, Facebook Messenger và iMessage. Và ông cần phải làm điều đó mà không khiến bất kỳ ai trong hàng trăm công ty quyền lực đang nắm giữ thị phần trong thị trường smartphone căm ghét.
"Tôi nhận nhiệm vụ này với vai trò một người làm ra các sản phẩm tiêu dùng" - Sabharwal nói. Sau tháng trước, ông quản lý nhóm truyền thông và hỗ trợ cho các chiến lược và kế hoạch bán hàng của Google. Với phương pháp "thử mọi thứ" liên quan đến nhắn tin, Google nay có 4 ứng dụng nhắn tin lớn: Hangouts, Allo, Duo và Android Messages.
Hangouts ra mắt vào 5 năm trước, là nỗ lực tham vọng nhất của Google nhằm cạnh tranh với iMessage, WhatsApp và Facebook Messenger. Hangouts đã thành công trong việc kết hợp nhiều ứng dụng Google riêng rẽ vào một hệ thống đơn lẻ, thống nhất. Tuy nhiên, Hangouts lại là một sản phẩm dang dở, khi mà Google nhồi nhét quá nhiều thứ vào đó, từ SMS, dịch vụ stream video trực tiếp, Google Voice và Project Fi, khiến mục đích tổng quát của nó liên tục thay đổi, và mọi thứ bắt đầu chậm chạp dần trên smartphone, và quá cơ bản trên desktop.
Thay vì ngừng lại, Google lại đang định hướng Hangouts trở thành một ứng dụng dành cho doanh nghiệp nhằm cạnh tranh với Slack, và đổi tên thành Hangouts Chat. Sự thay đổi từ một ứng dụng dành cho người tiêu dùng thông thường này sẽ mất một khoảng thời gian, và đến một lúc nào đó, Google sẽ cần phải xóa bỏ tính năng nhắn tin thông thường đối với những người dùng vẫn đang sử dụng Hangouts để nhắn tin cá nhân. Hiện công ty này đưa ra thông báo rằng "phiên bản người dùng thông thường của Hangouts sẽ được nâng cấp thành Hangouts Chat... nhưng trọng tâm của chúng tôi dành cho Hangouts vẫn sẽ chủ yếu trên mảng nhắn tin và giao tiếp doanh nghiệp/nhóm". Có thể họ sẽ tung ra một phiên bản miễn phí dành cho người dùng thông thường, nhưng cũng như Allo, đã đến lúc tìm kiếm một giải pháp khác.
Tiếp theo, Google tung ra một ứng dụng nhắn tin mới dành cho di động và thuyết phục mọi người sử dụng nó. Đó là Allo, ra mắt 2 năm trước. Allo là một ứng dụng "khá", với nhiều tính năng thú vị cùng trợ lý ảo Google Assistant. Nhưng vào năm 2016, tạo ra một ứng dụng nhắn tin tốt là chưa đủ, khi mà nó phải cạnh tranh với những gã khổng lồ tên tuổi khác. Allo cũng đi vào vết xe đổ của Google đối với các ứng dụng tin nhắn, và người ta lo rằng nó sẽ không được hỗ trợ lâu dài (và hóa ra họ đã đúng). Vết xe đổ đó là gì?
Nếu bạn muốn tung ra một ứng dụng nhắn tin, bạn cần có chiến lược tốt để giúp nó tăng trưởng. iMessage thành công vì nó được tích hợp sẵn vào iPhone. WhatsApp thành công vì nó gắn chặt với số điện thoại, cho phép người dùng tránh trả phí SMS (và có lợi thế là ứng dụng phổ biến đầu tiên tận dụng thông báo đẩy). Facebook Messenger thành công vì nó được tích hợp sẵn vào Facebook. Allo không có chiến lược nào như vậy cả. Google chỉ lên kế hoạch sử dụng các dịch vụ của mình trên Android. Khi bạn gởi một tin nhắn Allo đến người chưa cài ứng dụng, họ sẽ nhận được một thông báo đẩy của Google thay vì một SMS, trong đó khuyến khích họ cài ứng dụng (và họ có thể trả lời trực tiếp mà không cần cài). Hai năm sau, chưa tới 50 triệu người dùng Android cài Allo, và xét số lượng cài đặt của WhatsApp và Facebook Messenger lên đến hơn 1 tỷ, rõ ràng Allo đã không thành công.
Duo - ứng dụng chat video mới của Apple - thành công đáng ngạc nhiên; 1/4 số cuộc gọi Duo đến hoặc đi từ iPhone. Nhưng nó chủ yếu dùng cho chat video, khác với Allo và Android Messages - hai ứng dụng mà tính năng dưới góc nhìn người tiêu dùng chẳng khác nhau là mấy.
Android Messages nắm giữ mọi người dùng. Dù điện thoại Samsung không dùng Android Messages làm trình SMS mặc định, hầu như mọi nhà sản xuất lớn (bên ngoài Trung Quốc) đều cài sẵn Android Messages. Nhờ đó Android Mesages có được hơn 100 triệu người dùng mỗi tháng. Theo Sabharwal thì "đến cuối cùng, người ta cũng quay về trình SMS mặc định. Họ không hứng thú với việc dùng nhiều ứng dụng khác nhau để nhắn SMS".
Đúng như vậy. Cho dù đã bước sang năm 2018, nhưng mọi người vẫn chỉ thích dùng ứng dụng nhắn tin mặc định. Dù WhatsApp và Facebook Messenger đều có hơn 1 tỷ lượt cài đặt, những người dùng đó đều quay về SMS khi họ buộc phải làm vậy. Đó là một lựa chọn mặc định và thống nhất: mọi điện thoại đều hỗ trợ, và luôn làm tốt những gì nó phải làm. Sabharwal ước tính có đến 8 nghìn tỷ tin nhắn SMS được gởi mỗi năm.
Google Allo
Allo, dù là một ứng dụng nhắn tin hoàn hảo và đầy đủ chức năng, nhưng chưa bao giờ thành công trong việc xây dựng lượng người dùng cơ sở. Sabharwal nhìn vào Allo và thấy những tính năng tuyệt vời. Khi nhìn vào Android Messages, ông thấy một sản phẩm có sức phát triển khủng khiếp.
Vậy thì giải pháp hiển nhiên là dồn mọi nỗ lực từ Allo - vốn không có khả năng thu hút người dùng - và tích hợp những tính năng của nó sang Android Messages. "Điều đầu tiên tôi làm là sẽ kết hợp hai thứ đó với nhau. Đó là quyết định đầu tiên mà chúng tôi đưa ra" - Sabharwal nói.
Nói trắng ra, Google sẽ từ bỏ việc sở hữu một ứng dụng nhắn tin tiêu dùng - ứng dụng có tiềm năng cạnh tranh với Facebook Messenger. "Có nhiều sản phẩm và trải nghiệm nhắn tin tuyệt vời. Chỉ vì Google muốn trở thành một trong số đó không phải là lý do để chúng tôi đầu tư hay tạo ra các sản phẩm. Chúng tôi xây dựng các sản phẩm vì tin rằng có thể mang lại trải nghiệm người dùng tốt hơn".
Bạn sẽ nghĩ, tại sao Google không copy iMessage và mang nó lên Android? Vì nó quá nguy hiểm đối với công ty. Nhiều người cho rằng Google có quả đủ thực lực và tiếng nói để có thể tạo ra một thứ khiến các nhà mạng phải chấp nhận dù họ thích hay không. Verizon và Deutsche Telecom và mọi nhà mạng khác sẽ làm gì, chuyển sang Tizen để phản đối sao? Không đâu.
Nhưng sự thật là các nhà mạng này lại có ưu thế đối với Google, không đơn thuần liên quan đến việc chọn bán điện thoại Android hay không. Android là một hệ điều hành mã nguồn mở. Và dù Google có thể đặt ra những yêu cầu để tích hợp các dịch vụ Google vào Android, hãng không thể bắt buộc mọi nhà mạng làm điều đó. Một nhà mạng có thể đặt Bing làm trình tìm kiếm mặc định, hoặc thiết lập trình RCS của riêng mình làm ứng dụng nhắn tin mặc định.
Lẽ ra Google đã phải tích hợp một giao thức nhắn tin độc quyền từ năm 2011, khi Apple giới thiệu iMessage. Nhưng năm 2018, các nhà mạng không hề thích iMessage, và họ sẽ không nhân nhượng với một dịch vụ tương tự được đặt mặc định trên Android - một hệ điều hành thống trị toàn cầu. Dù họ sẽ không tính phí SMS đắt đỏ đối với người dùng, các nhà mạng vẫn thích RCS hơn bởi họ sẽ có cơ hội bán các dịch vụ RCS cho các doanh nghiệp. GSMArena ước tính thị trường này sẽ có giá trị đến 74 tỷ USD vào năm 2021.
Do đó, Google buộc phải chọn việc hợp tác với các nhà mạng, trao cho họ chìa khóa mở ra một nền tảng nhắn tin mới mà họ có thể tự mình thiết lập. Theo Sabharwal, Google luôn tìm cách giữ Android mở và trung lập, và không thể làm việc nếu thiếu các đối tác nhà mạng và OEM.
Giao diện web của Android Messages
SMS và MMS là những dịch vụ cổ lỗ sỉ và đắt đỏ. Trải nghiệm nhắn tin trên Android thì quá tệ. Từ năm 2007, người ta đã nghĩ đến RCS như một giải pháp thay thế SMS/MMS, nhưng mỗi nhà mạng lại phát triển một phiên bản không tương thích của chuẩn này để đấu đá nhau. Đến khi các công ty công nghệ nhảy vào cuộc, phát triển các ứng dụng nhắn tin chỉ cần kết nối dữ liệu di động để gửi tin nahwns, người ta mới nhận ra rằng RCS đã "lạc lối", không có khách hàng, không có tính thực tế, không doanh thu. RCS giống như một công nghệ zombie vậy, đã chết, nhưng vẫn luẩn quẩn tìm cách ăn não khách hàng. Nó đã cắn được Google và Samsung, và hai hãng này có lẽ đang cố cắn lại bạn.
Google đã bỏ ra nhiều năm trời để thử nghiệm một thứ mà họ gọi là "Universal Profile" (chuẩn toàn cầu) - một phương thức chuẩn hóa giúp RCS hoạt động với mọi nhà mạng. Google tuyên bố với các nhà mạng rằng SMS sẽ bị thay thế bằng cách này hay cách khác, các anh có thể là một phần trong chiến dịch thay thế, hoặc đứng đó nhìn Apple và Facebook chiếm đoạt mọi thứ.
Google cũng liên kết với các doanh nghiệp muốn thay thế SMS trong việc liên lạc với khách hàng. Thay vì gởi tin nhắn với một đường dẫn, bạn có thể nhận vé máy bay hoặc đặt hàng sandwich hay bất kỳ thứ gì ngay trong ứng dụng nhắn tin. Hiện tùy chọn tốt nhất với các doanh nghiệp muốn liên lạc với khách hàng thông qua các tin nhắn giàu nội dung là iMessage và Facebook - cả hai đều không chuẩn toàn cầu như SMS.
Các nhà mạng bắt đầu hợp tác với Google. AT&T và Verizon âm thầm đồng ý hỗ trợ chuẩn này vài tháng trước. Đến thời điểm hiện tại, 55 nhà mạng, 11 OEM và hai nhà cung cấp hệ điều hành đã tham gia vào hệ thống mới này.
Hai nhà cung cấp hệ điều hành tham gia hệ thống mới là Google và Microsoft. Điều này không có nghĩa Windows 10 sẽ sớm có ứng dụng Chat, nhưng không gì là không thể.
Vậy bao giờ Chat mới chính thức hoạt động? Theo Sabharwal thì "đến cuối năm nay, chúng tôi (Google) sẽ hoàn thiện, và giữa năm sau, một lượng lớn người dùng sẽ được trải nghiệm". Ông cho biết, thời điểm sẽ khác nhau ở mỗi quốc gia và khu vực trên thế giới. Châu Âu và Mỹ Latin sẽ có trước Mỹ chẳng hạn. Ông nhấn mạnh rằng người dùng Android sẽ được trải nghiệm hoàn chỉnh Chat trong vòng vài năm tới.
Cần chú ý rằng, nếu nhà mạng hoặc thiết bị của bạn không hỗ trợ Chat, bạn sẽ nhận được các tin nhắn SMS và MMS như thông thường và ngược lại. Có nghĩa là iPhone sẽ không nằm trong hệ sinh thái này. Nhưng Apple và nhiều nhà mạng cũng như các doanh nghiệp đang gây sức ép lên Apple, buộc họ phải hỗ trợ RCS. Apple từ chối bình luận về điều này.
Giao thức RCS là một dịch vụ nhà mạng. Có nghĩa là nhà mạng sẽ quyết định Chat có thể và không thể làm gì, và liệu nó có thành công hay không. Như đã nói ở trên, Google đã tìm cách để các dịch vụ Chat của các nhà mạng khác nhau thương thích lẫn nhau.
Chúng ta chỉ có thể hi vọng rằng các nhà mạng sẽ không thu phí Chat theo kiểu của SMS. Bởi các tin nhắn sẽ được gửi qua dữ liệu di động, và nó sẽ miễn phí và được tính vào gói dữ liệu của bạn - theo lời Sabharwal. Tuy nhiên đó chỉ là ước đoán, vì mọi thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của Apple. Bất kỳ chuẩn giao tiếp nào dựa quá nhiều và các nhà mạng không dây đều có nguy cơ bị xáo trộn theo nhiều cách khác nhau, và cả xáo trộn về giá nữa. Chưa kể các nhà mạng thường không quan tâm đến mã hóa và thường cung cấp mọi thông tin khi được chính phủ yêu cầu.
Sẽ có gì thay đổi?
Đầu tiên là thay đổi về ứng dụng. Google sẽ phát triển một giao diện web trên máy tính để phục vụ việc nhắn tin. Bạn sẽ đăng nhập bằng mã QR giống WhatsApp, và giao diện web này sẽ đồng bộ hóa với điện thoại của bạn.
Thứ hai, ứng dụng Android Messages sẽ nhanh chóng có thêm nhiều tính năng, như: trả lời thông minh, Google Assistant, tích hợp với Google Photos, sắp xếp tin nhắn rõ ràng hơn, tìm kiếm tốt hơn, GIF và nhãn dán... Nó sẽ hiển thị các tin nhắn theo từng bong bánh màu xanh, và nếu thích bạn có thể thay đổi màu này.
Xét cho cùng, người dùng vẫn quan tâm nhất về tính năng. Họ thích có những "bong bóng màu xanh" - biểu tượng văn hóa cho thấy bạn đang trong một cuộc trò chuyện mà không hề bị giới hạn 160 ký tự. Chặng đường để đạt được 2 tỷ người Android sử dụng Chat trên thế giới là một con đường đầy chông gai. Việc tung ra Chat cũng vậy. Một số nhà mạng sẽ trì hoãn, nhiều điện thoại Android sẽ bị bỏ lại, hay các công ty cùng tham gia chuẩn mới đấu đá lẫn nhau. Cuối cùng, đặc biệt tại Mỹ, chẳng ai thực sự biết liệu Apple có cúi đầu trước áp lực kêu gọi hỗ trợ RCS hay không? (Apple không phải là kẻ dễ cúi đầu trước áp lực).
Tùy biến là một mớ hỗn độn. Android là một mớ hỗn độn. Do đó hoàn toàn hợp lý khi bản vá tốt nhất cho việc nhắn tin trên Android không phải để giải quyết mớ hỗn độn đó, mà là để chấp nhận nó.
Tham khảo: TheVerge
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng